Thứ Ba, 5 tháng 6, 2018

Kí ức lương thiện



KÝ ỨC LƯƠNG THIỆN

Ấn tượng về “Chuyện lính Tây Nam” - Hồi ức của Trung  Sỹ,NXB Thanh niên, 2018
BÙI VIỆT THẮNG



Không hề ngẫu nhiên khi gần đây loại hình văn học “phi hư cấu” (non-fiction), còn gọi là “văn học tư liệu”, lại xuất hiện dày và có hấp lực với độc giả như“Mùa chinh chiến ấy” của Đoàn Tuấn, “Lính Hà” của Nguyễn Ngọc Tiến,“Chuyện lính Tây Nam” của Trung Sỹ. Cả ba tác phẩm này không hẹn mà gặp đều viết về đời sống chiến đấu của bộ đội Việt Nam trên chiến trường Căm-pu-chia thời kỳ khốc liệt những năm 1978-1983 đáng nhớ trong lịch sử. Cả ba tác phẩm đều là những hồi ức chiến tranh với ưu trội là tinh thần tôn trọng sự thật tuyệt đối, những gì được hồi cố và kể lại đều tựa trên nguyên tắc để cho sự thật lên tiếng. Cả ba tác phẩm đều toát lên vẻ đẹp giản dị, đầy sức thuyết phục của sự thật. Đó là sự bù đắp nguyện vọng của độc giả ngày nay trước tình trạng văn học hư cấu tỏ ra thiếu sức mạnh nghệ thuật trầm trọng, đã tạo ra những bức tranh đời sống nhợt nhạt, không màu sắc, âm thanh, mùi vị, đường nét thực. Văn học phi hư cấu có cái sức mạnh tiềm tàng khi nó chuyển tải tới độc giả một cảm xúc tươi nguyên trước một hiện thực ròng ròng sự sống. Tác giả Trung Sỹ, nguyên trung sỹ thông tin, phục vụ tại Tiểu đoàn bộ binh 4, Trung đoàn 2, Sư đoàn 9, Quân đoàn 4 trong thời gian chiến tranh biên giới Tây Nam 1978-1983. Trong “Lời tựa” ông viết “Tôi là một người lính bộ binh, tham gia cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, đánh đổ chính phủ diệt chủng Khme Đỏ từ năm 1978 đến 1983 (...). Bốn năm đầy hy sinh gian khổ, với rất nhiều bạn bè đồng đội tôi đã không trở về (...). Chính họ đã nhắc tôi kể lại câu chuyện Tây Nam này (...). Tên tuổi các anhem tôi vẫn giữ nguyên không đổi, như là họ vẫn sống trên đời”. Như vậy có thể nói, “Chuyện lính Tây Nam” là chuyện về những người chết và những sống trong và sau chiến tranh. Hồi ức về những ngày chinh chiến là ký ức lương thiện của một người lính.

                        Nhà văn Bùi Việt Thắng



Tác giả đã kể những câu chuyện gì về lính Tây Nam?Trước khi  đọc “Chuyện lính Tây Nam”, trong tủ sách gia đình tôi đã có “Chuyện của lính Tây Nam” (NXB Hội Nhà văn, 2010) của Thủy Hướng Dương (sinh 1972). Tất nhiên chị chỉ có thể nghe kể và ghi lại những câu chuyện của lính Tây Nam bằng ngôn từ của riêng mình. So sánh hai tác phẩm thấy rất khác nhau về nội dung và cách thể hiện. Thật thú vị khi mỗi tác phẩm đều có cái duyên văn của riêng mình. “Chuyện lính Tây Nam” của Trung Sỹ kể 124 câu chuyện ngắn dài khác nhau, từ “Nhập ngũ” đầu tiên đến “ Nước mắt quê hương” cuối cùng. Đọc “Chuyện lính Tây Nam”, tôi rất chú ý đến tâm thế của người lính trong một cuộc chiến với một đối phương đặc biệt, vốn trước đó là đồng chí của nhau (Khme Đỏ). Nếu đánh nhau với quân Pháp, quân Mỹ xâm lăng thì ngay từ đầu cho đến khi cuộc chiến kết thúc, kẻ thù được xác định rất rõ ràng. Nhưng rất khác khi đánh nhau với một đối phương (quân Pôn Pốt) luôn không có khái niệm tù binh (!?). Như thế có nghĩa là chúng ta đang trực đấu với một đối phương chỉ có một nguyên tắc hủy diệt. Một đội quân chỉ biết thôn tính, xóa sổ, tận diệt đối phương. Một kẻ thù mù lòa lương tri, nếu có thể nói như thế. Tính chất khốc liệt của cuộc chiến mới chính là ở chỗ này. Nên lính Tây Nam vì thế không vô tình khi “ Trong nỗi nhớ có riêng thêm niềm kiêu hãnh ngấm ngầm của người lính vừa đánh thắng. Cảm xúc dấn thân chinh phục pha màu lãng tử ấy là có thật. Có thể nó bắt nguồn từ tấm lòng vị nghĩa hay đức hy sinh vốn có, bình thường vẫn tiềm ẩn đâu đó trong con người” (tr. 50-51). Đã vào cuộc chiến thì lẽ sinh tử là mặc nhiên. Nhưng lính Tây Nam vẫn cứ đau đáu nỗi niềm “Chỉ bốn tháng sau, chúng tôi đã thành đồng đội, cũng hành quân rạc rài như thế, cũng chui hầm ngủ đất, không biết sống chết thế nào ở một nơi xa lắc “(tr.8). “ Có chết trận thì cũng chết ngay trên quê hương mình, chứ không phải làm ma lưu lạc trên xứ người “ (tr. 77). Viết như thế là chân thành đến tận xương tủy. Trong thơ thời chống Pháp, có bài “Lên Cấm Sơn” của Thôi Hữu, trải mấy chục năm đọc lại vẫn rưng rưng xúc động vì  sự chân thật của cảm xúc đến tận cùng “Lòng tôi xao xuyến tình thương xót/ Muốn viết bài thơ thấm lệ nhòa/ Tặng những anh tôi từng rỏ máu/ Đem thân xơ xác giữ sơn hà”. Hôm nay đọc “Chuyện lính Tây Nam” củaTrung Sỹ lại thấy cảnh “Gần bốn tháng trời hành quân tác chiến ròng rã không ngơi nghỉ, lăn như bống hết chiến dịch này đến chiến dịch khác. Anh em chúng tôi áo quần rách rưới, tóc tai dài cợp như một lũ người rừng. Đồ lính mỏng tang thấm mồ hôi lâu, trắng loang vai dưới nắng ngày hun, bợt bạt nhiều đêm ngâm suối thường chóng mủn (...). Có đến một ngàn bà mẹ vá áo đêm đêm cũng chẳng bao giờ kịp. Rừng thẳm U răng không phải tỉnh Hà Bắc, và chúng tôi đang lặn lội xứ người (...). Rừng xanh bỗng bày đặt hoành tráng như một sân khấu. Trên cái võng liên tục đó, chúng tôi ngồi tự khâu lấy quần đùi, quần dài cho mình bằng những đường khâu mũi đột còn ngoằn ngoèo vụng dại. Tôi vừa cặm cụi khâu vừa nhớ đến mẹ tôi. Trước ngày nhập ngũ, mẹ tôi đã kịp dạy tôi đường khâu mũi đột mau này. Người đàn ông ngồi khâu có khi còn thương hơn cả người đàn bà ngồi đan trong quá khứ” (tr.110-111). “Chuyện lính Tây Nam” đầy rẫy những cảnh chết chóc của chiến tranh, nhưng có lẽ những gì khiến độc giả xúc động, nhớ lâu phải chăng lại là những cảnh như thế? Vì thế mà “Từ ngày giải ngũ tôi không dám mặc áo lính, bởi nhớ những tấm áo bết máu bạn bè, bởi tấm áo trận dù rách rưới ngày xưa đã trót khoác vào hồn rồi thì không sao cởi ra được nữa”(tr.111). Những cảnh khốc liệt chiến trận không thiếu. Nhưng nếu đem ra so sánh với “Mùa chinh chiến ấy”, “Lính Hà” thì chưa hẳn đã là phần ưu trội của “Chuyện lính Tây Nam”. Tôi muốn nói đến góc nhìn, cách nhìn chiến tranh của tác giả. Anh đặc tả những cái chết của đồng đội “Năm tử sỹ nằm tại trận không mang về được (...). Toàn bộ tử sỹ bị chúng nó dùng xẻng bộ binh băm nát đến mức không nhận ra ai, trông rất thương tâm” (tr.113). Sự man rợ, thú tính của bọn lính Pôn Pốt chính là chỗ này. Chúng nó thích giết, triệt hạ đồng loại bằng những cách thức và phương tiện thô sơ nhất. Như thế mới nhiều cảm giác mạnh. Như thế mới khoái trá, hả hê như cảnh “Thằng lính hậu cần đạp xe lúc nãy nằm sấp trên vũng máu. Đầu nó lìa khỏi cổ vì một nhát chém bằng dao quắm cực ngọt từ phía sau (...). Mùi máu tươi còn chưa kịp thấm hết trên đường cát, tanh nồng dưới nắng chiểu” (tr.143). Cuộc chiến ở Căm-pu-chia cũng đã đẩy hàng triệu dân lành vô tội vào cảnh nồi da nấu thịt, cảnh đồng loại ăn thịt lẫn nhau “Lửa nóng bếp cháo đánh thức, gọi dậy từ đâu đó một mùi gây rất lạ. Tụi trinh sát nhăn mũi hít hít, lấy mũi súng hẩy nắp túi mìn, lục lọi khám bồng. Trên cái xe bò, một thằng bé con đã chết trước khi được ăn cháo. Cạnh chỗ nó là một cái gùi, bên trong có mấy miếng thịt nâu xông khói. Mùi gây lạ lùng kia tỏa ra từ đây. Anh Ky bới sâu xuống đáy, nhấc lên một mẩu thịt sấy khô đét. Hắn nghi ngờ rồi chợt rùng mình quăng xuống. Đó là một cẳng tay người” (tr.132). Cách viết về chiến tranh của Trung Sỹ dễ tạo nên những ám ảnh nghệ thuật.

Không có mất mát nào lớn bằng cái chết. Nhiều người cứ vân vi muốn biết rõ trong cuộc chiến biên giới Tây Nam, chúng ta đã tổn thất bao nhiêu về sinh mạng chiến sỹ. Cách viết tối giản nhưng giúp độc giả sẽ hình dung đủ đầy “ Quân số hao hụt trong chiến đấu, nay càng hao hụt thêm vì sốt rét.  Mỗi đại đội lúc này thường chỉ còn khoảng ba chục tay súng kể cả thông tin đi phối thuộc. Có những trung đội chỉ còn sáu người, đại đội lại phải san bớt người ở các trung đội khác sang” (tr.139). Sẽ có người băn khoăn bộ đội ta đi trận lâu ngày như thế, lại đang trai tráng cả thì chuyện tình cảm, nhất là chuyện sinh lý sẽ giải quyết như thế nào? Trung Sỹ cũng chẳng ngại ngần gì mà không kể một cách thẳng băng trong chuyện “Tinh trùng sốt rét” (tr.235-237). Lại có chuyện kể ra thể hiện cái tình của người viết với đồng đội. Tôi chưa thấy ai viết một cách dí dỏm, độc đáo về cái cách lính ta “khám tù binh nữ” như Trung Sỹ. Một bận có 5 địch nữ đi lạc vào trận địa quân ta. Dĩ nhiên là bọn họ bị bắt sống “Đồ đạc phụ tùng trên người rơi lả tả, tay đưa lên trời cho lính khám. Kiểm tra quân tư trang không có gì đặc biệt (...). Mấy thằng lính ba trợn càng khám kỹ, khuôn mặt tù binh càng giãn ra. Có tiếng kêu khẽ, bởi thấy cơ hội sống sót khá lớn khi bị khám kỹ thế này. Đám nữ tù binh hiểu đã gặp những con người bình thường, gặp các hành động bình thường chứ không phải gặp quân ác thú” (tr. 168).

   Đọc“Chuyện lính Tây Nam” ta cảm nhận được những gì đang hồi sinh rõ ràng hơn những gì đã bị hủy diệt. Đó chính là ký ức lương thiện giúp con người thấu thị hơn quá khứ. Đó chính là thành công của tác phẩm./.

                                                          Hà Nội, tháng Ba, 2018

                                                                                        BVT



           Đăng trên báo Người Hà Ni s 21, ra ngày 1-6-2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét