Thứ Tư, 20 tháng 6, 2018

GỬI với lời bình





Gửi ***
A. Puskin
Anh nhớ mãi phút giây huyền diệu:
Trước mặt anh em bỗng hiện lên
Như hư ảnh mong manh vụt biến
Như thiên thần sắc đẹp trắng trong.

Giữa day dứt sầu đau tuyệt vọng
Giữa ồn ào xáo động buồn lo
Tiếng em nói bên tai anh văng vẳng
Bóng dáng em anh gặp lại trong mơ.

Tháng ngày qua những cơn gió bụi
Đã xua tan mộng đẹp tuổi thơ,
Lãng quên rồi giọng em hiền dịu
Nhoà tan rồi bóng dáng nguy nga.

Giữa cô quạnh âm u tù hãm
Dòng đời trôi quằn quại hắt hiu
Chẳng tiên thần, chẳng nguồn cảm xúc,
Chẳng đời, chẳng lệ, chẳng tình yêu.

Cả hồn anh bỗng bừng tỉnh giấc
Trước mắt anh em lại hiện lên
Như hư ảnh mong manh vụt biến,
Như thiên thần sắc đẹp trắng trong.

Quả tim lại rộn ràng náo nức,
Vì trái tim sống dậy đủ điều
Cả tiên thần, cả nguồn cảm xúc
Cả đời, cả lệ, cả tình yêu.
1825
Thúy Toàn dịch


Lời bình của Nguyễn Thị Lan
Một trong những chủ đề lớn của hơn 800 bài thơ trữ tình của Puskin là tình yêu. “Hầu như tình yêu, tình bạn luôn luôn là những tình cảm chi phối nhà thơ nhiều nhất và là ngọn nguồn trực tiếp nhất của hạnh phúc và đau khổ của cả đời ông” (Biêlinxki)
Cùng với bài thơ “Tôi yêu em” (1829), bài thơ “Gửi*** ” là một kiệt tác thơ tình của Puskin.
Thơ tình của Puskin thường bắt nguồn từ những xúc cảm cụ thể, chân thực với những trải nghiệm tình cảm sâu xa. Những bài thơ tình của thi sĩ chính là sự kết tinh từ những cuộc tình mà ông đã trải qua. “Gửi ***” được Puskin viết năm 1825 là kết quả của một “lịch sử tình yêu” của nhà thơ.
Anh nhớ mãi phút giây huyền diệu”, “ phút giây huyền diệu” đó không vụt thoáng qua mà nối liền từ kỷ niệm này đến kỷ niệm khác do nhiều cuộc gặp gỡ, nhiều lần hò hẹn vun đắp trong một thời gian dài.
Anna Petrnopna Kern, nhân vật chính của bài thơ, trẻ hơn Puskin một tuổi có một cuộc đời gian nan, ngang trái nhưng rất tuyệt vời với đầy ắp những sự kiện cảm xúc phong phú và chói lọi vì nhiều năm được giao du với “Mặt trời của thi ca Nga” – Puskin.

             A. Puskin

 
Chưa đầy 17 tuổi A.Kern đã phải kết hôn với một vị tướng 52 tuổi, phải theo chồng chuyển hết nơi này đến nơi khác phụ thuộc vào nơi đóng quân của chồng. Đầu năm 1819 – ba năm sau khi lấy chồng – cô đến thăm bà cô ở Petecbua và gặp Puskin lần đầu tiên. Puskin sửng sốt trước sắc đẹp của nàng. Còn nàng thì bất ngờ được gặp thi sĩ mà mình ngưỡng mộ. Puskin đã nhiều lần lui tới nơi Kern ở với bà cô.
Mùa hè năm 1825 họ lại gặp nhau sau sáu năm xa cách khi Kern về thăm người nhà ở Trigor – nơi A.Puskin thường lui tới trong thời gian bị lưu đầy ở Mikhailốpxkoiê. Hai người gặp lại nhau khiến nhà thơ rất vui. Nhưng họ lại chia tay nhau. Kern phải đi, trở về với người chồng có giấy giá thú. Sáng hôm tiễn biệt nàng, Puskin linh cảm rằng, lần nay chắc lâu lắm họ mới có dịp gặp lại nhau, anh vội vàng chép chương II của tiểu thuyết thơ Epghênhi Ônhêglin mới viết, gài giữa trang sách là một tờ giấy viết thư gấp tư có chép một bài thơ tặng riêng nàng. Kern cầm trong tay những vần thơ chưa ráo mực của Puskin.
“Anh nhớ mãi phút giây huyền diệu:
Trước mặt anh, em bỗng hiện lên,
Như hư ảnh mong manh vụt biến,
Như thiên thần sắc đẹp trắng trong.”
Mở đầu bài thơ, bằng sự hồi tưởng, bằng cái nhìn ngoảnh lại đẹp như một kỷ niệm tốt lành, anh “kể” cho nàng nghe ấn tượng của mình mà sắc đẹp của Kern đã gợi lên từ phút giây đầu tiên. Với anh, đó là “Phút giây huyền diệu”. Em “hiện lên” với vẻ đẹp kiều diễm chói lòa rực rỡ “như thiên thần”. Em như một trinh nữ “trắng trong” làm anh sửng sốt, choáng ngợp. Vẻ đẹp đó hiện ra trong thế giới thoáng chốc của hạnh phúc. Thế giới ấy đẹp đến nỗi anh tưởng là thế giới siêu thực. Thế giới ấy khó nắm bắt, vừa “hư ảo” vừa “mong manh vụt biến”. Nó như ngọn gió mát lành vụt qua đi, như mặt trời thoáng xuất hiện. nó là “mộng đẹp” của anh – giấc mộng của tuổi trẻ trong trắng với những cảm xúc trinh nguyên. Nó làm anh “nhớ mãi”. Sáu năm trôi qua, khi “nhớ” về phút giây gặp gỡ ban đầu ấy, cảm xúc của Puskin vẫn nồng nàn, say đắm, tươi nguyên.
Nhưng, những ngày tháng xa em, theo dòng thời gian với muôn vàn biến đổi, anh đã gặp bao điều buồn bã.
“Giữa day dứt sầu đau tuyệt vọng
  Giữa ồn ào xáo động buồn lo.”
Câu thơ gợi đến những ngày tháng Puskin ở kinh thành Pêtécbua hoa lệ (1817-1820). Nơi đó thi sĩ bắt đầu sống cuộc sống của một thanh niên quý tộc thực thụ nhưng càng ngày thi sĩ càng chán xã hội thượng lưu
Rồi: “Tháng ngày qua những cơn gió bụi
Phải chăng là gió bụi phương Nam và cuộc sống lưu đày (1820-1824) của Puskin.
Rồi: “Giữa cô quạnh âm u tù hãm”
       Dòng đời trôi quằn quại hắt hiu”
Gợi những tháng ngày Puskin bị đầy bên phương Bắc (1824-1826). Thi sĩ bị quản lý khá chặt chẽ, sống trong sự kiểm soát và bị cô lập ở làng Mikhailốpxkôiê. Xa bạn bè thi sĩ chỉ gần gũi với vú nuôi Arina Riđiônôpna mà nhà thơ gọi là: “Bạn thân thiết trong những ngày cơ cực/ Nguồn mến thương nâng bước đời con”
Giữa những ngày buồn bã và tù túng ấy, tiếng nói “dịu ngọt” của em vẫn “văng vẳng” bên tai anh và cái dáng hình tuyệt diệu thanh tao vẫn đi về trong giấc mơ anh:
“Tiếng em nói bên tai anh văng vẳng
 Bóng dáng em anh gặp lại trong mơ”
Yêu và nhớ em là thế nhưng phôi pha cũng là căn bệnh của thời gian. Tình yêu giết chết thời gian thì thời gian cũng giết chết tình yêu. Tháng ngày với “những cơn gió buị” đã xóa nhòa những kỷ niệm đẹp, từ giọng nói hiền dịu của em và bóng hình kiều diễm của em cũng nhòa nhạt trong anh, như chìm vào quên lãng, lùi sâu vào ký ức.
“Lãng quên rồi giọng em hiền dịu
  Nhòa tan ròi bóng dáng nguy nga”
Và có lúc còn tan biến :
“Chẳng tiên thần, chẳng nguồn cảm xúc”
Tâm hồn anh đã bị tổn thương, bị chai sạn trước “bão gió” của cuộc đời.
Tưởng như tất cả không còn nữa.
Nhưng gặp lại em, thật bất ngờ, tất cả đều sống động, ấn tượng của anh vẫn như xưa. Dòng đời trôi chảy tưởng đã làm tàn phai bao thứ, thế mà sau sáu năm sắc đẹp của em vẫn gợi ấn tượng nguyên khôi về một nàng tiên giáng thế:
“Cả hồn anh bỗng bừng tỉnh giấc
Trước mắt anh em lại hiện lên
Như hư ảnh mong manh vụt biến
Như thiên thần sắc đẹp trắng trong”
Rồi người phụ nữ ấy, sắc đẹp ấy lại làm lay động, lại làm náo nức, lại làm rộn ràng trái tim anh. Trái tim ấy như được hồi sinh, anh lại có tất cả:
“Quả tim lại rộn ràng náo nức
Vì trái tim sống dậy đủ điều:
Cả tiên thần, cả nguồn cả xúc,
Cả đời, cả lệ, cả tình yêu”            
Ở hai khổ thơ 4 và 6 (khổ cuối) ta sẽ thấy sự đối lập tương ứng về mặt kết cấu giữa các câu thơ.
Nếu ở khổ 4:  Chẳng tiên thần, chẳng nguồn cảm xúc
Chẳng đời, chẳng lệ, chẳng tình yêu
Thì ở khổ 6:   Cả tiên thần, cả nguồn cảm xúc
Cả đời, cả lệ, cả tình yêu.
Sự đối lập đó nhấn mạnh nỗi mất mát khi không có “em” và sự hồi sinh khi có “em”. Nó góp phần làm nổi bật tính chất lý tưởng trong quan niệm của Puskin về sắc đẹp, phụ nữ, tình yêu, về cảm hứng thi ca và cuộc sống. Tất cả diễn ra như một phản ứng nghệ thuật liên hoàn.
Bài thơ nồng nàn đắm say với bao cung bậc cảm xúc của một trái tim yêu.
Về phép màu nhiệm của tình yêu, Bielinxki nhà phê bình Nga vĩ đại ở thế kỷ XIX đã viết: “Trong nghệ thuật đa thần giáo, người Hy Lạp cổ không chỉ thần thánh hóa tri thức, lẽ phải, sức mạnh, trí tuệ...mà còn thần thánh hóa sức mạnh tình yêu” ( bằng chứng là có Thần Tình yêu – NTL).
Tình yêu, dòng chảy vĩnh cửu của lịch sử văn học nhân loại là một chủ đề lớn trong thơ trữ tình của thiên tài Puskin.
Viết Gửi*** trong những ngày bị lưu đày, khi Puskin mới 26 tuổi đời, bài thơ nói lên ước mơ, khát vọng của một thanh niên muốn được sống, được yêu. Nó vừa trong trẻo, chân thành, vừa tha thiết, mãnh liệt. Nó “thuần túy tinh thần” với vẻ đẹp thánh thiện, lý tưởng. Nó như bài ca, ngợi ca tình yêu có sức mạnh hồi sinh.
Nhưng Gửi *** không đơn thuần là bài thơ ca ngợi tình yêu, ca ngợi sắc đẹp phụ nữ. Cũng như nền văn học Nga giàu giá trị nhân đạo, luôn hướng thượng và có thái độ thuần khiết với phụ nữ, bài thơ là sự thể hiện thái độ thuần khiết đạo đức và sự tôn vinh chân thành của Puskin đối với phụ nữ. Chính vì thế nó đạt đến vẻ đẹp rực rỡ của tinh thần nhân văn.
Gần một thế kỷ đã qua đi nhưng Gửi*** mãi mãi là một kiệt tác thơ tình, một trong những đỉnh cao về thơ trữ tình của Puskin. Thi sĩ mãi mãi vĩ đại ngay cả trong những dòng nhật ký cuối cùng của Anna Pêtrônopna Kern – người mà ông yêu quý: “Tôi khâm phục ông như khâm phục một thiên tài của Điều Thiện”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét