Thứ Năm, 27 tháng 6, 2024

NGUYỄN NGỌC THIỆN - MỘT PHÁC THẢO CHÂN DUNG

 


NGUYỄN NGỌC THIỆN - MỘT PHÁC THẢO CHÂN DUNG

 

      TS. Phạm Đình Ân

(Hội Nhà văn Việt Nam)

 

   

 

 

PGS.TS, nhà văn Nguyễn Ngọc Thiện, là một tên tuổi văn học, báo chí có nhiều đóng góp nổi bật trong sự nghiệp Lý luận - Phê bình mà ông theo đuổi suốt năm mươi năm. Ông từng là Ủy viên Hội đồng Lý luận, Phê bình VHNT Trung ương, Ủy viên Hội đồng Lý luận - Phê bình Hội Nhà văn Việt Nam và hiện nay là Ủy viên thường trực Hội đồng Lý luận - Phê bình Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam. Ngoài 40 quyển sách chủ biên, 62 quyển in chung, ông đã có riêng 10 quyển, trong đó có hai tuyển tập lớn, xuất bản vào các năm 2018 (832 trang) và 2020 (1228 trang).

Sau quyển sách đồ sộ Nguyễn Ngọc Thiện - Văn và Đời (nhiều tác giả), in năm 2021, 1072 trang, thuộc loại ấn phẩm "Tác phẩm và dư luận", công bố 134 bài của 91 tác giả về Nguyễn Ngọc Thiện, khiến nhiều bạn đọc ngỡ ngàng, ngưỡng mộ, ông có thêm Khúc hợp đàn Văn vừa công bố năm 2023, sách in riêng thứ mười, gom chọn 20 bài viết mới, cũng gây nên sự chú ý của giới chuyên môn và bạn đọc rộng rãi. PGS.TS, nhà văn Nguyễn Ngọc Thiện đã được trao: Giải thưởng và tặng thưởng của Hội đồng Lý luận, Phê bình VHNT Trung ương, Hội xuất bản sách Việt Nam cho các công trình Lý luận - phê bình và đời sống văn chương; Văn chương nghệ thuật và thẩm mỹ tiếp nhận (2013, 2016); Đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng và Lý luận, thực tiễn nghệ thuật (2021).

1- Nguyễn Ngọc Thiện có sức bật năng khiếu và sáng tạo đầy hứa hẹn từ điểm xuất phát. Quê hương bản quán của Nguyễn Ngọc Thiện (làng Nành, Phù Ninh, Từ Sơn, Bắc Ninh, nay là Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội) nhưng ông lại sinh ra (1947) tại thị xã Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Ông có người cha kính quý Nguyễn Ngọc Mai (1917 - 1954) siêng học, chính trực và người mẹ Nguyễn Thị Thuận (1917-2007) quê Nành năm đời khuyến học. Người cha là một trong vài ba người đầu tiên trong làng theo học trường Pháp - Việt. Tuy cha mất sớm, nhưng cụ đã để lại một nền nếp gia phong và mẹ đã tiếp tục chăm sóc các con ăn học đầy đủ, khiến tuổi thơ, tuổi trẻ của Nguyễn Ngọc Thiện hầu như ít bị hẫng hụt. Mẹ ông là trưởng nữ của Tướng Bà Hội Nành cuối thế kỷ XIX. Gia tộc ông cả hai bên nội - ngoại năm đời thông thạo văn sách, đề cao và thực hiện chủ trương khuyến học, khuyến tài. Về đời sống vật chất, nhà văn may mắn xuất thân từ một gia đình trung lưu, lương thiện, có chí làm ăn. Tên Thiện do các ông nội, ngoại đặt cho, trích ra từ bức hoành phi sơn son thếp vàng, khắc châm ngôn THẾ UẨN THIỆN do các ông nội, ngoại đặt cho, treo nghiêm cẩn trên gian thờ tự tại ngôi nhà cổ. Hiện nay, tại nhà riêng của nhà văn ở nội thành Hà Nội - thì 3 chữ vàng ngọc ấy, như một biểu tượng quý báu, được khắc nhỏ lại, đặt ở những nơi trang trọng nhất. Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, "ngụ ý của các bậc ông - bà, bố - mẹ là kỳ vọng các thế hệ hậu sinh sẽ luôn luôn khắc sâu ghi nhớ thực hiện tâm nguyện, định hướng của các bậc tiền bối về sự thượng tôn việc học tập và rèn luyện không ngừng để trở thành con ngoan, trò giỏi, công dân có ích, tài năng mà khiêm tốn, phác thực mà phong lưu, bạt thiệp".

Từ hồi học cấp II, cấp III (Trung học cơ sở, Trung học phổ thông hiện nay) ở Vĩnh Phúc, người học trò nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, minh mẫn ấy đã ham mê văn thơ, miệt mài đọc sách, thậm chí cả tiểu thuyết nước ngoài khá dày của một số nhà văn nổi tiếng, bởi thế cậu có thiên hướng về môn văn. Năng khiếu và ý thức văn chương, viết phê bình của Thiện đã chớm hé từ những năm học cấp III. Chàng trai trẻ còn chịu ảnh hưởng sâu sắc từ người anh rể dạy văn cấp II Tô Hiệu, cấp III Trần Phú. Nguyễn Ngọc Thiện trở thành học sinh giỏi Văn của tỉnh Vĩnh Phúc niên khóa 1962 - 1963. Ngay sau đó anh thi đỗ đại học Tổng hợp Văn dễ dàng.

Quê hương - họ tộc - gia đình đã giúp Nguyễn Ngọc Thiện nảy mầm năng khiếu văn chương chữ nghĩa, và chính ông đã tự tạo cho mình một sức bật lên dứt khoát, mạnh mẽ từ khi còn học trường phổ thông, thể hiện quá rõ ở những năm học đại học, tạo nên một sự nghiệp Lý luận - Phê bình sau này.

Vào đại học, Nguyễn Ngọc Thiện một lần nữa được trau dồi sức sáng tạo mới trong một lớp học hơn trăm sinh viên. Khóa luận năm thứ ba (1966) và Luận văn tốt nghiệp (1967) của sinh viên Nguyễn Ngọc Thiện viết về lý luận văn học Việt Nam đạt trình độ xuất sắc. Sau khi tốt nghiệp cử nhân văn chương trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, ba sinh viên Bùi Công Hùng, Huỳnh Vân và Nguyễn Ngọc Thiện được hai giáo sư là thầy Hoàng Xuân Nhị, chủ nhiệm khoa Ngữ văn và thầy Đinh Gia Khánh cùng thầy Hà Minh Đức giới thiệu về Viện Văn học làm cán bộ nghiên cứu tại cơ quan nghiên cứu văn học hàng đầu của miền Bắc. Từ đó, nhà nghiên cứu trẻ mau chóng trở thành cây bút lý luận - phê bình được dư luận học thuật chú ý. Nguyễn Ngọc Thiện gắn liền với Viện Văn học gần bốn mươi năm. Ông từng đảm nhiệm chức Trưởng ban Lý luận - Phê bình của Viện Văn học.

Trẻ trung tuổi 27 (1974), Nguyễn Ngọc Thiện công bố bài phê bình đầu tiên, viết về thơ Phạm Tiến Duật trên Tạp chí Văn học, là trường hợp hiếm hoi khi ấy. Ông ra sách muộn, quyển tiểu luận phê bình Văn chương và tác giả (1995), là do bị gián đoạn khi vào bộ đội và ra nước ngoài làm nghiên cứu sinh, bảo vệ luận án tiến sĩ. Đó là hai trải nghiệm đời sống và khoa học cần thiết đối với đời riêng và sự nghiệp chung của một người ham học, ham hiểu biết và dấn thân đến cùng cho khoa học xã hội - nhân văn.

2- Nguyễn Ngọc Thiện là một nhà nghiên cứu lý luận - phê bình  về văn học Việt Nam hiện đại nổi trội. Có mấy điều dễ nhận ra nhất:  ông là một trong số không nhiều tác giả kiên trì trung thành với tư duy và phương pháp phê bình mác - xít. Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh ý nghĩa cao cả, sâu sắc của đường lối văn nghệ của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh. Ông viết về văn hóa chính trị khá nhuyễn. Ông có những quyển sách in riêng rất đáng chú ý: Nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh ? (2004, 610 trang); Đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng và Lý luận, thực tiễn nghệ thuật (chuyên khảo, 2020, 360 trang). Và những sách chủ biên, chụm vào các vấn đề quan trọng, cấp thiết nêu trên, như: Nhìn lại cuộc tranh luận nghệ thuật 1935 - 1939 (1996); Hải Triều - nhà lý luận tiên phong (1996, 2004); Tranh luận văn nghệ thế kỷ XX, 2 tập (2003). Trong quyển Khúc hợp đàn Văn, nhân kỷ niệm 70 năm thành lập Liên hiệp các Hội Văn học, Nghệ thuật Việt Nam, Nguyễn Ngọc Thiện công bố một số tiểu luận có giá trị. Đó là: Từ Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943) đến Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (11-1946) và buổi đầu phát triển đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng Cộng sản Việt Nam; Đề cương văn hóa Việt Nam với sự thành lập các tổ chức Hội văn hóa, văn nghệ; Văn hóa, nghệ thuật cần "vào sâu trong tâm lý quốc dân", "soi đường cho quốc dân đi"; Những bài học về lý luận và thực tiễn đảm bảo thực thi hiệu quả đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng; Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái trong văn học, nghệ thuật; v.v.

Nguyễn Ngọc Thiện, trên cương vị một nhà nghiên cứu, phê bình, ông viết nhiều về chính lý luận - phê bình, ra sách về bàn về lý luận - phê bình. Sách ông viết và chủ biên nghiêng hẳn về phía lý luận - phê bình. Điều này đã rõ nhưng ít bạn đọc, bạn nghề nhấn mạnh. Ông hệ thống hóa, tôn vinh 5 thế hệ các nhà lý luận - phê bình văn học, nghệ thuật: giai đoạn trước cách mạng tháng Tám – 1945; giai đoạn chống Pháp 1945 – 1954; giai đoạn chống Mỹ 1954 – 1975; giai đoạn Thống nhất nước nhà và Đổi mới 1975 – 2000; giai đoạn từ đầu thế kỷ XXI đến nay. Nguyễn Ngọc Thiện cũng có nói đến đời sống văn học, nói đến sáng tác, nhưng chủ yếu là văn xuôi. Với 12 bài viết về Ma Văn Kháng, ông có thể tách ra thành một quyển sách. Thường thường ông tránh lối phê bình kể lể nội dung, bởi ông phù hợp với lý luận chung hơn cả. Ông chú ý đến văn học ở các vấn đề, sự kiện, hiện tượng, phong trào, tác phẩm… với cách nhìn vừa cụ thể vừa khái quát, nhằm đưa ra những nhận xét lý luận. Ông dẫn được nhiều chứng cớ, chi tiết, có giải trình rõ ràng rồi kết luận vấn đề, nêu ra kinh nghiệm, bài học một cách thỏa đáng.

Ngòi bút Nguyễn Ngọc Thiện nhạy cảm về nhân vật và sự kiện văn học. Thí dụ như, ở văn hóa - văn học đầu thế kỷ XX, người đọc ấn tượng mạnh mẽ về hình ảnh - chân dung Phan Khôi, Thiếu Sơn, Hoài Thanh, Hải Triều, Vũ Ngọc Phan…

Ông viết giản dị, mạch lạc và súc tích, sâu sắc. Ông tránh viết đưa đẩy, làm dáng, khoe kiến thức đông tây kim cổ. Ông tâm sự rằng "cách làm của tôi là trên tinh thần khách quan, trung thực, có đến đâu nói đến đấy, căn cứ vào văn bản thực chứng, tránh suy diễn hồ đồ" (Nguyễn Ngọc Thiện - Văn và Đời, tr.1001). Ít có những liên hệ hướng ngoại gượng gạo trong văn nghên cứu của ông. Ít gặp trên trang sách của Nguyễn Ngọc Thiện những thuật ngữ, câu chữ lạ lẫm, cầu kỳ "mới lạ"… Ông viết về văn học Việt Nam như nó đã và đang tồn tại một cách cụ thể, sáng rõ.

3-Nguyễn Ngọc Thiện là nhà sưu khảo, chủ biên xuất sắc. Bên cạnh thành tựu sáng tạo văn học về nghiên cứu lý luận - phê bình, Nguyễn Ngọc Thiện có thành tựu về sưu khảo, cụ thể là sưu tầm, sưu tập, biên soạn, tuyển chọn, chủ biên, nói gọn là chủ biên. Nếu người ta làm nhiều loại sách thì Nguyễn Ngọc Thiện chỉ làm sách văn học, hơn thế, những sách chỉ liên quan trực tiếp đến nghiệp văn ở phạm vi hẹp mà ông nghiên cứu và chủ yếu là những bộ sách lớn. Ông đã tham gia làm chủ biên bốn mươi đầu sách. Đáng chú ý là: Nhìn lại cuộc tranh luận nghệ thuật 1935-1939 (1996); Tuyển tập phê bình, nghiên cứu văn học Việt Nam (1900 - 1945), 5 tập (1998); Tao Đàn 1939, trọn bộ 2 tập (1998); Văn học Việt Nam thế kỷ XX, quyển 5: Lý luận - phê bình, 13 tập (2005 – 2010). Những sách ông biên soạn, chủ biên là những công trình rất có giá trị, chưa ai làm và cũng chưa ai làm lại. Phải nói rằng ông là một nhà biên soạn sách văn học mẫu mực, dày công, đáng nể. Những sách ấy là sách công cụ, sách tư liệu, rất cần cho các nhà nghiên cứu, làm lý luận - phê bình. Như vậy là Nguyễn Ngọc Thiện không chỉ cặm cụi viết cho mình và còn tạo cho đồng nghiệp viết được thuận lợi hơn khi có loại sách này của ông. Nhận được Tuyển tập phê bình - nghiên cứu văn học Việt Nam (1900 – 1945), GS. TS. Trần Đình Sử  rất vui mừng và cảm kích,  đã viết ngay  bài hồi đáp, với nhan đề Cuộc mở đầu biến thông ngoạn mục. Có thể, bộ sách này là một gợi ý ban đầu cho GS.TS. Trần Đình Sử viết ra tác phẩm nghiên cứu về các tác giả phê bình văn học Việt Nam mới xuất bản. Nhà phê bình Lại Nguyên Ân cũng đánh giá cao bộ sách này. Theo ông, trước đây đã có tuyển tập, nhưng còn giản đơn, nghiêng về sáng tác. Chỉ đến Nguyễn Ngọc Thiện mới có bộ sách lấy phê bình, nghiên cứu làm đối tượng của tuyển tập. Ông viết: "Khi phê bình văn học, theo nghĩa rộng, bao hàm cả lý luận, nghiên cứu) đã thành đối tượng là tuyển tập, hẳn nó cũng sẽ là đối tượng viết sử. Hướng viết văn học sử theo mạch sự phát triển các thể loại hẳn cũng là một hướng có hứa hẹn (Nguyễn Ngọc Thiện - Văn và Đời).

Có người hỏi một nhà nghiên cứu văn học rằng tại sao Nguyễn Ngọc Thiện vẫn chưa được trao Giải thưởng mới cao hơn những Giải thưởng mà tác giả này đã được tặng, thì được nghe trả lời rằng [có lẽ] do anh ấy làm biên soạn nhiều. Quả thật người ta thường thường xem nhẹ sự đóng góp học thuật của người biên soạn. Nhưng, đối với Nguyễn Ngọc Thiện, tác phẩm sưu tập, biên soạn, chủ biên của ông là một thành tựu lớn, có đóng góp quan trọng về chuyên môn. Đây là một phần công việc của ông, cần được xem như thành tựu làm sách công cụ của ông. Mặt khác, chính những bộ sách đồ sộ kia đã giúp ông hoàn thiện thành quả sáng tạo của mình. Sách biên soạn của ông đã giúp nhiều Thạc sĩ, Tiến sĩ, Giáo sư văn hóa làm tốt công việc của họ.

Tháng 6 năm 2003, Bộ Nội Vụ đã tặng ông kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Văn thư - Lưu trữ do ông có thành tích “đã có công lao gìn giữ, bảo quản và hiến tặng tài liệu lưu trữ có giá trị, góp phần làm phong phú phông lưu trữ quốc gia Việt Nam”.

4- Nguyễn Ngọc Thiện với những chuyện lạ khác người

- Ông yêu văn chương và ham viết từ khi còn học Trường phổ thông, bởi thế số phận đã đưa đẩy ông vào Đại học quá sớm, khi vừa bước qua tuổi mười lăm, lên tuổi 16 phải khai tăng 1 tuổi mới vào được đại học. Thiện là một trong hai sinh viên nhỏ tuổi nhất lớp Văn khóa VIII, Đại học Tổng hợp Hà Nội (1963 – 1967).

- Ông có chí hướng về phê bình văn học, từ những năm cuối phổ thông và suốt bốn năm đại học, để rồi sau này gắn bó suốt đời chỉ một hướng đi: nghiên cứu lý luận và phê bình. Ông không tham gia sáng tác, nghiên cứu bất cứ các lĩnh vực nào như: âm nhạc, sân khấu, mỹ thuật, dịch thuật, mặc dù ông có hiểu và yêu thích các bộ môn ấy. Có chụp ảnh đến nhiều nghìn bức, nhưng chỉ xem là thú vui, tặng bạn bè, làm kỉ niệm gia đình, không hành nghề chuyên nghiệp chỉ xem mình là không chuyên về nhiếp ảnh.

- Với vai trò Thư ký tòa soạn đến Phó và Tổng biên tập, ông đã làm việc ở Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam lâu năm nhất: hơn hai mươi năm (1997-2023), trong đó 7 năm kiêm nhiệm và 15 năm tiếp theo (2006-2021) làm Tổng Biên tập. Những Tổng biên tập tiền nhiệm là Bằng Việt, Vũ Duy Thông, Hồ Phương, Phượng Vũ, Phạm Tiến Duật). Ông là một nhà văn, Tổng biên tập tạp chí về văn học, nghệ thuật có đóng góp nhiều nhất cho sự tồn tại và phát triển của cơ quan ngôn luận Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam. Với những cống hiến to lớn, Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Đồng thời Tổng biên tập Nguyễn Ngọc Thiện cũng vinh hạnh được nhận Huân chương loại này.

- Nguyễn Ngọc Thiện là người giàu có về tình nghĩa thầy - trò, bạn đồng môn và đồng nghiệp. Thầy - trò nói ở đây vừa là trò cũ với thầy xưa, vừa là chính bản thân thầy Nguyễn Ngọc Thiện với sinh viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học chuyên ngành lý luận văn học Việt Nam, Văn học Việt Nam hiện đại, báo chí học mà PGS. TS đã và đang giảng dạy với tư cách giáo viên thỉnh giảng Đại học và sau Đại học từ 2000 đến nay. Ông đã giúp nhiều  chục sinh viên làm khóa luận tốt nghiệp Đại học, hướng dẫn 6 nghiên cứu sinh viết 6 Luận án tiến sĩ Ngữ văn và hướng dẫn 69 học viên cao học viết và bảo vệ các luận văn Thạc sĩ Ngữ văn và Báo chí học. Nhiều học trò sau khi trở thành Tiến sĩ, Thạc sĩ vẫn thường xuyên liên hệ với thầy, đón sách ra của thầy để hồi âm san sẻ niềm vui và viết bài hưởng ứng. Thầy cũng tiếp tục giúp đồng nghiệp trẻ những việc gì mà các bạn ấy cần. Tình thầy - trò ở Nguyễn Ngọc Thiện nhìn rộng ra còn là tình bằng hữu thân thiện, liên tài, tri kỷ giữa những người tâm huyết với văn chương nghệ thuật, lấy đó là sự nghiệp gắn bó suốt đời.

Riêng việc sẽ nói dưới đây là hiếm xảy ra, rất khó làm, được mọi người khen ngợi. Đấy là những cuộc họp mặt của sinh viên Ngữ văn khóa VIII (1963-1967) Trường Đại học Tổng hợp, Hà Nội, có mời các thầy đến dự. Trò gặp trò, thầy và trò gặp nhau, bịn rịn, hoan hỉ, hứa hẹn…Lớp Thiện có hơn trăm sinh viên, tất nhiên mỗi lần đến đều không đủ, nhưng cũng khá đông. Các anh Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Thái Ninh làm công tác chính trị, giữ cương vị cao. Nhiều bạn thân khác đã trở thành tác giả văn chương - nghệ thuật, báo chí như: Nguyễn Thị Nam, Ngô Thế Oanh, Vũ Duy Thông, Dương Đức Quảng, Nguyễn Thị Hồng Duệ, Bùi Công Hùng, Chu Chí Thành, Phan Cung Việt, Nguyễn Văn Vĩnh, Hoàng Chương, Nguyễn Kim Trạch, Vũ Trung Huyến, v.v. Ba quyển sách tư liệu, hồi ức, tuyển chọn về lớp, về thầy được xuất bản. Nguyễn Ngọc Thiện thuộc số những cựu sinh viên hăng hái nhất thống kê tên người, sưu tầm địa chỉ, mời họp mặt. Là người thông thạo về công việc xuất bản - biên tập, ông kêu gọi, hướng dẫn mọi người gửi thông tin, ảnh chân dung, bài ôn lại kỉ niệm rồi làm chủ biên, in sách. Năm 2003, có quyển Từ mái trường này, 864 trang. Năm 2013, kỷ niệm 50 năm tựu trường, có quyển Người văn - Nghĩ và sống, 760 trang. Năm 2021, có quyển sách ảnh Tình thầy trò (Nguyễn Ngọc Thiện đồng chủ biên). Những quyển sách này được Nguyễn Ngọc Thiện nêu trong hệ thống sách chủ biên của ông. Nếu không có Thiện - một cựu sinh viên chuyên làm nghiên cứu, phê bình văn học - có đức tính cần mẫn, liên tài thì có thể việc họp mặt rồi ra sách như trên rất khó thực hiện.

- Ông là người vừa nỗ lực vừa có thuận lợi vượt qua khó khăn của nghề nghiệp về điều kiện làm việc. Ông có cuộc sống ổn định, thậm chí có đủ tiền để đầu tư vào việc nghiên cứu, viết bài, mua sách, tham khảo, làm sách và in sách. Ông nói thẳng với mọi người: ra hiệu sách mà cứ băn khoăn, nâng lên đặt xuống một quyển sách đang rất cần cho công việc của mình thì khó làm tốt được công việc nghiên cứu.

- Ông là một nhà sưu tập cần mẫn. Ông đã dày công sưu tầm và lưu trữ sách, tài liệu từ nhiều năm qua. Tại nhà ông, Thế Uẩn thư trai, (thư viện cá nhân) có hàng chục nghìn cuốn sách, tạp chí được sắp xếp khoa học, dễ tìm. Ngoài sách công cụ, sách chuyên ngành, ông có đầy đủ sách của một số tác giả. Tất nhiên sách do ông viết và biên soạn được để chật một tủ riêng. Ông sẵn sàng cho sinh viên, bạn nghề mượn miễn phí khi ông biết người nhờ cậy ông là bạn đọc đáng tin cậy. Nguyễn Ngọc Thiện đã tìm đến Trung tâm lưu trữ Quốc gia III (34 Phan Kế Bính - Hà Nội), đề nghị cộng tác cho làm hồ sơ, tiếp nhận lưu trữ vĩnh viễn các hiện vật chọn lọc về tác phẩm của ông, bao gồm: những tác phẩm chính (bài báo, quyển sách) đã công bố, xuất bản trong năm mươi năm qua các bản in giấy, bản thảo viết tay, đánh máy chữ, vi tính, cùng các tư liệu bản gốc về nhân thân, về sự nghiệp của ông. Mục lục hồ sơ có 21 tờ, thống kê 77 đơn vị bảo quản + 327 số Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, từ đầu tiên số 1 (11-1991 đến số cuối cùng 311 (4-2022).

- Mười đầu sách in riêng của ông cũng được lưu trữ đầy đủ trong các thư viện lớn cả nước, Thư viện Quốc hội và Thư viện các Trường Đại học lớn ở Hoa Kỳ, tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

- Không học chính quy một lớp giảng dạy nào về nghề xuất bản, nghề biên tập sách, báo, trình bày mỹ thuật, nhưng Nguyễn Ngọc Thiện lại am hiểu cách làm sách, làm tạp chí, quy định về các kiểu trình bày, biên tập hợp lý, chuẩn mực. Việc này liên quan hữu cơ đối với sự nghiệp làm sưu tập, chủ biên của Nguyễn Ngọc Thiện. Ông chú ý đến bố cục các bài, các phần, các chương. Rồi đến cách in, kiểu chữ tên bài, tên tác giả xác định khi nào chữ là thường, khi nào là chữ hoa, chữ nghiêng. Ông cho rằng chữ nhan đề cần dùng chữ thường xen lẫn chữ hoa (nếu có) để phân biệt ý nghĩa định danh của từng yếu tố riêng rẽ. Ông chăm chút quyển sách, trang văn, từ cái nhìn của nhà Ngữ văn học. Thật ra, tạp chí do ông phụ trách, nó cũng gần như sách. Mỗi quyển tạp chí có thể xem tương đương là một quyển sách nhiều tác giả. Tại mục khai chủ biên, ở số thứ tự 38, tác giả ghi: "Là Tổng Biên tập chủ trì xuất bản 174 số tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam". Như vậy, có thể hiểu rằng ông tự nhận đã chủ biên tương đương 174 quyển sách và tất cả số đó hợp thành trọn vẹn một bộ sách 174 tập. Ông hướng dẫn nhóm biên tập viên làm có lề có lối, quy củ, người dưới quyền cứ vậy làm theo cho đúng. Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam trong 15 năm ông làm Tổng Biên tập (2006 - 2021) được đánh giá là đẹp sang, bài có chất lượng, ít sai sót.  

-  Ông nói vui với bạn rằng Thiên phú cho ông con số 7 liên tiếp trùng lặp. Chuyện kỳ lạ này lan truyền như giai thoại, được nhiều tác giả đưa vào bài viết về ông. Rằng, lên 7 tuổi mồ côi bố; 17 tuổi vào đại học; tốt nghiệp Đại học năm 1967 và về Viện Văn học làm việc cùng năm đó; bài đầu tiên in Tạp chí Văn học tháng 7-1974; 27 tuổi lấy được vợ; 37 tuổi hai vợ chồng đều cùng đi làm nghiên cứu sinh tại Liên Xô và Cộng hòa dân chủ Đức; tốt nghiệp tiến sĩ tại Cộng hòa dân chủ Đức, trở thành tiến sĩ văn chương Việt Nam thứ 17 tại nước này; được kết nạp làm hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 1997, cùng dịp ấy được kiêm nhiệm chức Thư ký tòa soạn Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam; nhận chức Tổng biên tập Diễn đàn VNVN tháng 7 năm 2006; năm 57 tuổi tổ chức lễ thành hôn cho con gái. Đại gia đình Nguyễn Ngọc Thiện bảo nhau chọn ngày 17 tháng 11 hằng năm - ngày Thày của ông nhận bằng tốt nghiệp tiểu học do Nhà nước bảo hộ cấp ngày 17-11-1932 - làm Ngày truyền thống Khuyến học.

  *

*    *

Chỉ ba năm nữa là đến tuổi tám mươi mà Nguyễn Ngọc Thiện, PGS. TS. nhà văn, nhà giáo, nhà báo, nhà biên khảo, nhà quản lý cơ quan báo chí, nhà truyền bá tư tưởng của Đảng, sau 55 năm liên tục, bền bỉ làm việc, vẫn còn giữ được dáng vẻ trẻ trung, tươi tắn, vẫn sung mãn về sức sáng tạo, về cả thể chất cùng trí tuệ, tâm hồn. Nguyễn Ngọc Thiện tự nhủ lòng: nghề lý luận - phê bình là một chuyên môn loại biệt, phải xét mình, hội đủ năng khiếu, kiến thức, tài năng, sự thành thật và dũng cảm, dấn thân, chung thủy.  Sự nghiệp nghiên cứu khoa học xã hội - nhân văn, viết tiểu luận - phê bình của ông đã trải rộng dài trên một con đường gần như liền mạch và rộng thoáng, có đi có đến, tiền xưa hứa hẹn thế nào ắt đến hậu nay đáp đền lại hoàn hảo thế ấy, thật là bõ công "mài sắt". Rời khỏi công việc làm Tổng biên tập một tạp chí - từng tạo cho ông nhiều thuận lợi - Nguyễn Ngọc Thiện được dành ra nhiều thời gian để thực hiện tốt những dự định mới ở những năm tháng hiện tại bộn bề công việc của đời sống,  của văn học, như là một thách thức cần phải vượt qua đối với ông và cả giới nghiên cứu văn học. Chúc ông đạt thêm những thành tựu mới.

 

Hà Nội, 25 - 5 - 2024

P - Đ - Â

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét