Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2024

TIẾNG ĐÀN CHIỀU

 



TIẾNG ĐÀN CHIỀU

của NGUYỄN LÂM CẨN
Xế chiều dạo khúc đàn chơi
Âm thanh như đọng tiếng đời vào tâm
Lắng tai trong tiếng sắt cầm
Con đường thiên lý bóng râm nhạt nhoà.
Ôm đàn gảy khúc chiều tà
Bàn chân vô định biết là về đâu
Từng âm rứt sợi trắng đầu
Thả theo gió cuốn qua cầu gió bay .
Tiếng đời búng ở trên tay
Thấm vào gan ruột đắng cay tuổi trời
Cố hương tiếng vọng vời vời
Âm thanh lặng, ứ đầy vơi nỗi niềm.
Đàn chiều dạo khúc bình yên.
Tránh xa thời thế kim tiền lụy thân
Bánh xe lăn chốn phong trần
Con đường lậc khậc xoay vần đến đâu.
Hà Nội, 22-6-2023
LỜI BÌNH CỦA NGHIÊM THỊ HẰNG
Bài thơ lục bát “Tiếng đàn chiều” của tác giả Nguyễn Lâm Cẩn cho bạn đọc nhớ lại Thúy Kiều trong tác phẩm “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du đã có bốn khúc đàn ở các hoàn cảnh, tâm trạng khác nhau. Bốn khúc đàn của Thúy Kiều, khúc nào cũng hay với tâm trạng yêu đương và đau khổ. Lần thứ nhất Kiều đàn cho Kim Trọng nghe sau lần gặp gỡ. Lần thứ hai, Kiều đàn cho Hoạn Thư nghe, khi nàng bị bắt và hành hạ ở nhà họ Hoạn. Lần thứ ba, Kiều bị ép hầu đàn cho Hồ Tôn Hiến sau khi Từ Hải lâm chung. Lần cuối là Kiều đàn cho Kim Trọng nghe sau mười lăm năm tái hợp .
Còn 16 câu thơ lục bát của Nguyễn Lâm Cẩn trong “Tiếng đàn chiều” chính là tiếng lòng của tác giả, đã đi qua nắng sớm, chiều mưa, ngoảnh lại nhìn những bước chân phong trần, lòng còn trĩu nặng chuyện nhân tình thế thái.
“Tiếng đàn chiều” là bài thơ 4 khổ. Tại sao tác giả lại chọn thể thơ lục bát để nói “ Tiếng đàn chiều”? Có lẽ trong các thể thơ ngũ ngôn, tứ tuyệt, thơ tự do, không đủ những âm thanh trong từng câu chữ như thơ lục bát một dòng thơ truyền thống bậc nhất trong làng thơ Việt Nam, cũng giống như trong các loại đàn Piano, Organ, Guitar, đàn nhị, đàn nguyệt, đàn bầu… thì người Việt Nam vẫn ưa chuộng tiếng đàn bầu nhất với “ cung thanh là tiếng mẹ, cung trầm là giọng cha”. Bốn khổ thơ lục bát trong bài thơ “Tiếng đàn chiều” là những cung bậc khác nhau, tiếng lòng khác nhau của tác giả .Khổ thơ thứ nhất là tiếng đàn lúc xế chiều: Xế chiều dạo khúc đàn chơi/Âm thanh như đọng tiếng đời vào tâm/Lắng tai trong tiếng sắt cầm/Con đường thiên lý bóng râm nhạt nhoà”. Thơ đã nói thay lời, cảnh ấy lúc xế chiều, tức đã quá chiều. Chiều ở đây là chiều trong không gian, thời gian, chiều ở đây còn là lúc luống chiều của tuổi tác. Cảnh ấy, tình ấy, ta dạo khúc đàn chơi và “Âm thanh như đọng tiếng đời vào tâm”. Âm thanh có thể thoảng qua, có thể ngân nga đọng lại trong không gian, thời gian, là con số đo, có thể tính được, có thể nhòa phai cùng năm tháng. Còn “Âm thanh như đọng tiếng đời vào tâm” là sự khẳng định đọng mãi với thời gian với không gian, đọng mãi trong tâm nguyện, trong trái tim chẳng bao giờ nhòa phai. Chợt nhớ lời ca “Lắng tai nghe đàn bầu ngân dài trong đêm thâu” trong ca khúc “Tiếng đàn bầu” của nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc, giờ ta lại lắng tai nghe tiếng sắt cầm của Nguyễn Lâm Cẩn. Sắt Cầm là từ ghép nói về hai loại đàn cổ xưa. Đàn Cầm dài ba thước sáu tấc, căng 7 dây. Còn Đàn sắt có 50 dây, sau đổi thành 25 dây. Người xưa coi hai loại đàn này là “nhã nhạc chính thanh” (âm thanh chính của nhã nhạc). Đàn Sắt, đàn Cầm hòa tấu nhịp nhàng, được dùng để ví cho vợ chồng hòa hợp, nói rộng hơn là đất nước thanh bình. Tác giả đã“Lắng tai nghe tiếng Sắt Cầm”, vang lên trên “Con đường thiên lý bóng râm nhạt nhoà”. Ấy là nghe tiếng cuộc đời trong âm thanh “Sắt Cầm” vang lên cùng năm tháng. Giờ đã xế chiều, bóng râm cũng đã nhạt nhòa như con đường thiên lý tác giả đã qua, những kỉ niệm vui buồn giờ lùi lại phía sau.Tiếng đàn khúc xế chiều Nguyễn Lâm Cẩn ngoảnh lại, ngoái trông, hoài cảm, để đến khúc đàn khi chiều tà“Ôm đàn gảy khúc chiều tà/Bàn chân vô định biết là về đâu/Từng âm rứt sợi trắng đầu/Thả theo gió cuốn qua cầu gió bay”. Khúc đàn này thể hiện rõ sự giằng co đôi nẻo trong cõi nhân sinh. Tiếng đàn khúc chiều tà, cũng là tiếng lòng người khi tuổi đã cao niên. Khúc đàn khi chiều tà trầm xuống, bởi tác giả cũng đã đi qua những tháng năm trai trẻ. Giờ đây “Bàn chân vô định biết là về đâu?”. Tác giả ngoảnh lại đường đời xa ngái với những con đường tuổi trẻ đã qua. Giờ đây tuổi đã cao niên, bước chân vô định sẽ đưa ta một ngày nào đó tới miền mây trắng, biết vậy… ta vẫn ngờ nên mới hỏi về đâu? Tiếng đàn khúc chiều tà “Từng âm rứt sợi trắng đầu”, nối tiếc lắm, day dứt lắm, như rứt từng sợi tóc bạc trên đầu, nhắc nhớ tuổi mình. Một mai tiếng đàn cũng “Thả theo gió cuốn qua cầu gió bay” còn thi sĩ, một mai cũng theo gió cuốn mây bay về trời. Ấy là thơ nói cho mình, còn thi sĩ nói cho thiên hạ khúc đàn chiều tà, buồn cho thế sự chiều tà đổi thay. Cuộc sống vẫn phải tồn tại, nhưng không thể không buồn khi“Bàn chân vô định biết là về đâu?”, nỗi buồn theo khúc đàn chiều tà ngân lên.“Tiếng đàn chiều”, là khúc nhạc trầm với nỗi niềm của tác giả khi “Tiếng đời búng ở trên tay/Thấm vào gan ruột đắng cay tuổi trời/Cố hương tiếng vọng vời vời/Âm thanh lặng, ứ đầy vơi nỗi niềm”. Khổ thơ thứ 3 chính là cao trào tình cảm của tác giả trong khúc nhạc trầm. Thi sĩ không còn nói đến tiếng đàn mà nói đến “Tiếng đời búng ở trên tay” cũng nổi chìm, giông gió, cũng vui buồn, ưu tư. Tiếng đời “búng ở trên tay” chưa có ai nói thế bao giờ, chỉ có búng dây đàn trên phím, bây giờ thi sĩ mượn phím đàn để búng cuộc đời mình trên tay, để rồi “Thấm vào gan ruột đắng cay tuổi trời”. Nguyễn Lâm Cẩn không nói là tuổi mình, mà nói là tuổi trời, bởi tự xa xưa các cụ đã nói tuổi trời cho, tuổi là của trời cho thần dân thiên hạ và trời cũng cho kiếp người thấm vào gan ruột đắng cay của đời. Nguyễn Lâm Cẩn xa quê mà lớn lên và trưởng thành trong những kỷ niệm buồn vui, cay đắng của thời cuộc. Nhưng ở đâu thi sĩ vẫn về cố hương, nơi chôn rau cắt rốn, để mà buồn mà vui, trong nỗi nhớ quê, của người xa xứ. Nỗi niềm ấy thi sĩ đã mượn tiếng đàn gửi vào thơ để nhớ “Âm thanh lặng, ứ đầy vơi nỗi niềm”. Trên đường thiên lý dẫu qua phong trần, tấm lòng nhân hậu của nhà thơ, lại dâng lên với tiếng “Đàn chiều dạo khúc bình yên/Tránh xa thời thế kim tiền lụy thân/Bánh xe lăn chốn phong trần/ Con đường lậc khậc xoay vần đến đâu”.Đó là khúc trong mơ, là tiếng đàn dạo lên trong bình yên. Trong cảnh bình yên ấy, tác giả mong “Tránh xa thời thế kim tiền lụy thân”. Đó là mong ước của dân lành, ở thời thế nào cũng giữ mình tránh lụy thân, vì tiền, vì chức. Ở tuổi xế chiều, cuộc đời tác giả như “ Bánh xe lăn chốn phong trần” sướng vui, đau khổ đã qua, giờ thì “Con đường lậc khậc xoay vần đến đâu” ấy là câu chuyện của tạo hóa xoay vần thế gian.
Bài thơ khép lại, là tiếng lòng của tác giả đã lắng sâu qua chốn phong trần để chờ đón con đường đang đi tới, con đường của tạo hóa xoay vần, trong tiếng đàn chiều ngân vang.
Qua 16 câu thơ lục bát, một thể thơ rất khó gieo vần, nhưng không phát hiện ra một câu thơ nào bị ép vần, chính là sự thành công của tác giả. “ Gừng càng già càng cay” là duyên thơ lục bát của Nguyễn Lâm Cẩn với rất nhiều bài thơ lục bát nhuần nhuyễn, tạo chỗ đứng cho tác giả trong lòng bạn đọc yêu thơ .
NTH
Tất cả cảm xúc:
Bạn, Ngocmaish Nguyen, Phạm Thị Hồng Thu và 2 người khác
4
Thích
Bình luận
Chia sẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét