Thứ Bảy, 15 tháng 6, 2024

TRẦN ĐĂNG KHOA VIẾT VỀ THƠ BẢO NGỌC

                


                           

\TRẦN ĐĂNG KHOA

 

 

                                                             I

          Tôi biết nữ thi sĩ Bảo Ngọc từ những năm 90 của…thế kỷ trước. Khi ấy, trường viết văn Nguyễn Du hay mời tôi đến trao đổi nghiệp vụ. Bảo Ngọc là học viên của trung tâm đào tạo tài năng trẻ này. Nhưng chị không giống với bất kỳ một sinh viên nào của trường. Xinh đẹp. Yểu điệu, lại rất khiêm nhường. Bảo Ngọc rất ít xuất hiện. Nếu có phải “nhô ra” thì chị cũng lại giấu mình vào đám đông. Trông chị mỏng manh, lặng lẽ như cái chính bóng của mình.

Nhà phê bình nghiên cứu văn học Nguyễn Đăng Mạnh thật có lý và cũng vô cùng sâu sắc khi ông cho rằng, muốn xét vị trí hay giá trị đích thực của một nhà văn, nhà thơ thì trước hết phải đặt nhà văn ấy, nhà thơ ấy vào nền văn học, ngắm anh ta trong vẻ đẹp của tổng thể, rồi thử nhấc anh ta ra, xem có vì sự khuyết vắng của nhà văn, nhà thơ ấy mà nền văn học xộc xệch, méo mó đi không. Nếu không có gì thay đổi, thì nhà văn, nhà thơ ấy chẳng có giá trị gì cả.

Và như thế, để có được một vị trí, dù rất nhỏ nhoi ở trong nền văn học, người viết cũng phải tạo dựng được một phong cách riêng, một giọng điệu riêng, không lẫn với ai, cũng không ai thay thế được.

Bàn về vấn đề này, nhà thơ nổi tiếng Phạm Tiến Duật nói rất vui rằng,  ông có một cái mũi rất khác người. Mà đúng là cái mũi thi sĩ Phạm Tiến Duật quả cũng có khác người thật. Nó khoằm khoằm và nhọn như mỏ quạ. Vì vậy, khi làm thơ hay viết văn, ông cứ phải dí cái mũi khoằm khoằm đó xuống trang giấy, để người đọc nhờ cái vệt mũi khoằm khoằm ấy mà nhận ra ông.

Nữ thi sĩ Bảo Ngọc, một thục nữ yểu điệu luôn giấu mình vào đám đông, nhưng thơ chị lại vời vợi một niềm riêng, với một giọng điệu riêng, không lẫn với ai cả. Đó là điều thú vị nhất của tập thơ mà bạn đang có trong tay này.

Có một thời, chúng ta quan niệm về thơ rất eo hẹp. Nói như nhà thơ lớn Chế Lan Viên: “Một câu thơ ba phần làm nhiệm vụ”. Quan niệm ấy còn chi phối sang cả mảng thơ tình, là một cõi riêng trong chốn riêng tư. Nhà thơ lớn Xuân Diệu, ông hoàng thơ tình từng có một bài thơ rất nổi tiếng, và ông đã lấy tên bài thơ này làm tên chung đặt cho cả tập thơ. Đó là bài “Cầm tay”:

                                  Một tuần công việc tạm xong

                           Cầm tay chủ nhật hòa trong phố người

         Hai câu thơ rất nổi tiếng này, Xuân Diệu đã lấy làm đề từ cho cả tập thơ. Ngẫm kỹ rất buồn cười. Đúng là “một câu thơ ba phần làm nhiệm vụ”. Để yêu nhau, bày tỏ tình yêu với nhau, lại phải chờ vào lúc “công việc tạm xong”, còn khi công việc chưa xong thì dứt khoát là không yêu nhau rồi. Mà việc có xong thì cũng chỉ là xong tạm. Bởi sau đó vẫn còn phải làm tiếp. Chờ những sau “một tuần”, khi công việc “tạm xong”, hai người mới cầm tay nhau, lại phải chọn đúng ngày chủ nhật, lại không ở trong nhà, không khép cửa lại mà đi ra phố, lại chọn con phố rất đông người để đưa nhau đến. Câu thơ có gì đó rất giả. Tôi ngờ hình như đấy không phải tình yêu và cũng không phải thơ tình. Vậy mà bao nhiêu năm, chúng ta vẫn coi đấy là tình yêu, thậm chí là thơ tình tiêu biểu, mẫu mực, về một tình yêu luôn gắn liền với nhiệm vụ, gắn liền với cộng đồng. Cám ơn câu thơ đã mở cho chúng ta thấy, có một thời chúng ta làm thơ tình theo kiểu áp đặt như thế. Áp đặt những gì chúng ta muốn, còn thực tế, đời sống không phải như vậy. Tình yêu cũng không phải như vậy. Ngay từ những năm ấy, cũng chẳng có ai yêu nhau như thế. Tài đến như Xuân Diệu, lớn đến như Xuân Diệu mà “ông hoàng thơ tình” này cũng không thoát ra nổi những quan niệm chật hẹp và ấu trĩ của một thời. Nói vậy, cũng là để cảm thông hơn với Xuân Diệu. Chúng ta càng thấy thương ông. Thương mình. Và thương cho cả một thờiThời ấy nó như thế.

Thật may mắn cho Bảo Ngọc, chị còn quỹ thời gian. Mênh mông thời gian. Chị lại được sống trong một thời đại mới. Thời đại mở cửa, mà trong đó, tư duy ít nhiều cũng đã được giải phóng. Thơ chị không bị trói buộc bởi những quan niệm hẹp hòi. Đọc chị, ta chẳng thấy vương một hạt bụi nhiệm vụ nào, ngoài sự thao thức khôn nguôi của trái tim thi sĩ!

 

                                                          II

Nếu ví thơ ca như một người con gái đẹp, thì “nàng thơ” này luôn xúng xính “khuyên vàng, yếm thắm, áo the nâu”. Hoàn toàn là trang phục truyền thống. Giọng điệu “cô nàng” cũng lạ. Rất hiện đại nhưng lại quen thuộc. Vô cùng quen thuộc. Ta đang nghe những câu hát đúm mang phong vị dân gian. Mà cụ thể hơn, đây là cuộc song đối giữa nữ Phật tử với một  Ẩn Sĩ. Chính Bảo Ngọc cũng đã lý giải: “Khi cầm tập Bến trăng trên tay, hẳn bạn sẽ thắc mắc, nhân vật Ẩn Sĩ là ai và vì sao lại cùng xuất hiện trong tập thơ này? Bạn bè tôi cũng từng hỏi như vậy khi tập thơ mới chỉ ở dạng bản thảo và chưa hề có ý định xuất bản. Tôi thành thật xin lỗi vì chỉ muốn giữ lại chút bí mật riêng tư nên không thể làm thỏa mãn sự tò mò của quý bạn. Trong dòng đời vô thường, cơ duyên của những cuộc gặp gỡ và tao ngộ vốn hiện hữu nhưng cũng mong manh như gió thoảng mây bay...”

Mong manh nhưng vẫn hiện hữu. Đó là một vị Cao Tăng: “Thuyền thầy nhẹ lướt con theo với...”. Vừa thật, vừa linh thiêng như một ảo ảnh: “Thiên thu in dấu ngàn mây trắng/ Dặm trần gót ngọc đã xanh rêu/ Hương thiền vời vợi hồn sông núi/ Chắp búp sen hồng con bước theo...”. Nữ thi sĩ tự xưng mình là “Con”. Rồi có lúc lại là “Em”. “Em” không phải là ở vị trí của người thương, mà là danh từ chung chỉ tấm thân nhi nữ mỏng manh, yếu đuối trong sắc sắc không không của cõi vô thường: “Thuyền lẻ em chèo tới bến không...”.

Lặng lẽ đi theo bước chân thầy, để rồi lại đến “bến không” của tuệ giác. Nhưng Ẩn Sĩ dường như lại là con người có thật, con người của cõi trần thế, ở một vùng sông nước Nam Bộ: “Miền Tây nước cuộn ngang trời!/ Lục bình xuôi ngược lặng trôi con đò/ Người về để bến bơ vơ/ Bên sông ta đợi con đò năm xưa”.

Rất trần thế với nỗi nhớ thương của con người nơi cát bụi. Gần đấy mà xa đấy. Như đôi bờ của một con sông: “Thân phận khác nhau thầy với trò/ Phật tâm vô trụ chớ sầu lo/ Thầy trò trao đổi không e ngại/ Cố chấp làm chi nỗi vẩn vơ...”.

Vẩn vơ nhớ thương là tình cảm rất thật của con người nơi trần thế, nhưng cũng tinh khiết thoát tục, bởi đó là bậc du tăng. Người như đang trụ trì một ngôi chùa tưởng giữa chốn trần ai mà hóa nơi tiên cảnh: “Mưa rơi, gió lạnh, núi mù sương/ Yên tĩnh, chùa xa nơi phố phường/ Lời kinh niệm Phật còn ngân mãi/ Nhẹ bước kinh hành tỏa ngát hương/ Núi đứng lặng yên sương phủ dầy/ Hòa nhịp rừng cây tiếng gió lay/  Gà chùa rét lạnh còn quên gáy/  Tiểu mở cổng chùa đón gió mây...”

Và như thế, khi Người đi, nữ Phật tử đưa tiễn, tưởng đưa tiễn một con người, hóa ra là một vị Tên Phật, một làn hương tinh khiết: “Thăng Long thơm mãi dấu chân người...” . Và theo bước chân Người “nhẹ gót vân du khắp thế gian” , ta lại tới “Bến trăng”, tới “Bờ mây” trong cõi bồng lai tiên cảnh nào đó...

Thật mà ảo. Ảo mà thật. Cả tập thơ là những cuộc song đối. Có lúc hai. Có lúc một. Chỉ đơn phương một lời độc thoại. Nhưng một mà vẫn thấy hai. Như tâm với thân. Như bóng với hình. Đây là hiện thực, hay sự phân thân, một thủ pháp nghệ thuật của tác giả? Khó mà phân biệt được!

 Chỉ biết rằng, đọc Bảo Ngọc, ta như đi trong chiêm bao. Mờ mờ quanh ta là một thứ ánh sáng kỳ ảo, mầu nhiệm. Không biết đó là ánh sáng tỏa ra từ trăng sao, từ sông nước hoa cỏ, hay từ chính tâm hồn ta, tâm hồn của các thi nhân. Ta cũng không biết nữa...

Và khi những dòng chữ cuối cùng khép lại, ta thấy mát lành như vừa bước lên từ một hồ sen, hay một buổi tọa thiền.

Đã lâu lắm rồi tôi mới có cảm giác như thế khi đọc Bảo Ngọc. Đó là đóng góp riêng của chị cho nền thơ của chúng ta chăng?

 

                                                   Hà Nội 8-3-2015

                                                            TĐK

 

 



 

 

 

 

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét