Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2013

Nhà thơ Trần Đăng Khoa muốn khép lại câu chuyện đáng tiếc!

Thứ Bẩy, 27/07/2013 - 06:27

Nhà thơ Trần Đăng Khoa muốn khép lại câu chuyện đáng tiếc!



(Dân trí) - Sau khi BLOG đăng bài “Nhà thơ Trần Đăng Khoa ngủ một đêm thấy mình là dân gian”, Nhà thơ đã gửi đến chúng tôi bài viết theo đó, anh muốn “khép lại chuyện đáng tiếc này”. Tuy nhiên, giờ đây không phải là chuyện của hai người bởi nó liên quan đến quyền sở hữu, ngân sách, danh dự…
 >>  Nhà thơ Trần Đăng Khoa ngủ một đêm thấy mình thành “dân gian”
 >>  Viện Văn học lên tiếng vụ “biến” thơ Trần Đăng Khoa thành tác phẩm dân gian


 (Minh họa: Ngọc Diệp)


(Minh họa: Ngọc Diệp)

 

Thư của Nhà thơ Trần Đăng Khoa gửi nhóm làm sách

 

Tôi vừa nhận được bài viết của PGS. TS Nguyễn Thị Huế nói về việc chị cùng nhóm cộng sự làm cuốn “Từ điển type truyện dân gian Việt Nam”. Như vậy là tất cả đã rõ.

Trước khi khép lại câu chuyện đáng tiếc này, tôi cũng muốn nói thêm đôi điều với nhóm làm sách. Nếu đây chỉ là cuốn sách bình thường thì tôi cũng chả bàn làm gì. Nhưng đây lại là công trình khoa học, là TỪ ĐIỂN, sách để tra cứu, là loại sách công cụ có giá trị khoa học lâu dài, đòi hỏi tính chuẩn xác rất cao… Một cuốn sách như thế, mà lại nhầm lẫn tai hại, khiến bạn đọc có thể hiểu lầm là tôi đạo văn, buộc tôi phải lên tiếng, không còn cách nào khác.

Đối với người làm công tác khoa học, việc sử dụng tư liệu của những người đi trước là rất bình thường.

Nhưng làm TỪ ĐIỂN, khi sử dụng, cũng phải rà soát, kiểm tra lại kỹ lưỡng chứ không thể cứ bê nguyên tư liệu của người khác mà không qua kiểm định.

Xin hãy nghe ý kiến của bác Vũ Tấn Cử, một độc giả phát biểu trên trang VOV.VN: “Thật kinh hoàng cho lối làm ăn…của các "nhà khoa học". Mà đều là học hàm học vị “kễnh” cả. Tôi vốn là giáo viên. Có những nhà nghiên cứu còn  lười nhác thế này: Nhờ cô giáo ra đề cho học sinh: "Em hãy sưu tầm một truyện dân gian ở địa phương em". Thế là hôm sau, chỉ ở một trường phổ thông thôi cũng đã thu được hàng ngàn bài, bằng các nhà sưu tầm của viện đi thực địa cả năm. Tiền chia thoải mái. Rồi cứ căn cứ vào các "sưu tầm" khoa học đó mà làm sách. Nhàn tênh mà có tiền bỏ túi. Sau in sách mới tá hoả kinh hồn vì học sinh sao cóp truyện ở đâu đó, hoặc bịa ra rồi nộp thày cho xong nợ…”.

Đã là truyện dân gian thì phải có tính phổ biến rộng rãi, người ta kể cho nhau bằng phương pháp truyền khẩu, mà câu truyện phải nhiều người biết. Một người kể chưa đủ. Cụ Nguyễn Đổng Chi xưa sưu tầm truyện dân gian còn có nhiều khảo dị, người sưu tầm còn phải hiệu đính, khảo sát kỹ lưỡng, có xét cả đến yếu tố địa – văn hoá, rồi mới công bố.

Ta hãy nghe chính một người dân Bạc Liêu, bác Huỳnh Tân Phương, phát biểu trên VOV.VN: “Tôi là dân Bạc Liêu đây. Bạc Liêu làm gì có truyện dân gian "Đi đánh Thần Hạn". Ba láp rồi. Vấn đề Bạc Liêu không phải hạn hán chi hết. Dân tui là dân đờn ca tài tử, văn hoá sông nước, miệt vườn. Nước mênh mông khi mùa nước nổi. Hạn hán là chuyện xa lạ, đó có thể là chuyện ở Ninh Thuận, Bình Thuận hay ngoài Bắc chứ bộ. Nghiên cứu nghiên kiếc thế này thì chết. Hổng lẽ viện Văn học khoa học hàn lâm mà thế này sao?”.

Nhắc lại mấy ý kiến của bạn đọc phản hồi câu chuyện đáng tiếc này, cũng là cực chẳng đã, không phải để kết tội các vị làm sách mà là một ý kiến chung mà tôi nghĩ chúng ta cần lắng nghe tiếng nói của dân, nhất là những người làm công tác khoa học.

Cũng có bạn trách tôi: “Tôi nghĩ có lẽ thơ của bác Khoa đã được dân gian đọc, thích, rồi nhớ, rồi truyền từ mẹ sang con, từ bà sang cháu... Nếu trách là trách người biên soạn cuốn Văn học dân gian Bạc Liêu khi chỉnh lý đã không biết đó là câu chuyện được phóng tác lại từ thơ của bác Khoa (mà làm sao mà biết hết được nhỉ?). Còn người làm từ điển, người ta dựa vào cuốn tuyển tập đã xuất bản từ năm 2005 và đã tái bản (sao lúc đó không ai phát hiện ra là có thơ của bác Khoa trong đó nhỉ?)... Người ta có làm gì sai mà bác quy chụp nào là đạo văn, nào là tiêu tốn tiền của nhà nước, nhân dân kinh thế. Theo tôi, bác Khoa nên mừng mới phải, vì thơ của bác coi như là sống vĩnh viễn với dân gian rồi”.

Nếu sự thật rõ ràng, rành mạch như bạn nói thì tôi đã chẳng làm mất thời gian của bạn đọc làm gì. Nhưng sự thật lại không phải thế. Công trình được tài trợ của Chính phủ thì không phải tiền của dân thì tiền của ai? Xin lưu ý: Đây là Bộ Từ điển khoa học, sách để tra cứu có giá trị sử dụng lâu dài, chứ không phải là cuốn sách giải trí thưởng thức thông thường, nên cần phải rà soát cẩn trọng như tôi nói. Bạn bảo làm sao có thể biết hết được. Biết đấy. Chỉ cần sơ đẳng nhất, kiểm tra qua google cũng đã rõ ngay sau mấy giây. Đấy là việc sơ đẳng đến cả học sinh phổ thông tiểu học cũng biết được, chứ đâu phải các nhà khoa học.

Tôi cũng đã đọc bài viết của PGS. TS Nguyễn Thị Huế và cũng rất cảm thông với chị, cũng hiểu cái khó của chị cùng nhóm làm sách, nhất là làm một công trình lớn, rất khó tránh được những sơ xuất.

Tuy nhiên, trước khi khép lại, tôi cũng muốn các nhà khoa học hãy rà soát lại sản phẩm của mình, xem có còn trường hợp nào tương tự như “Đi đánh Thần Hạn” không? Khi sơ xuất đã được bạn đọc phát hiện cũng cần đính chính, hoặc điểu chỉnh nêu rõ nguồn gốc. Bởi xin nhắc lại, đây là TỪ ĐIỂN, đòi hỏi sự chuẩn xác rất cao, chứ không phải một cuốn sách thông thường. Đừng để những vết sạn làm hỏng công trình của các vị.

Tôi nói điều này cũng là vì yêu quý trân trọng mồ hôi sức lực của các vị, nhất là công trình của Viện Văn học, một địa chỉ từ lâu đã là cõi nghiêm cẩn và linh thiêng.

 

Trần Đăng Khoa


BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.
Cám ơn các bạn!

 






1 - vinhnd09 - 07:43 27-07-2013
Tất cả những gì mà ta đang gọi là tồn tại cần phải khắc phục để phát triển đất nước phải bắt đầu từ việc khắc phục ngay tư duy chuyện nhỏ bỏ qua.
2 - Hai Búa - 08:21 27-07-2013
Chả lẽ cứ lấy cái sai của người khác thì vô tư, từ sạn biến thành sỏi nhanh quá, từ thơ văn thành văn học dân gian rồi qua nghiên cứu thành từ điển tra cứu mà bảo lỗi nhỏ của các em sinh viên? Bạc Liêu là sứ đồng nước nổi đâu có hạn hán? Rồi dùng từ ngoại chỉ có ai biết chuyên môn Văn học mới hiểu vậy sách tra cứu cho những ai hiểu " ti pe, phoc cơ.." dùng? Cần xem lại các kết quả nghiên cứu Văn học cũng không phải thừa?
3 - phavi - 08:35 27-07-2013
Tôi không đồng ý với ý kiến của bà Huế về việc này. Cuốn văn học dân gian Bạc liêu chẳng qua chỉ là của địa phương; sai sót còn có thể chấp nhận được. Nhưng đây lại mang tầm cỡ của 1 viện nghiên cứu quốc gia. Nếu các vị thẩm định mà thấy địa phương sai thì phải có ý kiến ; đằng này lại bê nguyên cả vào công trình " nghiên cứu" của mình. Khi dư luận lên tiếng thì lại đổ cho tác phẩm của địa phương.
4 - Nguyễn Tư - 08:52 27-07-2013
"Quyển sách hay bằng ông thầy dậy giỏi" còn quyển sách dở bằng ông thầy nào đây...
5 - thanh long - 08:58 27-07-2013
qua bai viet toi thay dung la mot cong trinh mang tam co quoc gia vay ma...
6 - nguyenvanphuc - 09:11 27-07-2013
Mặc dù không biết độ tuổi của các vị trong nhóm làm cuốn từ điển này là bao nhiêu nhưng tôi đoán cũng phải ngoài tứ tuần.Học để cầm được trong tay bằng thạc sỹ,tiến sỹ văn chương mà không biết bài thơ "Đi đánh Thần Hạn" của thần đồng Trần Đăng Khoa viết khi tác giả mới 11 tuổi thì học kiểu gì lạ thế?
7 - Lương Bắc - 09:20 27-07-2013
Chắc các vị đã không có điều kiện “Lăn lộn từ Trường Sơn đến Trường Sa,...” như Nhà thơ Trần Đăng Khoa. Mà cái nghiệp văn “dân gian” thì đọc câu văn lên cũng phải biết hơi hướng vùng miền của nó. Thời chống Mỹ, một nữ ca sỹ đã phát biểu “Chỉ sau khi đi thực tế ở Trường Sơn, mới hiểu thế nào là ‘Bên nắng đốt bên mưa quây’, và nay mỗi lần hát lại thấy rõ cảnh vất vả của người xẻ Trường Sơn đi cứu nước”. Tôi đồ rằng do nhiều lý do (kinh phí và cá nhân), các chị không tường “Quê em mùa nước nổi” là thế nào, nên mới bê thần Hạn đến đó. Nhưng tạo điều kiện cho các chị “thuần văn” đi thực tế các vùng miền cũng không dễ.
8 - Hoàng Hùng - 09:39 27-07-2013
Từ điển là thứ có giá trị tra cứu lâu dài cho nhiều thế hệ sử dụng.Vì vậy tính chân thực và chính xác của nó phải là tuyệt đối, không thể tùy tiện làm ẩu được.Tôi mong Viện văn học nhanh chóng chỉnh sửa, đính chính lại cuốn sách để nó thực sự là một tác phẩm nghiên cứu có ích cho những thế hệ hôm nay và ngày mai.
9 - Trần Thái Sơn - 09:51 27-07-2013
Tôi rất tiếc người phát hiện sai lầm của cuốn từ điển về việc này không phải là tác giả Trần Đăng Khoa mà lại là người khác,nếu không sau này tự nhiên Trần Đăng Khoa trở thành người Đạo văn về Truyện dân gian này !
10 - Vương - 09:57 27-07-2013
Tôi rất hâm mộ nhà thơ Trần Đăng Khoa
11 - Nguyễn Minh Tuấn - 09:59 27-07-2013
Chia xẻ và góp ý với nhóm tác giả
12 - pham dang khoa - 10:08 27-07-2013
tại sao có tới 5 hay 6 vị cùng làm mà đều ko phát hiện sai sót là sao?
13 - nminhtuan84 - 10:15 27-07-2013
Tôi nghiên cứu toán học, nên hiểu được những điều như đã xảy ra của lĩnh vực KHXH. Tôi xin chia xẻ với nhóm tác giả về những sai sót này, và đưa ra đây lời khuyên: hãy nhận sự yếu kém và cẩu thả thuộc về mình bằng cách xem xét đây là một TỪ ĐIỂN, và nâng cao lòng tự trọng bằng hai cách: trả lại tiền Nhà nước đã đầu tư và làm sản phẩm khoa học khác có chất lượng cao mà không cần tiền của Nhà nước.
14 - Nguyễn Lu - 10:30 27-07-2013
Tôi đồng ý với anh Khoa, khép lại thôi. Làm khoa học mà quên danh dự và lương tâm thì dù công trình rẻ hay đắt, tiêu tiền của nhà nước hay nhà dân, cũng chỉ xếp xó mà thôi.
15 - nguyen van hung - 10:34 27-07-2013
Vấn đề không chỉ ở nhóm tác giả, còn cả Hội đồng nghiệm thu, phê duyệt nữa, mà Hội đồng thì còn nhiều GS, TS hơn và làm việc nghiêm túc hơn...để có kết quả thật hài hước
16 - Le - 10:37 27-07-2013
Chị đã sai rồi thì nên nhận lỗi mà sửa đi chị ạ !
17 - thu trang - 11:05 27-07-2013
Toàn những từ khủng: HỘI ĐỒNG, PHÓ GIÁO SƯ, TIẾN SỸ, ĐỀ TÀI, CÔNG TRÌNH, NGHIÊN CỨU, KHOA HỌC, VIỆN, VĂN HỌC, KINH PHÍ, THẨM ĐỊNH, DUYỆT, IN ẤN, PHÁT HÀNH,...
18 - Khoa Nguyen - 11:14 27-07-2013
Không biết kinh phí nhà nước chi cho công trình này là bao nhiêu nhỉ? Và...nếu sửa lại thì đầu tư thêm bao nhiêu nữa?
19 - mrdao - 11:22 27-07-2013
Thật buồn với một sản phẩm nghiên cứu khoa học của những giáo sư, tiến sĩ mà lại như vậy, không biết những tiến sĩ, thạc sĩ do những vị này đào tạo sẽ ra sao...
20 - Tú Mỡ - 12:27 27-07-2013
May là sớm phát hiện "sỏi sạn" trong TỪ ĐIỂN văn học nếu không sau này dễ nẩy sinh tranh luận đúng - sai giữa các cháu học sinh PTCS và các nhà nghiên cứu "DÂN GIAN" về nguồn gốc tài liệu "Đi đánh Thần Hạn" thì gay go hơn nhiều?
21 - Huy - 13:15 27-07-2013
Nhà thơ Trần Đăng Khoa nên lên tiếng về sai sót liên quan trực tiếp đến ông đó là thể hiện tinh thần trách nhiệm với đất nước, với nhiều thế hệ người Việt Nam.
22 - NguyênChính - 17:04 27-07-2013
Thưa bà Huế! Có hiện tượng "dân gian hóa" một vài câu thơ, vài tình tiết truyện, thậm chí là cả truyện. Nhưng để vào từ điển với tư cách tác phẩm dân gian thì hầu như không có hoặc rất ít. Và nó thường được các nhà khoa học phát hiện, chỉ dẫn. Một trong những tiêu chí để văn thơ thành (dân gian) nhất thiết phải có độ lùi về thời gian đủ lâu đến mức không thể tra cứu được tác giả. Truyện của ông Khoa rất mới và không khó tra cứu...
23 - Hung - 22:35 27-07-2013
Tôi đồng ý với nhà thơ Trần Đăng Khoa là khép lại việc này nhưng với điều kiện "nhà khoa học" Nguyễn Thị Huế phải nhận là mình và nhóm của mình sai và xin lỗi tác giả trước đã
24 - nguyễn quang tấn - 07:34 28-07-2013
Nhân đây tôi cũng đề nghị các độc giả cùng lên tiếng về một hãng làm phim (tôi không rõ tên hãng phim),sản xuất phim "sự tích Thạch sùng".Trong "sự tích Thạch sùng", dân gian nói rằng "Thạch sùng còn thiếu mẻ kho",loại mẻ này dùng để kho cá, nấu thịt cầy.... Nhưng trong phim, hàng phim này lại xây dựng sang nội dung khác, đó là Thạch sùng còn thiếu cái nồi đất bị mẻ. Hoàn toàn sai lạc với ý của dân gian. Cũng mong mọi người cùng lên tiếng để hãng phim nọ trả lại nội dung đúng cho truyện cổ tích nước nhà.
25 - Nguyễn Thamh - 07:35 28-07-2013
Thật đáng buồn cho những người được gọi là " Nhà khoa học"!
2 bình luận đang chờ xuất bản

1 nhận xét:

  1. Người C3 Nho Quan Alúc 15:25 31 tháng 7, 2013

    Minh đọc trên Dân Trí mợ này nói: “Dư luận cho rằng chúng tôi “ăn” tiền nhà nước với nghiên cứu của mình. Xin thưa, chúng tôi có được nhà nước bảo trợ, nhưng số tiền đó nếu so sánh có khi không bằng số tiền bỏ ra làm 1 m2 đường. Công việc của chúng tôi là nghiên cứu. Chúng tôi hưởng lương viên chức. Sinh viên ra trường bây giờ đều muốn đi làm những công việc kiếm ra tiền, có ai muốn về các viện nghiên cứu? Nếu ở các viện nghiên cứu, chúng tôi chỉ ngồi trên tiền để viết sách, tại sao sinh viên ra trường không ai muốn về?”. Bà này thật là lùng chuyện viết sách TỪ ĐIỂN lại so sánh với làm đường, đã sai thì mạnh dạn mà nhận tôi sẽ cho là tai nạn nay lại cố cãi chầy cãi cối , mất cả liêm sỉ cần có của một người thầy.

    Trả lờiXóa