Thứ Hai, 26 tháng 8, 2013

Cảm nhận thơ HAI KU



Thơ haikư của Ryokan và Santoka
(Đọc tập thơ Nhật Bản do Đinh Nhật Hạnh và Đinh Trần Phương dịch từ tiếng Pháp)

                                                                                                                      Cao Ngọc Thắng


Tôi muốn nói ngay rằng, cảm nhận thơ qua chuyển ngữ là một điều khó xác đáng, bởi thơ ấy như một cái “bẫy”. Vậy mà thơ haikư Nhật Bản của Ryokan (1757-1831) và Santoka (1882-1940), trước khi chuyển sang Việt ngữ đã ở dạng Pháp ngữ từ năm 1986 và năm 2003, lại càng như đánh đố người cảm nhận.

May thay!, haikư là thể thơ không giống với bất kỳ thể thơ nào, bởi ở tính đồng loại, có khả năng hòa nhập vào nhiều ngữ khác nhau. Sự ra đời và phát triển thơ haikư ở nhiều quốc gia của châu Á, châu Âu và châu Úc Đại dương, đã phần nào chứng minh cho điều đó. Nói cách khác, cảm nhận thơ haikư đã qua chuyển ngữ, tuy không đầy đủ nhưng có chỗ “dựa” đáng tin cậy, mà Đinh Nhật Hạnh và Đinh Trần Phương đã làm được trong việc chuyển ngữ thơ haikư của hai nhà thơ Nhật Bản qua bản Pháp ngữ của Joan Titus-Carmel và CHENG Wing Fun – Hervé COLLET dưới nhan đề “HAIKƯ – Ryokan & Santoka”. Nếu ở tập thơ chuyển ngữ này, bên cạnh thơ tiếng Nhật có cả thơ tiếng Pháp thì (với những người biết tiếng Pháp) việc đối chiếu thuận lợi hơn.

Ryokan và Santoka là hai nhà thơ tuy không cùng thời, họ sống cách nhau hơn một thế kỷ, nhưng đường thơ của họ đều hướng tới “cái không” của bản ngã. Phần giới thiệu cuộc đời và sự nghiệp về hai nhà thơ này, được các dịch giả người Pháp sưu tầm và biên soạn kỹ lưỡng, giúp người đọc thưởng thức thơ haikư Nhật Bản thêm phần thấu triệt.

Về Ryokan, Joan Titus-Carmel giới thiệu 99 bài haikư và viết: “Haikư của Ryokan mang đậm tính thiền (zen), bình lặng đến toàn bích, mà ta có thể tìm thấy cả trong trà đạo, nghệ thuật bắn cung, cắm hoa (ikebana), thư pháp (sho) hay trong tranh thủy mặc (sumi-e)” (…), “Sống trong lý tưởng về sự hòa hợp hoàn toàn giữa con người với thiên nhiên, tâm của Ryokan trở nên vô phân biệt”. Ngắm bầu trời mùa thu, Ryokan thấy ở đó có nhiều cung bậc:

- Trong làn gió thu / cô quạnh / một bóng hình.
- Trời thu trong / một lùm cổ thụ / như hàng giậu xanh.
- Trời thu trong xanh / lùm cao cổ thụ / một túp lều tranh.
- Trời thu trong xanh / vô vàn chim sẻ / cánh bay dạt dào.

Ryokan cảm nhận thiên nhiên một cách trực giác – sự trực giác đúng với bản chất của sư và của thế giới tự nhiên. Tôi rất thích Ryokan mô tả sự chuyển động của hoàng hôn:

- Chia từng tốp nhỏ / đàn cò bay qua / trời thu hoàng hôn.


Cái tinh tế ở đây chính là sự quan sát của sư, nó cho ta phân biệt với hoàng hôn sầm sập mùa đông, chầm chậm hoàng hôn mùa xuân, và hoàng hôn mùa hạ không dứt khoát. Phải chăng sự chia thành từng tốp nhỏ, đàn cò kia muốn tận hưởng cái khoáng đạt, không muốn chia tay với từng lớp chiều thu sóng đậm đến nao lòng (?); đó cũng là sự dằng kéo, níu lại khi cuộc đời đã ở phía bên kia triền dốc, đã cảm thấy cái giá lạnh điêu tàn…

Là người rất khiêm nhường, song không phải vì thế sư Ryokan phải lên gân nhún nhường khi sư vô tư so sánh mình với cây chuối cảnh trong góc vườn, cũng là cho phép mình “đọ” với Basho nổi tiếng trước sư một thế kỷ (chuối cảnh tiếng Nhật là basho):

- Đêm rằm trăng tỏ / ta đọ chiều cao / với cây chuối cảnh.

Basho viết:

- Ao xưa / con ếch nhảy vào / tiếng nước.

thì 100 năm sau Ryokan viết:

- Ao mới / con ếch nhảy vào / không một tiếng vang.

Ở đây không phải là sự “đáp” lại, sự phủ nhận tài năng của người đi trước, mà là sự phủ định của phủ định bằng nhận thức về ngoại cảnh, ở ngay câu đầu: “Ao mới”. Cú nhảy của con ếch thì xưa và nay vẫn thế. Nhưng khi nhảy vào “ao mới”, cú nhảy đó không còn “tiếng vang” nữa, không được chú ý tới nữa. Điều đó “buồn” hay “vui” thùy thuộc vào sự thưởng thức, song rõ ràng cú nhảy cách nhau một thế kỷ không còn mang giá trị thẩm mỹ giống nhau. Cũng từ ý niệm này, sư Ryoka cảnh báo:

- Ôi, tiếng hót họa mi! / vậy mà chúng ta / mấy ai để ý.

Phải chăng lời cảnh báo ấy đã làm “dịch chuyển” nội hàm của thơ haikư Nhật Bản truyền thống, làm nghiêng dần về thế sự, mặc dù vẫn giữ hình thức là thể thơ “bắt” nhanh cái khoảnh khắc hiện ra của sự vật và hiện tượng. Cũng là một cảnh báo khác từ Ryokan:

- Cành hoa diên vĩ / nở sát cạnh lều / làm ta mê say.

Một cảnh báo ngầm mà nay, khi cuộc sống hiện đại phổ biến, nó trồi lên cái sự vô cảm đối với thiên nhiên hào phóng. Thơ haikư của sư Ryokan rất nhiều điều trăn trở như vậy. Thơ ấy đẹp từ trong cảm nghĩ, trăn trở về mối quan hệ ngày càng mất đi sự cân bằng, mất đi sự ứng xử trân trọng đối với thiên nhiên của con người. Thơ ấy đẹp bởi vì người viết ra thơ ấy đã “xoay” được tâm thế của thơ, để thơ đi cùng thời đại. Thơ ấy vẫn rất Thiền!

Hơn 100 năm sau, cũng gắn với thiền và haikư như Ryokan, nhưng bên canh Santoka còn có sakê. Rượu đã chiếm một vị trí khá quan trọng trong cuộc đời Santoka. CHENG Wing Fun và Hervé COLLET viết tiếp: “Năm 1913, nghiệp rượu cùng với đó là nghiệp thơ đã đưa đẩy Santoka trở thành học trò của Ogiwara Seisensui (1884-1976), người lãnh đạo dòng thơ Xu Hướng Mới, với chủ trương từ bỏ niêm luật 5-7-5 âm cũng như quý ngữ chỉ mùa của haikư truyền thống để phát triển thể haikư hoàn toàn tự do”. Như vậy, dòng thơ Xu Hướng Mới, trong đó có Santoka, ngẫu nhiên kế tục sự bứt phá thơ haikư từ 100 năm trước do Ryokan lầm lũi xoay xở. Santoka cũng bắt đầu gióng lên những hồi chuông từ sâu thẳm lòng mình:

- Chỉ có gió thông thổi / ngày và đêm / cùng hồi chuông tôi gióng.

Nỗi cô đơn sống trong thế giới ồn ào hướng về vật chất tiện nghi, con người thiên về nội tâm cảm nhận thấy lạc lõng, trống rỗng, đầy mâu thuẫn. Santoka viết:

- Làm thế nào?/ gió cứ thổi / lên mâu thuẫn trong tôi.

Trong nhật ký, ông viết: “Con đường tôi phải đi, không có lựa chọn nào khác. Con đường ấy đóng lại đồng thời cả niềm khoái lạc và đau khổ. Nó thật dài, nhỏ hẹp và gian nan, tất yếu phải đi qua. Dẫu là như thế, đó là con đường của sự thuần khiết, chứa đựng những điều bất ngờ và kỳ diệu”.

Thật bất ngờ và cũng thú vị (trong đắng cay) khi đọc bài thơ sau đây của Santoka:

- Bẻ / những cành khô / chẳng nghĩ về điều gì.

Một động tác, một trạng thái tâm lý đi kèm - có cái gì đó thật thô thiển, thật vô cảm! Vậy mà khi bày tỏ trong thơ, nhà thơ đã cấp cho ta một sắc thái mỹ cảm, bởi nó khơi dậy trong ta một nhận thức trọn vẹn, cũng bởi từ “những cành khô” nằm giữa hai câu chẳng lấy gì làm đẹp lắm của hành động và trạng thái tâm lý của con người. Thiên nhiên hào phóng đến mức cho con người ta cả cái mục ruỗng của nó, mà con người ta chẳng thèm suy nghĩ gì ư?! Cành khô – nó đã chết rồi, nhưng nó vẫn có ích, nó làm củi cho ta lửa để sưởi, để nấu cơm ăn, đun nước uống… Santoka cũng như Ryokan đều nhìn thấy và khắc khoải trước thiên nhiên bị con người hờ hững, thậm chí tàn phá có chủ ý. Ryokan không nghe thấy tiếng nước khi con ếch nhảy xuống. Còn Santoka:

- Trưa, trong cỏ rậm / tiếng nhái kêu vang / khi sa miệng rắn.

Cả hai sư đều lắng tai nghe thiên nhiên thở than, quở trách. Đó là sự đồng điệu mẫn cảm của hai nhà thơ không phân biệt thế hệ. Sự mẫn cảm của Santoka luôn luôn xuất phát từ thiên nhiên, nơi nuôi dưỡng và trao cho người thơ những món quà đặc biệt, dù cảm xúc đó vui hay buồn đều sâu lắng tâm tư:

- Vừa chuộc về từ hiệu cầm đồ / lại vòng vèo trở lại / mùa thu.

Đúng vậy. Một mùa thu lại đến, đúng với quy luật tuần hoàn của trời đất. Nhưng trong nắng vàng như mật ong thuở nào, ong bướm có còn đông đúc, dập dìu …

   
                                                                                                                                                                                       Hà Nội, Thu 2013
                                                                                                                                                                                                CNT




4 nhận xét:

  1. Thơ Haiku Nhật Bản là đỉnh cao của sự cô đọng, bàng bạc hương thiền. Chỉ vài câu thơ ngắn, nhiều khi như rời rạc, vậy mà chứa đựng cả một triết lý, cả một nhân sinh quan...

    Trả lờiXóa
  2. Cám ơn bác Phạm Ngọc Hiệp đã ghé và chia sẻ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cũng cám ơn bác VuNho lần nữa về bài viết con cò của bác, tôi cũng đã nhận và đọc trên Gmail bác đã gởi :-)))

      Xóa
    2. Sau khi gửi cho bác Hiệp, tôi cũng không có thông tin bác đã nhận được hay chưa. Vì vậy tôi đã đăng lên Blog. Vả lại, khi bỏ Blog trên Yahoo, tôi cũng chưa đưa bài này sang trang Blogspot.

      Xóa