Thứ Sáu, 20 tháng 2, 2015

CUỘC GẶP MUỘN MẰN

Vũ Nho chủ trang

CUỘC GẶP MUỘN MẰN

- Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
Em có chồng rồi anh tiếc lắm thay.

- Ba đồng một mớ trầu cay.
Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không
Bây giờ em đã có chồng
Như chim vào lồng, như cá cắn câu
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ
Chim vào lồng biết thuở nào ra

Lời bình của Vũ Nho

Khi còn là sinh viên Khoa Ngữ văn tôi đã từng quan tâm đến cuộc tranh luận về bài ca "Trèo lên cây bưởi hái hoa" -  Lúc ấy các nhà nghiên cứu chỉ bàn xung quanh bốn câu thôi, và tôi nhớ chỗ mắc mớ nhất mà họ tranh cãi đó là câu "Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc". Người bình thứ nhất thì cho rằng chắc là do chép nhầm, phải hiểu chữ "xanh" ấy vốn là chữ "ánh" hoặc chữ "cánh" thì mới hợp lý bởi vì không thể có "bông hoa màu xanh, lại xanh biếc". Nó có thể có ánh biếc khi nó là màu tím, màu vàng hay màu hồng... Rồi Lãng Bạc lại bàn lại và muốn đổi chữ "nở" thành ra chữ "nảy" vì hoa tầm xuân chỉ có màu trắng hay hồng nhạt. Vậy chỉ có nụ tầm xuân mới nảy ra còn non tơ nên có thể xanh biếc (?) Nói tóm lại mọi người đều đem so sánh bông hoa tầm xuân ở ngoài đời với bông hoa kì lạ "xanh biếc" ở trong ca dao và muốn sửa lại từ ngữ cho nó "hợp lí". Nhưng quả tình người ta đã quên mất đây là bông hoa tầm xuân nghệ thuật, bông hoa lí tưởng, bông hoa đặc biệt nở trong con mắt của người si tình. Thử ngẫm xem nếu bông hoa này cũng có màu như các bông tầm xuân khác, nghĩa là nó khá phổ biến, thì làm gì phải thốt lên câu "anh tiếc lắm thay".

Xét bốn câu ca dao này như một chỉnh thể là nỗi lòng người con trai, ta thấy anh là người công phu và kĩ tính. Chuyện "hái hoa" "hái nụ" là cách nói ẩn dụ về chuyện "trai khôn tìm vợ". Anh đã trèo lên một cây bưởi đầy hoa mùa xuân nhưng anh không tìm được "bông" vừa ý. Rồi anh lại xuống vườn cà - cũng một vườn hoa - nhưng anh cũng không chọn nổi, và anh gặp nụ tầm xuân. "Trèo lên" "Bước xuống" kể cũng lắm công phu. Một cây, một vườn đầy hoa mà anh bỏ qua, thật là một người kĩ tính. Mà anh đâu có ý định chọn hoa "sang", hoa "quý" gì đâu. Cốt yếu là hợp nhau. Vì thế mà anh đã sững sờ khi gặp nụ tầm xuân nở thành hoa. Với người con gái như hoa nở có thì, nụ tầm xuân "nở ra" cũng ví như cô gái đã có nơi có chốn - Chính cô gái này là người anh mong ước, anh tìm kiếm bấy lâu. Nhưng gặp được nhau thì đã quá muộn.
Em có chồng rồi anh tiếc lắm thay
Có thể hiểu rằng anh phải đi xa tìm kiếm, nhưng cũng có thể hiểu rằng cô ở ngay cạnh anh song có nhiều nguyên nhân khiến cho "đối diện bất tương phùng". Điều quan trọng nhất là khi anh tìm ra cô, phát hiện được cô như là "Điểm đỏ giữa muôn xanh" (Xuân Diệu) thì đã quá muộn màng. Anh chỉ có thể đứt ruột đứt gan mà thốt lên lời tiếc nuối. Sự tiếc nuối càng có ý nghĩa lớn vì cô gái là bông hoa xanh biếc. Bông hoa hiếm hoi tưởng như không có thật trên đời !
Bây giờ chúng ta hãy xét bài ca dao thứ hai như là một lời đáp của cô gái với chàng trai. Đặt hai bài ca dao này như một bài thống nhất gồm hai phần đối đáp là rất có lí. Tuy vậy, mỗi bài ca vẫn có khả năng tồn tại độc lập như một tác phẩm hoàn chỉnh. Hãy cứ giả định như đây là cuộc gặp gỡ trò chuyện trực tiếp của cô gái và chàng trai. Thái độ của anh ta thì đã rõ, còn cô ? Tôi nhớ khi còn dạy ở Khoa văn, bài ca này đã được các bạn sinh viên thảo luận. Có ý kiến cho rằng cô gái này rất tiết hạnh, đã từ chối, đã nhắc khéo chàng trai về hoàn cảnh của mình. Có ý kiến khác cho rằng cô gái "khôn ngoan" an ủi chàng trai vỗ về anh vì anh ta rất đáng thông cảm. Lại có người bảo cô ta hờn dỗi với anh, trách móc anh, và thở than cho hoàn cảnh của mình... Nghe ra thì đều có lí cả. Nhưng trước hết ta cần nhắc lại thái độ và lời lẽ của chàng trai. Anh đâu có tán tỉnh cô, anh đâu có định can thiệp vào đời riêng của của cô - Anh chỉ không thể không nói lên sự thật...
Nếu muốn khoác áo tiết hạnh cho cô, tôn vinh cô lên như một điển hình đạo đức thì tốt nhất là không có bài ca thứ hai. Nghĩa là cô không, hay cố tình không nghe thấy lời thở than của anh. Hoặc để cô giảng đạo đức cho anh thì chỉ cho cô đáp : 
- Ba đồng một mớ trầu cay
Sao anh không hỏi những ngày còn không
Bây giờ TÔI đã có chồng
Xưng "tôi" sẽ hợp biết bao ! Và sau câu nói ấy chắc là cô sẽ ngoắt đi đầy kiêu hãnh.
Còn nếu chỉ để an ủi anh, vỗ về anh, tiếc cho sự chậm trễ muộn màng của anh thì cần thay chữ "Tôi" bằng chữ "Em" và chấm hết cũng ngay ở đó. Nhưng cô gái đã không làm như thế. Vậy thì hình như có nuối tiếc cho anh, nhưng cũng có phần nuối tiếc cả cho mình - và vì thế cái thông tin
Bây giờ em đã có chồng
Hoàn toàn không có giá trị thông báo (chàng trai biết rõ "Em có chồng rồi") được cô thông báo lại như là một vật cản ngăn cách hai người.
Hiển nhiên cuộc hôn nhân của cô chắc không hoàn toàn hạnh phúc, không làm cho cô toại nguyện. Nên cô mới ví : 
Như chim vào lồng, như cá cắn câu
Một khi cô đã giãi bày những chuyện riêng tư thì không thể nói cô vô tình, hay cô động lòng trắc ẩn trước "Công trình kể biết mấy mươi" của anh. Rõ ràng cô cũng nhận thấy anh mới là người cô mong ước.
Vì vậy mà không phải không có lí khi ta nghe thấy sự tiếc nuối có chút hờn dỗi về chuyện "một mớ trầu cay". Anh công phu "trèo lên" "bước xuống" đi rất nhiều nơi thì được, nhưng cái việc đơn giản nhất, dễ dàng nhất là anh tìm được cô đúng lúc thì không ! Cảnh ngộ của cô là đã có chồng, là tù túng, là mắc bẫy. Và thật là đau lòng vì : 
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ
Chim vào lồng biết thuở nào ra.
Không phải là cô không muốn thoát ra hoàn cảnh hiện tại nhưng "biết đâu" ? "biết thuở nào" ? Đó như là một câu hỏi nhưng lại còn như là một lời tuyệt vọng.
Nếu chàng trai đáng được cảm thông thì cô gái này còn đáng được mười lần thông cảm. Tôi cứ nghe như có nước mắt nhoà lẫn trong những câu nói của cô. Đọc hai bài ca dao này lần nào tôi cũng ngậm ngùi, và không hiểu sao tôi lại nhớ đến bài Tiết phụ ngâm của Trương Tịch - Biết cô gái có chồng chàng vẫn tặng nàng đôi ngọc. Và nàng cảm kích nhận ngọc đeo ở bên mình - Rồi nàng nghĩ lại. Nàng đem trả ngọc : 
Trả ngọc nước mắt như mưa.
Giận không gặp gỡ khi chưa có chồng.
Tôi khâm phục tình cảm mãnh liệt và đức hạnh của chàng trai cô gái Trung Hoa, nhưng tôi cũng tự hào là ở Việt Nam ta cũng từng có những con người tuyệt đẹp, tuyệt người như anh và chị trong bài ca dao này.



2 nhận xét:

  1. Bu tui rất tâm đắc khi bác cho rằng “đây là bông hoa tầm xuân nghệ thuật, bông hoa lí tưởng, bông hoa đặc biệt nở trong con mắt của người si tình”. Vâng, qua đây cũng thấy tính siêu thực không chỉ có trong văn chương phương Tây mà đã có từ lâu trong văn chương truyền miệng ở Việt Nam. Nếu cứ cóp pi hiện thực rằng hoa tầm xuân màu hồng (hoặc trắng) thì bốn câu ca dao đó hết còn sự bay bổng, ảo diệu, đã làm xốn xang bao nhiêu người đọc người nghe từ cổ chí kim. Nếu cứ thắc mắc nụ tầm xuân sao lạicoa màu xanh biếc thì cũng như hỏi nhau lá diêu bông của Hoàng Cầm là lá gì. Trong bốn câu sau, cô gái không xưng em mà xưng tôi bác phân tích rất thấu tình đạt lí
    Mùng 2 tết được xem một bài rất hay, cảm ơn bác Vũ Nho thật nhiều

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bác Bu đã đồng cảm và chia sẻ. Vũ Nho tôi bình khoảng trên 100 bài từ ca dao, thơ trung đại đến thơ hiện đại, có mấy bài thơ dịch của nước ngoài. Đang định thư thả, tìm kinh phí để in. Cuốn sách cũng dày khoảng hơn 400 trang. Hi vọng sẽ góp một kiểu bình thơ vào cách bình của các vị Hoàng Tiến Tựu,Vũ Quần Phương, Nguyễn Trọng Tạo, Vương Trọng, Trần Đặng Khoa, Phạm Khải...

      Xóa