Thứ Tư, 4 tháng 2, 2015

ĐẸP RIÊNG MỘT VẺ

Vũ Nho chủ trang

ĐẸP RIÊNG MỘT VẺ

Mùa Xuân em đi chợ Hạ
Mua cá Thu về chợ hãy còn Đông
Ai nói với anh rằng em đã có chồng
Bực mình em đổ cá xuống sông, em về

Lời bình của Vũ Nho
Việc xác định chủ thể phát ngôn trong các bài ca dao không đơn giản, nhưng ở bài này, chúng ta dễ đồng ý với nhau rằng bài ca là lời cô gái. Cô đang nói trực tiếp với đối tượng của mình về câu chuyện đã từng xảy ra vào sớm mùa xuân nơi phiên chợ Hạ. Là lời kể, xen với hỏi và thuật chuyện một cách tự nhiên như vốn có trong giao tiếp hàng ngày, ấy thế mà lại thành thơ ca, thành ra một bài lục bát biến thể khá tài hoa và độc đáo.
Nhà thơ Nguyễn Huy Dung có lần phát hiện nét đẹp bất ngờ của ngôn ngữ dân gian : nói thường mà thành ra nói lối, cứ như xuất khẩu thành chương.
Sớm mai đi chợ Mai
Ngỡ là câu nói lối
(Chợ Mai)
Đọc bài ca dao này ta không khỏi mỉm cười thú vị vì lẽ bất ngờ mà có đủ bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông trong hai câu lục bát. Nếu là tự nhiên thì cô gái ăn nói quá duyên. Nếu là sắp đặt thì sự săp đặt tuyệt vời đến mức "siêu" sắp đặt. Mùa Hạ được gợi bởi tên làng (cũng là tên chợ) chúng ta có tập quán gọi tên làng theo vị trí trên dưới (Thượng, Hạ). Theo phương hướng (Đoài, Đông) "Chiềng làng chiềng chạ, Thượng, Hạ, Tây, Đông" (Chèo Quan Âm Thị Kính). "Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông" (Tương tư - Nguyễn Bính). Cái tên chợ Hạ quá ư phổ biến. Đi chợ quê, mua cá thu (gợi mùa thu) cũng là chuyện tự nhiên. Sự đông đúc của chợ búa lại làm nhớ đến tên mùa đông. Hiện tượng đồng âm được sử dụng tới ba lần để gợi ba mùa còn lại. Như vậy là có đủ bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông theo đúng thứ tự vần xoay của tạo hóa. Nhưng giá như có sự xếp đặt, thì sự xếp đặt cũng chẳng có bao nhiêu ý nghĩa nếu mùa Xuân, cá Thu và chợ Đông không liên quan tự nhiên và mật thiết với tính cách và phẩm hạnh của cô gái.

Mùa Xuân là mùa cây cối đâm chồi nảy lộc, là khi con người phơi phới sức sống, rạo rực thanh xuân. Mùa Xuân cũng là mùa lễ hội, mùa hẹn hò, mùa thành đôi thành lứa. Cô gái đi chợ Xuân với niềm vui thầm náo nức vì cô đã có người để ý. Cô chọn mua cá thu một loại cá ngon về cho gia đình (tất nhiên, cũng có thể để làm bữa cơm dành cho khách, nhưng không chắc lắm), mua bán xong rồi mà chợ hãy còn đông. Như vậy, câu ca cho ta biết cô gái đã đi chợ rất sớm, đã chọn được cá ngon, đã hoàn thành được công việc bán mua khi chợ còn đông. Nghĩa là cô rất chịu khó, rất đảm đang, rất rành công việc chợ búa. Cô là người con gái giỏi giang. Các cụ dạy "cái nết đánh chết cái đẹp". Một cô gái nết hay như thế, một cô gái nói tự nhiên thành thơ ca như thế, nếu con mắt có bớt lá răm đi một tí thì vẫn cứ "đáng trăm quan tiền" như thường. Nhưng ai dám bảo cô không phải là người "thắt đáy lưng ong" ?  Ai dám bảo cô không phải là người "lông mày lá liễu" ?
Ta hình dung cô gái trẻ đang phơi phới trong buổi chợ xuân thì bỗng nhận được tin sét đánh : có người đã nói gièm, đã tung tin thất thiệt cho cô. Họ nói cô đã có chồng. Tệ hơn nữa là lại nói với anh ấy, nói với chính cái người đang để ý cô. Với một người con gái trong trắng, trung thực thì cái tin như vậy quá khủng khiếp. Sự uất ức, bực mình đã khiến cô có một phản ứng tức thì, một hành động quyết liệt : đổ cá xuống sông. Tại sao lại đổ cá đi ? Và tại sao lại đổ cá xuống sông chứ không đổ ra chợ hay bất cứ chỗ nào thuận tiện ? Đổ cá là phản ứng biểu hiện sự uất ức, thể hiện sự trong trắng, trung thực của cô. Nếu cô có chồng rồi mà nói dối còn son thì bị phát giác hẳn sẽ sững sờ hay đờ đẫn chứ không quyết liệt như thế. Mặt khác đổ cá còn là để cô sẽ nhẹ nhàng mà trở về thật nhanh, găp anh để nói cho ra ngọn ra ngành (cô không đôi co với người nói gièm, người đưa tin, mà gặp anh trực tiếp, chứng tỏ cô thật khôn ngoan). Đổ cá xuống sông vì cô muốn cá được sống, cá không bị vạ lây bởi chuyện riêng của cô (Lại một lần nữa thể hiện cô là một người nhân hậu...).
 Đổ cá đi. Thế là hết cả niềm vui đi chợ, hết cả kết quả bán mua, hết mọi dự định cơm ngon, canh ngọt. Cô chẳng thiết tha gì nữa. Trong lòng chỉ có một, một đòi hỏi mãnh liệt là làm rõ chuyện... Ta đã từng gặp người con trai đổ tép đi vì người đẹp trong ca dao cổ :
Tình tính tang
Anh đang rang tép
Thấy cô mình đẹp anh đổ tép đi  
Nay lại gặp cô gái đổ cá vì chuyện tình. Yêu mà đổ của đi như thế cũng đáng xếp vào hạng nòi tình lắm chứ !
Chẳng rõ mất bao lâu cô mới về tới nhà mình. Bao lâu cô mới tìm gặp được anh. Nhưng cứ vào ngữ điệu trực tiếp của câu hỏi "Ai nói với anh rằng..." thì chuyện đi chợ, mua cá nghe tin, đổ cá đi là chuyện của quá khứ, chuyện được thuật lại. Còn chuyện bây giờ là cô đang đối thoại với anh.
Ở trên đã nói về lời của cô trong hình thức lục bát biến thể. Song hai câu đầu tuy sáu-tám mà lại không có vần. Sự cân đối đạt được nhờ bốn từ Xuân - Hạ - Thu- Đông xếp đặt hợp lý ở bốn vế. Hai câu sau mỗi câu chín tiếng. So với khuôn lục bát thì một câu thừa ba, câu kia thừa một. Có thể viết "Bực mình đổ cá xuống sông em về". Nhưng phải dư một chữ "em" ở đây để đảm bảo cho bốn câu lục bát có được bốn chữ  "em" nhất là cái câu kể lại hành động quyết liệt kia có hai lần xưng em để làm cho lời nói về sự việc nghiêm trọng ấy đủ mềm mại. Vẻ đẹp của ngôn ngữ tự nhiên làm đẹp cho bài ca. Tính chất mạnh mẽ, hồn nhiên, bộc trực của cô gái cũng làm cho bài ca độc đáo.
Quyết liệt mà đúng đắn, giận dỗi mà kìm nén, bực bội mà tỉnh táo, khôn ngoan. Ngôn ngữ của cô, cách ứng xử của cô, bốn chữ "em " dịu dàng làm cho sự bực mình, sự chung tình của cô gái đẹp riêng một vẻ.
                 



13 nhận xét:

  1. Nghe danh đã lâu , hôm nay lão mới lò dò đọc bài bình của Thầy lần đầu , quả thật là hay. Lão sẽ mon men đọc tiếp những bài xưa cũ khi rảnh. Trân trọng.

    Trả lờiXóa

  2. Bác ơi, cái vụ cô đổ cá xuống sông mong cá được giải thoát là do cô nghỉ thế, thêm bác cho là thế, thực ra cá thu ở các chợ không bao giờ sống để bơi ra biển được nữa, không giống như các quả, cá trê, cá rô..Bác rất tinh tế khi cho rằng cô đi chợ rất sớm nên trở về khi chợ còn đông. Không hiểu chữ đông này có liên quan gì đến "Gái thương chông đang đông buổi chợ" không. ?? Bọn con trai "ngắm em xem chợ" thì lúc này nhiều đối tượng để cô ta quan sát lắm., Nhưng kệ xác các anh. tôi về để còn cơm lành canh ngọt cho khách quý đến nhà đây. Thủy chung son sắt đến thế mà vẫn bị dèm pha thì đổ cả đi cho hả giận... hihi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác Bu ơi! Tôi không thấy họ bán cá THU tươi còn có thể BƠI được. Nhưng bài ca dao này lấp lửng giữa tên CÁ và tên MÙA. Cả cái chợ "đông người" tức là đang còn nhộn nhịp cũng lại chơi chữ để nhắc mùa ĐÔNG. Cô gái đổ cá xuống sông tôi TÁN thế chắc cũng không sai mấy. Thực ra, "nhất cận thi, nhị cận giang". Nhiều chợ của nước ta cũng ngay cạnh sông. Nên cô ấy cũng không phải mất công đi quá xa. Thêm nữa, đổ "xuống sông xuống biển" là một cách nói phổ biến. Và cuối cùng là vì để đảm bảo vần. Ta thử hình dung nếu không đổ xuống SÔNG, chúng ta sẽ có : Ai nói với anh rằng em đã có chồng/ Bực mình em đổ cá xuống đất...em về! He he he...

      Xóa
    2. Nhất trí với bác Vũ Nho

      Xóa
  3. Là do cô nghỉ thế (máy bu lỗi)

    Trả lờiXóa
  4. Lời bình hay. Bài viết đẹp, khá cân chỉnh ở nhiều góc độ. Cảm ơn bác Vũ Nho.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn anh Nguyễn Xuân Lai đã ghé trang và đồng cảm!

      Xóa
  5. Anh đang rang tép
    Anh thấy cô mình đẹp
    Anh đổ tép đi, tôi e là không đúng lắm. (Ai nói em có chồng,- em bực đổ cá đi thì đúng) Hay là ĐÁNH ĐỔ TÉP ĐI
    Phải chăng thấy cô nàng đẹp quá nên luống cuống đánh đổ tép thì mới phải. tôi vẫn chưa hiểu đổ phí tép làm gì?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bạn quan tâm!
      Mấy câu ca trên bạn sẽ không tìm thấy ở cuốn sách nào. Đó là tôi nhớ bài hát ru quê tôi. Mẹ tôi đã hát những câu này ru các con tôi. Tại sao thấy cô mình đẹp, anh lại đổ tép đi? Bạn nghĩ vì là thấy người đẹp nên luống cuống đánh đổ tép! Có cơ sở. Nhưng đánh đổ tép, thì sẽ không có "đi". "Đổ đi" là chủ động đổ một thứ gì đó. Bị động, luống cuống đánh đổ tép đang rang thì phải là " Thấy cô mình đẹp/ Anh đánh đổ tép rang" chẳng hạn. Anh đổ tép đi có thể là anh bỏ công việc, anh bỏ món ăn đã sắp được ăn...để ngắm cô mình, để chạy theo cô mình. Điều lí thú của mấy câu ca này là không nói rõ Vì sao " Anh đổ tép đi". Bạn có thể nghĩ là câu đó không đúng, không hợp lí. Nhưng tôi chép lại đúng theo trí nhớ. Và câu đó đúng là như thế. Nó có cái lí riêng của nó đấy bạn ạ!

      Xóa
  6. Cảm ơn bác đã trả lời
    Các cụ xưa khéo nhỉ!
    Đành phải chấp nhận thôi.
    Một lần nữa xin trân trọng cảm ơn bác đã đã lời câu hỏi ấm ớ của em
    Xin trân trọng cảm ơn bác

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Câu hỏi của bạn không ấm ớ. Thật ra, một số câu ca dao, nhất là tục ngữ ra đời cách chúng ta khá lâu, nên đôi khi chúng ta không hiểu đúng hay cảm thấy khó hiểu là chuyện bình thường. Nhân tiện nói về "đổ đi" tôi thấy người làm việc đó trong trạng thái CHỦ ĐỘNG chứ không phải BỊ ĐỘNG. Chẳng hạn câu ca dao : "Hỡi cô tát nước bên đàng/ Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi". Các cụ ngày xưa có cách nói của các cụ. Và chúng ta thì tìm cách hiểu đúng các cụ. Còn có hiểu đúng được không lại là chuyện...khác! Cám ơn bạn đã hỏi. Chúc bạn vui và may mắn!

      Xóa
  7. "Đổ cá đi. Thế là hết cả niềm vui đi chợ" - "Thấy cô mình đẹp anh đổ tép đi" - Khi chuẩn bị có niềm vui.
    Thực lòng em đọc bài viết của bác rất hay nhưng một bài có hai nội dung trên thấy khó hợp làm một.
    Nên em hỏi bác vậy! Mặc dù không hiểu lắm,nhưng lại gặp"Múc ánh trăng vàng" lại khác. Ruộng cạn thì tát nước vào cho lúa (Có mục đích) chứ không phải bị động. Chỉ có những chàng trai "vẽ chuyện" thì mới nói thế lấy cớ làm quen. Chứ đây không phải cô gái giận "đổ cá", anh chàng đang vui "đổ tép", Phải chăng nó chẳng liên quan đến "đổ trăng vàng" nó lại có thể sang phạm trù khác mất rồi.
    Thành thật xin lỗi bác, nếu thật sự bác thấy phiền lòng vì gặp phải đúng đứa ấm ớ,nói mãi không hiểu, thì thôi chẳng trả lời nữa cho mệt.
    Xin cảm ơn bác và chúc bác khỏe, viết nhiều bài hay và nhất là không ngại tốn thời gian với những thằng ấm ớ.

    Trả lờiXóa