Thứ Tư, 25 tháng 2, 2015

Một lời bình khác cho bài thơ ĐI TRONG HƯƠNG TRÀM của Hoài Vũ

Vũ Nho Chủ trang

ĐI TRONG HƯƠNG TRÀM
                                                              HOÀI VŨ
             Em gửi gì trong gió trong mây
             Để sáng nay lên Vàm Cỏ Tây
             Hoa tràm e ấp trong vòm lá
             Mà khắp trời mây hương tỏa bay
             Dù đi đâu dù xa cách bao lâu
             Dù gió kia đổi hướng thay màu
             Dù trái tim em không trao anh nữa
             Một thoáng hương tràm cho ta bên nhau
            
             Gió Tháp Mười đã thổi thổi rất sâu
             Có nỗi thương đau có niềm hy vọng
             Bầu trời thì cao cánh đồng thì rộng
             Hương tràm bên anh mà em đi đâu

             Dù đi đâu dù xa cách bao lâu
             Anh vẫn có bóng em giữa bóng tràm
             bát ngát
             Anh vẫn thấy mắt em
                                       trên lá tràm xanh mát
             Anh vẫn nghe tình em trong hương tràm xôn xao

Lời bình của Vũ Nho
Tôi chưa một lần được tới Tháp Mười, chưa được thấy lá tràm xanh mát, chưa được ngắm hoa tràm e ấp, chưa được biết hương tràm ra sao, nhưng bài thơ của Hoài Vũ cứ xôn xao mãi trong lòng. Có phải vì hương, hoa, lá tràm đó gắn liền với một tình yêu rất đỗi thủy chung và thánh thiện của người trai Nam Bộ?
              Gió Tháp Mười đã thổi thổi rất sâu
              Có nỗi thương đau có niềm hy vọng
             Bầu trời thì cao cánh đồng thì rộng
             Hương tràm bên anh mà em đi đâu
Người trai ấy đang đứng giữa Tháp Mười mênh mông. Bầu trời cao, cánh đồng rộng. Và hun hút gió thổi... trong lòng. Cơn gió Tháp Mười thổi đi đâu ? Nếu lên trời thì rất cao, nếu trên cánh đồng thì rất dài, rất rộng. Rất sâu, ấy là gió đã thổi vào tâm trạng, vào cõi lòng của con người. Hai chữ  "thổi" đặt cạnh nhau trong một câu thơ gây một ấn tượng đặc biệt. Hình như gió cũng phải nghỉ lấy hơi, phải tiếp sức với nhau mới đi được qua "Tháp Mười tâm trạng".

Thiên nhiên cao rộng, trống trải đến rợn ngợp. Còn con người đang có bão ở trong lòng. Anh có gì tựa vào để đứng vững và liệu anh có đứng vững được không ?
Anh chỉ có hương tràm mà thôi, hương tràm và kỷ niệm về một người con gái giờ cũng thoáng như hương :
   Một thoáng hương tràm cho ta bên nhau
Nhưng sự bên nhau ấy mong manh quá không che khuất được nỗi cô đơn mất mát :
         Hương tràm bên anh mà em đi đâu
Tưởng như nỗi thương đau có thể làm cho con người sụp xuống. Nhưng không. Hương Tràm mong manh, nhưng hương tràm là một thứ bùa  ngải nhiệm màu.
           Dù đi đâu dù xa cách bao lâu
           Dù gió mây kia đổi hướng thay màu
Khoảng cách không gian không có ý nghĩa gì, khoảng cách thời gian cũng không là gì nốt. Ngay cả thiên nhiên với những quy luật "vĩnh hằng" có đổi thay đi nữa thì cũng không hề ảnh hưởng. Chưa hết, ngay cả khi trái tim không thể trao nhau, nhưng thoáng hương tràm đủ bắc cầu qua không gian, thời gian, "qua mặt" thiên nhiên, qua cả sự trao gửi thường tình để đến tình yêu vĩnh cửu.
Điệp một lúc những bốn chữ "dù" và sau đó là bao nhiêu điều kiện để rồi khẳng định tình yêu vẫn là mãi mãi. Đó phải chăng là một điều thách thức, một sự bất chấp ? Liệu có phải là một thái độ "khùng khùng", một tâm trạng cuồng ca hay không ?  Không, chỉ cần đọc tiếp khổ thơ sau, ta sẽ hiểu
              Bóng em - giữa bóng tràm
              Mắt em - trên lá tràm
              Tình em - trong hương tràm
Vậy là em và kỷ niệm xưa gắn liền với rừng tràm đã hóa thân vào cây tràm, đã biến thành một loài cây mãi mãi xanh tươi, mãi mãi sinh sôi nảy nở. Tình yêu ấy đã thành bất tử.
Nhạc sĩ Thuận Yến, người phổ nhạc cho bài thơ cho biết :  Hoài Vũ viết bài thơ tặng anh Tư có người yêu là cô giao liên đã hy sinh. Như thế "em đi đâu" tức là em đã mất, đã đi xa vĩnh viễn, "trái tim em không trao anh nữa" là em không thể trao chứ không phải là đổi dạ thay lòng. Biết chi tiết này, ta càng thêm quý mến sự chung tình của người con trai.
Có lẽ Hoài Vũ đã không viết quá cụ thể, quá riêng biệt về đôi trai gái như vậy lại hay. Bài thơ vì thế mà thêm được sự đồng thanh đồng điệu. Còn biết bao nhiêu mối tình gắn bó với hương tràm, hương sen, hương lúa, hương chanh, hương bưởi... những hương hoa ở mọi miền quê. Không phải là  vì cái chết, mà vì một lý do nào đó, họ không trao gửi được trái tim cho nhau. Nhưng họ vẫn giữ ở trong lòng thoáng hương xưa ấy. Thoáng hương mong manh nhưng đủ để cho con người có thể sống  người hơn.
                                                         
                                                                  III.1993

In trong  Vũ Nho Đi giữa miền thơ, nxb Văn học, 1999
                                                                                               

                        








                  








4 nhận xét:

  1. Cảm ơn bác Nho Chí iit cũng phải bình như bac mới được Nếu như bài thơ chỉ nói đến cái chêt của cô giao liên và nỗi đau của ngườ con trai dù điều đó là có thật thì bài thơ có lẽ sẽ chết yểu bởi vì (thế gian lẽ ấy chuyện thường ) nhưng ở đây bài thơ đã đi xa hơn vươn một tầm cao hơn,nên bài thơ mới có sức lan toả, mới nhận được sự đồng cảm của cộng đồng độc giả
    Mến bac Nho rồi đấy cảm tưởng như bác đang bình chính tác phẩm của bác. Thân!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bạn. Tôi bình bài thơ này đã lâu. Và vì thích cả bài thơ lẫn bài hát nên tìm đọc và biết được rằng nhà thơ Hoài Vũ viết để tặng anh Tư, có người yêu làm giao liên đã hi sinh. Bạn có lí khi nói rằng không nhất thiết người con gái phải hi sinh thì tình yêu mới trở thành vĩnh cửu. Tôi tán thành điều đó. Bởi người ta có nhiều lí do để không đến được với nhau, nhưng tình yêu vẫn có thể bất tử...Bài thơ này như bạn nói, đã vượt qua một mối tình cụ thể...
      Tôi sẽ còn lần lượt công bố các bài bình thơ của mình, của các cộng tác viên. Mong nhận được sự chia sẻ của bạn! Chúc bạn nhiều sức khỏe, nhiều niềm vui!

      Xóa
  2. Nỗi đau của người con trai được tắm trong hương tràm ! Tại sao lại là hương tràm, chứ không phải là thứ khác ? Cái giỏi của Hoài Vũ ở chỗ nào ? Cảnh và tình hoà quyện với nhau, dữ dội, đằm thắm, da diết ư ? Cảm ơn bác Vũ Nho.

    Trả lờiXóa