Thứ Tư, 11 tháng 3, 2015

Kết nghĩa với người dưới mộ

Nhà văn nhà giáo Hoàng Dân

Kết nghĩa với người dưới mộ
                                                                                       Cảnh Giang

                                                 Thương tặng liệt sĩ Đặng Thị Chốc,
                                   Bí thư chi bộ, Đại đội trưởng TNXP đoàn 283 Hải Hưng

Em bây giờ: “Là em gái của anh!”
Dẫu muộn màng nhưng phần đời còn lại
Một chút sẻ chia những gì mãi mãi
Gửi ân tình đỡ lạnh chốn âm cung…

Mới biết em cô gái Hải Hưng
Tạm biệt quê hương lên đường cứu nước
Em nằm lại với quê Anh hơn 30 năm trước!
Cùng trăm ngôi mộ vô danh

Ôi! Bạo tàn ngọn lửa chiến tranh
Thiêu cháy tuổi xuân một thời con gái
Em hẹn Mẹ: “Không ngày trở lại
Ngày giỗ Con là ngày Con ra đi…!”

Em hoá thân vào đất nước khắc ghi
Em hoá thân cho mùa xuân mãi mãi
Cho quê Anh ngọt ngào hoa trái
Rì rào sông Gianh ru em ngủ giấc lành…

Không còn người thân! “Em đã có Anh!”
Có Tổ quốc và trời xanh trên nấm mộ
“Anh thay Mẹ lo Em ngày giỗ!
Có hương, hoa và nỗi nhớ vô cùng…!”

Và từ nay giữa nghĩa trang chung
Trong tình yêu cho muôn ngàn ngôi mộ
Ấm lòng hơn, “Anh trai mình đến đó!”
Nặng nghĩa tình cùng sông núi ghi ơn
                                                                                     5.9.2009

Lời bình của Hoàng Dân
Ai từng đến những nghĩa trang liệt sĩ mênh mông trên mọi miền đất nước, từng đứng lặng rưng rưng trước những dãy mộ trùng điệp với những tấm bia thật “vô tình”: LIỆT SĨ VÔ DANH (hoặc LIỆT SĨ CHƯA RÕ TÊN) thì có thể sẽ đồng cảm ngay với bài thơ này.
Ngay một đứa trẻ sơ sinh đã phải có họ tên để làm giấy chứng sinh và sau là đó là giấy khai sinh, một tờ giấy sẽ theo suốt cuộc đời một con người cho tới khi nắm mắt xuôi tay. Và đó là một tờ giấy cực kì quan trọng, bởi thiếu nó, con người sẽ trở nên vô thừa nhận như thân phận một… con vật hoang! Huống chi, khi trưởng thành, lên đường cứu nước, hi sinh và… mất luôn cả họ tên để chỉ còn hai chữ lạnh lẽo: VÔ DANH! Sao lại vô danh? Từ cái tên khai sinh đến hai chữ “vô danh” quả là một tấn bi kịch! Bi kịch do chiến tranh gây ra! Chỉ ở khía cạnh này thôi, chiến tranh đã quá tàn ác rồi! Chiến tranh có thể cướp đi sinh mạng của một con người đang độ thanh xuân phơi phới, chuyện ấy xem ra cũng bình thường. Nhưng chiến tranh cướp đi cả cái tên cúng cơm của một con người thì không còn ngôn từ nào có thể diễn tả nổi nỗi đau của những người thân.

Người con gái liệt sĩ trong bài thơ này may mắn vẫn còn tên trên bia mộ, nhưng có lẽ không còn người thân nào đến hương khói thường xuyên, cho nên tác giả đã tự nguyện làm một cuộc “kết nghĩa”:
Em bây giờ: “Là em gái của anh!”
Dẫu muộn màng nhưng phần đời còn lại
Một chút sẻ chia những gì mãi mãi
Gửi ân tình đỡ lạnh chốn âm cung…
Cuộc kết nghĩa lạ nhưng chân thành và cảm động. Lạ vì đây là cuộc kết nghĩa một chiều của người cõi dương với người cõi âm. Lạ vì nó quá muộn màng. Cảm động vì người cõi dương chỉ mong cuộc kết nghĩa này giúp cho người âm “đỡ lạnh chốn âm cung”. Nói “đỡ lạnh” tức là từng bị lạnh rồi, thậm chí là lạnh tới… hơn 30 năm, cũng tức là người đời đã quên em quá lâu rồi; nhưng em ơi, vẫn có người chưa quên hẳn, người đó là anh.
Sau cuộc kết nghĩa, người dương đứng lặng hồi lâu để đọc kĩ hơn những dòng chữ ghi trên bia mộ, ngắm kĩ hơn những dãy mộ vô danh và kể những gì vừa chợt biết về người âm:
Mới biết em cô gái Hải Hưng
Tạm biệt quê hương lên đường cứu nước
Em nằm lại với quê Anh hơn 30 năm trước!
Cùng trăm ngôi mộ vô danh

Ôi! Bạo tàn ngọn lửa chiến tranh
Thiêu cháy tuổi xuân một thời con gái
Em hẹn Mẹ: “Không ngày trở lại
Ngày giỗ Con là ngày Con ra đi…!”
Lời hẹn “Ngày giỗ Con là ngày Con ra đi…!” vừa mang cái khẩu khí của thời đại “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai” (Tố Hữu), vừa thấm đẫm chất bi tráng của một lời thề: “Ra đi giữ trọn lời thề/Đánh tan giặc Mĩ mới về quê hương”. Nhưng giặc tan rồi mà sao em vẫn “nằm lại với quê Anh” lâu tới hơn 30 năm? Chắc mẹ em đã mất và họ hàng thân thích cũng chẳng còn ai!
Cuộc chiến tranh đã đi qua, nhưng người hi sinh thì vẫn nằm đây, trơ trọi hương tàn khói lạnh? Không thể! Với người đời thì anh không biết, nhưng với anh, với quê hương anh thì em mãi mãi là ân nhân:
Em hoá thân vào đất nước khắc ghi
Em hoá thân cho mùa xuân mãi mãi
Cho quê Anh ngọt ngào hoa trái
Rì rào sông Gianh ru em ngủ giấc lành…
Với lòng biết ơn chân thành, người dương như muốn ghé sát ngôi mộ thì thầm:
Không còn người thân! “Em đã có Anh!”
Có Tổ quốc và trời xanh trên nấm mộ
“Anh thay Mẹ lo Em ngày giỗ!
Có hương, hoa và nỗi nhớ vô cùng…!”
Em ơi, từ nay ngày giỗ của em sẽ có hương hoa, có hơi ấm của tình nghĩa thuỷ chung uống nước nhớ nguồn… Em có nghe rõ lời anh nói không, hỡi em?
Kì diệu thay, trong tiếng gió hú bất tận ở nghĩa trang, hình như người dương cảm nhận văng vẳng lời thì thào của người âm “Anh trai mình đến đó!”:
Và từ nay giữa nghĩa trang chung
Trong tình yêu cho muôn ngàn ngôi mộ
Ấm lòng hơn, “Anh trai mình đến đó!”
Nặng nghĩa tình cùng sông núi ghi ơn
Bài thơ kết thúc có hậu, cái hậu của cõi tâm linh. Người Việt ta có câu tục ngữ “Sống vì mồ vì mả, không ai sống bằng cả nồi cơm”. Thoả mãn cái dạ dày là việc tối quan trọng, phủ nhận điều đó là dối trá; nhưng nếu chỉ tìm mọi cách để thoả mãn cái dạ dày mà không biết “sợ” đạo lí thì con người sẽ tàn ác và bạc bẽo hơn cả con vật. Trong bài thơ này, người dương, sau hơn 30 năm bươn chải mưu sinh đã có một điểm dừng để suy ngẫm và chợt ngộ ra một nỗi sợ… Và chính nỗi sợ đã làm nên cái kết có sức thuyết phục cho bài thơ.
                                                                            Thạch Bàn, thứ bảy, 22.3.2014


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét