Thứ Hai, 30 tháng 3, 2015

BÀN và TÁN về KHOÁI SAU TỨ KHOÁI


KHOÁI  SAU  TỨ  KHOÁI
(Tản văn)
                                                                                    Lê  Dụ
Quan tòa hỏi:
- Mary! chị cho biết lí do li hôn Bill - chồng chị?
- Thưa quý tòa! Tôi đã trình bày trong đơn, lí do là không hợp - Ma ry trả lời.
Quan tòa:
- Tòa muốn biết trực tiếp, cụ thể. Hai người tự nguyện lấy nhau mới hơn một năm mà đã li hôn, nghĩa là sao?!
Mary: - Thưa tòa! Tôi không thể sống chung với Bill thêm một ngày nào nữa!
Quan tòa quay sang hỏi Bill:
- Bill! anh hãy cho biết lí do?
Bill: - Thưa tòa! Tôi cũng không biết lí do gì!
Quan tòa: - Thế này là thế nào!? Nếu không biết nguyên nhân cụ thể, tòa sẽ không giải quyết!
Mary đứng phắt dậy: - Thưa tòa! từ khi lấy nhau đến nay, đã hơn một năm rồi, Bill chưa tắm 1 lần nào!? Bởi vậy, tôi không thể chịu đựng thêm 1 ngày nào nữa!
Quan tòa, không kiềm chế nổi kinh ngạc, cũng bật người lên:
- Ôi khủng khiếp! khủng khiếp!! Bill! có đúng thế không?
- Đúng! Thưa tòa! Nhưng tôi thấy chuyện này… có gì ghê gớm đâu! - Bill thản nhiên trả lời.
Đó là một đoạn đối thoại trong phiên xét xử li hôn ở nước Anh mà tôi đọc được trên mạng internet đã lâu... Hôm nay, nhân bàn tiếp về Khoái sau Tứ khoái, chợt nhớ lại.
Tắm có nhiều dạng, kiểu:
Tắm sông (Muốn tắm mát, lên ngọn sông Đào (Ca dao), tắm suối (ngòi, lạch, khe), tắm ao (chuôm), Ta về ta tắm ao ta! (Ca dao); tắm hồ (đầm), tắm biển, tắm trong nhà tắm, tắm trong bể bơi, tắm mưa, tắm nắng, tắm hơi (matxa), tắm bùn, tắm điện (?), tắm sữa dê, tắm thuốc, tắm tất niên, tắm tiên (khỏa thân), tắm để bày thức ăn trên cơ thể phụ nữ (Súshi; sẽ nói chi tiết ở đoạn sau), tắm khô, tắm cạn, tắm máu (nghĩa bóng), tắm tù, tắm lính (Mỹ)… Mỗi kiểu tắm có thể đem lại khoái thú riêng cho người được/bị tắm…

Phương ngôn Ăn, ngủ , đụ, ỉatứ khoái của con người. Theo tôi, còn 1 khoái nữa có thể đứng vào hàng thứ 5 (ngũ): đó là khoái tắm. Thiếu nó, tứ khoái kia sẽ bị giảm đến 50% khoái cảm… là cái chắc! Này nhé! Sau một ngày làm việc mệt nhọc hoặc vui chơi thả giàn…, cho dù đang mùa lạnh, điều mong muốn bức thiết tiếp theo là được tắm một cái, chứ chưa phải là ăn, ngủ…kia! Câu thành ngữ: Ăn no tắm mát, theo tôi, có lẽ phải bàn lại về trình tự trước sau giữa 2 việc quan trọng, không thể thiếu ấy của con người?! Với người xứ nóng, tắm là 1 nhu cầu thường nhật. Trời hè oi bức, ít nhất phải tắm một lần trong ngày, thậm chí 2 hoặc 3 lần,… mới thỏa!
Tắm sông, tắm suối, tắm biển… toàn thân người ngụp trong làn nước mát rượi, mơn man, rờn rờn da thịt. Bao nhiêu bức bối, dính ráp trôi tuột khỏi cơ thể. Người cảm thấy nhẹ bẫng, đầu óc sảng khoái làm sao!…Nước kích thích, hưng phấn từ ngoài vaò trong, từ trong ra ngoài lâng lâng lý thú!... Mùa lạnh, mặc 3 - 4 áo vẫn cảm thấy rét! Thế mà, sau khi tắm, chỉ cần mặc 1 áo mỏng, đã cảm thấy ấm hơn trước đó nhiều! Thật lạ!
Nhà văn Ngô Ngọc Bội, có lần nói, đại ý: Người phụ nữ đẹp nhất là sau khi tắm… Nhận xét ấy xác đáng, nhưng chưa thật tinh tế! Tôi muốn đổi từ đẹp bằng từ hấp dẫn. Bởi sau khi tắm, nét mặt người phụ nữ trở nên tươi nhuần, nhẹ nhõm. Vừa gội đầu xong, mái tóc nhóng nhánh, phảng phất thơm mùi dầu gội, hoặc hương nhu, bồ kếp… Một, hai giọt nước còn loang trên ngực áo…
                              Áo sương cúc gió lơi cài (thơ Trương Nam Hương)
Aó sương là áo mỏng như làn sương. Lơi là lỏng, cài hờ (không đóng), tại gió lả lơi, chứ có phải tại em đâu! Qua làn áo sương huyền ảo,…thấy: Rõ màu trong ngọc trắng ngà (Nguyễn Du). Hấp dẫn thế, khêu gợi thế! bởi người ta là hoa của đất (Tục ngữ).
         Hằng năm, cứ đến mùa hè, những bãi tắm biển như: Đồ Sơn, Sầm Sơn, Cửa Lò, Thuận An, Nha Trang, Vũng Tàu, Phú Quốc… số lượt người đến nghỉ, tắm mỗi bãi, có đến hàng nghìn. Mỗi lần tắm biển, bao nỗi buồn phiền dường như được giải tỏa, hòa tan, hoá giải trong làn nước xanh biếc, mặn mòi. Thân thể săn chắc hơn, ăn ngon, ngủ sâu hơn. Tắm biển là một trong những dịp tốt để phái đẹp trưng bày cơ thể một cách hợp lý nhất. Cánh đàn ông thì được bổ mắt miễn phí!
Bãi tắm khỏa thân CAP dAgde thuộc nước Pháp dài 2km, dọc theo bờ Địa Trung Hải. Ở đó, quang cảnh tất cả khách tắm đều rất tự nhiên, hồn nhiên trụi trần hòa với thiên nhiên biển trời, mây sóng. Những cảnh mà người Á Đông ta trước kia, khó tưởng tượng nổi! Nhưng gần đây, học lối phương Tây, dân chơi sành điệu Hà Nội cũng đã tự mở bãi tắm tự nhiên ở khu vực Baĩ Giữa sông Hồng, gần Long Biên. Kẻ phản đối nhiều, người khen mạnh dạn … không ít!
Chuyện tắm, việc tắm, vấn đề tắm…từng đi vào văn thơ, hội họa, điện ảnh, triết học từ đông tây, kim cổ…
Danh ngôn: Đời người không ai tắm 2 lần trên 1 dòng sông (Hêraclit – triết gia Hi lạp cổ đại) vốn xuất phát từ thực tế thiên nhiên; nhưng đã khái quát ý nghĩa triết lý sâu sắc: Dòng sông nước chảy không ngừng, cũng như dòng thời gian, như cuộc sống con người luôn luôn vận động, biến đổi, không thể, không bao giờ quay trở lại!
Nàng Tiên Dung lá ngọc cành vàng, con vua Hùng Vương thứ 18, quyết không lấy chồng mà chỉ thích du sơn ngoạn thủy! Nhưng chỉ sau một lần quây màn, tắm lộ thiên trên bãi cát sông Hồng giữa ban ngày ban mặt, vị công chúa này đã thay đổi hẳn ý định, thành tâm gắn bó đời mình với chàng đánh cá Chử Đồng Tử, dù Vua cha kịch liệt phản đối, (vì phò mã của vua không thể là gã ngư dân nghèo xác nghèo cơ, đến manh khố che thân cũng không có nổi)! Đó là câu chuyện tình kỳ lạ vào loại độc nhất vô nhị trong văn học dân gian Việt Nam và thế giới. Quả xưa nay chưa có một môtip nào tuyệt chiêu như thế! Dân chúng bãi Tự Nhiên, Khoái Châu, Hưng Yên, truyền khẩu rằng: sau chuyện công chúa Tiên Dung tắm ấy, không biết bao nhiêu trai làng đã đua nhau tự vùi mình trong bãi cát, mong trời cho gặp một Tiên Mơ, Tiên Mận, Tiên Đào…mà chẳng gặp được tiên  nào…Thật là công cốc!
Một trong tứ đại mỹ nhân cổ - trung đại Trung Hoa, là  nàng Dương Quý phi (719 – 756), (Dương Ngọc Hoàn), ái phi của Đường Huyền Tông (Lý Long Cơ).  Vua Đường ân sủng nàng đến mức bắt dân chúng đào 1 cái hồ rộng, xây nhà ở giữa, để Quý phi hằng ngày tắm. Gương mặt Ngọc Hoàn đẹp như tiên sa, nhất dáng hình uyển chuyển, nhì da trắng ngọc ngà. Nàng thường tắm bằng sữa dê, bởi trong sữa ấy chứa nhiều Axít Lactic, có thể hòa tan chất keo kết dính các tế bào trên da, nhờ đó tác dụng tẩy trắng rất tốt. 
      Cảnh Thúy Kiều tắm trong lầu xanh Tú Bà, dưới ngòi bút thiên tài Nguyễn Du:
                                      Buồng the được buổi thong dong,
                              Thang lan rủ bức trướng hồng tẩm hoa.
                                      Rõ màu trong ngọc trắng ngà,
                             Daỳ dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên.
Cảnh này hiện có những cách hiểu và giải thích khác nhau. Chẳng hạn, theo chú giải của GS. Nguyễn Thạch Giang trong Truyện Kiều (bản in năm 1972):
- Buồng the: buồng có che màn the, buồng của phụ nữ. - Thang lan: nước hoa lan thơm, đun nóng lên để tắm.           
Trong khi Lê Thanh Long (sách Truyện Kiều bình giải, NXB Hội nhà văn, 2014; tr. 95 – 99) giải thích khác:
- Buồng the: không phải là cái buồng có màn the. Buồng the là cách nói hình tượng văn vẻ chỉ Thúy Kiều: Buồng the được buổi thong dong. Buồng the giống như hồng quần: chỉ phụ nữ. – Thang lan: cái thanh ngang treo bức trướng màu hồng. Nghĩa là bức trướng hồng rủ xuống từ thang lan. Bức trướng hồng che đằng trước chỗ Thúy Kiều tắm.
           Theo tôi, cách giải thích này có phần hợp lý hơn. The là loại vải rất mỏng, thưa. Buồng tắm mà che bằng tấm màn the thì coi như không che! The mà che buồng ở thì không ai dám tắm trong buồng ấy. Buồng the là 1 hoán dụ.  Câu: Rõ màu trong ngọc trắng ngà. Có bản chép rõ ràng, gợi cảm giác thô. Màu là màu da Thúy Kiều trong như đá ngọc, trắng như ngà voi. Trong như ngọc nghĩa là rất sạch, không tì vết, không có sẹo, nốt ruồi, nám, chàm… Câu: Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên. Trong bài Kiều tắm, Đường Văn đặc tả cái tòa thiên nhiên ấy một cách tỉ mỉ, chi tiết, bằng những từ ngữ trần trụi. Anh cho đó là chỗ kín của nàng Kiều, căn cứ vào từ dày dày. Ý tôi: Đường Văn mô tả đúng nhưng chưa đủ. Tôi hiểu: một tòa nhà bao gồm nhiều gian nhà. Như vậy, một tòa thiên nhiên là tả khái quát bao gồm: Gương mặt, bộ ngực (vòng 1, vòng 2). Vòng 3 gồm chỗ kín kia và chân tay, chứ đâu phải tòa thiên nhiên chỉ có mỗi chỗ ấy?! (mượn các thuật ngữ sử dụng trong các cuộc thi hoa hậu hiện nay).
Đấng tạo hóa đã thiết kế ra cái tòa thiên nhiên tuyệt mĩ kia, ban tặng cho con người – đàn bà. Chủ ngôi tòa thiên nhiên ấy, Thượng đế dành cho đàn ông sở hữu. Chính vì thế, sự sống trên hành tinh này mới có ý nghĩa. Cũng chính vì các tòa thiên nhiên ấy nên từ khi xuất hiện loài người đến nay, đã từng sinh ra bao nhiêu thảm cảnh: ghen tuông, tranh giành, cướp giật, chém giết, tham nhũng, chiến tranh, mất nước, thân bại danh liệt… cơ hồ đều do cái tòa thiên nhiên nguy hiểm chết người mà quyến rũ ma quái ấy gây ra! Đát Kỷ, Tây Thi, Điêu Thuyền, Dương Quý Phi,… (Trung Hoa). Nguyễn Thị Anh, Đặng Thị Huệ (Việt Nam),… Cũng dễ hiểu, bởi: anh hùng không qua được ải mỹ nhân!
Có bao nhiêu kiểu tắm khác nhau. Nhưng có lẽ đặc biệt nhất là tắm để bầy thức ăn trên cơ thể trinh nữ Nhật Bản (ẩm thực Body Sushi). Không phải ai cũng được tắm và cũng tắm được theo kiểu tắm kỳ dị, cầu kỳ này đâu!
Trước hết, phải là những phụ nữ trẻ trung, trinh tiết, gương mặt xinh đẹp, thân hình siêu chuẩn, thân thể quyến rũ, kiêu sa. Thiếu nữ phải có nhóm máu A( kiên trì, nhẫn nại). Những mẫu nude (khỏa thân) phải tắm theo quy trình nghiêm ngặt: làm sạch cơ thể trong thời gian 90 phút. Đầu tiên, người mẫu dùng nước ấm dội từ đầu xuống chân; rồi chà miếng bọt biển đầy xà phòng không mùi khắp toàn thân. Tiếp theo, các cô gái đựng cám lúa mì lau chùi kĩ khắp cơ thể để tẩy hết lớp tế bào chết. Sau đó lại ngâm nước nóng rồi dùng xơ mướp xoa sạch cơ thể một lần nữa. Cuối cùng, dùng nước lạnh tắm lại. Người mẫu nude nằm ngửa bất động từ 2 đến 4 tiếng đồng hồ, trên cơ thể họ bày thức ăn. Những chỗ nhạy cảm được che bằng lá rau, bông hoa. Khách đàn ông ngồi thưởng thức ẩm thực một cách nghiêm túc. Ai vi phạm sẽ bị phạt rất nặng. Sau khi tiệc tàn, mẫu nude phải làm sạch cơ thể mình 1 lần nữa để loại hết mùi tanh từ Sushi, cá và các vết thức ăn còn bám trên da. Họ thường dùng nước cốt chanh và muối để tắm gội. Giá trung bình một bữa ăn Body Sushi bình thường khoảng 150.000 yên Nhật, tương đương 225.000.000 VNĐ. Hạng sang tới 1 triệu yên. Ở Việt Nam, có lẽ phải cỡ đại gia như Bầu Kiên, Dương Chí Dũng… (trước khi vào tù!) trở lên mới dám dùng Body Sushi cho mình hoặc chiêu đãi bạn bè!
Trong văn học Việt Nam hiện đại, nhắc tới những trang thơ văn miêu tả cảnh tắm, (tất nhiên là thiếu nữ, phụ nữ nổi tiếng) không thể không nói đến:
                        Ô kìa! bóng nguyệt trần truồng tắm,
                        Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe.
                                               (Bẽn lẽn - Hàn Mặc Tử)
Hàn thi sĩ  đứng ở khoảng cách xa vừa phải (9 - 10m), bất ngờ thốt lên: Ô kìa! Bóng nguyệt trần truồng tắm. Nhà thơ vận dụng thủ pháp tá khách hình chủ. Tả nguyệt (trăng) tắm là vẽ cô gái tắm đêm, trên suối (hoặc sông). Bóng thiếu nữ in xuống đáy nước. Khỏa thân nên cái khuôn vàng (cái ngàn vàng (?) in xuống đáy suối (khe). Khe ấy cũng chính là cái khe của cái ngàn vàng. Bút pháp đặc tả bức tranh thiếu nữ nude tắm trong đêm trăng lộ mà vẫn thanh nhã, tinh khiết. Nhà thơ nhập vào nhân vật trữ tình - cô gái để độc thoại nội tâm:
                           Em sợ lang quân em biết được,
                           Nghi ngờ tới cái tiết trinh em!
Rõ ràng, sau khi tắm, con người thường hay liên tưởng tới biết bao nhiêu là chuyện...!
Ngược lên miền Tây Bắc, cảnh tắm tiên trên suối (sông) của các cô gái Thái từng được các nhiếp ảnh gia chớp được những hình ảnh hồn nhiên, đẹp lạ kỳ. Còn Bạc Văn Ùi dựng lên bức tranh thơ Em tắm: Sao anh lại rình /Trộm xem em tắm?/Da của em ngần trắng, /… Là của anh tất cả/Không phải người xa lạ/Việc gì mà trộm xem?!
Thì ra cô gái biết chàng trai – người yêu đang rình, trộm xem cô tắm suối giữa thanh thiên bạch nhật. Cái hay của cô gái Thái là biết chàng nấp trong bụi cây đang rình mình, nhưng vờ coi như không biết, cho người yêu thỏa thuê bổ mắt! Hồn nhiên đối thoại tưởng tượng với người yêu, cô rất ý thức được điểm mạnh của mình là người lao động: Tay của em lấm lem/ Tay của rừng của núi/ Tay của than của bụi/ Tay của đất của nương
Cô gái xinh đẹp lại hay lam hay làm:
                                Em tắm xong lại sạch/Vẫn ngát thơm hoa rừng…
Nhờ Em Tắm, Bạc Văn Ùi được độc giảcả nước biết tên và nhớ mãi.
Trong tiểu thuyết Bão Biển (1969 – 1970), Chu Văn tả cảnh tắm của nhân vật Nhân -  1 thiếu phụ Công giáo ngoan đạo, coi như đã bỏ chồng (Lực bỏ vợ, vào Nam). Chị yêu Tiệp, cán bộ xã Sa Ngọc. Một đêm hè hò hẹn, nhưng chờ mãi mà Tiệp không đến.Quá thất vọng, Nhân ra giếng tắm để hạ nhiệt, giải tỏa nỗi lòng:
 Nhân quấn tóc, búi gọn về phía sau. Cánh tay trắng như một khúc chuối non... Tiệp đến rồi, đi những bước nhẹ êm đến gần bờ dâm bụt trước cửa. Ánh trăng mờ mờ yếu ớt. Nhưng đôi mắt tinh đã quen bóng tối, đủ nhìn rõ Nhân trần một nửa người, trắng như pho tượng đá hoa, đương đứng nghiêng bên bờ giếng. Nước chảy óng ánh trên da thịt như tung ra những vẩy bạc. Bàn tay, cánh tay, mảnh vai tròn trặn trong trắng, phô vẻ đẹp tự nhiên của một thân hình tươi trẻ, khỏe mạnh và khêu gợi lạ lùng. Tiệp ngây nhìn, tưởng như tất cả chỉ là giấc mơ, … mình có thể tan ngay thành mây khói, tan hết, biến ngay vào đám trăng sao mờ mờ…
Chuyện tắm trong văn chương thú vị tuyệt vời đến thế. Nói mãi vẫn chưa đủ. Ấy thế mà có những người rất kỵ tắm, sợ tắm!? Đó là những người nghiện. Họ ba, bốn tháng không tắm mà chỉ lau người qua loa. Theo nhà văn Nguyễn Quang Lập: Nguyễn Trọng Tạo - nhà thơ, nhạc sĩ đẹp trai, đa tài này lại rất kỵ tắm.?! Nhà thơ Ngô Minh viết trên blog: Năm 1985, Nguyễn Trọng Tạo vào Huế ở nhờ nhà Ngô Minh 3 tháng. Ngô Minh chưa bao giờ thấy Nguyễn Trọng Tạo tắm. Cái áo khoác của thi sĩ Tạo bốc mùi “thơm” không chịu nổi! Vợ Ngô Minh, chị Minh Tâm đem giặt hết một bánh xà phòng 72% (Liên Xô) mà nước vẫn còn lờ lờ đục. Thất kinh!... Có lần gặp Nguyễn Trọng Tạo; nhưng vì tế nhị nên tôi không dám hỏi chuyện này. Chắc là thật!? Vì Nguyễn Quang Lập và Ngô Minh đều là bạn thân của Nguyễn Trọng Tạo. Ai dám đặt điều khủng khiếp ấy đối với người bạn thân, mình quý trọng?!
Tắm là khoái thứ 5 (ngũ). Nhưng giống như khi ta đau bụng mà dùng nhân sâm thì... tắc tử! Tắm sai thời điểm cũng nguy hiểm chết người như chơi! Chẳng hạn: tắm khi sốt; tắm ngay sau khi uống rượu, bia; tắm khi đêm khuya; tắm ngay sau khi ngủ dậy; tắm ngay sau khi ăn quá no hoặc quá đói; tắm xong, nằm điều hòa; tắm xong, mở quạt máy số lớn…
Trẻ sơ sinh được lau chùi, sau vài tiếng đồng hồ phải tắm rửa sạch sẽ. Sau đó, dù thời tiết nóng lạnh, ngày nào cũng phải tắm rửa bằng nước ấm pha chanh... Rồi… bất kỳ ai, không phân biệt thấp cao, sang hèn, trước khi lên đường theo tổ tiên, cũng phải được lau rửa sạch sẽ, mặc quần áo mới, bấy giờ mới khâm liệm và đưa vào áo quan…thì người sống mới yên lòng. Nếu theo phong tục cổ truyền Việt Nam, 3 năm sau sẽ cải cát (táng). Hài cốt người đã qua đời, một lần nữa, lần cuối cùng, được  tắm rửa tỉ mỷ, kỹ lưỡng bằng nước vang rồi sắp xếp theo trình tự vào tiểu sành. Xong xuôi, mới đưa xuống huyệt mộ hình trụ tròn, lấp đất, đắp (xây) thành mộ (hoặc lăng), thực sự yên giấc ngàn thu. Có kỳ lạ không, từ lúc oe oe cất tiếng chào đời đến khi nhắm mắt xuôi tay… đều gắn liền với việc tắm?! Và ai tính được một đời người đã trải qua bao nhiêu lần tắm?!
Nhưng, trăm năm trong cõi người ta, con người không chỉ cần tắm rửa thân thể vật chất mà còn rất cần, thậm chí thường xuyên tự tắm và được tắm tư tưởng, tình cảm, làm sạch trí não, tâm hồn mình một cách khoa học, nhân văn bằng công cụ hữu hiệu: tự phê bình và phê bình. Có như vậy, cuộc sống mỗi người mới được luôn khỏe mạnh, sạch sẽ, tinh thần thư thái, thanh thản và sống lâu./.*
·         Đọc tham khảo:
+ L. Tônxtôi (Chiến tranh và hòa bình): Lời Natasa Rôxtôva khi gặp lại Pie Bêdukhôp (vừa mới được giải phóng khỏi nhà giam của quân Pháp): Trông anh ấy sạch sẽ, mới mẻ như vừa mới được tắm rửa vậy! + A. Tônxtôi (Con đường đau khổ): 3 lần tắm trong lửa, 3 lần tắm trong nước lạnh, 3 lần tắm trong kiềm (bazơ), ta sẽ trong sạch hơn cả những người trong sạch nhất! + Phạm Văn Đồng: Bình sinh Người (Hồ Chủ tịch) thích đi bộ, tắm sông… (trích bài: “Hồ Chủ tịch, hình ảnh của dân tộc”). + Tại Côn Đảo (hiện có bộ manơcanh mô phỏng), chị em tù tuyệt thực và tự mổ bụng chỉ để đòi được tắm! Lí do: phụ nữ ngày nào cũng phải tắm, cả tháng không được tắm thì sẽ phát điên vì bẩn thỉu và bệnh phụ khoa hành hạ. + Bà Huỳnh Tiểu Hương (GĐTT Quê hương Bình Dương) vốn là một cô bé mồ côi kiếm sống ở bến xe miền Đông, khi gặp được một người tử tế ngỏ ý giúp đỡ, hỏi nguyện vọng, Hương nói: "Chỉ xin cho đám bạn gái của cháu mỗi ngày được tắm 1 lần!" + Bộ đội giải phóng trên chốt, râu tóc, bụi bặm bẩn thỉu không chịu được đã phải "tắm khô"(tắm cạn) bằng cách: nhảy nhót cho vã mồ hôi ra, rồi lấy tay vê ghét, vứt đi...! + Lính Mỹ trên chốt (thời 1965 – 1972) ở miền Nam Việt Nam, tuần (hoặc 2 tuần 1 lần) được trực thăng phun nước xuống tắm tập thể.(theo tư liệu của ĐV, HD)                          
                             Tân Nhuệ, Thụy Phương, Bắc Từ Liêm, QTPN,
 08 – 03 – 2015. LD
                                                                                        



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét