Thứ Tư, 4 tháng 3, 2015

"Gửi em, cô thanh niên xung phong" của Phạm Tiến Duật với lời bình


Gửi em, cô thanh niên xung phong
                                                                                                          Phạm Tiến Duật

Có lẽ nào anh lại mê em
Một cô gái không nhìn rõ mặt
Đại đội thanh niên đi lấp hố bom
Áo em hình như trắng nhất

Người tinh nghịch là anh dễ thân
Bởi vì thế có em đứng gần
Em ở Thạch Kim sao lại lừa anh nói là “Thạch Nhọn”
Đêm ranh mãnh ngăn cái nhìn đưa đón

Em đóng cọc rào quanh hố bom
Cái miệng em ngoa cho bạn cười giòn
Tiếng Hà Tĩnh nghe buồn cười đáo để
Anh lặng người như trôi trong tiếng ru

Tranh thủ có ánh sáng đèn dù
Anh vội nhìn em và bạn em khắp lượt
Mọi người cũng tò mò nhìn anh
Rồi bóng tối lại khép vào bóng tối

Em ơi em, hãy nghe anh hỏi
Xong đoạn đường này các em làm đâu?
Anh đã tìm em rất lâu, rất lâu
Cô gái ở Thạch Kim, Thạch Nhọn
Khăn xanh, khăn xanh phơi đầy lán sớm
Sách giấy mở tung trắng cả rừng chiều

Anh đã đi rất nhiều, rất nhiều
Những con đường như tình yêu mới mẻ
Đất rất hồng và người rất trẻ
Nhưng chẳng thấy em, cô gái ở Thạch Nhọn, Thạch Kim

Những đội làm đường hành quân trong đêm
Nào cuốc nào choòng xoong nồi xủng xoảng
Rực rỡ mặt đất bình minh
Hấp hối chân trời pháo sáng
Đường trong tim anh in những dấu chân

Chiếc võng bạt trên đường hành quân
Anh đã buộc nhiều cây xoan cây ổi
Lại đường mới và hàng nghìn cô gái
Ở đâu em tinh nghịch của anh?

Bụi mù trời mùa hanh
Nước trắng khe mùa lũ
Đêm rộng dài là đêm không ngủ
Em vẫn đi, đường vẫn liền đường

Cạnh giếng nước có bom từ trường
Em không rửa ngủ ngày chân lấm
Ngày em phá nhiều bom nổ chậm
Đêm nằm mơ nói mớ vang nhà
Chuyện kể từ nỗi nhớ sâu xa
Thương em, thương em, thương em biết mấy…

Dừng tay cuốc khi em ngoảnh lại
Sẽ giật mình đường mới ta xây
Đã có độ dài hơn cả độ dài
Của đường sá đời xưa để lại
Sẽ ra về bao nhiêu cô gái
Một ngày mai đường sẽ đứng chơ vơ
Để cho đời sau còn thấy ngẩn ngơ
Trước những công trình ngoằn ngoèo trên mặt đất

Ơi em gái chưa một lần rõ mặt
Có lẽ nào anh lại mê em
Từ cái đêm Thạch Nhọn, Thạch Kim
Tên em đã thành tên chung anh gọi:
Em là cô thanh niên xung phong
                                             Đức Thọ, 1968

Lời bình của Hoàng Dân
Đây có thể chưa phải là một bài thơ tình như bài “Trường Sơn đông, Trường Sơn tây” nhưng lại là một bài thơ rất nặng tình đồng đội khác giới. Tình đồng đội nói chung vốn đã rất thiêng liêng, tình đồng đội khác giới còn có thêm chút xao xuyến, bâng khuâng rất khó gọi tên cho chính xác. Là tình đồng chí hoàn toàn vô tư ư? Không hẳn thế. Là tình yêu ư? Cũng chưa chắc!

Câu thơ mở đầu “Có lẽ nào anh lại mê em” đã gọi ra đúng cái tâm trạng của người con trai. Câu này được lặp lại ở khổ cuối giống như một lời tự vấn da diết: “Đây có phải là một tình yêu đích thực hay không?”.
Lấp hố bom vào ban đêm mà “Áo em hình như trắng nhất” thì có một cái gì đó không bình thường. Nếu diện thì thật vô lí, bởi trong bóng đêm, công việc hối hả, ai có thời gian để ngắm áo trắng? Và cái áo màu trắng hay áo màu rêu thì cũng chẳng liên quan gì đến nhan sắc của cô gái cả. Đẹp thì nâu sồng cũng đẹp. Xấu thì lụa là vẫn xấu. Nhưng ở đây, cái áo trắng này có ít nhất hai nghĩa. Thứ nhất, nó thể hiện tính cách của cô gái, lúc nào cũng phải mặc cái áo đẹp nhất, bởi biết đâu nhờ cái áo mà có chàng trai nào đó mặc quân phục màu rêu (dĩ nhiên) để ý mình. Thứ hai, mặc cái áo đẹp nhất để luôn chuẩn bị cho một tư thế hi sinh đàng hoàng nhất.
Quả nhiên, tính cách của cô gái đã gây sự chú ý cho người con trai. Nhờ cái áo trắng mà người con trai biết đây là một cô gái có cá tính. Nhờ cái “lừa anh” Thạch Kim – Thạch Nhọn mà có cái xao xuyến bồi hồi “Đêm ranh mãnh ngăn cái nhìn đưa đón”.
Trong bóng đêm, không nhìn rõ mặt nhau, cũng không thể nói bằng ánh mắt thì tiếng nói gần như là phương tiện duy nhất để cô gái bộc lộ cá tính của mình:
Cái miệng em ngoa cho bạn cười giòn
Trong bài thơ “Lửa đèn”, tác giả nói rõ hơn cái ý này:
Cây trúc làm duyên phải nhờ gió thổi
Cô gái làm duyên phải nhờ giọng nói
Nói để cho bạn “cười giòn” được đâu có dễ? Phải là người có học vấn, có duyên mới làm được việc đó. Người con trai hình như cũng bật cười “Tiếng Hà Tĩnh nghe buồn cười đáo để”, nhưng ngay sau đó lại:
Anh lặng người như trôi trong tiếng ru
Tại sao lại “lặng người như trôi trong tiếng ru”? Có thể đây là nỗi xót xa. Thương một người con gái giỏi giang như vậy mà có thể bị bom đạn cướp đi bất cứ lúc nào. Thương một người lẽ ra có thể sẽ là một người mẹ tuyệt vời…
Cơ hội duy nhất để người con trai và những cô gái có thể nhìn rõ mặt nhau trong khoảnh khắc là:
Tranh thủ có ánh sáng đèn dù
Anh vội nhìn em và bạn em khắp lượt
Mọi người cũng tò mò nhìn anh
Rồi bóng tối lại khép vào bóng tối
Nên nhớ ánh sáng đèn dù có thể khiến ta nhìn rõ mọi vật như ban ngày, thế cho nên ai cũng “tranh thủ” để “vội nhìn” và “tò mò nhìn”. Có lẽ sau cái tia chớp những ánh mắt chợt bắp gặp nhau, tình cảm dường như vỡ oà, nhưng là thứ vỡ oà câm lặng, người con trai ngẩn ngơ:
Em ơi em, hãy nghe anh hỏi
Xong đoạn đường này các em làm đâu?
Và người con trai đã:
- Anh đã tìm em rất lâu, rất lâu
- Anh đã đi rất nhiều, rất nhiều
Nhưng chẳng thấy em, cô gái ở Thạch Nhọn, Thạch Kim
- Ở đâu em tinh nghịch của anh?
Người con trai đã cất công lặn lội đến tận “đại bản doanh” của “cô gái áo trắng”, nhưng tiếc rằng không gặp, chỉ được nghe đồng đội của cô gái kể về cô gái ấy:
Cạnh giếng nước có bom từ trường
Em không rửa ngủ ngày chân lấm
Ngày em phá nhiều bom nổ chậm
Đêm nằm mơ nói mớ vang nhà
Trong lời kể trên có nhiều sự việc khá lạ lùng.
Thứ nhất, đó là lòng dũng cảm và những chiến công của cô gái với “Ngày em phá nhiều bom nổ chậm”. Nên nhớ bom nổ chậm tức là bom có thể phát nổ bất kì lúc nào, cho nên người phá bom nổ chậm coi như cầm chắc cái chết. Có thể chết ngay từ quả đầu tiên và cũng có thể phá tới 100 quả trót lọt, để rồi sẽ tan xác pháo ở quả thứ 101. Cũng như người lính bộ binh, trận nào cũng là trận đầu tiên với tất cả những âu lo, hồi hộp về cái chết. Và người lính lái xe Trường Sơn cũng vậy. Bước lên ca-bin lần đầu cũng có thể là lần cuối… Như vậy, “Ngày em phá nhiều bom nổ chậm” là một ngày cực kì căng thẳng, nhiều lần cận kề cái chết nhưng em vẫn tỉnh táo và dũng cảm để hoàn thành một nhiệm vụ cân não dường như quá sức chịu đựng của con người bình thường.
Thứ hai, sau những lần phá bom nổ chậm ngàn cân treo sợi tóc, ban ngày thì “Em không rửa ngủ ngày chân lấm”, còn ban đêm thì “nằm mơ nói mớ vang nhà” - cái cách “ngủ ngày chân lấm” và “nói mớ vang nhà” xem ra có vẻ rất “vô duyên”; nhưng nó lại nói rất đúng cái sự thật trần trụi của hoàn cảnh chiến tranh và đặc tả một khía cạnh khác của sự hi sinh: các cô gái không có cả cái cơ hội được làm duyên như một người con gái bình thường.
Chính qua những lời kể của đồng đội cô gái mà người con trai càng thương xót cô gái hơn:
Chuyện kể từ nỗi nhớ sâu xa
Thương em, thương em, thương em biết mấy…
Tác giả điệp cụm từ “thương em” tới ba lần hẳn là có dụng ý? Phải chăng, đây vừa là sự đồng cảm của những người lính cùng chiến hào, vừa là một khát vọng được gắn bó, chia sẻ? Có thể đó là những cảm xúc đầu tiên, những ấn tượng đầu tiên của một tình yêu?
Từ sự cảm mến cá tính của cô gái, người con trai đã bày tỏ sự cảm phục và ghi nhận công lao to lớn của những cô gái thanh niên xung phong:
Dừng tay cuốc khi em ngoảnh lại
Sẽ giật mình đường mới ta xây
Đã có độ dài hơn cả độ dài
Của đường sá đời xưa để lại
Và người con trai cũng không giấu giếm một nỗi buồn man mác bâng khuâng:
Sẽ ra về bao nhiêu cô gái
Một ngày mai đường sẽ đứng chơ vơ
Để cho đời sau còn thấy ngẩn ngơ
Trước những công trình ngoằn ngoèo trên mặt đất
Dự cảm “sẽ ra về bao nhiêu cô gái” đã có câu trả lời buồn trong trường ca “Tiếng bom và tiếng chuông chùa” sau này. Và dự cảm “Một ngày mai đường sẽ đứng chơ vơ” cũng có câu trả lời trong thực tế cuộc sống hôm nay. Thi sĩ có tài thường có một mẫn cảm tuyệt vời khi dự báo về tương lai. Tất cả những gì Phạm Tiến Duật viết trong bài thơ này sẽ vẫn còn tươi ròng sự sống đối với những ai luôn nặng lòng với quá khứ hào hùng và bi tráng của dân tộc, và sẽ là xa lạ đối với những kẻ dửng dưng vô cảm với mọi nỗi buồn vui của một thời máu lửa đã lùi xa hơn 40 năm (so với thời điểm bài thơ ra đời).
Thời ấy mới có cái tình cảm xao xuyến như tình yêu, nhưng lại chưa hẳn là tình yêu:
Ơi em gái chưa một lần rõ mặt
Có lẽ nào anh lại mê em
Thời ấy mới có sự tôn vinh chân thành, vô tư, trong sáng của người con trai dành cho người con gái:
Tên em đã thành tên chung anh gọi:
Em là cô thanh niên xung phong
Bởi vì họ là đồng đội của nhau. Và cũng bởi vì trời phú cho những kẻ khác giới những trái tim luôn thổn thức vì nhau, cho dù đó là những trái tim mặc thường phục hay quân phục… Dù chưa phải thơ tình, nhưng bài thơ này vẫn ngợi ca tình yêu. Một tình yêu cao thượng và thánh thiện. Một tình yêu dang dở trong khói lửa chiến tranh…
                                                                           Sáng 31.1.2014
                                                                    (Mồng 1 Tết Giáp Ngọ)
                                   


                                    Nhà văn nhà giáo Hoàng Dân

2 nhận xét:

  1. Chào các Bac. Cô gái trong bài thơ là một người có thật sống ở xã Thạch Kim huyện Thạch Hà tỉnh Hà Tĩnh. Về già bà có dịp ra Hà nội.và đã đươc diện kiến nhà thơ Phạm tiến Duật
    Bài thơ là một bản hùng ca nói về cuộc chiến gian khổ của dân tộc. Nếu bình luận hết thì sẽ ôm đồm mà trong một bài bình ngắn này sẽ không diễn đạt hết được .Bac Hoàng Dân đã tránh được điều này nhưng cũng khéo léo đưa được tình cảm lứa đôi lồng vào trong cuộc chiến
    Bài thơ tuy dài nhưng Bác vẫn bình khúc chiêt đầy đủ diễn đạt đúng tâm trạng nhà thơ
    Tôi còn một phân vân,lưỡng lự. Đây là một bài phân tích bình luận hay là một bài bình thơ thuần tuý. Bởi vì ranh giới giữa mô phạm trong nhà trường và nghệ thuật có một khoảng cách rất nhỏ
    P/s. Áo trắng ở trong thơ còn có một ý nữa là những Cọc Tiêu Sống dẫn đường cho xe qua trong đêm tối thì phải ? Nếu đúng thì bác Hoàng Dân nên thêm ý này vào Thanks

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bạn Alaykum Salam đã đọc và cho nhận xét.
      Tiếc là nhà văn nhà giáo Hoàng Dân khó vào Blog của tôi nên có lẽ không thể biết nhận xét này. Khi gặp tôi sẽ nói lại với tác giả bài bình. Tác giả PTD viết: Đại đội thanh niên đi lấp hố bom
      Áo em hình như trắng nhất. Bạn có lí khi gợi ý rằng áo trắng làm cọc thiêu. Nhưng áo trắng không thể mặc ban ngày. Có nhà thơ bình chi tiết này là áo trắng, áo diện mà lại chỉ có thể mặc ban đêm. Cũng là sự THIỆT THÒI của các cô gái đang tuổi làm duyên.

      Xóa