Thứ Năm, 8 tháng 10, 2015

Mấy vấn đề trong Văn chương nghệ thuật và thẩm mỹ tiếp nhận của Nguyễn Ngọc Thiện




PGS TS Nguyễn Ngọc Thiện, tác giả tập tiểu luận


Mấy vấn đề trong
Văn chương nghệ thuật và thẩm mỹ tiếp nhận
của Nguyễn Ngọc Thiện
PGS. TS. Lê Đình Cúc
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Tập Tiểu luận - Phê bình Văn chương Nghệ thuật và thẩm mỹ tiếp nhận(*) đề cập đến nhiều vấn đề. Với tư cách Tổng biên tập tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, Nguyễn Ngọc Thiện có nhiều bài viết về đời sống báo chí văn nghệ, trong đó là những thành tựu, thực trạng và định hướng cho báo chí văn học - nghệ thuật. Phần này nằm trong Phần III - Về báo chí văn nghệ. Tôi là người đọc bình thường không dám bàn tới.
Hai phần còn lại: Phần I. Tiểu luận, Phê bình văn chương nghệ thuật Việt Nam hiện đại Phần II. Ma Văn Kháng - Đời văn và tác phẩm là nội dung chính, quan trọng nhất của tập tiểu luận này. Với tư cách là một nhà nghiên cứu lý luận văn học, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thiện đã nêu lên nhiều vấn đề quan trọng về lý luận, trong đó có những ý kiến tổng quát và sâu sắc thực trạng văn học - nghệ thuật đương đại.
Tôi chỉ có thể dừng lại ở một vài vấn đề mà theo ý tôi là tâm đắc nhất trước thái độ và trình độ lý luận của người bạn đồng nghiệp có hơn ba mươi năm làm việc cùng nhau, ấy là một người nghiêm cẩn trong công việc am hiểu sâu sắc đời sống văn học Việt Nam và được trang bị cơ sở lý luận với một vốn kiến thức phong phú.

Ở phần I. Nguyễn Ngọc Thiện đã xuất phát từ Đề cương văn hoá Việt Nam. Ông cho rằng… "Văn hoá Việt Nam và vấn đề dân tộc hoá tiếng nói và chữ viết" là một phần quan trọng "Đề cương thể hiện tầm nhìn sâu sắc, triệt để, tư duy macxit - lêninnit xây dựng nền móng, vạch đường dẫn lối về phương hướng chiến lược, dự báo những phát triển viễn cảnh của nền văn hoá Việt Nam (bao gồm cả tư tưởng, học thuật và nghệ thuật) dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản" (tr.13).
Nhận định và đánh giá như vậy có phần đúng. Để có được tư tưởng chỉ đạo đó của Đề cương văn hoá  vấn đề dân tộc hoá tiếng nói và chữ viết là một phần quan trọng. Ông đã dẫn chứng những sự kiện đáng trân trọng của Đề cương văn hoá (1943) với sự lãnh đạo sát sao của các nhà lãnh đạo Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Tố Hữu… và tôi cho rằng giá trị thực tế lớn nhất của Đề cương văn hoá là ở phần này. Và nó sẽ còn có giá trị lâu dài cho văn hoá Việt Nam. Cũng như nhà văn hoá Phạm Quỳnh nói về ngôn ngữ Truyện Kiều "Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn".
Thực tế văn hoá Việt Nam dưới sự chi phối của Đề cương văn hoá, trong thời gian 70 năm qua cho thấy chưa được như mong muốn. Dân tộc, đại chúng khoa học kiểu của chúng ta đã làm không mang lại thành tựu lớn cho văn hoá như mong muốn. Cho đến thời kỳ Đổi mới (1986) văn nghệ nước ta lấy lý luận văn nghệ Mác - Lênin làm cơ sở cho sáng tạo. Là quyết định, thống soái, tư tưởng lý luận này đã lấn át gần như tuyệt đối các lý luận khác của thời đại. Những cấu trúc, phê bình mới, thi pháp học, tự sự học, phân tâm học… để rồi các nhà văn phải gọi đây là văn học phải đạo, văn học quan phương rồi kêu gọi "ai điếu" (Nguyễn Minh Châu) cho nền văn hoá. Đến "Đổi mới" văn học Việt Nam có gương mặt mới, đời sống mới. Nhưng lịch sử là lịch sử, không ai làm lại được lịch sử. Điều quan trọng nhất là ở đây Nguyễn Ngọc Thiện đã chọn được vấn đề cốt lõi, sinh động và có giá trị nhất, đủ sống mãi với thời gian cho văn hoá Việt Nam là vấn đề dân tộc hoá tiếng nói và chữ viết để khẳng định một giá trị của Đề cương văn hoá. Nói cho cùng văn học nghệ thuật là kỹ thuật sử dụng tiếng nói và chữ viết phù hợp với nó. Ở vấn đề này, bản lĩnh, năng khiếu và khả năng phát hiện vấn đề của Nguyễn Ngọc Thiện,  của người nghiên cứu khoa học và lý luận văn học là đáng trân trọng.
Cùng với khả năng đó, với thao tác và kỹ năng của nhà lý luận Nguyễn Ngọc Thiện với những trang viết dù ngắn, gọn đã nêu lên được những vấn đề cơ bản, cốt lõi và bao quát nhất trong chân dung các nhà khoa học Hoàng Trinh, Hoàng Xuân Nhị, nhà văn Nguyên Hồng (Những ngày thơ ấu), Mai Văn Phấn, hay một vài nhà nghiên cứu văn học nữ - là học trò của ông (Tác phẩm đầu tay của bốn cây bút nữ nghiên cứu phê bình văn học tr.179).
Trong những bức chân dung này người đọc dễ dàng có được cái nhìn bao quát đời sống văn học ở phạm vi nghiên cứu và giảng dạy văn học thông qua những người được Nguyễn Ngọc Thiện vẽ nên. Đó là trường hợp thầy Hoàng Xuân Nhị. Sinh viên đại học Tổng hợp Hà Nội những năm 70 ai cũng biết Thầy, người trụ cột của Khoa Văn, người có kho kiến thức và ngoại ngữ phong phú, được đào tạo bài bản ở Pháp. Thầy đã cùng với những trí thức lớn như Trần Đại Nghĩa, Trần Đức Thảo, Nguyễn Khắc Viện… theo Bác Hồ về nước phục vụ cách mạng. Hồi đó văn học Nga - Xô Viết đang được phổ cập và nghiên cứu nhiều ở Việt Nam. Thầy Hoàng Xuân Nhị là chuyên gia đầu ngành, có công lớn trong việc giảng dạy, nghiên cứu, dịch thuật nền văn học này. Xung quanh, thầy là một đội ngũ thầy giáo Hà Minh Đức, Phan Cự Đệ, Lê Bá Hán, Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Kim Đính, Nguyễn Đức Nàm, Tôn Gia Ngân, Lê Hồng Sâm, Đặng Anh Đào… một đội ngũ mà bây giờ không thể có trong mơ, đã đào tạo được một thế hệ sinh viên như PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thiện.
Ở trường hợp thứ hai - chân dung GS.VS. Hoàng Trinh. Bài viết trong cuốn sách này được đăng tải lúc ông qua đời. "Hoàng Trinh nhà lý luận, phê bình văn học hàn lâm" bài viết rất ngắn, có hồi hướng của một điếu văn (tr.197-200) nhưng đã toát lên được sự nghiệp và cuộc đời của một nhà khoa học. Ngay cả ở cái Title đã là chính xác, cụ thể. Lý luận, phê bình văn học hàn lâm. Bây giờ nhìn lại mới thấy thêm phần kính trọng và khâm phục GS.VS. Hoàng Trinh bởi kiến thức sâu sắc, phong phú và ý thức chính trị nhạy bén của một nhà khoa học Việt Nam. Trước năm 1986, năm bắt đầu phong trào Đổi mới và mở cửa của đất nước, Hoàng Trinh chỉ là một trong vài người dám xông vào địa hạt văn học phương Tây vốn xa lạ và nhạy cảm. Phương Tây văn học và con người của ông trở thành sách nhập môn, gối đầu giường của những ai quan tâm đến văn học phương Tây. Một đội ngũ đông đảo các giáo viên, tiến sĩ, giáo sư hiện nay đang hoạt động khoa học trong các Viện nghiên cứu, các trường Đại học không ai là không đọc tác phẩm này. Dù còn nhiều vấn đề phải nhận thức lại, có thể bàn lại - Điều tất nhiên của khoa học xã hội - nhưng dấu ấn của GS.VS. Hoàng Trinh là không thể bàn cãi. Đặt Phương Tây văn học và con người, 2 tập (1969-1971) bên cạnh nhiều tác phẩm của ông sau này như Văn học ngọn nguồn và sáng tạo (1973), Ký hiệu nghĩa và phê bình văn học (1980), Đối thoại văn học (1986), Từ Ký hiệu đến Thi pháp học (1992) ta thấy được sự vận động và nhạy bén của nhà khoa học này.
Vượt qua những đánh giá có phần bảo thủ trước đây, ông đã mạnh dạn thay đổi lập trường nghiên cứu để tiếp nhận những khoa học và tư tưởng mới mẻ của các trào lưu lý luận và mĩ học của thời đại, xuất phát từ "Phương tây" như Ký hiệu học và Thi pháp học. Nguyễn Ngọc Thiện qua bài viết này đã làm được điều đó.
Với "Tác phẩm đầu tay của bốn cây bút nữ nghiên cứu, phê bình văn học" Nguyễn Ngọc Thiện đã có những phát hiện tinh tế với thái độ trân trọng và khuyến khích đội ngũ những người đang dấn thân vào lĩnh vực khoa học đầy thách thức và khó khăn, nhất là ở thời kỳ mà xã hội phần nhiều quan tâm đến kinh tế hơn là văn chương. Chân dung bốn cây bút nữ mà ông đề cập ở đây là những nhà giáo và cũng là những cây bút nghiên cứu, phê bình văn học mà dư luận chưa biết nhiều bởi họ còn trẻ cả tuổi đời và tuổi nghề.
Trước hết là Trần Thị Việt Trung với tác phẩm Lịch sử phê bình văn học Việt Nam hiện đại ông đã phân tích, chỉ ra được những đóng góp có ý nghĩa của cuốn sách này "đã được viết ngắn gọn, trên cơ sở bao quát tư liệu khá đầy đủ, khảo sát và tái hiện sinh động quá trình hình thành, phác hoạ rõ nét diện mạo và cho thấy những đặc điểm khuynh hướng chủ yếu của phê bình văn học Việt Nam diễn tiến từ những ngày đầu đến năm 1945" (tr.180).
Tiếp đó là tác phẩm của các tác giả nữ khác là Cao Thị Hồng, Đỗ Phương Thảo và Lê Thị Bích Hồng. Với cách viết ngắn gọn, súc tích nhưng sâu sắc Nguyễn Ngọc Thiện có cái nhìn mới mẻ và ưu ái đối với thế hệ trẻ, vừa là bạn vong niên vừa là đồng nghiệp và cũng là học trò của ông. Các bài viết về các tác giả này chỉ như một bài giới thiệu sách hoặc là một bản nhận xét luận án của thầy giáo hướng dẫn luận án tiến sĩ văn học, Nguyễn Ngọc Thiện đã rất tinh ý để chỉ ra được những vấn đề không phải chỉ riêng của các tác giả nữ này mà đằng sau đó là nhịp thở của đời sống văn học đương đại.
Các tác giả được ông đề cập đến thuộc hai thế hệ khác nhau. Các giáo sư Hoàng Xuân Nhị, Hoàng Trinh đã là người thiên cổ. Bốn tác giả nữ trên đây đang phơi phới tuổi xuân, nhưng Nguyễn Ngọc Thiện - lớp nối của hai thế hệ này - qua các bài viết của tập tiểu luận này đã chỉ ra được mạch nối liên tục, không đứt khúc của đời sống nghiên cứu, phê bình văn học Việt Nam hiện đại với những vấn đề phức tạp nhưng phong phú của nó.
Đúng ra, Phần II. Ma Văn Kháng - Đời văn và tác phẩm hoàn toàn có thể đứng độc lập thành một cuốn sách riêng. Nội dung phần này phong phú, đầy đủ cho một chuyên luận. Ghép vào đây không thừa, bởi  đầu đề "Văn chương nghệ thuật và thẩm mỹ tiếp nhận" là có thể bao gồm tất cả ba phần của cuốn sách. Nhưng phần II, nên đứng độc lập ở một cuốn sách khác.
Nghiên cứu, phê bình về một đời văn và tác phẩm như Nguyễn Ngọc Thiện đã viết về Ma Văn Kháng thì nhiều người đã làm. Ấy là sự kết hợp giữa văn học sử, xã hội học văn học với phương pháp tổng hợp và phân tích nhưng làm được như ông thì quả thật là cảm động. Bởi qua tiếp xúc, gặp gỡ, quan hệ thân tình với nhà văn Ma Văn Kháng, cả nơi ông sinh ra, lớn lên và nơi công tác xa xôi của nhà văn. Nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Thiện đã đồng cảm, sẻ chia và thấu hiểu nhà văn - đối tượng của ông nghiên cứu. Từ những người thân thích, quen biết Ma Văn Kháng đến những trang viết đầu tay của nhà văn đã cho Nguyễn Ngọc Thiện những hiểu biết và cảm nhận sâu sắc truyện ngắn và tiểu thuyết của Ma Văn Kháng. Trong số 12 tiểu luận về Ma Văn Kháng - Đời văn và tác phẩm nổi trội là Một cây bút văn xuôi sung sức, một đời văn sáng tạo; Hỏi chuyện nhà văn Ma Văn Kháng; Nhà văn với nghề văn: Khát vọng về cái Đẹp, Lòng nhân ái, cảm xúc huyền diệu, công sức về câu chữ. Nguyễn Ngọc Thiện đã xây dựng được một chân dung hoàn chỉnh, đầy mầu sắc và thấm đượm tình nghĩa, nêu lên được tài năng văn chương của nhà văn Ma Văn Kháng - một tác gia văn học lực lưỡng (chữ của Nguyễn Ngọc Thiện).
Viết văn, được một người nghiên cứu, phê bình như Nguyễn Ngọc Thiện tâm đắc, hiểu biết, cộng hưởng và sẻ chia cùng mình, với Ma Văn Kháng, như vậy kể cũng thoả mãn. Giá cụ Nguyễn Tuân còn sống, biết hiện tượng này thì sẽ không phải thốt lên: "Ghét nhất các nhà phê bình văn học và… có chết cũng không muốn các nhà phê bình đến đưa tang".
Với 6 cuốn sách in riêng, hàng chục cuốn chủ biên hoặc viết chung và hàng mấy chục bài báo đã được công bố, cùng với tác phẩm này, PGS. TS. Nguyễn Ngọc Thiện xứng đáng đứng vào hàng ngũ những nhà khoa học xã hội và nhân văn có những đóng góp quan trọng và thiết thực trong đời sống nghiên cứu và phê bình Văn học Việt Nam đương đại.
2/10/2015


(*) Nguyễn Ngọc Thiện. Văn chương Nghệ thuật và thẩm mỹ tiếp nhận. Nxb Hội Nhà văn, H., 2015,424 tr.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét