Thứ Hai, 26 tháng 10, 2015

THƠ HẢI DƯƠNG MƯỜI NĂM NHÌN LẠI




THƠ HẢI DƯƠNG MƯỜI NĂM NHÌN LẠI

Nguyễn Thị Lan

1. Tuyển tập "Thơ Hải Dương 2000 - 2010" là tập thơ tự chọn gồm 203 bài thơ của 43 tác giả là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Hải Dương. Sách in khổ 16 x 24cm, dày 276 trang.
Tuyển tập là bức tranh thu nhỏ của thơ Hải Dương mười năm. Những cảm nhận đa chiều về cuộc sống muôn màu muôn vẻ, những phong cách sáng tác khác nhau của mỗi tác giả khiển cho tuyển tập thêm phong phú đa dạng cả về nội dung và nghệ thuật.
Lướt qua phần lý lịch trích ngang, hầu hết các tác giả đều ở lứa U 60, U 70; không có tác giả nào dưới 35 tuổi (là nhà thơ "trẻ" theo tiêu chí của Hội Nhà văn Việt Nam). Nhìn vào tuổi tác của người viết độc giả có thể thấy những nét chung nhất của "diện mạo" thơ Hải Dương hiện nay và thế mạnh của các cây bút đã đi qua giai đoạn chống Mỹ cứu nước.
Thơ của lứa nhà thơ này đậm đà bản sắc dân tộc và phẩm chất nhân dân. Đây là thế mạnh bẩm sinh của họ. Thơ của họ đã góp phần giác ngộ nhân sinh quan và lý tưởng sống cho mỗi người. Về nội dung: thơ họ mạnh về tình nghĩa, lôi cuốn người đọc hướng về những tình cảm cao đẹp. Họ cũng nói nỗi mình nhưng cũng cảm thông nỗi người. Họ đau đáu trước đời sống xã hội (khác với các cây bút trẻ nghiêng về nhấm nháp bản thể nói nhiều về nỗi mình). Thơ họ chân tình mộc mạc, có nhiều câu thơ, ý thơ cảm động.

Các đề tài thường thấy trong tuyển tập là : quê hương, gia đình, bạn bè, đồng đội, thiên nhiên đất nước, tình yêu, những trải nghiệm của bản thân...
2. Trước hết là đề tài quê hương
Với mỗi người viết quê hương thường là mảnh đất đầu tiên với những hình ảnh sâu đậm nhất để các tác giả khai thác, xây dựng lên những áng thơ. Quê hương, một khoảng lặng bình yên trong thẳm sâu tâm hồn mỗi người. Dường như càng có tuổi tình yêu quê hương càng chồng chất, thao thức. Những hoài niệm về làng quê như một lớp sương mỏng trong suốt, phủ bàng bạc suốt cả tập thơ, tạo nên một từ trường có sức hút mạnh mẽ với những tâm hồn đồng cảm, đồng điệu.
Quê hương đó với những cảnh, những người. Quê hương đó hiện ra như những "hạt ngọc của ký ức".
Tuyển tập có những dòng thơ viết về quê hương còn neo vào trí nhớ bạn đọc. Đó là một Nguyễn Xuân Bối yêu mến và tự hào về quê hương Kinh Môn. Anh hồ hởi "khoe" với mọi người về bức tranh quê anh:
"Quê tôi đấy, bốn bề sông núi
Nhịp cầu cong sớm tối đi về
Con đường dốc ngoằn ngoèo bên vách đá
Xe nghiêng nghiêng… sắt thép bộn bề"
Với Hà Cừ, quê hương hiện ra thật bình dị và thân thiết. Xa quê anh nhớ. Thậm chí càng xa quê thì lòng càng đầy quê, càng gần phố thì hình quê càng hiện hữu. Trong mơ anh tìm về "Ngõ quê" với "vấn vít bộn bề rơm rạ", với "mưa nắng" với "bờ tre bụi duối", với tình người ấm áp: "Thân sơ chín bỏ làm mười cho nhau"
Anh tâm niệm :
"Dù đi cuối bể chân trời
Vẫn thương nhớ lắm một thời ngõ quê"
Viết về quê hương, Bùi Hải Đăng của "Nhà bên sông" cũng có những câu thơ gợi cảm:
"Nắng vườn chừng thấp thoáng
Chim khách kêu trước nhà
Sóng mặt sông lấp loáng
Mái chèo chở nắng xa"
Còn với tác giả Tạ Kim Khánh, cảnh "Làng tôi" trong thơ anh hiện ra cũng rất thơ mộng:
"Làng tôi nghiêng nghiêng triền đê
Khoả chân vỗ về con sóng
Dòng sông trước nhà xanh mộng
Chiều xa chen bóng cánh buồm"
Phùng Long Phi "thi sĩ của làng quê" (ông tự nhận mình:"Ta - Người quê ra phố") lại có tứ thơ xúc động ám ảnh khi ông viết về "Dấu chân trên đồng". Trở lại cánh đồng, người thơ tìm lại dấu chân của mình "Thuở mót lúa, chăn trâu, hun khói chuột đồng", tìm lại dấu chân của bao người thân yêu:
"Cánh đồng làng ơi đâu những dấu chân
Chẳng chịt dấu chân mẹ, cha, cô bác"
Nhưng đến câu thơ "Dấu chân lên dấu chân ngàn vạn năm quá vãng" thì ý thơ mở ra bát ngát cả hai chiều không gian và thời gian.
Hoạ sĩ, thi sĩ Lê Hướng Quỳ, tác giả viết nhiều về trăng lại mơ mộng với "Trăng quê":
"Trăng như thơ ấy
                 Bao huyền diệu
Chiếm cả hồn tôi… trăng chân quê"
3. Nhưng quê hương không chỉ là cảnh, quê hương còn là người.
Quê hương đó là gia đình, nơi cha mẹ truyền cho con những giá trị đạo đức của ông bà tổ tiên, nơi mỗi người tìm chỗ dựa bình yên sau những giông tố thất bại của cuộc đời, nơi những nỗi niềm riêng được cảm thông chia sẻ tận cùng nhất.
Quê hương đó còn là ông bà, cha mẹ, là người vợ tao khang, là những đứa con thương yêu, là bà con hàng xóm. Viết về những con người thân thiết ấy, sâu đậm hơn cả là những dòng thơ về mẹ, bởi vì như một  nhà văn Trung Quốc đã nói:"Đi khắp gầm trời mẹ là tốt nhất". Nhà thơ Quang Huy, người con của xứ Đông có một câu thơ hay về mẹ:"Có phải muôn đời dáng mẹ ta".
Nhớ mẹ, những người con làm thơ thường nhớ về cái "dáng" ấy; cái dáng tần tảo nắng mưa, chịu thương chịu khó của những người mẹ giàu đức hy sinh.
Này đây dáng mẹ trong thơ Hà Trọng Đạm:
"Lom khom dáng mẹ lưng còng
Chao nghiêng mê nón tuột vòng lơ thơ"
trong thơ Tạ Kim Khánh:
"Mẹ già gánh lúa liêu xiêu"
trong thơ Phạm Trọng Tuấn:
"... dáng mẹ tháng Mười
Cõng cơn gió lạnh lui cui ngoài đồng"
Những câu thơ giản dị, hầu như chẳng chút dụng công nhưng đọc lên sao ta thấy rưng rưng.
Còn Nguyễn Khắc Hiền, một người rất mực tình cảm (thơ anh cũng duy cảm như con người anh) lại có những dòng thơ khóc mẹ cảm động. Bài thơ "Mẹ ơi" là tiếng khóc thống thiết, xót xa của người con hiếu thảo:
"Lợp lên nhà mẹ đầy hoa
Con nghe khoảng trống vỡ oà bốn phương"
..."Mẹ ơi về với con thôi
Biết đâu có kiếp luân hồi mà đi"
4. Ngoài mảng thơ viết về quê hương, gia đình, tuyển tập còn có những bài viết về chiến tranh, về đồng đội, về bạn bè, về đồng loại khá xúc động.
Chiến tranh, một ký ức nghiệt ngã. Chiến tranh và người lính không hề phai nhạt trong tập thơ. Ba mươi năm sau chiến tranh, những vết thương trên thân xác, trong tâm hồn người còn rỉ máu, những nấm mồ liệt sĩ còn chưa có tên. Nhiều tác giả đã có những chuyến trở về ký ức, trở về tâm linh. Và có khi họ viết với tư cách một người lính khóc cho người lính.
Đó là những bài thơ:"Tìm em" (Nguyễn Xuân Bối), "Tìm em ở nghĩa trang Trường Sơn" (Nguyễn Ngọc San), "Anh vẫn trong đội hình" (Vũ Minh Thoa), "Thoáng trong thành cổ" (Nguyễn Thế Trường), "Mãi là", "Khúc tráng ca thành cổ" (Nguyễn Phú Ninh).
Ở đây có những câu thơ xót thương:
"Em ở đâu, em gái giao liên
Anh tìm mãi nơi em nằm không thấy
Bãi khách cũ năm nào còn đấy
Giữa cánh rừng bom dội đã lên xanh"
                                                     (Nguyễn Xuân Bối)
Tác giả Nguyễn Phú Ninh lại có những câu thơ trần trụi mà đau đớn nói về sự khốc liệt của chiến tranh:
"Nơi đây
Linh hồn không hài cốt
Hài cốt không đủ đầy"
Về đề tài tình bạn tuyển tập cũng có những bài, những câu ấn tượng. Ta gặp ở đây một Việt Nga nhớ tha thiết, nhớ đến thảng thốt bạn đồng môn thuở áo trắng:
"Đâu rồi vầng trăng mười sáu
Đâu rồi cánh phượng đề thơ
Đâu gió chiều bay áo trắng
Đâu lối tan trường giăng mưa"
"Nhớ nhau lặng im mà nhớ
Ngoảnh đầu...
           hư ảo khói sương..."
Không phải là một Việt Nga hồn nhiên như ta thường gặp mà là một Việt Nga trầm tư, hoài niệm.
Còn đây là tình bạn già của Bùi Hải Đăng. Tình cảm trong thơ anh nhẹ nhàng, dung dị mà ấm áp:
"Đời người như giấc mộng
Bạn ơi! Ta đến nhà
Nhúng hồn thơ vào rượu
Dốc đáy trời vào ta"
Tình bạn là thế. Nhiều khi chỉ cần có hai người cũng đủ đầy cả thế giới.
Rồi lòng trắc ẩn của con người "đó là lòng thương cảm, tình thương sâu kín mà con người dành cho con người. Nó chính là tính người đầu tiên và chất người cuối cùng của con người". Ta gặp tình cảm này trong bài thơ "Tiếng hát rong" của Nguyễn Huy:
"Em hát chiều nay bên hè phố
Da diết những lời thương nhớ cha
Dáng đen gầy em đứng đó
Tóc hoe màu nắng gió biển xa".
Những câu thơ như thế gợi  một sự đồng cảm lớn, một sự chia sẻ lớn, như bàn tay đang nắm một bàn tay.
5. Có lẽ trong những tình cảm của con người, tình yêu là một thứ tình cảm đặc biệt và không thể thiếu. Xuân Diệu "ông hoàng của thơ tình" đã từng viết:
"Làm sao sống được mà không yêu
Không nhớ, không thương một kẻ nào".
Tuyển tập thơ Hải Dương 10 năm cũng có nhiều thơ tình. Tôi tạm chia làm hai cách thể hiện: thơ tình của người trẻ và thơ tình của người đứng tuổi. Lớp trẻ có Thuỳ Linh, cô viết thơ tình nhiều. Thơ tình của Thuỳ Linh nồng nàn, khao khát, trực cảm. Tình yêu trong thơ Thuỳ Linh thường là đau khổ nhưng cũng đầy đam mê, khát vọng. Cô nói về một "Mùa anh" với những "mắt môi đa tình", với "ngập màu ân ái", với "nhiệt cuồng", "sắc lửa", "đắm đuối". Thơ cô gợi nhớ thơ của một người cùng tên - Vi Thuỳ Linh với những câu thơ tấn công vào nhục giác, cảm giác.
Thơ tình của nữ nhà thơ này ở bình diện nào đấy có nét tương phản với thơ của những người thuộc "phái mạnh" và đứng tuổi. Đó là thứ thơ của những người giàu trải nghiệm, đã đi qua bao buồn vui sướng khổ của cuộc đời; nó nhiều kỷ niệm, hoài niệm, lắm bâng khuâng và phảng phất buồn. Thứ thơ ấy ta gặp trong thơ tình của Đặng Bảo Thạch, Lê Hướng Quỳ, Nguyễn Phương Thảo, Nguyễn Xuân Trãi, Vũ Minh Tuấn, Văn Duy… Thơ ấy là thứ thơ tình yêu thuần tuý tinh thần, tình yêu không chiếm lĩnh, tình yêu chỉ để ngưỡng mộ tôn thờ:
"Tình yêu là vầng trăng em ơi"
                                                            (Lê Hướng Quỳ)
Hay:                           
"Cái chiều hôm ấy em ơi
Run run nói chẳng lên lời trao nhau"
                                                                        (Đặng Bảo Thạch)
Đó là tình yêu của cái thuở ban đầu, nó im lặng bên ngoài nhưng đầy giông bão ở bên trong.
"Em mặt trăng, anh mặt trời"
...
 "Em là đêm, anh là ngày"
                                           (Đặng Bảo Thạch)
Em và anh gần nhau đấy mà cách xa nhau vời vợi.
Chính vì cái khoảng cách ấy nên với Văn Duy nó đầy tiếc nuối:
"Năm xưa
                 Em hát
                             "Người ơi!"
Sao tôi dại thế
                 Sao tôi lại về
Để mưa
                 Giăng kín
                             Đường quê
Để cơn gió lạnh
                 Tái tê
                             Thổi hoài"
Những tình yêu ấy có một chút "cổ cổ" nhưng cũng thật Đẹp và Lắng sâu.
6. Nhưng những bài thơ "sâu" nhất phải là những bài có ý vị triết học. Đó là thơ viết về những lĩnh vực như :hạnh phúc, sống chết, thời gian, không gian...
Trong tuyển tập này cũng có những bài viết về thời gian, cái đại lượng vô thuỷ vô chung, nó là đối tượng của triết học và văn học. Một triết gia cổ Hy Lạp đã nói một câu nổi tiếng :"Không có ai tắm hai lần trên một dòng sông", bởi khi ta tắm lần thứ hai, cả ta và sông đều thay đổi. Thời gian như một đường thẳng, một tiến trình không thể đảo ngược. Vì vậy mới có sự luyến tiếc khi thời gian trôi.
Phạm Trọng Tuấn đã có một bài khá hay về đề tài này, bài  "Chuyến đò đời". Ở bài thơ anh âm thầm chiêm nghiệm:
"Đời như một chuyến đò đông
Chưa rời khỏi bến qua sông đã chiều"
Anh luyến tiếc cái ngày xưa:
"Trả cho tôi vạt nắng xưa
Bò trên mái rạ ngày mưa bếp chiều
Trả cho tôi sợi dây diều
Tuổi thơ tôi buộc bao nhiêu tiếng cười
Trả tôi dáng mẹ tháng mười
Cõng cơn gió lạnh lui cui ngoài đồng"
Ở đây có một nỗi buồn trong trẻo, một tiếc nuối xa xăm. Người thơ ngoảnh lại quá khứ, sự ngoảnh lại ấy là cần thiết cho mỗi người vì ngoảnh lại để tâm hồn thêm giàu có. "Chuyến đò đời" là một bài thơ Buồn và Đẹp.
Nhưng thời gian không chỉ là một đại lượng vật lý, nó còn là một đại lượng tâm lý. Nó trôi vùn vụt khi con người tiếc tuổi xuân. Nó ngừng trôi hoặc trôi qua một cách chậm chạp trong tĩnh lặng cô đơn khi con người… mất ngủ. Nguyễn Thị Bích đã có một "Đêm dài" như thế:
"Đêm dài
Dài đến hư không
Như bơi giữa biển nhìn không thấy bờ
Không giây, không phút, không giờ
Ri ri tiếng dế, ơ hờ tiếng đêm"
7. Mười năm thơ Hải Dương, một chặng đường không phải là dài với tiến trình lịch sử văn học. Tuy nhiên, tuyển tập “ Thơ Hải Dương 2000-2010” cũng đủ để cho độc giả nhận được những đường nét cơ bản nhất của “diện mạo” thơ Hải Dương suốt một thập kỷ qua. Tuy không có nhiều đột phá và sáng tạo mới về nghệ thuật nhưng nhiều tác phẩm đã để lại một ấn tượng đẹp, một tiếng nói đồng vọng trong lòng độc giả.
 Hải Dương, tháng Giêng năm Nhâm Thìn (2012)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét