Thứ Ba, 30 tháng 7, 2019

TIẾNG LÒNG SAU HƠN BỐN CHỤC NĂM

TIẾNG LÒNG SAU HƠN BỐN CHỤC NĂM / Mai An NGUYỄN ANH TUẤN



TIẾNG LÒNG SAU HƠN BỐN CHỤC NĂM
Mai An NGUYỄN ANH TUẤN

Tình cờ qua thư điện tử tôi nhận được một bài thơ của trò cũ - cựu hs trường cấp III Thuận Châu - Sơn La, với mấy dòng kèm theo: " Em đang tập làm thơ. Một trong những bài đầu tiên đó, là để nhớ lại một kỷ niệm mà chắc thầy đã quên từ lâu. Thầy cho em ý kiến để sửa nhé? Cảm ơn thầy".

NHỮNG GIỌT DẦU ĐÊM ĐÔNG

Kính tặng thày NAT

Gió rít lùa kẽ nứa

Môt tiếng gõ cửa nhè nhẹ
Ngọn đèn tắt từ lâu
Vẫn nhận ra áo đại cán sờn bạc
Đôi mắt thẳm sâu
Trong khoảng không vũ trụ.

" Dầu đây em"
Giọng nói hiền hòa
Phòng nội trú hẹp ánh trăng ghé thăm
Câu học trò nghèo lặng khóc
Giữa khi bước chân vọng xa dần..

Bốn lăm năm sau
Những giọt dầu không cạn nổi 
Còn in bóng thầy.

Bắc Ninh, 23.7.2019
Lê Ngọc Khải


Sau những đợt sóng cảm xúc và hồi tưởng lắng lại, tôi đã suy ngẫm nhiều về bài thơ 
này và thấy cần viết về nó. Nhưng cứ cân nhắc, lưỡng lự mãi, bởi nếu Khải viết về ai khác kia thì đi một nhẽ; với lại, như thế khác nào “con hát mẹ khen hay”? Nhưng là người viết phê bình văn chương nghiệp dư dù sao cũng đã có một số bài viết về thơ-văn của không ít tác giả, chưa hề bị “ném đá”, lẽ nào thơ của trò cũ nặng tình với mình thì lại lặng câm- khi có yêu cầu nhận xét?
Tôi chìm trong ký ức… Một tối mùa đôngGió rít lùa kẽ nứa” mà bất kỳ ai từng sống trên Tây Bắc thời ấy đều có thể cảm nhận được cái rét cắt da cắt thịt xuyên qua tường vách nứa hoặc trát vữa toocxi... Lúc đó là giáo viên tập thể được giao phụ trách nội trú nhà trường, tôi đi dạo quanh khu nội trú đang giờ tự học, thấy một buồng tối om. Khi ấy thị trấn chưa có điện, phải dùng đèn dầu. Phòng nội trú này gồm bốn em ở xa nhất, lại thuộc gia đình nghèo nhất, chỉ dùng chung một chiếc đèn hoa-kỳ. Tôi gõ nhẹ cửa. Cửa mở. “Sao cả nhóm đi ngủ sớm thế? Xong bài chưa?” Một em rụt rè: “Thầy ạ… Chúng em vừa hết dầu rồi ạ…” Tôi lập tức quay về phòng mình, lấy chai dầu hỏa còn độ một phần ba đem lên cho các em. “Dầu đây, may còn đủ cho tối nay. Tranh thủ học thêm nữa đi”. Chuyện chỉ đơn giản có thế, kể về cái việc mà một thầy giáo phụ trách nội trú nào cũng có thể làm, nhưng qua cảm nhận của một cậu bé lớp đầu cấp Ba lần đầu tiên xa nhà thì đã để lại một dấu ấn thực khó phai mờ, kết tụ lại thành cảm xúc thơ, và cho tới nhiều năm sau khi rụt rè cầm bút sẽ có một bài thơ thực sự… Tôi không dám nói là bài thơ hay hoặc chưa hay, mà chỉ dám nói: “đó là Thơ thực sự”, có thể bổ sung nội hàm vào cái khái niệm đơn giản mà khá độc đáo, bất ngờ của nhà thơ đàn anh Nguyễn Nguyên Bảy: “Thơ là Thơ…”
Phải chăng, bởi Lê Ngọc Khải cũng là một thầy giáo (dạy toán ở một trường làng, tỉnh Bắc Ninh), nên anh ghi nhớ kỷ niệm Thầy - Trò này sâu sắc hơn những người khác? Điều đó tôi không đoan chắc, song điều này thì rất rõ ràng: Khải đã viết về kỷ niệm cũ bằng cái nhìn, cảm xúc & tưởng tượng của một cậu bé, và cậu bé trong thơ anh là một tâm hồn giàu tình cảm, ít nói cười mà nhiều suy nghĩ.
Giữa tiếng gió ào ạt khắp đêm đông Tây Bắc và như rít lên rợn người qua các kẽ vách, cậu bé đã phân biệt chúng rành rọt với tiếng gõ cửa thăm dò nhẹ nhàng, đầy tôn trọng của ông thầy đối với bọn trẻ :
Gió rít lùa kẽ nứa
Một tiếng gõ cửa nhè nhẹ
Màn kịch câm, trường đoạn phim không lời đầy cảm động đã diễn ra trong căn bồng hẹp không ánh sáng, thông qua thụ cảm của cậu bé vốn có tình cảm quý trọng ông thầy từ trước:
Ngọn đèn tắt từ lâu
Vẫn nhận ra áo đại cán sờn bạc
Đôi mắt kính thẳm sâu
Trong khoảng không vũ trụ
Bằng kiến thức địa lý mà một học sinh cấp III thu nhận được, cộng với xúc cảm thơ ngây chân thành, cậu bé đã hình dung ông thầy qua cảm hứng về Vũ trụ - trong trang phục đại cán sờn bạc cùng Đôi mắt kính thẳm sâu của một ông giáo nghèo Tây Bắc nơi căn buồng hẹp tối tăm; mới đọc qua thì có cảm giác hơi khoa trương, song ngẫm kỹ mới thấy hợp lý, bởi hạt nhân chân thực nằm trong đó.
Và giữa nơi tối tăm ấy, với cậu bé xa nhà ham học đang khốn khổ vì chẳng có tiền mua dầu, chợt có Giọng nói hiền hòa của ông thầy tựa ánh trăng ghé thăm:
"Dầu đây em"
Giọng nói hiền hòa
Phòng nội trú hẹp ánh trăng ghé thăm
Tất cả những quan sát và tưởng tượng trên để dẫn tới điều này:
Cậu học trò nghèo lặng khóc 
Giữa khi bước chân vọng dần xa…
Sau nhiều năm, tác giả bài thơ đã nhớ lại, phân thân mình ra để miêu tả tâm trạng của cậu bé, lắng nghe bước chân ông thầy trong tiếng gió rít cùng những giọt nước mắt và lòng biết ơn thầm thì của chính mình, cho thấy chiều sâu tâm hồn của một cậu bé học trò nghèo giàu cảm nghĩ…
Bài thơ đến đây đã có thể kết thúc, nhưng Khải đã viết thêm đoạn này:
Bốn lăm năm sau
Những giọt dầu không cạn nổi
Còn in bóng hình thầy.
Dù có hơi thừa, song đoạn kết cũng tạo được chút dư ba, và khẳng định thêm được tính chính đáng, sự cần thiết trong suy tưởng của tác giả về Tình nghĩa Thầy Trò không cạn nổi qua thời gian…
Trong thực tế, ở lớp, Khải là học sinh nhỏ thó, e dè, thường co mình lại, luôn lùi về phía sau, không thích lộ diện trước thầy trước bạn trừ khi phải lên bảng trả bài. Khải đã không để lại cho tôi bất cứ ấn tượng nào- so với các bạn cùng lớp cùng trường… Không ngờ, mấy chục năm sau, anh lại là cậu học trò hiếm hoi gây cho tôi một ấn tượng thực sâu sắc, không phải vì anh đã viết về tôi, mà qua cái kỷ niệm chung ít ai nhớ kia, anh đã cho tôi một bài học thấm thía về sự cảm thụ đầy chất thơ - cũng đồng thời tràn đầy tình nghĩa Thầy Trò nói riêng, tình nghĩa Con người nói chung mà cuộc sống hôm nay đã/ đang làm biến mất, hoặc biến dạng.
Cảm ơn Khải.

Chép lại từ Văn đàn Nguyễn Nguyên Bảy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét