Thứ Ba, 23 tháng 7, 2019

VŨ TỪ TRANG VÀ NHỮNG CÂU THƠ




VŨ TỪ TRANG VÀ NHỮNG CÂU THƠ



Nguyễn Thị Lan



Vũ Từ Trang (VTT) là cây bút đa năng. Anh viết nhiều thể loại: Thơ, tiểu thuyết, khảo cứu, chân dung văn học. Ở thể loại nào anh cũng để lại những dấu ấn đáng ghi nhận. Cho đến nay, VTT đã xuất bản 17 đầu sách với gần 4000 trang viết ,trong đó có 6 tập thơ: Nắng lên cao (1977), Thời trai trẻ (1996), Ngược dốc (1999), Lẻ và không lẻ (2002), Những vòng tròn đồng tâm ( 2011),Cây chuyển mùa (2016).

Viết văn nhiều, nhưng thơ là cái nghiệp chính của VTT; trong sâu thẳm và trên tất cả anh là một nhà thơ, mang cốt cách và phẩm chất của một nhà thơ.

Thơ VTT đã xuất hiện từ rất sớm. Ở tuổi 21, anh đã có chùm thơ in trên báo Văn Nghệ năm 1969. Từ đó đến nay, trên hành trình dằng dặc trong miền sương khói trầm mặc của thơ, VTT đã để lại ấn tượng trong lòng người đọc: Một nhà thơ tài hoa với vẻ đẹp tâm hồn, với những “giọt” thơ lặng thầm, tinh tế. Người đọc gặp trong thơ anh một người khao khát vô bờ về một chân trời thi ca, mộng tưởng và cái đẹp vĩnh hằng.

Thơ VTT nhiều hoài niệm. Anh hay “đi tìm thời gian đã mất”. Này đây, hoài niệm về một thời tuổi trẻ “khát vọng cuồng điên” với bao hoài bão, với cả những nỗi “vui buồn chưa kịp đặt tên”.

“Hai mấy năm trời nhớ nhớ quên quên

rừng dương xưa chưa lần trở lại

chợt nghe ABBA lòng thành ngây dại

nhớ một thời khát vọng cuồng điên

nhớ vui buồn chưa kịp đặt tên

nắng nghẹn con đường cỏ rối”

                                      (Chợt nghe ABBA)

Nhớ. Bởi “tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại”.Và cũng bởi “có ai tắm hai lần trên cùng một dòng sông?”

Này đây, một người thơ đa cảm, hay buồn, hay nhớ khi nghĩ về kỷ niệm xưa. Bài thơ “Thị trấn bỏ quên” chứa đựng những ký ức, hoài niệm về một thời với bao êm ấm, trong lành, thanh thản, bình yên. Cái “thị trấn bỏ quên” ấy với hoa ti gôn, mái nhà xưa, cây cầu, vạt đồi ngập nắng. Và em. Và cả một giấc mơ thời trai trẻ. Thơ VTT ở bài này là tiếng nói nhỏ nhẹ, hiền lành, bình dị, tha thiết, đi vào lòng người một cách tự nhiên, sâu sắc.


                                                                                                    Nhà văn Nguyễn Thị Lan


Này đây, bài thơ “Đồng hồ tích tắc” với những kỷ niệm về một thời đã xa “Ngày ấy mẹ cha tản cư chống Pháp”. Cảnh vật yên lành, nghèo nàn, gợi bao xa xót, mến thương, “Dăm nếp nhà, ấp nhỏ xác xơ”. Và chiếc đồng hồ nhỏ thân thương- vật chứng của một thời, gợi trong lòng người thơ bao nỗi nhớ:

“Tôi lên thăm, ngơ ngẩn lắng nghe…

Tiếng kêu nhỏ rã rời, tích tắc

Tích tắc…vọng xa, cha mẹ xa rồi

Tiếng kêu nhỏ, mỏi mòn nghẹn nấc

Sắn cùng khoai che lấp khoảng trời”

Thương lắm “ngày xưa ơi…”. Đọc bài thơ, tôi nao nao nghĩ thế.

Này đây, một VTT thương nhớ người bạn đã đi xa mãi mãi trong bài “Bạn”:

“Bạn đã xa, nhà đã bán

Đời người còn nhúm xương thôi

Công danh, tiền bạc nhòe sương khói

Cửa đóng

           …mình tôi đứng gọi tôi!”

Về bài thơ này, VTT kể: “Bài thơ có mấy dòng mà tôi viết chật vật lâu mới thành. Đấy là cảm giác buồn, khi Phạm Gia Bình bạn tôi ra đi (…). Phải đến mấy tháng sau ngày Bình mất, nhớ Bình, thi thoảng tôi vẫn có thói quen phóng xe lượn qua ngôi nhà ấy. Có khi cửa mở, cửa khép, nhưng cái cảm giác thiếu vắng hẫng hụt thì không thể có gì thay thế”.

Đằng sau tâm trạng nhớ thương bạn ấy của tác giả, ta còn đọc một nỗi buồn tê tái, nỗi buồn nhân sinh, buồn cho cái phù du ngắn ngủi của kiếp người, buồn cho cái rời xa mãi mãi.

Này đây những câu thơ về “em”:

Có khi nồng nàn với bao thương mến, khao khát:

“Muốn cắt trời xanh may áo cho em

Khoác đám mây kia lên mái tóc ngoan lành

Muốn ru em trong vòng tay vụng dại

Lại ngỡ ngàng con đường xa xăm”

(Lời ngỏ)

Có khi vừa dịu dàng xao xuyến nhớ thương, vừa thảng thốt đầy tiếc nuối:

“Mai em đi, mai em đi ư?

Thơ anh tan nát vạn con đường

Lòng anh rối răm bờ cỏ ướt

Cho gót chân em in nhớ thương”

    (Mai em đi)

Những câu thơ đẹp và buồn, để lại cho người đọc bao rưng rưng trong tâm cảm.

Là người đi nhiều (bạn bè gọi anh là kẻ giang hồ vặt), đi đến đâu, VTT gửi lòng mình ở đó.

Này đây một “Góc nhỏ Quy Nhơn”, yên bình, tĩnh lặng, nao buồn, với:

“Phố nghèo chập chờn người chìm trong gió mặn

Mái tóc dài ngủ quên bên cửa sổ chờ trăng

Câu thơ tơ trời giăng giăng góc phố”

Này đây một Phan Rí trong những ngày “Hạ khát”:

“Cát đỏ rực dưới bầu trời mùa hạ

Nắng như rang và gió như phang

Mảnh đất cằn tâm hồn phóng túng

   (…)Mưa

          mưa

          giấc mơ

          xa xỉ quá chừng”

Và đây, một lần “Về Phan Thiết”:

“Rượu rót rồi tôi không nỡ uống

Uống làm sao khi mai phải chia xa

Tôi muốn qua sông mà cầu đã bỏ

Biết bao giờ người bắc lại cầu qua

Biết bao giờ về lại Phan Thiết

Nơi góc vườn bỏ sót một chùm hoa”

Bài thơ đã nói lên một tấm lòng yêu cuộc sống đến đằm sâu, da diết. Đúng như nhà thơ Chế Lan Viên đã viết: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn”. Chỉ có những người giầu tình cảm mới có những dòng thơ như thế.

…Ở tuổi 70,nhà thơ VTT vẫn cường tráng, nhanh nhẹn. Tuy nhiên, không ai ngờ con người tràn đầy sinh lực ấy từ năm 2017 phát hiện mình mắc căn bệnh hiểm nghèo. Nếu khổ nạn lớn nhất của đời người là cái chết thì VTT đang phải đối mặt với nó. Cuộc đời anh đã rẽ sang một bước ngoặt. Lúc đầu VTT không khỏi sốc, bàng hoàng…

Đây là những dòng thơ “thương thân”, rất thật, rất “người” của VTT khi anh “nói” với hương hồn cha mẹ trong những tháng ngày buồn bã ấy:

… “Có phải mẹ về

Mà giàn trầu rung lá

Mà hoa cau thơm ngần sân nhà ta

Mà nền nhà còn hơi chân ấm

Thương con bệnh trọng

Mẹ ơi, khăn mẹ ướt đầm, xin mẹ đừng khóc

Cha thương con chí còn chưa cạn

Đường đời lận đận

Con nhớ lời cha tu nhân, tu đức

Con ngược dốc

Đời con luôn ngược dốc

Dâng nén hương

Mẹ cha vỗ về”

 (Ẩn ức)

Những câu thơ tê tái, buồn đến não lòng như không thể buồn hơn. Những ai yêu quý nhà thơ đọc lên… chỉ muốn khóc.

Nhưng nghệ thuật là một sự giải phóng. Khi số phận đã giáng cho anh những đòn chí mạng, thì sau cú sốc ban đầu, ta lại gặp trong thơ anh một VTT kiên cường, rắn rỏi, vượt lên, đương đầu với số phận:

“Anh không sợ nỗi buồn sập đến

Buồn ơi, tan đi, ta phải cố lên nhiều

Dẫu dông bão, vạn ngàn bất trắc

Cây vẫn chuyển mùa, chồi lá lại tươi non”

Nhà thơ VTT vẫn lạc quan viết những câu thơ:

“Mình có là ghì đâu

Một tia nắng mong manh

Một lá cỏ rưng rưng đằm sương trong suốt

Một ngọn khói chiều bảng lảng vị rạ rơm…”

2. Vũ Từ Trang vẫn tâm niệm; “Làm thơ là cuộc hành trình đi tìm cái Đẹp”. Và anh “Mong câu thơ ngày viết có ích hơn”. Từ những bài thơ trữ tình tâm tư đến những bài trữ tình công dân, từ những bài vui đến những bài buồn (mà hầu hết là buồn), thơ anh đã làm đẹp tâm hồn người đọc theo hướng tích cực, nhân bản. Trong những vẻ đẹp thì cái đẹp của tâm hồn là cái đẹp vĩnh hằng. Người đọc sau khi cảm nhận cái hay, cái đẹp của thơ anh, sẽ làm giầu thêm tâm hồn của chính họ. Lúc đó thơ anh đã  “có ích”.

Những tháng ngày này, nhà thơ VTT như đang chạy đua với thời gian, với số phận. Anh viết gấp gáp hối hả, như con tằm rút ruột nhả những sợi tơ. Viết để cống hiến, để không gục ngã trước bệnh tật, để quên đi bệnh tật. Trong khoảng hơn một năm trở lại đây, anh đã hoàn thành một cuốn tiểu thuyết, hai tập chân dung văn học.

Chúc anh “chân cứng đá mềm”, hãy tiếp tục cuộc dạo chơi văn chương “như chưa hề có cuộc chia ly”. Trong những ngày tháng khó khăn của đời mình, cũng giống như nhà thơ Puskin, anh “ lại hát chính khí ca thuở trước” (Ariôn). Vũ Từ Trang nhé!

Hải Dương, 19.7.2019




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét