Thứ Ba, 13 tháng 8, 2019

NHỮNG ĐIỀU MỚI MẺ THÚ VỊ TRONG LUẬN ÁN của Tiến sĩ Bàn Tiến Tân




NHỮNG ĐIỀU MỚI MẺ THÚ VỊ TRONG LUẬN ÁN  của Tiến sĩ Bàn Tiến Tân

                                                                   PGS.TS. Vũ Nho

         
 Khi nói về những  điều mới mẻ trong luận án  “Truyện dân gian và sự hình thành truyện ngắn trung đại Việt Nam” ( Vũ Nho, Trần Hậu, Đăng Bẩy dịch ra tiếng Việt) của  cố TS Bàn Tiến Tân, thiết tưởng phải đặt vào thời điểm hoàn thành của nó vào năm 1983. Khi đó, việc nghiên cứu ảnh hưởng qua lại của văn học dân gian với văn học viết  Việt Nam còn đang ở buổi sơ khai. Năm 1980 mới xuất hiện duy nhất bài viết của Lê Kinh Khiên trên Tạp chí Văn học, mà các quan điểm trong bài viết này còn đang tranh cãi. Các nhà nghiên cứu Việt Nam thường lúng túng và đau đầu khi xử lí các văn bản văn học viết liên quan đến văn học dân gian.  Nhiều tài liệu dẫn luận cho giáo trình Đại học Sư phạm và Tổng hợp đều có sự “lẫn lộn”  về ranh giới văn học  dân gian với văn học viết. Các tác phẩm trong “Việt điện u linh” hay “Lĩnh Nam chích quái” được coi là “sưu tầm” văn học dân gian. Đánh giá văn học dân gian nói riêng,  và văn học nói  chung, các nhà nghiên cứu thiên về nội dung tư tưởng mà ít bàn đến thi pháp. Bởi vì thi pháp học hầu như chưa được nghiên cứu. ( Mãi năm 1987 mới xuất hiện cuốn Thi pháp thơ  Tố Hữu của Trần Đình Sử - Lí thuyết thi pháp, nhà nghiên cứu Trần Đình Sử cũng học và mang từ Nga về -  và sau đó là “Thi pháp ca dao” của Nguyễn Xuân Kính). Mặt khác vì thiếu vắng phương pháp luận nghiên cứu phù hợp nên các kết quả nghiên cứu của các nhà nghiên cứu Việt Nam không có tính thuyết phục cao, thường dựa vào phán đoán mà thiếu dẫn chứng.

Luận án  này  cố gắng lần đầu tiên tiếp cận khám phá một loạt các vấn đề gắn liền với việc giải thích rõ vai trò đặc biệt quan trọng của  truyện kể dân gian trong sự xuất hiện trực tiếp của các tác giả truyện trung đại Việt Nam sớm nhất. Tác giả chứng minh rằng “Việt điện u linh” là tác phẩm  truyện ngắn trung đại Việt Nam đầu tiên chứ không phải là tác phẩm “sưu tầm” văn học dân gian như các nhà nghiên cứu trước đây quan niệm. (1)

Đề làm rõ được điều này, tác giả đã phân tích, so sánh các cốt truyện, các motip trong tác phẩm của Lí Tế Xuyên và đi đến kết luận rằng Lí Tế Xuyên đã sử dụng các motip truyện của thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích, kết hợp với các thông tin của biên niên sử, các tác phẩm văn học Phật giáo để sáng tạo nên những truyện ngắn trung đại đầu tiên của Việt Nam. Tất nhiên, với tinh thần khoa học nghiêm túc, Bàn Tiến Tân cũng thừa nhận ảnh hưởng của truyện trung đại Trung Hoa đối với sáng tạo của Lí Tế Xuyên, nhưng điều quan trọng nhất là Lí Tế Xuyên đã dựa vào các nguồn văn học dân gian, văn học Phật giáo, sử biên niên, dã sử cùng với kinh nghiệm cá nhân để tạo nên một hệ thống nghệ thuật mới, đặt nền móng cho truyện ngắn trung đại Việt Nam. Tất nhiên, vì là người mở đầu, nên hệ thống nghệ thuật của Lí Tế Xuyên còn chưa ổn định.

        “Hệ thống đó dễ dàng bị thay đổi dưới sự ảnh hưởng mạnh mẽ của truyền thống này hay truyền thống khác mà nhà văn dựa vào khi xây dựng các truyện của mình. Điều này được giải thích bằng việc là trong nhóm các truyện của Lí Tế Xuyên về các nhân vật lịch sử có thật mà tên tuổi của họ  vẫn gắn liền với  các sự kiện lịch sử có thật, làm cớ cho xây dựng tác phẩm, các tư liệu thu thập, trong số đó có tư liệu dân gian, thường được trình bày một cách logic trong các truyện, phù hợp với sườn niên đại và quan điểm sử biên niên trình bày các sự kiện. Các thủ pháp trần thuật  của mình riêng biệt hay của văn học dân gian, chính xác hơn, của truyền thuyết, được Lí Tế Xuyên sử dụng trong tác phẩm của ông , không đủ để xóa hoàn toàn “giọng” của biên niên sử về các sự kiện. Trong trường hợp ngược lại, khi nhà văn sử dụng trong trần thuật những thần thoại đền miếu về các điều kì diệu của truyền thống văn học Phật giáo, ông thường xuyên bị ảnh hưởng của chính các truyền thống này”. ( Kết luận của Luận án).

Trái  qua: Bùi Phú Hảo, Vũ Nho, Bàn Tiến Tân, 1971
Cán bộ Khoa văn ĐHSP Việt Bắc




          Điều quan trọng là tác giả luận án đã xem xét các truyện của Lí Tế Xuyên từ cái nhìn so sánh và hệ thống. Nhiều khám phá khá bất ngờ với những truyện quá quen thuộc. Chẳng hạn, Bàn Tiến Tân coi truyện “ Thái úy Trung tuệ vô lượng công” (Mục Thận) là “một truyện ngắn hoàn hảo”  trừ phần kể về Mục Thận được vua phong tước to và các hiện tượng liên quan đến việc thờ cúng ông ta trong đền (tr.58, Bản dịch). Một khám phá khác về nhân vật “khi xây dựng hình tượng Mục Thận, nhà văn – nhà nho Lý Tế Xuyên đã có sẵn hình tượng   một người nông dân bình thường trong văn học dân gian, một người lao động, luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người vào giây phút  hiểm nguy. Như vậy, trong văn xuôi nghệ thuật đã hình thành kiểu nhân vật dân chủ mới. Điểm đặc trưng ở đây là những chiến công tuyệt vời của nhân vật luôn được mô tả tương phản với vị thế xã hội thấp của anh ta. Nhân vật hành động theo những chuẩn mực đạo đức Nho giáo, và xét trên quan điểm của những chuẩn mực đạo đức này, nhà văn mô tả “người chồng cao thượng” và con người vĩ đại, cũng như tất cả mọi người. (Ở đây cần nhấn mạnh rằng kiểu nhân vật này được các nhà văn đời sau hết sức ưa chuộng, đặc biệt trong văn học cận đại)”. ( tr. 61, Bản d ịch).

          Phân tích cái chết của nhân vật quan trọng trong truyện, Bàn Tiến Tân đã vận dụng thủ pháp so sánh và đi đến kết luận hoàn toàn mới và bất ngờ, rất độc đáo.

        “Đoạn này, theo chúng tôi biết, có thể gặp trong hàng loạt truyền thuyết Việt Nam về cái chết của nhân vật lịch sử như Triệu Việt Vương, An Dương Vương v.v. Cơ sở của truyền thống trên đối với  motip truyền thuyết Việt Nam là sự tưởng tượng cổ xưa về  nhân vật của bộ lạc hay dòng tộc nhất định phải chiên thắng kẻ thù và mang chiến công về với bộ lạc. Anh ta không thể bị bắt làm tù binh. Từ đó, trong các truyền thuyết phổ biến rộng rãi  hai phương án, trong đó  sự hình dung này được hiện thực hóa một cách nghệ thuật. Phương án thứ nhất. Nhân vật bị kẻ thù chém mất đầu. Anh ta  cầm cái đầu của mình và chạy về chỗ mẹ, là biểu tượng của bộ lạc, và hỏi bà : Con người có thể sống được không khi bị mất đầu? Bà mẹ trả lời rằng không thể, khi đó con người bị chặt đầu ngã xuống đất trước mặt mẹ và chết. Còn đối với phương án thứ hai có đặc điểm là nhân vật nhảy xuống sông hoặc đi xuống nước. Điều này phù hợp với sự hình dung truyền thống của người Việt, đồng thời được tiếp nhận như là sự trở về của nhân vật đối với bộ tộc của mình, trở về với tổ tiên mình. Vấn đề là ở chỗ tổ tiên của người Việt - Lạc Long Quân là người cai quản môi trường nước” (VN nhấn mạnh). ( tr. 23 -24, Bản dịch).

        Khẳng định Lí Tế Xuyên  vay  mượn, sử dụng các motip truyện dân gian, Bàn Tiến Tân sau khi phân tích, kết luận “Như vậy, khi sử dụng các motip cũ của truyện cổ tích - vật thần, motip thù địch lẫn nhau giữa nhà vua - nhạc phụ và phò mã, cũng như motip tình thế hai mặt của công chúa /61, tr.III/, gắn với việc tìm kiếm những đánh giá đạo đức trong các hành động của nhà vua, Lí Tế Xuyên đã cải biến một cách toàn diện những motip này” ( tr. 47, Bản dịch).

         Bàn Tiến Tân đã chứng minh, với tư cách là tác giả truyện ngắn, Lí Tế Xuyên đã có những “hư cấu” nghệ thuật bước đầu, thể hiện rất rõ trong các pha sau đây.

        - Lí Tế Xuyên đã chuyển hành động của Nguyễn Nhân Nghĩa trong  đời thật cho nhân vật Lê Phụng Hiểu của truyện “Đô đốc Khuông quốc Tá thánh vương”. Mặt khác đưa đoạn đối thoại của Lê Phụng Hiểu với vua Lí Thái Tông  để khẳng định mối quan hệ  kính trọng nhau của hai nhân vật này (tr. 29, Bản dịch).

      - Xét motip kén rể trong truyện  “ Tản Viên Hựu thánh Khuông quốc  Hiển linh ứng Đai vương” (Sơn Tinh),  Lí Tế Xuyên đã cải biên sự kén rể trong truyện cổ tích. Trong cổ tích, nhà vua hoặc người đẹp trực tiếp kén rể, đưa ra các yêu cầu thử thách với những ứng viên. Trong truyện của Lí Tế Xuyên, xuất hiện nhân vật Lạc hầu, như là người cố vấn và người tổ chức. Đây là “nhân vật hư cấu” (tr. 55 -56, Bản dịch).

          - Về sự tự nguyện hi sinh của Lí Ông Trọng, Bàn Tiến Tân đã dẫn thần thoại Hy Lạp về tục “hiến tế” và khẳng định thần thoại Việt Nam không có, hoặc đã có song thất truyền. Motip hiến tế trong truyện cổ tích Việt Nam và thế giới có 2 phương án:

1.            Nhân vật được dùng như là vật hiến tế cho quái vật- ăn thịt người,  là một người đẹp. Người đẹp, theo truyền thống motip của cốt truyện hành động, được nhân vật – dũng sĩ cứu, rồi anh ta cưới người đẹp, sống hạnh phúc và giàu có với cô ta cùng những người thân.

2.             Nhân vật, được đem làm vật hiến tế cho quái vật – ăn thịt người là người anh cả. Trong trường hợp này nhân vật hiến tế là kẻ đối địch với người anh hùng, hắn ta ranh mãnh thuyết phục người anh hùng - người em trai đi thay hắn vào  ngôi đền, nơi người ta dâng vật hiến tế cho quái vật –ăn thịt người hoặc thần Ác. Sự phát triển cốt truyện tiếp theo : nhân vật chiến đấu  với quái vật và chiến thắng nó, cứu nàng công chúa –  người xinh đẹp và cưới cô ta /4./.

         Tác giả luận án còn so sánh thêm một phương án khác trong truyện cổ tích Ê Đê về người mang lốt vật và kết luận rằng việc Lí Ông Trọng biết mình là “vật hiến tế” nhưng vẫn thực hiện nhiệm vụ của Vua Hùng giao là một sáng tạo của Lí Tế Xuyên với tư cách người viết truyện “Tất cả được nhìn nhận khác đi” . ( tr. 35 -36 Bản dịch).

        Tác giả  Bàn Tiến Tân đã phân tích, lí giải  và so sánh khá thuyết phục về sự miêu tả  bề ngoài nhân vật và phong cảnh trong các tác phẩm văn học dân gian khác biệt với trong truyện của Lí Tế Xuyên như thế nào. Để lí giải vì sao nhân vật nữ xuất hiện trong giấc mơ của nhà vua “như những người lạ”, Bàn Tiến Tân sử dụng nhận định khái quát của V.Ia. Propp “Người từ thế giới khác không có nét mặt riêng , tất cả mọi người trong thế giới đó đều có nét mặt như nhau” / 75, tr. 301/. Đồng thời dẫn chứng từ thần thoại Nga, 12 người con gái của vua Thủy Tề đều giống nhau ở khôn mặt, mái tóc và xiêm áo / 55, tr. 54 -55/.  Nói về vẻ đẹp của Mị Nương, con gái vua Hùng “dung mạo tuyệt lân, nhan sắc tuyệt trần”, tác giả luận án cho rằng thời vua Hùng gắn liền với truyền thuyết và truyện cổ tích, vì vậy con gái vua được coi như công chúa trong truyện cổ tích, vì thế, nhất định phải “xinh đẹp tuyệt  trần”.

          Miêu tả ngoại hình nhân vật nam, Bàn Tiến Tân tiến hành thống kê 10 trên 16 trường hợp trong “ Việt điện u linh”  được xác định qua việc miêu tả quần áo. Và đưa ra những nhận xét khá độc đáo :

1- Trang phục của nhân vật nam được miêu tả đồng bộ (cả áo, cả quần) và nhất thiết phải là “tươm tất” hoặc “giản dị”, “sạch sẽ”.

2- Đặc điểm nhân vật được kể theo thứ tự (mũ mãng - áo – quần - giày). Trong đó mũ mãng được kể hoặc là không có hình dung từ, hoặc là có hình dung từ “màu sắc”, hoặc là có hình dạng, còn áo – dùng hình dung từ “đen – đỏ”, quần – kèm hình dung từ “thêu”, giày – kèm hình dung từ “đỏ”. Nếu trong mô tả trang phục của nhân vật còn có “thắt lưng” thì hình dung từ không được dùng đến. Thế nhưng thay vào đó, như ta thấy rõ, nó thường được nhắc đến giữa các đồ vật gồm khí giới mà nhân vật nam cầm trong tay”.  ( tr.82, Bản dịch).

        Giải thích vì sao  đối với nhân vật nam khi miêu tả bề ngoài, tác giả  Lí Tế Xuyên đặc biệt chú ý đến việc miêu tả chiều cao khác thường. Nhân vật Lí Ông Trọng cao 10 mét và 20 centimet, Cao Lỗ gần 4 mét,  Thần Đồng Cổ  cao hơn 3 mét, tác giả so sánh các nhân vật cao khác  trong truyện dân gian bình thoại của  Trung Hoa,  so sánh với chương sách " Phi tướng" của Tuân Tử, và đi đến kết luận nhà văn Việt Nam có chịu ảnh hưởng, song “không tách rời với sự cường điệu huyền thoại theo tư duy thi ca dành cho việc tạo nên  hình tượng ông tổ đầu tiên là người khổng lồ” (tr. 85, 86, Bản dịch).

          Giải thích nhân vật được miêu tả “mặt hổ râu rồng” trong truyện Lí Phục Man, Bàn Tiến Tân nhắc đến mối liên hệ với thế giới tô-tem của tiền nhân đến vua Rồng Lạc Long quân, và câu chuyện trong “Đại Việt sử kí toàn thư” của Ngô Sĩ Liên về việc Trần Nhân Tông nói với con là Trần Anh Tông, khi Anh Tông không muốn xăm mình. Và bình luận : “Thiết nghĩ, bản thân lời huấn thị của Trần Nhân Tông nói lên nhiều ý nghĩa, rằng xăm hình con rồng vào người thì một mặt đánh dấu nguyện vọng ghi nhớ về ông tổ đầu tiên, mặt khác – hình tượng rồng biểu tượng của lòng dũng cảm, mạnh mẽ đã trở thành quy chuẩn đạo đức của các nhà phong kiến thời đó. Còn với sáng tạo nghệ thuật, cụ thể là sự ví von so sánh với rồng, trong đó biểu đạt cách suy nghĩ mới mẻ hình tượng huyền thoại cổ xưa và ngoài ra, ở đây còn nói về cách biểu đạt ẩn dụ trong mối liên quan đến khát vọng cổ vũ cho những hành động dũng cảm, mạnh mẽ. Điều đó cũng ứng với mục đích của tác giả Việt điện u linh”. ( tr. 88, Bản dịch).

Tóm lại, với sự bao quát tư liệu rộng ( 160 tài liệu tiếng Nga, tiếng Việt, tiếng Hán), phương pháp tiếp cận khoa học, lại được sự hướng dẫn của GS.TS Niculin, nhà Việt Nam học nổi tiếng của trường Đại học tổng hợp MGU, Bàn Tiến Tân đã bảo vệ và lấy bằng Tiến sĩ cho công trình của mình. Một công trình nhiều điểm mới, đem lại cách tiếp cận mới đối với tác phẩm “Việt điện u linh”, đồng thời khẳng định chính đây là tác phẩm truyện trung đại Việt Nam đầu tiên. Một kết luận có căn cứ khoa học, chắc chắn và mới mẻ đối với việc nghiên cứu văn học Việt Nam. Đọc công trình này, các nhà nghiên cứu và các bạn sinh viên sẽ thu được nhiều điều bổ ích, thú vị cả về nội dung và phương pháp luận, nhất là sự phân tích so sánh các motip cốt truyện, các chi tiết của truyện ngắn.

                                     

                                                         Hà Nội, ngày 8/8/2019

------

1)   Chúng tôi khẳng định luận án Tiến sĩ của Bàn Tiến Tân là mới mẻ, bởi lẽ, sau luận án này nhiều năm,  trong cuốn sách công phu của PGS TS Nguyễn Đăng Na “Văn xuôi Việt Nam thời trung đại - truyện ngắn” tập 1, nhà xuất bản Giáo dục, 1997, nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Na dù có tuyển 3 truyện của tác phẩm “ Việt điện u linh”, nhưng vẫn coi  “văn xuôi tự sự Việt Nam” ở bước thứ nhất, thế kỉ X-XIV, “chưa tách khỏi văn học dân gian và văn học chức năng”. Tiêu biểu cho  loại văn học dân gian là “Lĩnh Nam chích quái lục”, tiêu biểu cho loại “văn học chức năng” gồm nhóm lịch sử “Ngoại sử kí” của Đỗ Thiện, “Đại Việt sử kí” của Lê Văn Hưu và nhóm những tác phẩm gắn với lịch sử tôn giáo gồm “Báo cực truyện” , “Việt điện u linh tập”… ( Sách đã dẫn, trang 22).

            Rõ ràng, nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Na chưa coi

Việt điện u linh” là truyện ngắn trung đại Việt Nam đầu tiên, dù nó có  ảnh hưởng của motip và cốt truyện  truyện dân gian, dù nó có chức  năng tôn giáo xây dựng “tiểu sử” các vị thiện thần và đuổi các “ác thần” và “tà thần” ra khỏi nơi đền miếu tôn nghiêm. Ông vẫn coi “Việt điện u linh” là văn học chức năng, và xếp ngang với “sử kí”!

           Nếu trả lời câu hỏi  truyện ngắn trung đại Việt Nam đầu tiên  là của ai, thời gian nào? Luận án của Bàn Tiến Tân khẳng định đầy thuyết phục với các chứng cứ văn bản rõ ràng : đó là tập “ Việt điện u linh” của Lí Tế Xuyên, thế kỉ XIV.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét