Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2019

TẠ PHƯƠNG VỚI THƠ NGA




TẠ PHƯƠNG VỚI THƠ NGA

                                                                                Vũ Nho
Vốn không phải là người được đào tạo làm văn chương, nhà khoa học Tạ Hòa Phương lại mê đắm thơ ca Nga như là mê đắm những cảnh quan địa chất mà anh theo đuổi và trở thành nhà khoa học có tên tuổi. Vì mê đắm như thế, nên bạn đọc đã biết đến một dịch giả Tạ Phương bên cạnh các tên tuổi như Thúy Toàn, BằngViệt, Thái Bá Tân, Thụy Anh... “Thơ Nga từ một góc nhìn” là một tuyển tập khá phong phú, đa dạng về các nhà thơ Nga, một số trước đó đã được Tạ Phương dịch và giới thiệu như một tác giả trong một tuyển tập. Trong tập này, dù chỉ xuất phát từ “góc nhìn” của dịch giả với hàm ý khiêm tốn là không bao quát được hết một nền thơ giàu thành tựu với không ít các nhà thơ nổi tiếng không chỉ của nước Nga mà còn là của  toàn thế giới, nhưng có thể nói là khá đa dạng và toàn diện về các nhà thơ Nga. Có 26 nhà thơ Nga được chọn dịch với nhiều tên tuổi đã quen thuộc với bạn đọc Việt Nam. Đó là các nhà thơ Nga cổ điển như  F. Chiutchev, A. Pushkin,  M. Lermontov, A. Blok, E. Esenin; đó là các  nữ nhà thơ mà hầu như ai yêu thơ Nga cũng biết như O. Berggoltz, A. Akhmatova, các nhà thơ xô viết nổi tiếng như K. Simonov, E. Evtusenko, B. Pasternak,… Hầu hết các nhà thơ đã qua đời, nghĩa là thành tựu thơ một đời của họ đã được xác nhận ở Nga. Nhưng vẫn có hai nhà thơ đang còn sống dù tuổi đã cao.

Như vậy là trong bạt ngàn rừng thi ca Nga, nhà địa chất Tạ Phương đã chọn ra một số mẫu có tính chất tiêu biểu, giúp bạn đọc qua một số mẫu vật mà biết cả mạch quặng trầm tích giàu có và quý giá, qua một  số giọt nước biết được đại dương, qua một số cây mà biết được cả cánh rừng đại ngàn.


                                                                 Dịch giả Tạ Phương


Đọc tuyển thơ này, những người yêu mến nước Nga sẽ được đắm mình trong không gian Nga với những dòng sông Vôn-ga, Nê-va, Mát- xcơ-va… những thảo nguyên bát ngát, những cánh rừng bạch dương, những cánh đồng lúa mì vàng óng, những con đường tuyết trắng, những văn nhà gỗ đặc Nga, những mỏm núi với lâu đài hùng vĩ…

Đây là mùa thu Nga tuyệt vời trong thơ F. Chiutchev:

Có một tiết chớm thu tuyệt diệu

Ngắn ngủi thôi nhưng tươi đẹp lạ kì

Suốt cả ngày trời trong vắt pha lê

Khi chiều xuống nắng bừng lên rực rỡ

 (“Có một tiết chớm thu huyền diệu”)

 Nhưng cũng có “Mùa thu” thật ảm đạm và buồn trong thơ S. Esenin:

Mùa thu! Mây vần vũ

Gió gào rú liên hồi

Thiên nhiên buồn ủ rũ

Ghé mắt nhìn nơi nơi

Những b ông hoa tàn úa

Cây trụi lá trơ cành

Vườn trở thành hoang phế

Thung lũng bỗng buồn tênh

 Một “Mùa hạ quý bà” trong thơ của Olga Berggoltz:

Có một mùa đất trời lạ lắm

Nóng thật dịu êm, nắng chẳng chói chang

Mùa hạ quý bà - nôm na đời gọi thế

Đẹp mơ màng đâu kém tiết xuân sang

Một thiên nhiên Nga thoáng hiện trong thơ M. Lermontov:

Trên đỉnh núi trụi trơ phương Bắc

Có một chàng thông đứng cô đơn

Tuyết phủ vai như một tấm dạ sờn

Chàng thiếp ngủ, thân cành khẽ lắc

 (“Trên đỉnh núi trụi trơ phương Bắc”).

Một con đường mùa đông trong thơ A. Pushkin:

Qua làn sương mù cuộn sóng

Vầng trăng mờ tỏ hiện ra

Cánh rừng thưa buồn quanh ta

Ngập ánh trăng buồn man mác



Trên đường mùa đông tẻ ngắt

Cỗ xe tam mã lao nhanh

Tiếng lục lạc rung reng reng

Đều đều âm thanh mỏi mệt

Tất cả phong cảnh Nga được thấm đẫm trong tâm hồn những nhà thơ yêu nước Nga tha thiết hiện ra trước mắt người đọc thật ấn tượng. Nhất là những ai đã một lần tới nước Nga, dù lưu lại mảnh đất đó một thời gian dài hay ngắn.

Nhưng góc nhìn của nhà địa chất Tạ Phương phong cảnh thiên nhiên Nga tuyệt mĩ luôn gắn bó với tình yêu gái trai, tình yêu quê hương, Tổ quốc

Về tình yêu gái trai, người đọc sẽ được tiếp xúc với những tâm hồn giàu có, yêu say đắm, ngất ngây, nhưng cũng đầy bao dung, phóng khoáng. Họ thú nhận những giây phút rất riêng tư, thầm kín của cõi lòng. Cả nam thi nhân và nữ thi nhân đều dễ dàng bị tiếng sét ái tình làm cho mất hồn, ngơ ngẩn.

A. Pushkin thú nhận:



Khi tôi nghe bên phòng khách cách tường

Tiếng xiêm áo, tiếng chân em nhè nhẹ

Và giọng nói ngây thơ trong trẻo thế

Bỗng thấy mình như mất cả trí khôn



(Lời tự thú)



A. Blok đoán mình sẽ chết vì ánh mắt người tình

Cuối cùng anh cũng sẽ bị giết thôi

Bởi ánh mắt em - lưỡi dao găm sắc lẻm

(“Trong ngày vàng giữa những nếp nhà”)

A. Pushkin thì được hồi sinh vì bóng hình nàng kì diệu:



Cô đơn trong cảnh chiều tàn

Chốn lưu đày mỗi ngày tan một ngày

Chẳng tiên thần, chẳng đắm say

Chẳng đời, chẳng lệ, chẳng ngây ngất tình



Bỗng hồn rạo rực bình minh

Khi em lại tới dịu dàng bên anh

Như làn ảo ảnh mog manh

Như thần linh hiện trong tranh mơ màng

Trái tim anh đập rộn ràng...



(“ Gửi…”)



B. Akhmadulina thì ví người yêu đến như “bão giật thân tàu” và cô đã yêu đầy thách thức, bất chấp tất cả:



Em chẳng cần biết đâu

Dẫu ngập tràn hạnh phúc

Hay tan trong khổ đau

Cả sướng vui khủng khiếp

Em giống con tàu kia

Gặp anh em không tiếc...



(“Mưa ướt mặt, ướt đầu”)



Một nhà thơ nữ khác là A. Akhmatova cũng đầy kiêu hãnh và mê đắm người tình, một người “mãi mãi kì bí và mới lạ”:



Em chỉ cần duy nhất một anh thôi

Mọi điều khác có gì đâu đáng kể



 (“Anh mãi mãi kì bí và mới lạ”)



Bởi vì người đó là tài sản vô giá của người phụ nữ yêu:



Anh - Mặt trời bài thánh ca em hát

Anh - sự phì nhiêu màu mỡ của đời em



(“Kìa những bãi bằng mông mênh biết bao”)

Đắm say, nhưng những phụ nữ Nga cũng đầy tỉnh táo và bao dung. Khi biết rằng “sẽ chẳng đâu vào đâu cả”, người ấy nhẹ nhàng khuyên, nhẹ nhàng cầu xin:

Đừng dành nhiều thời gian cho em

Đừng đặt cho em nhiều câu hỏi

Ánh mắt anh trung thực trong lành

Đừng chạm bàn tay em, nghe anh

(B. Akhmadulina - “Đừng dành nhiều thời gian cho em”)

Và không ích kỉ, rất vị tha, cao thượng. Họ mong muốn “Chúng mình cần được sống bình yên”, bởi vậy mà họ nén chịu sự cách xa, và khao khát:

Giá lúc ày anh hiểu được, anh yêu : em khát

Cặp môi khô màu hồng thân thiết của anh

(A. Akhmatova – “Chúng mình không uống chung một chén”)

Họ buông người mình yêu, vì không muốn ích kỉ chiếm đoạt:

Em đang làm gì đây? Em đang buông

Người đàn ông em từng chiếm được

Em loại bỏ chính mình

Loại hơi thở khát khao từ lồng ngực

(O. Berggoltz – “Em đang làm gì thế này? Em đang buông”)

Mạnh mẽ và dứt khoát, người phụ nữ Nga yêu, bao dung, phóng khoáng, tôn trọng những riêng tư và những khác biệt:

Em cũng thích trước mặt em anh vẫn

Thản nhiên ôm một ả tươi xinh

Anh đừng rủa để dưới sâu địa ngục

Em bị lửa thiêu vì hôn kẻ khác anh

(M. Tsvetaeva -  “Em thích anh tương tư không phải vì em”)

Sự thay đổi đột ngột của người tình, thật không hiểu nổi. Nhưng họ vẫn sẵn sàng lượng thứ, “xin lượng thứ”:

Mới hôm qua còn quỳ xuống bên em

Ví em với cả Trung Hoa huyền bí

Vậy mà rồi chỉ một thoáng buông tay

Đời rơi rụng - thành đồng xu hoen rỉ

 (M. Tsvetaeva -  “Mới hôm qua còn nhìn vào mắt em”)

A. Puskin đã viết “Trái tim không thể một ngày không yêu”. Chúng ta bắt gặp tinh thần ấy trong mấy câu thơ của K. Balmont:

Thật đáng sợ khi chẳng yêu ai cả

Bước hững hờ. Thời sung mãn - vuột bay

Tuổi trẻ anh bị thời gian tàn phá

Hãy yêu đi, yêu mơ mộng, đắm say

(“Hãy yêu đi”)

Rộng hơn tình yêu gái trai là tình yêu quê hương và tình yêu nước Nga hũng vĩ. Tuy đề tài này thơ được chọn dịch không nhiều, nhưng cũng để lại những ấn tượng mạnh mẽ và thấm thía. Những người lính Nga ra trận vì quê hương thân yêu, và vì cả những miền đất đai mong muốn hòa bình:

Trên lưng ngựa hành quân

Khi xông pha đạn lửa

Những người lính chúng tôi

Hát bài ca “Táo nhỏ”

...



Tôi đã rời cửa nhà

Lên đường ra mặt trận

Cho đất Granađa

Về tay người cày ruộng

 (M. Svetlov - “Granađa”)

Họ có thể đã có lúc tự hỏi mình, như E. Evtusenko  Và tôi hằng trăn trở / Tự hỏi mình là ai? / Mình đã yêu gì nhất / Hơn cả cuộc đời này?”. Câu trả lời là:

Tôi đã yêu nước Nga

Đến tận cùng xương tủy -

Con sông ngày nước dâng,

Cả trong mùa băng phủ.

...

Vượt trở ngại gieo neo

Vì nước Nga tôi sống

 (“Tuyết trắng rơi, tuyết rơi”)

 Một tình yêu máu thịt không thể cắt nghĩa nổi, như S. Esenin đã viết :

Tôi yêu người, nước Nga hiền dịu

Vì cớ gì - tôi chưa kịp hiểu

...



Ôi nước Nga, Tổ quốc tôi thân thiết

(“Nước Nga”)

Tình yêu ấy sâu đậm không thể nào diễn tả! Chỉ biết rằng vì nó   mà thi nhân từ chối tất cả:

Nếu có  đội quân thần thánh hô vang

“Hãy rời nước Nga lên thiên đường sống!”

Tôi sẽ nói : “Thiên đường tôi không mộng

Hãy để tôi yên lành trên tổ quốc thân thương”

(“ Ôi nước Nga, Tổ quốc yêu thương”)

A. Pushkin - Mặt trời thi ca Nga đã viết về thành phố Veliki Novgorod (Novgorod vĩ đại) - thành phố được coi là ông tổ của các thành phố nước Nga:

 Ở đây là tâm hồn Nga

Chính nơi đây hương vị Nga ngào ngạt!

Có thể mượn câu thơ của A. Pushkin  để nói về tập thơ tuyển dịch này.

 *  *  *

Xưa nay, các nhà nghiên cứu của Việt Nam và Phương Đông đều coi trọng ba tiêu chuẩn để đánh giá bản dịch thơ thành công là Tín (trung thành với nguyên tác), Đạt (thể hiện được tinh thần của nguyên tác) và Nhã (đẹp trong lời dịch). Vì điều kiện không cho phép sách quá dày nên dịch giả Tạ Phương không in kèm nguyên bản tiếng Nga để những ai thông thạo ngoại ngữ này có thể đối chiếu và đánh giá bản dịch. Từng được tiếp xúc với các tập thơ song ngữ của dịch giả Tạ Phương, và cũng có tiếng Nga tạm coi là đủ dùng, người viết những dòng này khẳng định và đảm bảo rằng dịch giả Tạ Phương đã thành công. Một điều nữa để đảm bảo cho nhận định này là việc cách đây tròn 20 năm - năm 1999, Tạ Phương đã được Hội đồng văn học dịch Hội Nhà văn Việt Nam, báo Văn nghệ và Trung tâm VHNN Nga trao giải nhất cuộc thi dịch thơ A. Puskin nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh đại thi hào Nga.

Từ góc độ của người thời nay, có thể thấy rằng một người dịch thơ muốn thành công cần có 3 yếu tố. Thứ nhất, phải thông thạo thứ tiếng mình dịch. Thứ hai, phải giỏi tiếng mẹ đẻ. Thứ ba, điều này là cực kì quan trọng, người dịch đó phải là người có tâm hồn thơ, và nếu biết làm thơ thì càng tốt. Bởi vì theo nhà thơ  Nga  F. Chiutchev  “Bằng trí tuệ sao hiểu được nước Nga”. Cũng vậy,  chỉ bằng trí tuệ, sao có thể hiểu, cảm được thơ Nga. Tạ Phương là người hội đủ cả ba yếu tố  kể trên. Anh đã có những tập thơ với tư cách là người sáng tác. Anh có đủ vốn tiếng Nga và tiếng Việt để dịch thơ Nga. Điều lí thú là bên cạnh những bài thơ chưa ai dịch anh cũng không ngần ngại dịch lại một số bài thơ của các nhà thơ Nga nổi tiếng, đã được nhiều người dịch ra tiếng Việt. Qua đó chúng ta cũng phần nào được thưởng thức thơ Nga từ góc nhìn của riêng anh. Ví dụ, bài thơ “Đợi anh về” của K. Simonov; các bài “Gửi…”, Con đường mùa đông, “Tên anh nào có nghĩa gì”, “Ta dựng tượng đài ta không phải sức bàn tay” của A. Pushkin; bài  Cánh buồm, Mỏm đá, “Trên đỉnh núi trụi trơ phương Bắc” của M. Lermotov v.v..

THƠ NGA TỪ MỘT GÓC NHÌN” của nhà khoa học, nhà thơ, dịch giả Tạ Phương là một cuốn sách quý, lại càng quý hơn nữa khi những người am hiểu  tiếng Nga, say đắm thơ Nga, có khả năng dịch thơ Nga ra tiếng Việt ngày một thưa vắng trên đất nước Việt Nam. Đặc biệt, chân dung một số nhà thơ Nga được chính dịch giả Tạ Phương thể hiện bằng than chì theo cách riêng của mình: A. Pushkin, M. Lermontov, E. Eshenin và A. Akhmatova.

Hà Nội, tháng 8/2019

Nhà văn Vũ Nho



                

                  

                  

                  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét