LONG KỀU - TRUYỆN NGẮN CỦA TRỊNH BÁ SƯỚNG
Trở
trời, thời tiết thay đổi những mảnh kim khí trong người tôi lại có dịp
trỗi dậy hoành hành thể xác thật đau đớn. Đã mấy hôm nay nằm lì ở nhà
uống thuốc giảm đau để ổn định cơ thể, mảnh bằng hạt ngô nằm trong xoang
gót rất đau, đi lại khó khăn, hay vết thương chẩm trái đau đầu cũng
khổ. Nhưng sợ nhất là mảnh kim khí xuyên qua liên sườn năm sáu, thấu
phổi trái đang ở cạnh động mạch nằm cách rốn phối 3cm thì lo lắm, cứ
phải kháng sinh đều đặn, khỏi biến chứng mỗi khi đau. Đang loay hoay kéo
chiếc chăn bên cạnh đắp thêm cho khỏi lạnh, bỗng điện thoại kéo lên dồn
dập, tôi uể oải cầm máy.
- A lô.
- Xin lỗi đây có phải số điện thoại của anh Trịnh Bá Sướng Hà Tây không?
- Vâng tôi đây. Ai đấy ạ?
Tiếng quát lớn: Tao đây! Tao là Long kều ở Ninh Bình đây, mày nhớ chưa?
Quên cả cơn đau tôi chồm dậy khỏi giường, mừng quá dí mạnh điện thoại vào tai cố nói to:
-
Có phải mày là thằng Long kều hồi cuối tháng 7 năm 1972 đánh nhau ở thị
xã Quảng Trị, đêm đơn vị pháo kích hầm này có bốn người bị sập, lôi lên
chết ba còn mình mày sống phải không?
- Ờ ờ đúng rồi! Đúng rồi! mày nhớ dai quá! Dai quá!
Chúng
tôi mừng lắm, nói với nhau toàn những chuyện nhặt nhạnh, không rõ đuôi
đầu trong chiến tranh. Đó là một ngày cuối đông năm 2014, gặp lại nhau
sau hơn 40 năm xa cách bằng lời nói tiếng cười của hai kẻ chí cốt.
Hôm
nay ngày 27 tháng 4 năm 2015, sau hai ngày gia đình đưa mẹ tôi về cõi
vĩnh hằng, cụ thọ 87 tuổi, là con trưởng, tôi cùng bảy anh chị em đứng
ra lo toan mọi việc còn lại. Tôi lại bất ngờ được Long đến chơi và chia
buồn với gia đình, hắn cao lớn hơn tôi, dáng khòng khòng, mặt ngựa, nước
da xạm đen vì dạn dày sương gió. Tôi không thể nhận ra được nữa, sao mà
bạn tôi khác thế này. Long ôm tôi, cứ vỗ vỗ vào lưng tôi mà khóc như
không chịu rời nhau, rồi Long quỳ sụp xuống bàn thờ mẹ tôi mà khóc nức
nở - con đây, con là bạn của anh Sướng đây, con đến chậm quá không được
nhìn mặt mẹ, mẹ tha lỗi cho con - nó cứ quỳ thế và khóc, tôi gạt nước
mắt nâng Long dậy đưa ra bàn uống nước. Rồi cố trấn tĩnh hỏi sơ qua về
Long để cho những giây phút xúc động nhanh qua đi…
Bữa ăn đến, ngồi cùng với anh em tôi, Long lại vừa nói vừa khóc:
-
Em là bạn cùng đơn vị huấn luyện và chiến đấu của Sướng, em sống được
đến ngày nay là nhờ anh Sướng, bới hầm sập lôi em lên các anh ạ.
Mọi người xung quanh ngạc nhiên, hết nhìn Long lại nhìn tôi (vì có bao giờ tôi kể chuyện chiến đấu với ai đâu). Tôi vội gạt đi:
- Không phải tao đâu, những người khác bới đất moi hầm, lôi mày lên đấy, đừng nói chuyện ấy nữa.
Nhớ
lại những ngày đêm kinh hoàng, khủng khiếp năm 1972, đơn vị tôi tham
gia bảo vệ thành cổ Quảng Trị, đến giờ tôi vẫn không thoát khỏi những
nỗi ám ảnh của chiến tranh.
Đêm ấy, lại một đêm
pháo kích bắn như mưa, những căn hầm chao đảo, ánh chớp xé màn đêm,
xuyên qua cửa hầm cùng khói sặc sụa tiếng nổ chói tai, pháo tan, sau
những giây phút hãi hùng ấy, như thường lệ, chúng tôi ai còn sống lại
nhảy lên mặt đất gọi kiểm tra các hầm xung quanh xem thế nào, có bị
trúng đạn pháo hay không, mấy hầm sập, nhưng nhớ nhất là hầm Long kều,
có bốn người được moi lên mềm nhũn như những cục thịt không xương. Lát
sau, tiểu đoàn cho quân vận tải xuống cùng anh em chúng tôi chuẩn bị đưa
một số anh em thương binh đi viện và làm công tác tử sĩ vì sáng ra sẽ
không làm được. Bỗng dưng trong đêm tối mờ nhạt, vang lên tiếng hô : “Đả
đảo đế quốc Mỹ”, “Đả đảo đế quốc Mỹ “Hồ chủ tịch muôn năm! Muôn năm”.
Mấy anh em hoảng sợ và sửng sốt một cách lạ lùng, sau giây phút trấn
tĩnh và nhận ra tiếng thằng Long, hóa ra nó còn sống. Một người lấy tay
bịt mồm nó lại không cho nó kêu to vì địch đang ở rất gần, anh em chúng
tôi lại đưa những người đi viện trong đó có Long kều. Sau này mỗi lần
nhắc lại chuyện đó ai cũng phải buồn cười, thì ra thằng cha mọi ngày hay
nghịch đến lúc gần chết, cũng Cách mạng gớm…
Khi
còn là tân binh nó cũng nghịch ra phết, nhất là những ngày tháng huấn
luyện trên thao trường. Đến năm 1972, trên đường đi chiến đấu vào đến
Nghệ An nghỉ ngày để đêm đi, một buổi chiều trên đường hành quân từ nhà
dân ra xe, mỗi người một tâm trạng khác nhau, nhưng tất cả đều đổ dồn
vào ý nghĩ, mường tượng là không biết vào Nam sẽ ra sao, đến vùng nào -
Tây Nguyên, Đắc Lắc hay Cà Mau xa lắc xa lơ. Những ý nghĩ mơ hồ cứ xáo
trộn đầu óc non trẻ của những người lính mới chập chững bước vào ngưỡng
cửa cuộc đời như chúng tôi. Đoàn quân đi theo đường mòn như rắn lượn,
đây đó vài tiếng hát khe khẽ cất lên, đi sau tôi nó cũng nghêu ngao hát
bài hát mà anh em ai cũng thuộc cả “đoàn quân nhấp nhô đi trong chiều
phai, từ giã quê nhà đau xót trong lòng ai…”. Những người dân bên đường
nhìn chúng tôi bằng ánh mắt thương cảm đầy ân tình. Đến đoạn đường nhỏ
có hai cô gái ngồi chơi, để quyển sách vào lòng như đang đọc truyện hoặc
ôn bài nhìn theo hàng quân rồi nhìn tôi, tôi giơ tay ra hiệu chào, bất
chợt nhổm người lên cầm bao gạo của tôi lôi xuống, cả người tôi bị kéo
theo, sấp xuống đè hai cô gái cùng ba lô nặng trĩu trên lưng. Tôi tìm
cách loay hoay đứng dậy và kêu lên: “buông ra! buông ra!”. Có một, hai
người hỗ trợ giúp tôi lôi bao gạo nhưng không được hàng ùn lại. Với bản
tính hay nghịch lại tinh quái, thằng Long sấn lại ngay đưa tay lần lượt
bóp mạnh vào ngực hai cô gái, họ mới chịu buông tha cho tôi nhưng vẫn
cười khúc khích. Tôi vội vã đứng dậy bước nhanh theo hàng quân, phởn trí
vì lập được công nó giơ bàn tay lên trời múa may cười nói vui vẻ lắm…
Giờ
đây, sau bao ngày gặp lại, nhìn nó tôi xúc động quá, cao long khòng hốc
mắt trũng sâu, nước da đậm màu sương gió, nó kể: Sau khi thoát khỏi
chiến tranh năm 1972, năm 1973 nó xuất ngũ, đến tháng 3/1979 lại tái
ngũ, lên biên giới phía bắc chống quân Tàu, năm 1982 mới phục viên về
quê lấy vợ sinh con được ba đứa đều đã xây dựng gia đình và đang đi làm
ăn xa. Ở nhà hai vợ chồng làm nông nghiệp, cấy hái nuôi lợn gà, sống qua
ngày. Những lúc con sinh cháu, vợ lại bỏ hắn một mình ở nhà buồn lắm.
Ngừng một lát, lại đều đều bằng giọng nói chậm rãi nhát gừng; “Sướng ạ,
từ ngày tao về, được các ông cán bộ HTX nông nghiệp chiếu cố, bố trí tao
vào làm việc ở đội bảo nông trông nom đồng ruộng, bảo vệ hoa màu khỏi
trâu, bò, gà phá. Trông ngày, trông đêm, lúc nào buồn lại thả mình trong
chai rượu với mấy nhân lạc rang, ngủ vùi một giấc cũng quên được hết
khó nhọc mày ạ”.
Tôi hỏi:
- Long có chế độ gì không, nhất là khi bị pháo nổ sập hầm nát người ra ấy?
-
Không, chẳng có chế độ gì cả, vì ngày ấy khám thương tật, ai bị sức ép
sập hầm không được tính, nên tao chỉ được có 17%, những mảnh đạn sắt găm
vào người không đủ thương binh hạng bét.
- Thật là khốn nạn cho mày – tôi buột miệng thốt lên.
Đêm
ấy chúng tôi còn nói chuyện nhiều nữa, nào là thằng Trận cho tao số
điện thoại của mày, nào là nó báo tin cho tao biết bà cụ thân sinh ra
mày qua đời tao vội lên ngay… Rồi nó nhắc tên từng đứa đêm ấy ngồi cùng
hầm với nó bị chết là : thằng Đô, thằng Độc, thằng Hào…
Chốc
chốc Long lại ngồi dậy đốt thuốc lá, trầm ngâm dưới ánh đèn ngủ màu
vàng nhạt mờ mờ nhìn tôi gật gật như định nói điều gì mà không nói ra
được. Tôi đầu óc suy nghĩ miên man, vừa bị sóc hụt hẫng khi nghĩ về mẹ
vĩnh viễn không còn trên cõi đời này bên mình nữa, lúc lại thương cho
bạn – đã tham gia hai cuộc kháng chiến, cũng từ cõi chết trở về mà bây
giờ cũng mang thương tật trên người nhưng vẫn hai bàn tay trắng. Liệu
vài năm sau, khi không còn sức khỏe nữa nghỉ làm bảo nông, những bệnh
tật tuổi già kéo đến thì cuộc đời sẽ ra sao. Ở cái làng quê Nho Quan,
Ninh Bình xa thành phố, con cái lại ra ngoài bươn trải, cả năm có việc
mới về thì sẽ thế nào, lo cho nó quá.
Còn tôi, đã
bao năm nay, mỗi khi trái gió, trở trời, những vết thương cũ tái phát
lại đau, đau lắm nhưng còn có bảo hiểm, nhà ở gần bệnh viện lớn, hàng
tháng lại còn có vài triệu tiền “ăn mày dĩ vãng” của thương tật 71% do
chiến tranh để lại, chứ còn nó cũng chiến đấu, cũng bị thương nát người
và sập hầm với bom đạn nhưng có được gì đâu…
Thế ra tôi vẫn còn hơn nó.
Hà đông 2015
Những ngày xuân ảm đạm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét