TỪ FACEBOOK TỚI TẬP THƠ…RIÊNG
PGS.TS. Nhà văn Vũ Nho
Trên mạng FB có một người cựu chiến binh, cựu sinh viên Đại học ngoại thương, cựu cán bộ Hải quan Hà Nội có một nikname là lạ : Lão Say. Trang FB có khá nhiều bạn bè giao lưu. Chủ yếu là những người thích thơ, thích hài hước. Và tôi cũng đã từng kết bạn với Lão Say. Bởi vì tôi khá ấn tượng với thơ lục bát tương đối nuột nà của chủ trang, đồng thời, tôi cũng là người thích hài, thích vui nhộn, tếu táo.
Đây là chân dung tự họa của anh:
Vào gương, thấy một lão già
Hỏi rằng đây có phải là ta chăng?
Người đâu dở lão, dở thằng
Lôi thôi , nhếch nhác, mặt nhăn, da mồi
( Chân dung tự họa)
Kèm với một tấm chân dung đẹp trai thời quân ngũ cách hiện tại 50 năm chẵn, tác giả cho là “anh này quen quá” và tự an ủi anh ta hay chính là mình:
Cười lên anh lính của tôi ơi
Lính mà thọ thế “lãi” lắm rồi
Nào hãy vui lên mà sống nốt
Những ngày tháng cuối của cuộc đời!
( Nói với tấm ảnh cũ)
Anh lính trẻ ấy có tên khai sinh là Đặng Thành Tô!
Cái vui tếu, cái hài hước là một nét trội trong những vần thơ trên FB của tác giả. Hãy xem anh miêu tả nhưng cụ-bạn đã lên ông, thành bà của mình trong ngày hội khóa sau 45 năm gặp lại nhau:
Dẫu đã bà, dẫu đã ông
Bà nom bẫn trẻ, ông trông chửa già
Bà thì vẫn đẹp như hoa
Ông liếc nhìn bà, mắt vẫn long lanh
(Tặng các bạn K16 yêu quý của tôi)
Rồi chuyện tặng hoa cho bạn gái ngày sinh nhật.Oái oăm là sờ túi hết sạch tiền! Không mua nổi hoa nhưng vẫn có “hoa mua”:
Đang khi lo đứng lo ngồi
Nhác trông thấy mọc bên đồi khóm hoa
Thôi đành hái để làm quà
Hoa không mua tặng lại là hoa mua!
( Hoa mua)
Những chuyện nhố nhăng, chướng tai, gai mắt trong xã hội, tác giả không hề bỏ qua. Trái lại thẳng thắn châm biếm và đả kích. Ở đây, bộc lộ rõ tinh thần chiến sĩ của người cựu chiến binh, một công dân chân chính. Mặc dù, tác giả có lần tự trách:
Trách ta chẳng biết lặng câm
Già rồi mà vẫn còn “hâm” thế này
Chuyện đời, thôi mặc kệ thây
Can cớ chi lại cứ hay ngứa mồm
(Trách ta)
Nhưng không thể bỏ qua chuyện trái khoáy, trớ trêu. Ai bảo “hâm” cũng mặc, ai chê “ngứa mồm” cũng không chấp!Tác giả phê phán anh chàng xây biệt phủ bằng tiền “buôn chổi đót” với “chăn gà” khi tự khai:
Lại hỏi tiền ấy lấy đâu ra
Dào ôi, tiền kiếm dễ thôi mà
Tớ chạy xe ôm, buôn chổi đót
Tớ đi nuôi lợn, tớ chăn gà
( Nhà tớ đây)
Anh coi phường quan tham, trộm cướp còn thua cả nghề làm điếm hoặc ăn xin bởi chúng thiếu tính thiện lương:
Trăm năm trong cõi người ta
Ăn mày làm đĩ nghĩ mà đáng thương
Dù sao thì vẫn thiện lương
Hơn phường trộm cướp cùng phường quan tham
( Cái nghề làm đĩ, ăn mày)
Người viết phê phán những ông quan đi lên bằng con đượng nịnh bợ:
Diễn trò múa mép còn hơn kép
Đục khoét, ăn tiền tựa mọt sâu
( Đổi thay)
Những quan tham “quan tiền, quan thịt, quan xôi”:
Một thời múa mép khua môi
Một thời cao đạo dạy người thẳng ngay
Có ngờ đâu chính quan thầy
Tự mình “diễn biến” tra tay vào còng
( Chim chết vì mồi)
Và phê phán ngành giáo dục cải cách, cải tiến hóa cải lui:
Cải tiến hay là cải lui
Tiến đâu chẳng thấy, thấy lùi mãi thôi
Đổi mới cũng đổi mãi rồi
Mới thì có mới nhưng tồi hơn xưa!
( Học bao giờ mới khỏi hành)
Tác giả cũng phê phán lối làm ăn gian dối, bớt xén của những người trong ngành điện, trong cơn bão mới lộ ra:
Giận thay cái lũ bất lương
Không xương còn bắt đứng đường làm chi
Buồn cho cái tiếng thị phi
Mấy ông “điên nặng” cái gì cũng điêu!
( Thương…cái cột điện trong cơn bão số 5)
Như đã nói, người viết rất thích nhìn cuộc sống bằng con mắt hài hước, vui tếu. Không khó khăn gì để gặp những vần thơ hài, cười mình, cười giới mày râu của mình. Cái bệnh “nể vợ” là phổ quát của giới mày râu:
Thôi thì mặc kệ bạn cười chê
Vợ gọi là chồng cứ phải nghe
Thiên hạ ai mà không sợ vợ
Vợ gọi thì ta vẫn phải về!
( Khi vợ gọi về)
“Nể vợ” hay “sợ vợ” chẳng những không đáng chê cười mà lại được coi như là ưu điểm, là “biết điều, khôn ngoan”:
“Sợ vợ” là cái lẽ thường
Bảo không “sợ vợ” là phường điêu ngoa
(Sợ vợ là kẻ biết điều, khôn ngoan)
Người tếu táo mới có thể nghĩ ra những lí do bông đùa như thế!
Trong tập này, không hiếm những giây phút lắng lại, đằm trong tình cảm nhớ mẹ, thương cha của tác giả. Ai mà chẳng ngậm ngùi khi nhìn di ảnh các bậc sinh thành trong ngày lễ vu lan:
Chắc gì đã có kiếp sau
Mà mong lại được bên nhau cùng người
Lặng nhìn hương khói về trời
Rưng rưng nhớ mẹ, ngậm ngùi thương cha
(Vu lan nhớ mẹ thương cha)
Có những phút giây trẻ trung, lãng mạn:
Giá mà...em đẹp vừa thôi
Để đừng quyến rũ bắt tôi phải nhìn
Giá em bơn bớt cái duyên
Đừng cười má lúm đồng tiền như hoa
(Giá mà…)
Có những lời chân thành, ấm áp dành cho nửa bên kia:
Em là trái chín ngọt ngào
Là cơn gió mát thổi vào đời tôi
Kiếp sau nếu chọn bạn đời
Thì tôi vẫn chọn một người là em
( Thương vợ)
Và cũng có những cảm thông khi người cựu chiến binh nhiễm chất độc da cam, dằn lòng, để khuyên người bạn gái thật xót xa:
Anh không lo nổi thân mình
Thì lo sao việc gia đình mai sau?
Cảnh chồng thương tật, ốm đau
Cảnh con di chứng chất màu da cam
( Đi đi em)
Tập thơ này là chọn lọc những bài đã đăng trên Facebook trong nhiều năm. Và sau đó đăng trên trang mạng Thi nhân Miền Cổ tích mà tác giả là một thành viên tích cực.
Hi vọng rằng những bài thơ chân mộc, với thể lục bát nuột nà độc đáo của tác giả sẽ là một kỉ niệm không bao giờ quên với anh - người cựu chiến binh vui tính, yêu đời, yêu thơ. Và những bài thơ đó cũng sẽ được bạn bè đón nhận một cách nồng nhiệt, tràn đầy niềm cảm thông, mến mộ.
Hà Nội, 5 tháng 5 năm 2021
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét