VÀI CHIA SẺ VỀ NHỮNG NGÀY ĐẠI DỊCH
Tản văn của Phạm Ngọc Tâm Dung
Sáng dậy, mở đầu một ngày mới là tranh thủ xem nhanh tin tức trên mạng về tình hình diễn biến Covid đêm qua. Ban trưa, thay vì đọc vài ba trang sách như thường lệ cho dễ ngủ thì lại mở mạng đọc nhanh tình trạng Covid ra sao. Buổi tối, thay chỗ cho sự mọi người rôm rả trò chuyện về các việc làm trong ngày, bàn bạc về ngày mai ăn gì, tuần tới thăm thú những đâu... thì lại chỉ quẩn quanh vấn đề Covid...
Ngày chủ nhật, lẽ ra là ngày con cái cháu chắt, người thân trở về sau một tuần bận rộn, thì nhà cửa vắng teo. Bởi từ tuần trước, thấy dịch nặng, ông bà đã ra một "bố cáo" đặc biệt, quán triệt: "nhà nào ở đâu yên đấy"!
Nhìn mấy đứa trẻ không được đến trường, khi thì uể oải vạ vật như các "ông bà cụ non", lúc thì trêu chọc nhau chí chóe, có khi khóc om sòm nhà cửa mà xót ruột. Đến giờ "học on lai" nghiễm nhiên chúng "tước khí giới" của ông bà, mỗi đứa ôm một cái điện thoại, khi ngồi một chỗ, lúc... vừa đi... vừa học, thậm chí vừa ăn vừa học... Mà cháu đã học thì cả nhà phải lặng lẽ, ai làm gì cũng tránh tiếng động, đừng nói chi chuyện trò, cười nói, hát hò…
Nghĩ mà thương mà xót xa bọn trẻ vô cùng. Đứa ở riêng cùng bố mẹ, bà cháu nhớ nhau chỉ qua video, ngóng chờ về thăm ông bà khi Covid giảm. Con nhỏ du học, đã mấy năm chả được về nhà. Qua video, thấy cháu đấy mà vạn dặm xa xôi. Thương lắm!
Cô con gái làm nghề may vá, mùa chống dịch phải tranh thủ làm thêm, khi khẩu trang, khi quần áo phòng hộ. Chiến dịch gấp rút, bất kể ngày đêm. Có khi cả tuần xuống xưởng, về đến nhà là lao vào tắm rồi... ngủ. Nghe tiếng chuông điện thoại, bật dậy nói ra rả về công việc với đối tác, với bạn nghề, nhiều khi bị trễ bữa mấy giờ đồng hồ.
Nhìn những đứa con vất vả, nhìn bao người còn tuổi lao động tất bật ngày đêm; sáng lầm lũi bước ra khỏi nhà với quần áo nặng nề, khẩu trang kín mít, chiều muộn về tắm rửa, trút bỏ bụi bặm, vi khuẩn hàng giờ mới dám bồng con mà rưng rưng thương cảm. Suốt cả bữa cơm, mọi câu chuyện giao tiếp, kiểu gì cũng quay về đề tài Covid.
Thời kỳ đầu, ai cũng theo dõi thật sát, từng trường hợp F0, F1... số má bao nhiêu, họ ở đâu, ai đang phải thở máy... Bây giờ thì chỉ xem tổng thể và những trường hợp rất đặc biệt, còn ra thì... phó mặc sự đời, "phải ai, tai người ấy"; cốt là chỉ xem khu vực có bệnh nhân F các loại có liên quan đến nơi cư trú của mình không thôi! Dịch giã ngày càng kéo dài, càng phức tạp, đã khiến cho ít nhiều sự chai sạn hình thành!
Bao nhiêu kế hoạch định trước như về quê, thăm thú người thân, lịch hội họp... đều... phải dừng hết và …"hãy đợi đấy"!
Nhiều đêm nằm, không ngủ được. Buồn vô vàn rồi vẩn vơ nghĩ: "Thôi mình cũng còn may chán! Mình vẫn còn miếng cơm mà ăn, vẫn có đồng lương còm mà lĩnh, vẫn còn chợ để mà đi, vẫn còn cơ hội để mà hy vọng...”
Bao người trên trái đất, hay nói không xa, bà con mình ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Thành phố Hồ Chí Minh hay cả Thái Bình quê mẹ và Hà Nội nơi mình ở, đang đau khổ, lo lắng tột cùng trên giường bệnh với cảnh cách xa, ly tán và tương lai sum họp rất đỗi mịt mờ...
Sinh mệnh của bao kiếp người rời khỏi thế gian, đau khổ, đơn độc không bút nào tả hết... Thậm chí, như ở một số quốc gia lạc hậu đông dân, cái chết coi không được bằng rác cỏ...
Ôi! Kiếp người trong cõi tạm thế gian!
Suy về nhà mình thì cháu mình hiện tại, vẫn được ông bà chăm sóc từng miếng cơm giấc ngủ. Con mình vất vả nhưng vẫn được về nhà sau mỗi ca đêm. Còn bao nhiêu bé em phải tự cách ly một mình, các con ý thức được hoàn cảnh mà không dám khóc đòi ăn, đòi đồ chơi, đòi về với mẹ cha. Có bà mẹ bầu đang nuôi dưỡng mầm sinh linh bé bỏng trong mình, phải vào viện chữa chạy là nỗi lo lắng xót xa cho gia đình, cho dòng họ và cho cả cộng đồng. Còn bao nhiêu người bộ đội, công an, tình nguyện viên, đội ngũ nhà khoa học, đội ngũ cán bộ trọng trách chống dịch, ...đang xa nhà đằng đẵng, bỏ lại người thân ở phía sau, quyết tâm chặn không cho dịch lây lan. Bao nhiêu thấy thuốc, điều dưỡng viên đêm ngày dù giá rét hay nóng lửa, vật lộn với khoảng cách mong manh giữa sự khỏe mạnh và bệnh tật, thậm chí giữa sự sống và cái chết để còn nước còn tát cứu người bệnh, để rồi đôi khi quên cả tự cứu chính mình!
Thật may mắn, chúng ta được là con dân của nước Việt Nam vô vàn yêu dấu, tuy chưa giàu có, hiện đại như nước người ta, nhưng chúng ta khác họ và hơn đời là có trái tim Việt bao dung của Mẹ Âu Cơ truyền lại. Chả thế mà được ở Việt Nam trong những ngày dịch giã từng là niềm mơ ước của bao người trên hoàn cầu (trong đó có cả những Việt kiều).
Trong gian khó, người ta thường sống chậm hơn, suy ngẫm đằm hơn và cụm lại đùm bọc nhau hơn... Thật cảm động nhìn những hình ảnh siêu thị không đồng, những cây gạo, những nơi tặng rau quả miễn phí, những nhà hảo tâm, những cụ già em nhỏ ủng hộ quỹ vacxin…
Đêm qua trời lại mưa, nghe chương trình thời tiết như là bão số một. Những đêm mưa, mình thường hay không muốn ngủ. Hình như ông trời muốn giúp người ta gửi bao niềm cảm xúc, tâm sự trong các buổi mưa đêm. Nhớ ngày xưa còn bé, tháng ba, ngày tám, đói khát dịch bệnh, bà và mẹ ta nghe tiếng mưa nhỏ từ tàu cau xuống tàu chuối mà buồn nẫu ruột gan, vì không biết ngày mai kiếm đâu ra thưng gạo hay mớ khoai cho đàn con. Ngày xa quê, nghe tiếng mưa đêm mà cô đơn ngậm ngùi nhớ mẹ. Những kỳ đi công tác xa nhà, nghe mưa rơi, nhớ hơi ấm nồng nàn người đàn ông của mình cùng tiếng trẻ nằm mơ gọi mẹ lúc tàn canh, tung chăn trở dậy, bật đèn viết vài câu thơ cho vơi tâm trạng...
Đêm nay, nghe mưa rơi thì khấp khởi mừng cho bao chiến sĩ trong tâm dịch, đỡ đi phần nào sự ngột ngạt với bộ quần áo bảo hộ kềnh càng bí rì, giống như thể người mặc để bay vào vũ trụ. Lại xót xa, thương các chiến sĩ nơi biên cương, cửa khẩu, hải đảo...đang trầm mình trong mưa bão, để canh giữ bình yên cho đất mẹ thương yêu ( trong đó có nhiệm vụ quan trọng là ngăn chặn những kẻ liều lĩnh vượt biên mang theo con vi rút chết người). Rồi trong tiếng mưa buồn nức nở, lại làm mình cứ nghĩ dại khôn về nước mắt nhà trời...
Thế đấy, bạn ơi!
Những ngày này, bao nhiêu cảm xúc bay bổng hay lãng mạn dù có muốn cho nó "thăng hoa" đến mấy cũng khó mà "đi đến đích" bởi thứ dịch bệnh ma quái, quỷ quyệt này đang bao trùm cảm xúc của cả nhân loại và của riêng ta!
Bạn có giống tôi không, khi nghĩ rằng rồi ra nhiều năm nữa, chúng ta sẽ là những "nhân vật lịch sử", không biết các thế hệ đời sau, họ có "nhìn" ra những cố gắng của chúng ta, trong hoàn cảnh xã hội bây giờ, và đánh giá như một "dấu son chiến thắng dịch bệnh?". Hay chúng ta chỉ bị nhìn nhận là vật hi sinh cho "một vệt đen tai họa của chiến tranh sinh học hủy diệt, mà ông Giời trừng phạt sự vô ý thức của loài người, hoặc giả do những kẻ nào đó, vô tình hay cố ý gây ra...?".
Nghe đài báo đưa tin, rất nhiều bệnh nhân Covid (trong đó có những cháu sơ sinh, những bà mẹ bầu sinh nở mẹ tròn con vuông) khỏi bệnh, tin Đảng và nhà nước lưu tâm số 1 cho việc nghiên cứu sản xuất và mua vacxin. Nguồn hy vọng về việc tiêm chủng vacxin và phương châm “năm K” là một giải pháp cơ bản cho việc phòng chống, đẩy lùi giặc Covid... Thôi thì cứ tin vào Đảng, Nhà nước, khoa học, tin vào tương lai... Cứ động viên con cháu và mọi người nhìn về phía trước mà tồn tại. Niềm tin sẽ giúp người ta lấy lại thăng bằng và có thêm sức khỏe, sức đề kháng chống lại dịch bệnh.
Những ngày gần đây, thấy trong tâm dịch đã có những nhà máy mở cửa trở lại. Công nhân được làm việc, ăn nghỉ tại công xưởng. Các quan chức ngành Y khẳng định dịch đã được kiểm soát. Thông tin về các ca bệnh mới vẫn còn cao. Nhưng ơn giời, đó là các ca nhập cảnh được cách li ngay, và những ca F1 đã trong khu cách li từ trước.
Hi vọng một ngày không xa dịch Covid sẽ bị đẩy lùi! Chúng ta sẽ chiến thắng!
Niềm hi vọng hoàn toàn có căn cứ vững chắc của bạn và của tôi!
12/6/2021
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét