Thứ Năm, 16 tháng 12, 2021

GIỚI THIỆU TRƯỜNG CA VẦNG TRĂNG BIỂN


GIỚI THIỆU TRƯỜNG CA VẦNG TRĂNG BIỂN

Trường ca Vầng trăng biển - Một cách nhìn khác về chiến tranh và người lính ([1])


TS. BÙI NHƯ HẢI

Nhà thơ Hoài Quang Phương tên thật là Nguyễn Quang, sinh ngày 05 tháng 11 năm 1941, tại làng Thái Lai, xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Hoài Quang Phương hiện là Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị. Duyên thơ đến với Hoài Quang Phương khá sớm, từ những năm tháng đang còn niên thiếu, đã có thơ đăng trên các báo, tạp chí. Cuối thập niên 60 của thế kỷ XX, Hoài Quang Phương học tại Trường Chính trị Bộ Giáo dục. Sau những năm tháng miệt mài học tập, nghiên cứu Hoài Quang Phương tốt nghiệp và trở về công tác tại Trường cấp III Vĩnh Linh. Một thời gian sau đó, Hoài Quang Phương được cấp trên điều chuyển lên làm Chuyên viên Sở Giáo dục Bình Trị Thiên. Nhưng do hoàn cảnh gia đình nên ông lại xin trở về dạy tại trường cấp III Vĩnh Linh. Năm 1989, tỉnh Quảng Trị được tái lập Hoài Quang Phương được điều chuyển lên làm Chuyên viên Sở Giáo dục và Đào tạo, rồi sang làm Giảng viên chính, Trưởng Khoa tại Trường Chính trị Lê Duẩn Quảng Trị. Đến làm việc ở một môi trường mới, bận rộn với công việc, thế nhưng ông vẫn cố gắng tranh thủ dành thời gian để sáng tác thơ. Bởi với Hoài Quang Phương, thơ ca như máu ở trong cơ thể của con người, như cây không thể thiếu nước được. Chính sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, sự yêu thích, đam mê sáng tác thơ ca luôn thường trực, luôn cháy bỏng, nên cây bút thơ Hoài Quang Phương đã cần mẫn, cày ải trên cánh đồng thơ, viết nên những tác phẩm hay, được bạn đọc trong và ngoài nước đón nhận, yêu mến, tạo nên một chứng chỉ thi ca cho riêng mình. Điều mà tôi ngỡ ngàng, với những người sáng tác thơ, khi tuổi đã xế chiều, thì lực bút ắt sẽ có giảm bớt phân nào, không còn độ sung sức nữa. Nhưng ông lại khác, bút lực càng dồi dào hơn, sung mãn hơn, như một dòng suối dè xẻn bao ngày ùa tràn hối hả. Nếu lấy mốc thời gian ở tuổi sáu mươi, chúng ta thấy số lượng xuất bản thơ của Hoài Quang Phương có độ chênh lệch nhất định. Trước thời điểm đó, có 5 tác phẩm được xuất bản, đó là San hô trắng (Hội VHNT Quảng Trị, 1997), Ngôi nhà hạnh phúc (Hội VHNT Quảng Trị, 1998), Lửa mùa đông (Hội VHNT Quảng Trị, 1999), Sáng nguồn (Hội VHNT Quảng Trị, 1999), Lục bát (Nxb. Hội Nhà văn, 2002). Nhưng sau tuổi sáu mươi có đến 10 tác phẩm, đó là Bác Hồ của chúng ta (Nxb. Hội Nhà văn, 2005), Ngôi nhà của mẹ (tập trường ca; Nxb. Hội Nhà văn, 2005), Vân đất (Nxb. Hội Nhà văn, 2007), Vầng trăng biển (tập trường ca; Nxb. Hội Nhà văn, 2009), Mặt phẳng lòng tôi (Nxb. Hội Nhà văn, 2010), Ngõ biển (Nxb. Hội Nhà văn, 2012), Hạt ánh sáng nảy mầm (tập trường ca; Nxb. Hội Nhà văn, 2014), Con đường Bác Hồ (Nxb. Hội Nhà văn, 2019), Những khúc thơ (Nxb. Hội Nhà văn, 2019), Đất màu nắng (Nxb. Hội Nhà văn, 2020). Tôi liệt kê qua hai mốc sáng tác như vậy, để bạn đọc thấy được năng lượng sáng tác của Hoài Quang Phương luôn ngồn ngộn ở mọi thời điểm, bất chấp thời gian, bất chấp tuổi tác, miễn có sức khỏe, còn sống trên cõi nhân gian đến hơi thở cuối cùng mới thôi sáng tác, như thế thật đáng trân trọng, thật đáng ngợi ca.

Đa số những tập thơ của Hoài Quang Phương trình làng đều được bạn đọc yêu mến, đồng nghiệp và các nhà phê bình, lý luận văn học quan tâm, đón nhận nồng nhiệt. Bởi vì, thơ Hoài Quang Phương có tính hàm súc, cô đọng, rất ít chữ, rất kiệm lời, giàu triết lý, nhân sinh sâu sắc. Thế nhưng, trong sự nghiệp sáng tác, Hoài Quang Phương không chỉ để lại dấu ấn trong lòng bạn đọc ở địa hạt thi ca, mà còn cả ở lãnh địa trường ca nữa. Ở thể loại trường ca, Hoài Quang Phương cũng đã có những mùa gặt bội thu trên cánh đồng gieo hạt của mình. Ngôi nhà của mẹ (Nxb. Văn hóa - Dân tộc ấn hành năm 2005) - tập trường ca đầu tay vừa mới trình làng đã gây tiếng vang lớn đối với công chúng. Tác phẩm đoạt giải thưởng chính thức cuộc thi của báo Văn nghệ về đề tài Bác Hồ. Chính sự yêu mến, quý trọng của độc giả với tập trường ca như vậy, nên đã tiếp thêm sức mạnh cho Hoài Quang Phương để tiếp tục cày ải trên cánh đồng ruộng chữ và gieo hạt, nảy mầm thêm những chồi non xanh biếc. Để khẳng định lực bút dồi dào đó, đứa con tinh thần thứ hai Vầng trăng biển (Nxb. Hội Nhà văn, 2009) đã chào đời sau bốn năm ấp ủ và sáng tác. Và năm năm sau, ông tiếp tục cho ra đời đứa con trường ca thứ ba Hạt ánh sáng nảy mầm (Nxb. Hội Nhà văn, 2014). Người đọc có lẽ ngạc nhiên hay lấy làm lạ, là những tác phẩm trường ca của Hoài Quang Phương đều ra đời thuộc vào thời điểm thứ hai. Tôi thiết nghĩ rằng, viết trường ca cần phải có thời gian, sự trải nghiệm, độ chín nhất định của một cây bút từng trải, vững chải, mà Hoài Quang Phương là một trường hợp như thế.

Trở lại với trường ca Vầng trăng biển - tác phẩm được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2009, gồm 230 trang, được chia thành 10 chương, lần lượt là: Cầu hiền lương và đường gió cát, Nửa vầng trăng xanh, Trăng lửa, Tượng đài sóng, Cửa đất, Trăng khơi, Trăng biển lên rừng, Nhịp cầu trăng, Đứa con Vầng trăng biển. Độ dài ngắn mỗi chương không đồng đều, có sự khác nhau, nhưng tựu chung thì cấu trúc của tác phẩm lại không bị phá vỡ, trái lại nó có sự xâu chuỗi, liên kết trong chính mạch ngầm của văn bản. Trường ca Vầng trăng biển tập trung chủ yếu vào chủ đề, cảm hứng viết về chiến tranh và người lính. Viết về chiến tranh, người lính Hoài Quang Phương có một cách nhìn khác, với một thái độ, suy tư, cảm xúc của một con người thời hậu chiến, nhưng thẳm sâu nhất chính là giá trị nhân bản, nhân văn của đời sống con người.

Nội dung của tác phẩm, là tái hiện lại cuộc chiến tranh chống Mỹ ác liệt của quân và dân Quảng Trị nói chung và quê hương của tác giả nói riêng. Với một bút lực tài năng, lão làng, Hoài Quang Phương đã “tạc” nên một bức tranh về hiện thực của cuộc chiến tranh, về bức tượng đài người lính - một hình tượng đẹp với sự ngợi ca trân trọng nhất. Hoài Quang Phương viết về chiến tranh và người lính không chỉ là duyên nợ, mà còn là trách nhiệm đối với đồng đội cũng như mảnh đất đã dưỡng nuôi ông lớn lên, trưởng thành, rồi trở thành một người cách mạng trung trinh, dũng cảm. Là một người trong cuộc, người lính viết về người lính - đó chính cũng là một trong những nguyên nhân nữa để góp phần tạo nên những nét riêng mới độc đáo, hấp dẫn của tác phẩm.

Trường ca Vầng trăng biển chính là những trang sử được viết bằng thơ. Tác phẩm bao quát gần như toàn bộ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân Quảng Trị trong ngót một phần tư của thế kỷ XX. Đọc tác phẩm, bạn đọc sẽ thấy được một bức tranh hiện thực của một vùng đất Quảng Trị như một thiên mệnh - nơi sinh ra là để gánh lấy những vận hạn của lịch sử dân tộc. Mảnh đất linh thiêng ấy, đã trở thành chiến trường ác liệt nhất, quyết liệt nhất trong suốt chiều dài của cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước, mà người dân nơi đây phải trải qua, phải gánh chịu:

          Trút bom xuống làng mạc

          Trường học

          Bệnh viện

          Nã pháo vào khu dân cư ven biển

          Giết người dân vô tội Việt Nam

Mảnh đất ấy, chỉ có “vành đai trắng sắc gió cũng hoang tàn”, “hài cốt lạc trong từng thớ đất”, “nắng đổ, gió mù trời gào thét”, “mưa dầm lũ bão liên miên”, “đường làng trộn đầy mảnh bom”,...

          Họ hàng, người thân tan tác

          Vườn dừa bên bờ sông trơ dốc

          Không còn một con đường tuổi thơ

          Nhà thờ họ chỉ còn dấu tích

          Đường cát xám trộn đầy mảnh bom

          Vườn dương xưa tàn trong cơn lốc

          Đường vào làng hằn giữa bãi tha ma

Mỗi làng quê, mỗi gia đình, mỗi con đường,... đều thấm đẫm những giọt máu xương của hàng vạn người lính, hàng triệu người dân Quảng Trị và những người con ưu tú tình nguyện trên mọi miền Tổ quốc đã ngã xuống nơi mảnh đất đầy nắng, gió và cát này.

Chiến tranh kết thúc, những người lính còn sống sót như Lena, Hùng và những người lính khác nặng sâu với quê hương, đất tổ đã trở về đoàn tụ cùng gia đình, vợ con, cùng tham gia sinh hoạt, làm ăn sinh sống, cùng chung sức, chung lòng dựng xây quê hương ngày thêm khởi sắc, giàu đẹp. Nhưng nghiệt ngã thay, đôi khi những ước mơ, hoài vọng nhỏ nhoi ấy lại không trở thành hiện thực. Hạnh phúc được sống bên người thân chưa được bao lâu thì cha mẹ đã vĩnh viễn ra đi mãi mãi:

Chưa hưởng một ngày hòa bình thực sự

Lại muôn mỗi gian truân

Người lính như Hùng, Lena vừa là hiện thân, đồng thời là chứng nhân của sự đau thương, bất hạnh nhất, mà cuộc chiến tranh đã gây ra cho quê hương Quảng Trị nói riêng và cả nước nói chung. Nhà thơ Hoài Quang Phương đã miêu tả những phận người như Kiều Trinh, Lena, Hùng,... nhưng qua những nhân vật này người đọc lại cảm thấy đó không chỉ là bi kịch của một cá nhân, của một quê hương, mà đó còn chính là một bi kịch rộng lớn hơn: bi kịch cả một thời đại của một dân tộc.

Trong chiến tranh, cái chết luôn cận kề với những người lính ra chiến trường. Nhưng người lính luôn có tư tưởng lạc quan, yêu đời, cùng đồng đội sẻ chia những buồn vui, vất vả nên ít cảm thấy cô đơn hơn. Thời hòa bình, người lính ấy lại luôn cảm thấy mình bị lạc lõng, đơn côi giữa cuộc sống đời thường đầy ngỗn ngang, bất trắc. Tâm trạng chung của những người lính ấy, vì thế rất day dứt, băn khoăn đến buồn thương, nhức nhối lạ thường:

Ngày đánh giặc một mình trong đoàn quân

Trong trận mạc ít thấy cô đơn

Thời hòa bình sau cái một mình mọc lên,

                                              day dứt băn khoăn

Chiến tranh đã lùi xa nhưng vết thương của cuộc chiến, thì vẫn còn in mãi trong ký ức của người lính và cả những chứng tích của tội ác do Mỹ gây ra vẫn luôn đeo đẵng, gieo rắc cho mảnh đất và con người Quảng Trị, cho dân tộc Việt Nam quả là ghê gớm, không lường hết được. Bên dưới mỗi nếp nhà, chúng ta cứ tưởng như bình yên ấy, thì trong những xóm làng êm đềm vẫn đâu đó có những “tiếng bom” âm thầm nổ, những con người đang vật vã, đau đớn vì di họa của cuộc chiến tranh do chất độc đi-ô-xin gây ra. Nó không chỉ hủy hoại cả thể xác lẫn tâm hồn của người lính, mà còn liên lụy đến mái ấm gia đình nhỏ hạnh phúc của họ, thậm chí cho cả một dòng tộc nữa:

     Nó tàn phá một đời người

     Tiếp tục tàn phá con cháu họ

     Sự lây lan của nó dẫn đến diệt chủng dòng tộc

Hiện thực còn khủng khiếp hơn, còn dữ dội hơn, khi mà chiến tranh đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân Quảng Trị, đến dân tộc Việt Nam đã, đang vẫn còn là nỗi đau xuyên qua nhiều thế hệ mai sau. Những nỗi đau thương, mất mát không gì bù đắp được do cuộc chiến tranh gây ra và cả những ngỗn ngang, những bề bộn, những di chứng để lại sau cuộc chiến tranh, mà quân và dân Quảng Trị phải gánh chịu trong suốt chiều dài lịch sử, đã nói lên được tầm vóc lịch sử của vùng đất đầy linh thiêng này.

Nhà thơ Hoài Quang Phương rất tinh tế trong việc phản ánh, khám phá thế giới tâm hồn nhân vật - người lính. Bằng con mắt lạc quan khi quan sát, Hoài Quang Phương đã kiếm tìm, ngợi ca những cái đẹp, cái cao thượng và cùng sẻ chia, cảm thương cả những nỗi đau, mất mát mà người lính và người dân quê hương Quảng Trị đã trãi qua. Những người lính như Hùng, Kiều Trinh,... luôn mang trong mình nỗi đau của những vết thương cơ thể, tâm hồn nhưng những người lính ấy, vẫn đau đáu, vẫn nặng nợ với quê hương, đất nước, với người thân và với chính mình:

          Ta nặng nợ một đời không trả được

          Đi qua chiến tranh ta mắc nợ con người

          Đi qua thời bình ta mắc nợ niềm vui

          Đi qua hồn mình

          Ta mắc nợ tình yêu cuộc sống

Những vẻ đẹp đó của người lính đã tô thêm bức chân dung của người lính được hoàn chỉnh, với vẻ đẹp bình dị nhất, mộc mạc nhất, mà cũng lắng đọng sâu trong trái tim bạn đọc. Khát vọng cháy bỏng về thống nhất, hòa bình, vươn lên đã tạo động lực cho người lính và dân Quảng Trị chiến đấu anh dũng, chiến thắng kẻ thù xây dựng quê hương với ước mơ duy nhất, là để thực hiện thiên chức trở “thành nơi truyền đi và tiếp nhận sức mạnh văn hóa tâm linh”:

Quê hương như người mẹ trẻ đầy sức sống

Vượt lên trên mọi thử thách của số phận

Thực hiện thiên chức của mình

Trong bước chuyển mình cùng cả nước hôm nay, mảnh “đất lửa” Quảng Trị phải đối diện với muôn vàn những khó khăn, vất vả do di họa của cuộc chiến tranh tàn phá đến tan hoang, trơ trọi. Nhưng với bản lĩnh của người lính cụ Hồ năm xưa, sự chịu thương, chịu khó của người dân nên Quảng Trị đã vươn mình khẳng định được sức sống mới, có sự “thay da đổi thịt” trên miền đất lửa anh hùng, nghĩa nặng, và ngày càng tươi đẹp, giàu có, văn minh, cùng “hòa vào mùi hương của vầng văng đất nước, thơm xa”.

Trường ca Vầng trăng biển cùng nằm trong một mạch nguồn chung với những tác phẩm trường ca nói riêng và các tác phẩm văn học nói chung viết về đề tài chiến tranh và người lính, nên hẳn nhiên nó có sự lặp lại mang tính quy luật đặc trưng chung của đề tài. Nhưng đồng thời, trường ca Vầng trăng biển có những nét độc đáo riêng biệt, vì thế nó vẫn không lẫn với các tác phẩm cùng loại khác. Có được sự thành công đó, là nhờ vào sự chín chắn trong trải nghiệm, sự dà dặn trong sáng tác nghệ thuật của Hoài Quang Phương. Cảm ơn nhà thơ Hoài Quang Phương, đã dành tất cả trí tuệ, vốn sống của mình để viết nên tác phẩm trường ca Vầng trăng biển - một tác phẩm có giá trị trong việc giáo dục thế hệ trẻ hôm nay và mai sau, là hãy biết quý trọng về những giá trị của sự bình yên trong cuộc sống. Từ đó, có lý tưởng sống tích cực, có tấm lòng yêu quê hương, đất nước và hướng về nguồn cội của dân tộc Việt Nam. Tôi xin chúc nhà thơ Hoài Quang Phương, luôn luôn có được nhiều sức khỏe dồi dào, trí tuệ mẫn tiệp để tiếp tục cống hiến hết mình trên con đường văn học nghệ thuật đầy thử thách, cam go nhưng cũng lắm vinh quang này.

Hải Thiện, tháng 2/2010

                 ĐÃ IN TRONG   ĐƯỜNG BIÊN CỦA CHỮ

([1]) Nhân đọc Trường ca Vầng trăng biển của Hoài Quang Phương, Nxb. Hội Nhà văn, 2009.

bia_b.n_hai

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét