Thứ Bảy, 11 tháng 12, 2021

THƯ CỦA NHÀ VĂN VI HỒNG GỬI VŨ NHO

 


THƯ CỦA NHÀ VĂN VI HỒNG GỬI VŨ NHO

Nhà văn Vi Hồng , dân tộc Tày, sinh ngày 13 tháng 7 năm 1936 tại Hòa An, Cao Bằng, mất ngày 30 tháng 3 năm 1997 tại Thái Nguyên. Hội viên sáng lập Hội văn nghệ Bắc Thái, Hội viên Hội nhà văn Việt Nam.

28 năm làm Chủ nhiệm bộ môn Văn học dân gian, Đại học Sư phạm Việt Bắc. Là nhà nghiên cứu văn học dân gian, đồng thời là nhà văn viết nhiều tiểu thuyết, truyện ngắn. Các tác phẩm chính :

Sli lượn, dân ca trữ tình Tày Nùng (nghiên cứu, 1979). Đất bằng ( tiểu thuyết, 1980),  Vãi Đàng ( truyện vừa, 1980), Núi Cỏ yêu thương ( tiểu thuyết 1984),  Thung lũng đá rơi ( tiểu thuyết 1985), Đuông Thang ( tập truyện, 1988),  Vào hang ( tiểu thuyết, 1990), Người trong ống ( tiểu thuyết, 1990),  Gã ngược đời ( tiểu thuyết 1990), Người làm mồi bẫy hổ ( truyện, 1990), Lòng dạ đàn bà ( tiểu thuyết 1992),  Dòng sông nước mắt ( tiểu thuyết 1993),  Ái tình và kẻ hành khất ( tiểu thuyết, 1993),  Tháng năm biết nói ( tiểu thuyết, 1993), Phụ tình ( tiểu thuyết 1994), Chồng thật vợ giả ( tiểu thuyết, 1994), Khảm Hải ( nghiên cứu, 1993), Thách đố ( truyện vừa, 1995), Đi tìm giàu sang ( tiểu thuyết, 1995).

          Nhà văn nhận nhiều giải thưởng, trong đó có Giải thường nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2012.

Nhà văn Vi Hồng là thầy dạy, là bạn vong niên của Vũ Nho. Xin công bố một bức thư nhà văn gửi người sinh viên học trò, đồng nghiệp, bạn văn của mình.

 

         Lạch Rêu – Quán Triều ngày 5 tháng I năm 1984

Họ Vũ thân yêu!

Lão Vi đại ca này không còn cả thì giờ để viết thư nữa. Một lá thư lão này viết cho Vũ, có hứa là sẽ gửi phim ảnh sang…ngay, có nhận được không? Thế mà không có thì giờ viết. Hôm qua nhận được thư từ Lê qua Mát gửi về, lão đại ca xin đáp lễ. Ha ha ha…Nhà phê bình say thân mến ạ: Cái pha tỏ tình trong Đuông Thang là có giá trị con người đấy. Nhà phê bình cả đọc còn chưa thủng đáy mà cũng đòi phê để có thể trở thành bất hủ. Ha ha ha…Còn lâu các nhà phê mới hiểu cái đáy túi càn khôn  của nhà sáng tạo…Lão này sờ phải một cái trống cà rùng mà viết được cái Đuông…đấy! Ha ha… Lão nghèo kiết xác nhưng lúc nào lão cũng cười…Vũ đã đọc cái “ Đường đi theo mặt trời” của đại ca trong số báo Văn Nghệ số 26 năm 1983 chưa? Hai cái trong năm 1983 này rất nhiều ý kiến khen chê trái ngược nhau…Ông Tô Hoài thì khen. Chu Văn, Xuân Hoàng, lão này cũng nhận được thư khen của họ. Lão cũng nhận được lời chê của nhiều người, cả những nhà thơ nổi tiếng của Việt Nam cũng chê. Ha ha ha… Nhưng cái nào lão đã in lên giấy thì khen chê với lão đều điếc…để lão này còn làm cái mới. Mới…mới…muôn năm mới! Ha ha ha…Cái “Vách núi dâng hương” thời cho Vũ đọc trong bản thảo lèm nhèm và còn nhiều chỗ thối, nay biến thành “Núi Cỏ yêu thương” chỉ có thơm thôi! Ha ha ha…”Núi cỏ…” của lão  hai tháng nữa sẽ phát hành. Thế là lão lại quên nó. Hí hí…Lão lại viết “Hai nửa yêu thương”. Lão này chỉ toàn êu với thơng thôi mà suốt đời chẳng được yêu đàng hoàng bao giờ. Tết sắp đến, trời Việt lạnh hơn mọi năm vào độ này đến 3 độ. Lão sống cô đơn trong lều. Đáng lẽ lão phải viết cái “ Trăm năm cô đơn”, nhưng cái lão Mắc Két ấy đã tranh viết trước lão rồi. Nhưng rồi lão sẽ viết! Lão này năm nay ra mí mắt bè bạn đọc cái “ Núi Cỏ…”, năm 1985 ra cái “ Thung lũng vàng”, năm 1986 ra cái “ Hai nửa…”, năm 1987 ra cái “ Những năm tháng biết nói”…Vũ thân mến cứ mài bút mà phê với phết đi…Ha ha ha…Còn cái ngắn lão này không kể làm gì. Lão đang viết ( xong rồi) một truyện ngắn thơ “ Mẹ nước sinh lại”, đang in ở cấp tỉnh; lão sửa tiếp cho thơ hơn nữa để đăng nơi Cửu Trùng! Hí hí…Đại ca viết truyện mà làm thơ, ai bảo lão này không phải là nhà thơ. Nhưng Vũ nhỏ bé của lão ạ! Ha ha ha, lão này dám gọi con người thông thái họ Vũ như thế đấy – lão này phải chủ trì một công trình nghiên cứu của Viện Folklore về văn học chống bá quyền, lại còn trực tiếp viết một công trình chung về địa chí dân gian Đại Từ ( cấp Bộ văn hóa và Viện). Những thứ ấy lão ngao ngán nhưng phải làm…chắc là ngốn của lão  mất nhiều thì giờ đây. Thôi cũng kệ vậy!

          Lão chỉ viết một tờ thư nên lão không xuống dòng cho đúng văn nhà trường. Lão còn nhớ mãi khi hai đệ xuất dương du học, lão hứa khi hai đệ trở về lão sẽ có một cuốn sách ra đời. Lão lo không thực hiện được  lời hứa. Nhưng bây giờ thì thừa đến ngập đến cổ! Khi hai đệ trở về lão có khi có đến bốn cũng nên. À, cái lão Cao ( Cao Xuân Thử - VN)  làm sao không viết thư cho đại ca, Vũ viết thư nhắc hắn nhá. Lão mừng cho Vũ “phó đến ngập ba ngấn cổ kiêu”, ha ha ha…Và Vũ sẽ lớn lao khi lão này còn sống. Cái Phó cối đối với đại ca vẫn tí tẹo thôi! Hứ hứ…

          Vừa rồi, lão đi Đại hội III về lão càng vui. Lão gặp nhiều nhà danh tiếng và nghe họ nói, phán… thấy mình cũng không thấp là bao, cũng tự khởi sắc thanh hương.

          Vũ đi đây đó luôn, vui nhỉ. Tân nó bao giờ về nước không biết. Rất tiếc là từ ngày đi, nó không viết thư riêng cho lão này biết một chữ. Lão chẳng trách gì đâu, nhưng lão hơi tiếc…

          Chỉ định viết một tờ giấy, nhưng động đến mối tình tếu táo của chúng ta, nó cứ tuôn…phọt! Nói thế lão lại nhớ khi viết đến một đoạn nhân vật Cốc trong “Núi Cỏ…” bị chết. Chết vì sự giầu mạnh của bản mường, của đất nước, chết trong tình yêu đang cháy khét tâm tình, chết trong khi mọi người đang ngưỡng…. thiên mà hâm mộ. Lão này đã viết cái đoạn đó trong ba trang đánh máy. Cứ như một nghệ sĩ điên múa trên những phím đàn piano. Lão vừa khóc vừa gõ như bão qua nhà… Viết xong cho đến lúc đưa cho nhà xuất bản Thanh Niên cũng không dám đọc lại. Đến bây giờ cũng cũng chưa dám đọc lại,… chỉ hỏi người biên tập những trang ấy có lỗi nhiều không? Họ bảo không…Chẳng biết hay dở ra sao, khi nào sách ra hãy đọc…Thế đấy Vũ à!

          Vũ bảo “cái lão Vi vẫn thật thà trong làng văn chương”, cái đó, lão này luôn luôn cảnh giác, nhưng chắc vẫn có thể thật thà hoàn thật thà – văn là người mà. Cám ơn Vũ nhắc thêm! Nhưng cái thật thà của lão rồi cũng bớt dần, hy vọng thế!

          Bây giờ xin gửi hai cái phim ảnh lão chụp đăng trong số báo các nhà văn.Vũ có thì giờ thì phóng phánh hộ cho vui.  Ảnh mặc áo cổ lọ, cái áo len rẻ hạng mạt Vũ biết đấy, người ta bảo lão mặc áo Com…cóp, nhưng lão chẳng có thì lão chỉ mặc của mình. Đến cái áo ngoài cũng không. Cái áo bay mang ở Mát về,  phần vì khó mặc, phần vì thằng “tiến tùng” mà phải…mại… Thế đấy. Ấy lão vẫn vui, vui thực lòng Vũ à. Lão bất cần nghèo khổ! Bao giờ đất ấm lên, lão lại vác chài đi đánh cá ăn, xực,…Ha ha ha…

        À Vũ ơi, nếu tiện thì mua hộ một bộ con chữ máy Đức, loại con chữ to, khi nào về nước thì mang làm quà cho lão…Nếu tiện thôi, không thì thôi Vũ nhá. Cái của ấy ở đây không có lão mới phải nhờ thôi.

          Khi lên xong cái đai ông Trạng…Vũ có lẽ về tổ cũ hay chuồn… Cho lão biết ý tứ để lão còn đợi, hay lão cũng kiên quyết xin nghỉ… ngơi…hưu.

          Lão tuy cô đơn nhưng cũng không đáng thương hại đâu Vũ à. Tết này, lão sẽ về nơi “ Hai nửa yêu thương”, nơi đầu mây, đầu gió của đất nước, nơi nghe được tiếng láo lếu  của giặc để thấm sâu hơn “ hai nửa yêu thương” và cho hoa nở bừng, đón xuân sang. Ôi, Hoa, Hoa…Hoa của trời đất, hoa của người, bông hoa kì diệu của lão đã cho lão bao sức mạnh nghệ thuật, bao sức mạnh diệu kì trong sáng tạo. Hoa nở trong cuộc đời lão quá muộn màng, nhưng dù sao vẫn còn may, lão vẫn phải cám ơn tạo hóa rất nhiều đã đem lại hoa  nở trong lòng lão khi tuổi đã gác lên cái bờ năm mươi! Vài năm nay, đầu lão đã bạc hết, gầy đen, da đã mọc nấm…Nhưng một vài độc giả, vài bạn bè vẫn nói vào tai phải, tai trái  của lão: Lão là nhà văn của Thanh Niên. Nếu quả được vậy thì còn gì sung sướng bằng! Vâng, sẽ mãi mãi là nhà văn của tuổi hoa, tuổi nụ - cái từ mà lão thích dùng nhiều năm trong nhiều bài viết.

          Tình hình khoa cũ của Vũ có nhiều biến đổi. Thôi, quên mất: lão có thông báo cho Minh Thuyết biết về những nhận xét của Vũ  cho cái Đuông Thang của lão. Trong thư Thuyết cho lão  có câu sau “ Báo với  Nho rằng Nho làm Bí thư thành Đoàn cũng thấp xuống 20 mét”. Lão nghe mà cười lớn và lão cũng chuyển câu ấy đến Vũ chơi. Ha ha…Chúc năm mới có thêm nhiều niềm vui phổng phao ( chữ nghiêng đây  là đoạn viết thêm bằng bút mực đã mờ khó đọc ).

       Lề trang thư thứ nhất có những dòng viết tay : Đại ca viết thư cho đệ khoe đã nhiều, nhưng vẫn còn cái để khoe, cứ khoe. Hà hà. Cái “ Đi theo đường mặt trời” của lão, đài Cửu Trùng thi nhau chuyển thể truyền thanh buổi văn nghệ, đại gia đình, nông nghiệp…Thư sau khoe tiếp.Vai trái vác ông phó cối, vai phải vác sách đem về nha!

                                Đánh máy lại ngày 10 tháng 12 năm 2021.

                                                      Vũ Nho

anh_thu_vh

Phản hồi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét