Chủ Nhật, 19 tháng 12, 2021

MẸ ƠI, ĐỜI MẸ

 


HUY CẬN

 

MẸ ƠI, ĐỜI MẸ

(Đăng tuần san PN Thủ Đô Đời sống gia đình số 09 ngày 27/02/2020)

 

Mẹ ơi, đời mẹ khổ nhiều

Trách đời, mẹ giận bao nhiêu cho cùng Mà lòng yêu sống lạ lùng

Mẹ không phút nản thương chồng, nuôi con. "Đắng cay ngậm quả bồ hòn,

Ngậm lâu hoá ngọt!" Mẹ còn đùa vui! Sinh con mẹ đã sinh đời

Sinh ra sự sống, mẹ ngồi chán sao? Quanh năm có nghỉ ngày nào!

Sớm khuya làm lụng người hao mặt gầy. Rét đông đi cấy đi cày

Nóng hè bãi cát, đường lầy đội khoai. Bấu chân khỏi ngã dốc nhoài

Những chiều gánh nước gặp trời đổ mưa.


Giận thầy, mẹ chẳng nói thưa,

Vỉa câu chua chát lời thơ truyện Kiều. Cắn răng bỏ quá trăm điều

Thuỷ chung vẫn một lòng yêu đời này. Mẹ là tạo hoá tháng ngày

Làm ra ngày tháng sâu dày đời con.

01/1974

 

LỜI BÌNH CỦA NGUYỄN THỊ THIỆN

 

“MẸ LÀ TẠO HÓA THÁNG NGÀY”

 

Huy Cận (1919-2005) không chỉ là cây bút hàng đầu của trào lưu Thơ mới mà còn là nhà thơ xuất sắc của nền văn học Việt Nam hiện đại. Bên cạnh những thi phẩm giàu cảm hứng vũ trụ cho thấy một thế giới nội tâm sâu lắng, ông còn có những bài thơ rất chân thành trong cảm xúc về gia đình. "Mẹ ơi, đời mẹ" viết năm 1974 là một sáng tác như thế.


Bài thơ là tiếng lòng của người  con  thương  yêu, thấu hiểu và tri ân sâu sắc đối với mẹ. Mở đầu, nhịp điệu thơ ngắt ra nghẹn ngào như tiếng khóc: "Mẹ ơi, đời mẹ khổ nhiều / Trách đời, mẹ giận bao nhiêu cho cùng / Mà lòng yêu sống lạ lùng / Mẹ không phút nản thương chồng, nuôi con". Đoạn thơ cho thấy người con thương xót mẹ lắm bởi "đời mẹ  khổ nhiều". Con càng quý phục mẹ hơn bởi nghị lực rắn rỏi, lòng yêu sống và tình thương chồng  con,  hết lòng lo cho gia đình. Cuộc đời mẹ vui  ít,  buồn  nhiều, mẹ đã vượt qua hết: "Đắng cay ngậm quả bồ hòn, / Ngậm lâu hoá ngọt! Mẹ còn đùa vui!" Tác giả sử dụng rất sáng tạo câu tục ngữ dân gian "Ngậm bồ  hòn làm ngọt", có sự hoán cải để ý thơ mang thêm nét nghĩa mới đồng thời nói lên được sự hóm hỉnh, tinh thần lạc quan của mẹ. Một  khi  đã  sinh  đứa  con, "sinh ra sự sống", mẹ chấp nhận vất vả: "Quanh năm có nghỉ ngày nào! / Sớm khuya làm lụng người hao mặt gầy. / Rét đông đi cấy đi cày / Nóng hè bãi cát, đường lầy đội khoai". Mọi gian lao không làm mẹ nản lòng. Dù những việc  của  phụ  nữ  nông  dân quen làm "rét đông cấy lúa" hay việc khó nhọc như "đi cày", giữa nóng hè bỏng rát, "đội khoai" khi mưa đường lầy lội, đàn ông thường đảm trách, mẹ vẫn làm "quanh năm" không nghỉ, mặc cho "người hao mặt gầy". Có khi gánh nặng trời mưa, mẹ phải "Bấu chân khỏi ngã dốc nhoài". "Bấu" là động tác bám chặt các đầu ngón chân trên nền đất trơn để cho khỏi ngã. Vừa lo việc đồng, mẹ còn gánh nước về nhà mỗi ngày để gia đình sinh hoạt. Người chồng của mẹ không phải là trụ cột vững chắc để mẹ được cậy nhờ, lắm khi "Giận thầy, mẹ chẳng nói thưa, / Vỉa câu chua chát lời thơ truyện Kiều./ Cắn răng bỏ quá trăm điều / Thuỷ chung vẫn một lòng yêu đời này". Đây là nét riêng chỉ mẹ của tác giả mới có. Vì phụ nữ xưa mấy ai được đi học và đọc thuộc được Truyện Kiều để biết "vỉa", nghĩa là chọn ra được những câu phù hợp nhất với hoàn cảnh, đọc lên mọi người cùng nghe. Điều này cho thấy vốn văn hoá ở mẹ thật sâu rộng và thâm thuý trong ứng xử. Cho dù có lúc  giận chồng - như bát đũa kia cũng có khi xô - nhưng trước sau mẹ vẫn "thuỷ chung" một lòng thương chồng con và chăm lo cho gia đình. Hai câu cuối của bài có giá trị khái quát sâu sắc: "Mẹ là tạo hoá tháng ngày / Làm ra ngày tháng sâu dày đời con". Đến đây, tầm vóc người mẹ được nâng rất cao, sánh với “tạo hoá”, với vũ trụ vô biên làm nên "sâu dày đời con". Nhờ mẹ con mới được như ngày hôm nay, thành người có ích cho quê hương, đất nước. Trong bài, thể thơ lục bát có âm điệu tha thiết được dùng rất hợp khi nói về mẹ; mặt khác, điệp từ "mẹ" (11 lần) cùng nghệ thuật đảo ngữ ở những câu cuối đã khắc sâu hơn nữa công lao và đức hy sinhở người mẹ nhà thơ cũng như bao bà mẹ Việt kh

Giờ đây, thi sĩ tài danh Huy Cận đã đi xa nhiều năm và bài thơ này ra đời gần nửa thế kỷ nhưng những hình ảnh về mẹ và tình mẹ trong thi phẩm vẫn sống mãi trong lòng bạn đọc.

hinhanhme

 

1 nhận xét:

  1. tui cần biết chủ thể chữ tình trong bài thơ này

    Trả lờiXóa