Chủ Nhật, 4 tháng 6, 2023

MẸ TÔI VỚI LỜI BÌNH

 TRẦN THỊ HUYỀN TRANG


MẸ TÔI

 

Cuối đông xác pháo rợp làng,

Cau tươi lụa thắm rỡ ràng yếm xanh

Mẹ tôi tóc hãy còn xanh

Bồng con nước mắt vòng quanh khóc chồng.

Rơm khô khói toả trắng đồng

Người xa xứ khắp tây đông thì về

Lần theo ngọn gió đam mê

Vài cô goá bụa bỏ quê theo người.

Có người yêu mến ngỏ lời

Mẹ thưa: dang dở đành thôi phận mình

Bỏ rơi trứng nước sao đành

Lửa hương đâu cứ để dành đợi không!

Tôi mơ thấy mẹ lấy chồng

Nấc lên thành tiếng giữa dòng chiêm bao

Mặc tình trăng khuyết dầu hao

Lời ru mẹ chảy ngược vào canh thâu.


Chẳng đành dứt áo qua cầu

Ngày trường đêm thẳm nuốt sầu gượng vui

Mùa xuân chim én bay đôi,

Có người đứng ngóng xa xôi lặng buồn...

Vần xoay chớp bể mưa nguồn,

Tiễn tôi mình mẹ cuối đường gió giông.

Tôi rời mẹ cuối năm đông

Rộn ràng áo đỏ pháo hồng xe hoa.

Giật mình cơn bão tràn qua

Bắc thang mẹ giọi mái nhà chấp chênh.

Chân run ai đỡ xuống lên,

Gió đưa gió đẩy ai quên mẹ già.

 

LỜI BÌNH CỦA NGUYỄN THỊ THIỆN

 

“GIÓ ĐƯA GIÓ ĐẨY AI QUÊN MẸ GIÀ”

 

Tình  mẹ  vô  cùng  thiêng  liêng,  cao  đẹp    là nguồn cảm hứng bất tận trong thơ ca. Viết về một đề tài quen thuộc nhưng "Mẹ tôi"của Trần Thị Huyền Trang - rút từ tâp "Bài thơ tặng mẹ" NXB Hội nhà văn 2008 - lại có sự cảm nhận riêng độc đáo.


Bài thơ là tiếng lòng của đứa con gái yêu thương, biết ơn sâu sắc đối với mẹ, người đã hy sinh cả tuổi thanh xuân và hạnh phúc riêng, một lòng thương yêu, chăm lo, nuôi dưỡng con trưởng thành.

Bài gồm hai mươi tám câu thơ. Hoá thân vào nhân vật người con, tác giả tái hiện lại cuộc sống của mẹ mình kể từ khi lấy chồng. Mở đầu bài là những câu thơ nói về đám cưới vào dịp giáp Tết: "Cuối đông xác pháo rợp làng, / Cau tươi lụa thắm rỡ ràng yếm xanh". Nhiều hình ảnh đẹp "cau tươi, lụa thắm, yếm xanh" và màu sắc tươi tắn nối nhau xuất hiện, cứ ngỡ hạnh phúc lứa đôi bền chặt. Nào ngờ niềm vui làm mẹ chưa bao lâu thì tang thương ập đến bất ngờ: "Mẹ tôi tóc hãy còn xanh / Bồng con nước mắt vòng quanh khóc chồng". Mất đi người mình yêu thương, là trụ cột, chỗ dựa cả về thể chất lẫn tinh thần, mẹ đau khổ không sao kể xiết... Là phụ nữ, ai chẳng mong có cuộc sống lứa đôi đủ đầy. Từ trong sâu thẳm cõi lòng, mẹ cũng mong có bờ vai che chở. Nhưng vì thương đứa con gái nhỏ dại, mẹ đã không như một số người phụ nữ goá bụa khác "bỏ quê theo người" dù cho: "Có người yêu mến ngỏ lời / Mẹ thưa: dang dở đành thôi phận mình / Bỏ rơi trứng nước sao đành / Lửa hương đâu cứ để dành đợi không!". Tác giả thuật lại thật hàm súc hoàn cảnh khó nói và lối ứng xử tế nhị của  mẹ khi từ chối người thương   và muốn được gá nghĩa với mình. Cách nói "dang dở đành thôi phận mình" rất cô đọng. Việc dùng ẩn dụ "trứng nước" nói về đứa con còn quá nhỏ và "lửa hương" để nói về việc thờ chồng quả là tinh tế. Bài thơ có đoạn nói về sự lo lắng đến ám ảnh của người con: "Tôi mơ thấy mẹ lấy chồng / Nấc lên thành tiếng giữa dòng chiêm bao / Mặc tình trăng khuyết dầu hao / Lời ru mẹ chảy ngược vào canh thâu". Thương con thắt lòng, tuy mòn mỏi trong cô đơn đằng đẵng nhưng   mẹ "Chẳng đành dứt áo qua cầu / Ngày trường đêm thẳm nuốt sầu gượng vui / Mùa xuân chim én bay đôi / Có người đứng ngóng xa xôi lặng buồn". Phải thương mẹ rất nhiều, thấu hiểu mẹ  lắm  lắm  chủ  thể  trữ  tình mới có thể diễn đạt được cả những khát khao thầm kín ở mẹ qua ánh mắt dõi theo "chim én bay đôi". Nhưng mẹ đã quyết ở vậy để thờ chồng, nuôi con, quên đi hạnh phúc cá nhân. Điều đó càng khiến người con thương mẹ hơn nữa. Với tình thương và nghị lực cao cả, mẹ đứng mũi chiụ sào nuôi con lớn khôn. Thế rồi hoa đến mùa nở, con gái mẹ có người thương đã đi lấy chồng. Đám cưới con cũng vào dịp cuối đông, tưng bừng, rộn rã, màu   sắc rực rỡ bao nhiêu, một sự đăng đối với đám cưới mẹ ở những câu thơ mở đầu, thì người con lại càng thương mẹ bấy nhiêu. Hình ảnh "Tiễn tôi mình mẹ cuối đường gió giông" thật giàu sức gợi. Người con đã dự cảm trước sự cô đơn, hiu quạnh và những  thử thách khác mẹ sẽ phải đối mặt khi mình đi "gánh vác giang sơn nhà người". Trong niềm thương xót mẹ khôn nguôi, người con hình dung cảnh tượng "Bắc thang mẹ giọi mái nhà chấp chênh / Chân run ai đỡ xuống lên" mà "giật mình" mỗi khi nghe tin bão tràn qua, để rồi lòng tự nhủ mình đừng như ai đó "Gió đưa gió đẩy mà quên mẹ già".

Bài thơ gây xúc động lòng người bởi tình cảm của người viết rất chân thực. Mặt khác, tác giả dùng thật hợp lý các thành ngữ gợi cảm ("trăng khuyết dầu hao", "dứt áo qua cầu", "chớp bể mưa nguồn"), nhiều từ láy đắt giá (rỡ ràng, dang dở, xa xôi, chấp chênh)Thêm một lần nữa thi phẩm nhắc nhớ chúng ta yêu thương và tri ân đấng  sinh  thành, nhất là những người mẹ đơn thân, goá bụa đã nhẫn nại hy sinh cả cuộc đời vì sự lớn khôn và trưởng thành của các con.

unnamedmn


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét