Thứ Năm, 1 tháng 6, 2023

MỞ XEM “NHỮNG CÁNH HOA MỞ ĐÊM”

 MỞ XEM “NHỮNG CÁNH HOA MỞ ĐÊM”


​Đọc Những cánh hoa mở đêm, thơ 123 của Phạm Thị Phương Thảo, Nxb Hội Nhà Văn, 2023

                                                      Vũ Nho

ong_nho

NHÀ VĂN VŨ NHO- ẢNH PHẠM VĂN SƠN

       Những cánh hoa mở đêm là tập thơ thứ 11 và là tập sách thứ 20 của cây bút Phạm Thị Phương Thảo. Chị hiện là Chủ nhiệm Câu lạc bộ thơ Tràng An, Hà Nội, Hội viên Hội nhà văn Hà Nội , Hội Điện ảnh Hà Nội, Hội viên  Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam.

Từng viết và in 2 tập trường ca ấn tượng về Đoàn Văn Vươn-  “Tiếng vọng nơi cửa sông” và trường ca viết trong những năm chống dịch covid “Sự sống và lòng biết ơn”, lần này nữ nhà thơ gây bất ngờ khi trình làng chuyên tập chỉ một loại thơ 123 - như một sự thể nghiệm bản thân trước một lối viết mới.

Đây là thể thơ ngắn, mới, lạ, với mỗi bài là ba đoạn 1-2-3 với số chữ quy định. Thể thơ 1-2-3 do nhà thơ Phan Hoàng- Giám đốc trang Vănvn.vn - Hội Nhà văn Việt Nam khởi xướng và hiện đang thịnh hành ở một số Thi đàn, nhất là ở Sài Gòn và các tỉnh phía Nam.

Phải công nhận là tập thơ in đẹp, nhất là kèm thêm những phụ bản minh họa của chính tác giả, một “họa sĩ” tay ngang nhưng đã có nhiều bức tranh khá bắt mắt và ấn tượng.

          Đúng như nhan đề tập thơ “Những cánh hoa mở đêm”- Một cái tên ẩn dụ, gợi mở nhiều liên tưởng. Tác giả đã dành số lượng bài lớn nhất cho Hoa, sau đó là Cỏ và Sen: Hoa mở đêm, Hoa phố, Đàn bà và hoa hồng, Gai của hoa hồng,  Hoa hồng tím, Hỏi hoa, Say hoa, Hoa dại, Kí ức Dã quỳ vàng…

            Phải chăng cái tên Phương Thảo đã gợi nhắc về một miền cỏ thơm? Rồi chị đặt những cái tên gắn với Thảo làm nhan đề cho mỗi bài thơ 1-2-3 ấy:
Mưa Thảo, Hằng Thảo, Linh Thảo, Cỏ thơm, Thảo Sương, Hạnh Thảo, Minh Thảo,  Bình Thảo, Thuận Thảo, Phúc Thảo, Hành Thảo… Vẻ đẹp cỏ nâu, Cỏ múa…

          Sen cũng đẹp theo nhiều vẻ khác nhau, chiếu rọi dưới nhiều  góc độ cảm nhận khác nhau: Sen hạ,   Đêm sen, Sen trắng, Vũ điệu sen, Giấc sen, Sen thu, Nụ sen cuối, Sen khô, Mơ sen, Sen mùa covid,…

         Ấn tượng chung cho cả tập thơ là vẻ đẹp của lối viết ngắn, nữ tính, nhiều ẩn dụ. Tác giả Phạm Thị Phương Thảo mượn hoa để nói người, cũng bởi “ Người là hoa của đất”. Có rất nhiều màu sắc của hội họa, ánh sáng, rất nhiều vẻ đẹp khác nhau,  rất nhiều mùi hương khác nhau, những mùi thơm quyến dụ và lan tỏa. Hương tỏa từ hoa:

​                 Những cánh hoa mở đêm

                 Tỏa hương vào giấc ngủ

                                  ( Những cánh hoa mở đêm)

Hương tỏa từ người phụ nữ đẹp:

​                Đàn bà đẹp tựa hoa hồng
                Hoa nồng nàn khi đàn bà tỏa hương

​               Hoa sinh ra để nở
               Đàn bà tỏa hương bởi duyên thầm...

​                              (Đàn bà và hoa hồng)

(Đúng thôi, duyên thầm, bởi duyên lặn vào trong c
 ũng  là một thứ hương sâu. Nhưng đâu cần phải  nói bóng như vậy? Thế kỉ mười lăm, Nguyễn Hạ Huệ đã có câu thơ nổi tiếng về sự tỏa hương từ làn da của người thiếu nữ: Liên hoa viễn cận hương/Thái thái tổng sơn nương/ Mục kiển phong xuy mãn/ Băng ki nguyên tự hương. Nghĩa là: Hương sen xa gần thoang thoảng/ Bao cô sơn nữ hái hoa/ Chẳng khiến gió đùa thổi tóc/ Hương bay từ tấm thân ngà - Nguyễn Vinh Phúc dịch).

​Hương tỏa từ hoa và từ người đẹp:

​            Ngắm hoa thay người
            Ngắm người thay hoa
            Chung mùi hương đọng lại

​                              (Say hoa)

Hương từ những lá cỏ thơm:

​                          Những chiếc lá thơm hương

​                          Gửi dâng đời những nụ hôn vào gió

​                         Trong vườn khuya đêm nay

​                                                ( Cỏ thơm)

​Hương tỏa từ chén trà ướp sen:

​                               “Sen xanh tiếng cười
                                Búp gió đơm hương

​                                Người thưởng trà thơm
                                Nhâm nhi mùa hạ
                               Đồng mây nở trắng hoa”

​                                           (Trà thơm sen Hạ)

Có cả hương thơm , cả vị  ngọt từ những giọt rượu vang Pháp:

​                             “Rượu nồng nàn chảy tràn từ cánh đồng nho chín
                             Chảy thơm làng mạc, chảy xanh dòng Seine thơ mộng!

​                             Ta rót cho nhau hoài niệm về nước Pháp
                              Đêm mở ra thơm lựng
                               Ngọt từ đôi môi màu nho chín”!
​                                                     (Vang Pháp)
Rất nhiều màu sắc từ cỏ, từ hoa, từ hoàng hôn, từ mây, từ núi, từ cánh đồng…

Chỉ riêng hoa Linh Thảo đã cho thấy các màu sắc khác nhau:

​                                 “Tím hồng, vàng rực và trắng xanh
                                 Cả miền linh hương say lấp lánh

​                                 Cỏ hát vang bài ca sự sống tự ngàn năm”!

​                                                                  (Linh Thảo)

Rồi cái màu “ma mị” rực lên trong Hoàng hôn Đỏ:

​                                          Khi ánh sáng và bóng tối   giao hoan
                                          Cây cọ vẽ rung ngân

​                                          Hoa cỏ nhuộm vàng chiều
                                         Vũ khúc bướm bay ra từ tranh vẽ
                                          Hoàng hôn bỗng rực màu ma mị”!

                                                                ( Hoàng hôn Đỏ)

Người đọc bắt gặp vô số các màu sắc khác nhau của các loài hoa khác nhau, các loại cỏ khác nhau. Gặp núi xanh, mây trắng là chuyện thường. Thậm chí gặp mưa hồng, gió lam, sương ngà,… Và thú vị nhất là gặp nhiều giọng hát:

​            Cỏ hát vang  bài ca sự sống tự ngàn năm! ( Linh thảo)

​            Cỏ hát dâng đời khát vọng hòa bình ( Bình thảo)

​            Bình gốm ngân vang bài ca của thế gian (Lửa gốm)

​            Cả cánh đồng cúc thơm đang hát (Trà cúc)

​            Người gọi nhau về từ câu hát Sli (Mắt Cao Bằng)

​            Vị ngọt đọng trên môi đàn ông đàn bà

​            Má ửng trái đào, vọng vang suối hát (Rượu Bắc Hà)

Tạo vật 
dường  như cũng có tình, hát vang như ở trên; Sen thì  múa vũ điệu riêng:

                       Xập xòa váy lá, chân dài , dáng cao
                        Như bầy thiên nga, múa hát, cúi chào

​                                                      (Vũ điệu sen)

Núi, mây thì quấn quýt, mải mê, ôm ấp nhau:

​                                  Núi xanh và mây trắng mải mê quấn quýt
                                 Trong sương khói mịt mờ, mây ấp ôm nhau

​                                                     ( Nắng tắt)

Con mắt thơ của tác giả nhìn đâu cũng thấy tình, cũng thấy niềm vui sống, thấy biết ơn vũ trụ, thiên nhiên, núi rừng, hoa cỏ.

 

            Có thể cần trao đổi thêm với tác giả đôi điều. Chẳng hạn về bài Hỏi hoa trang 9. Thực tế thì có loại hoa hữu sắc vô hương (đẹp mà không có hương thơm). Hoa hồng thì vừa đẹp vừa có hương. Bài 3 và 4 Đàn bà và hoa hồng, Gai của hoa hồng, tác giả viết hoa hồng vừa đẹp, vừa thơm. Sao ở đây lại có hoa hồng đẹp không thơm?  Bài Gai của hoa hồng, tác giả kết luận “Đàn bà thông minh cho đàn ông sợ/ Càng sợ lại càng thích”. Liệu có đúng không? Càng sợ càng tránh xa, làm sao mà thích cho được?  Rồi kết luận trong bài Hỏi hoa “Người ta còn biết làm gì/ Khi hoa kia đẹp và thơm?”. Ô hay! Nhiều hoa vừa đẹp vừa thơm như hoa sen, hoa hồng, hoa quỳnh, …Người ta khen, người ta thám phục, người ta trầm trồ,…Sao lại hỏi thế!

            Nếu còn chút băn khoăn thì chính là có sự trùng lặp của một số bài thơ.

Hoàng hôn đỏ  với Vũ điệu hoàng hôn;  Hoa phố và Hoa về phố ; Áo xuân tơ nõn  với Mưa xuân ;  Hoa thơm thảo  với Hoa thơm; bài 31 Không là tiếng mưa trùng hoàn toàn với bài 40. 

Tác giả đã viết trong bài thơ cuối tập:
​                            Một tiệc thơ hay cần có bàn tay giỏi
                            Sự cộng hưởng ánh sáng, âm thanh và trình diễn
​                                          ( Dư âm một đêm thơ)

Vâng! Tôi coi Những cánh hoa mở đêm như một bữa tiệc thơ! Bạn hãy ngồi vào bàn, thưởng thức tiệc và đánh giá bàn tay của chủ nhân bữa tiệc Phạm Thị Phương Thảo!

                                            Hà Nội, 13 tháng 5 năm 2023





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét