Thứ Tư, 30 tháng 10, 2024

HOA KHỞI TRINH, THÚ VỊ MỘT TÊN HOA LẠ

 Hoa khởi trinh, thú vị một tên hoa lạ

(Nhân đọc Tùy văn « Hoa khởi trinh » của Nguyễn Linh Khiếu)

Nhà thơ Nguyễn Thị Mai

nh_n.t.mai_1

Từ lâu, bạn đọc quen biết tên tuổi Nguyễn Linh Khiếu bởi thơ và trường ca. Không chỉ có thế, nhiều người còn ấn tượng bởi sự bứt phá làm nên một giọng điệu thơ văn xuôi dài miên man không chấm phảy, một trường ca ghi nét kỷ lục với 710 trang gồm 150 chương với 13 nghìn câu thơ; trong đó, có câu dài gần hai nghìn chữ. Thơ và trường ca Nguyễn Linh Khiếu đã góp phần vào diện mạo hình thức thơ, làm phong phú cho thi pháp thơ đương đại Việt Nam.

Nhưng thật bất ngờ. Văn xuôi của Nguyễn Linh Khiếu với 3 tập, Beijing lá phong vàng (2018) và 2 tập Chân mây và Hoa khởi trinh (2024) vừa ra mắt lại khiến bạn đọc ngạc nhiên hơn bởi mỗi bài lại rất ngắn, bài nào cũng chỉ vài trăm chữ, có bài ngắn hơn cả một bài thơ bình thường.

Nếu như thơ và trường ca Nguyễn Linh Khiếu viết như văn xuôi, là thơ văn xuôi, thì tùy văn anh lại viết như thơ, rất thơ. Ngôn ngữ dung dị, kết cấu đơn giản, ý tứ hàm xúc nhưng văn sinh động có hơi thở, có dư ba, giàu hình ảnh gợi cảm và suy tư, tạo nên cảm xúc buồn chìm trong cái vui hóm nổi phềnh. Đọc rồi cứ vương vấn mãi. Điều này đều được thể hiện nhất quán ở cả 3 tập tùy văn đã ấn hành của anh. Bạn đọc còn rất thú vị hơn với lối viết không biểu cảm, rất khách quan, vô tư, không tỏ thái độ, quan điểm, cứ để tùy người đọc tự cảm nhận, suy ngẫm, phán xét.

Trong bài viết này, xin lấy tập Tùy văn “Hoa khởi trinh” để phân tích những điều thú vị ấy. Hoa khởi trinh do nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành quý 4.2024. Tác phẩm gồm 82 bài, phần lớn mỗi bài 1 trang hoặc chỉ hơn 1 trang, có bài chỉ 7 dòng như một mẩu văn. Văn chương giản dị, ngắn gọn, giầu hình ảnh, rất dễ đọc, dễ hiểu, dễ cảm xúc nhưng… không dễ quên.

Hoa khởi trinh tập trung cảm xúc nhiều về cuộc đời, bạn bè, thày giáo của nhân vật Cò Bé. Ngoài ra, còn viết về cây cối, lá hoa, chim muông, cá tôm và những vật nuôi gần gũi với đời sống người dân nông thôn và những phong tục tập quán, văn hóa bản địa miền châu thổ sông Hồng để lại nhiều hồi ức trong tâm hồn tác giả. Vì thế, nhà văn Nguyễn Linh Khiếu viết không phải để giới thiệu, không phải để sưu tập, càng không phải ôn lại kỷ niệm. Viết vì nuối tiếc, viết vì muốn làm sống lại, giữ lại “Một thiên đường cửa sông Hồng đã vĩnh viễn biến mất”, viết để tìm lại bạn bè “Không hiểu bây giờ chúng ra sao, có đứa nào không nhớ tuổi thơ không” như lời tựa của tác giả.

Đúng vậy, có một lũ trẻ con với những cái tên rất quê mùa, dân dã nhưng rất thú vị hiện về trên từng trang viết: Cò Bé, Cò To, Cò Con, Tý Nhớn, Tý Con, Cu Di, Cu Nhỡ, Cò Câm, Cu Ti, Hương Kều, Như Mắm… Chúng là điển hình cho những đứa trẻ ở làng quê Việt Nam một thời đất nước gian nan chiến tranh, đói nghèo, cơ cực. Chúng y như nhau bởi cảnh nhà nghèo, đứa nào cũng đầu trần chân đất, ăn không được no, mặc không được ấm và lúc nào cũng đói nên: “Ở ngoài đồng, bọn trẻ gặp gì ăn nấy, chúng đốt một đống lửa, bắt được gì đều cho vào nướng. Từ cá tôm cua hến chim cò đến trứng vịt. Có khi đang bơi tôm cá nhảy lên mặt thế là cho vào miệng nhai nhồm nhoàm ăn sống nuốt tươi. Nhiều khi đói quá lên gò đào được củ khoai cũng chỉ lau chùi vào cỏ qua loa rồi cho vào miệng nhai rau ráu… Cái gì ở ngoài đồng ăn được bọn trẻ đều ăn hết…” (Nước sông, tr.90). Chúng hút mật từ cái nhụy hoa khởi trinh bé tý ti đến nhai cả bông lúa đòng đòng non sữa. Chính vì đói quá mà chúng phải ăn trộm. Ăn trộm từ quả dưa, quả ổi, quả chuối, con cá, con vịt đến nhặt trộm cả quả trứng vịt đẻ rơi… ăn trộm tập thể, ăn trộm có bàn bạc, ăn trộm rất tinh quái, ăn trộm rất vô tư, thích thú, cốt kiếm được thứ để ăn cho đỡ đói, đỡ thèm: “Cả lũ thoăn thoắt bò theo. Chúng nhau băng qua những bụi dứa gai, những đống cứt chó và những nấm mồ hoang” (Dưa hấu, tr.107) không ngại gì. Chúng còn giống nhau bệnh cùng thò lò mũi xanh: “Mỗi khi nước mũi tuôn chảy chúng lại dùng tay áo quệt ngang. Cứ thế hết ngày này tháng khác các ống tay áo trở nên trơn nhẫy vàng óng. Hai má chúng bị nước mũi kết lại bóng nhoáng, mùi tanh tưởi của nước mũi nồng nặc… Lũ trẻ chơi với nhau tiếng khịt mũi thật náo động râm ran. Âm thanh rộn rã đúng là một dàn nhạc mũi” (Thò lò, tr.127).  

Hình ảnh lũ trẻ quê bần hàn hiện ra thật hồn nhiên, sinh động thế nhưng đọc phải cười nuốt nước mắt vì thương chúng quá. Nhưng bọn trẻ lấm lem đói khát ấy lại rất chăm lao động và ngoan ngoãn nghe lời cha mẹ. Suốt ngày ngoài đồng chăn trâu cắt cỏ, chăn vịt, thả diều, bẫy chim, đơm lờ, cất vó, câu cá, úp nơm… bố mẹ sai gì là làm nấy. Có vẻ chúng thích lao động, mải chơi chứ không thích đi học. “Nếu không đến trường lũ trẻ giống cào cào châu chấu suốt ngày nhảy nhót tung tăng ngoài đồng. Bọn trẻ quê chẳng đứa nào thích học. Chúng chỉ thích đắp đập be bờ ngụp lặn mò cua bắt cáy” (Nước sông, tr.90) Chiều chiều xong việc, chúng trần truồng tắm sông, tắm ao hồ, bố mẹ cũng chẳng khi nào để ý hay lo lắng việc chúng ăn uống tắm táp thế nào, chỉ phân việc cho chúng làm rồi kệ. Thế mà đâu cũng vào đấy.

Nhưng điều đáng yêu nữa của bọn trẻ con trong hồi ức Nguyễn Linh Khiếu là chúng rất ham tìm tòi, khám phá thế giới xung quanh nhưng lại rất sợ ma và thần thánh. Chúng nhìn chỗ nào cũng thấy ma và ở đâu cũng thấy ma nhiều khủng khiếp. Đúng là tâm lý trẻ con mà cả chúng ta, ai cũng một thời như thế. Nhưng bọn chúng lại bao dung nhân hậu vô cùng. Có gì ăn đều gọi nhau, lấy được cái gì cũng chia nhau. “Cứ đốt lửa lên là tất cả châu đầu xuýt xoa nhai gặm cấu xé ngấu nghiến…” (Nước sông, tr.90).  Dù còn nhỏ và đói rách nhưng chúng biết thương cả người ăn trộm và tha thứ cho họ. Đó là chuyện bác Thẻo ăn trộm tre bị cả làng đuổi bắt, Cò Bé và Cu Di đã dấu bác đi để bác trốn thoát (Bắt trộm, tr.120). Đó là chuyện chúng xua đuổi con rắn để bảo vệ tổ chim non (Chích chòe, tr.122), chúng không bắt cá mẹ khi con cá ấy đang nuôi đàn con (Cá chuối, tr.100), chúng thả những con cua đồng đang ôm bầy con nhỏ (Con rốc, tr.131)…

Đọc trang văn thấy hiện lên từng đứa trẻ nhà quê đáng thương, tội nghiệp, thật xót xa nhưng rất thú vị vì trong chúng có cả ta, anh em, bạn bè ta. Bởi chúng là điển hình, là khái quát của thế hệ lịch sử một đi không bao giờ trở lại. Chúng là quá khứ của lớp người sống thời chiến tranh loạn lạc, thời bao cấp nghèo đói nhưng không bao giờ là quá khứ của lớp trẻ ngày hôm nay. Vì thế ta vừa thương xót chúng, vừa thương một thời nguy hiểm, đói khổ, thiếu thốn, gian nan.

Nhưng thương nhất vẫn là nhân vật Cò Bé trong đám trẻ kia. Đã thân cò gầy nhẳng lại còn thêm chữ Bé. Cái tên cũng ám vào đời người. Vì thế, trong suốt nhiều mẩu chuyện, Cò Bé là nhân vật được kể, cũng là nhân vật được chứng kiến sự việc. Cho dù rất khách quan, tinh tế trong cách kể thì người đọc vẫn nhận ra Cò Bé - đứa trẻ quê chăn trâu cắt cỏ đồng bãi quê làng kia chính là nguyên mẫu tác giả tự truyện. Có lẽ thế nên, đây là nhân vật sống động nhất và ám ảnh nhất với người đọc. Trước hết, về hình hài: “Cò Bé là đứa trẻ suy dinh dưỡng còi cọc. Sức vóc yếu ớt. Hình dáng còm nhom. Mặt mũi hớt hải bơ phờ. Mắt lờ đờ buồn nản… lúc ốm nó chẳng khác gì một chú mèo hen thoi thóp thở không ra hơi như sắp chết” (Canh tôm, tr.18). Khi nó “cởi quần áo ra, trông nó như cái dẻ khoai đen đúa, bẩn thỉu, da dẻ nhăn nhúm, xương sườn xương vai ngoe nguẩy” (Tắm, tr.35), người tanh lòm. Đã thế, quanh năm nó chỉ độc cái quần cộc và cái áo sờn, chân đất suốt ngày. Một lần nó được tắm gội xà phòng thơm mà nó cứ ao ước làm sao cứ được ở mãi trong cái đám bọt xà phòng ấy để thân thể nó được thơm tho. Vì vậy ngoài sự đói khát, tanh tưởi như bao đứa trẻ khác, Cò Bé do sở hữu một cơ thể nhỏ bé, còm nhom nên luôn bị bắt nạt và khinh miệt. Có khi còn bị thày giáo miệt thị một cách vô cớ. Ví như chuyện nó không có giấc mơ vì nằm xuống là ngủ tít đến sáng nên bị thày mỉa mai bóng gió: “Ai có ước mơ thì mới thành đạt. Kẻ nào không có ước mơ thì sẽ chẳng ra gì, uổng phí một đời” (Giấc mơ, tr.81). Một lần Cò Bé được thày phát giấy khen, chỉ vì nó chậm chen chân vào nhận và nói lý nhí mà thày trợn mắt xỉ vả: “Câm à? Còi cọc loắt choắt như cò bợ. Có ra cái hồn người đâu. Đã thế lại chui lủi trốn tránh. Người ngợm thế này thì học hành mà làm gì” (Giấy khen, tr.139). Những lời miệt thị của thày giáo khiến Cò Bé tủi thân, tủi nhục, cảm thấy thân phận yếu hèn và tự ti ghê gớm. Do bị thấy mắng nhiếc khi nhận phần thưởng cuối năm học mà nó đã khóc ròng trên đường về nhà. “Nó ôm giấy khen và phần thưởng lủi thủi về nhà. Khi mẹ mở ra thì cái giấy khen vì đẫm nước mắt mà nhàu nát” (Giấy khen, tr.139). Cho nên suốt đời thằng bé “Chỉ có mỗi ước mơ là được to cao khỏe mạnh để không bị bắt nạt” (Cò Bé, tr.140). Nhưng bù vào cái thân thể còi cọc ấy nó là đứa bé thông minh, sáng dạ và sống nhân hậu. Nó học giỏi được giấy khen; nó dám nhảy xuống ao bắt con cá sộp giúp bạn dù bị ướt hết quần áo và bị thày đuổi học; nó dấu giếm, tha cho người bác ăn trộm đang bị làng đuổi bắt; nó biết nuôi con cò ruồi và khi mất cò ruồi thì nước mắt lưng tròng thương khóc… Tác giả xây dựng nhân vật Cò Bé thật đáng thương, tội nghiệp nhưng cũng để bạn đọc biết đó là đứa trẻ có lòng tự trọng cao trước sự thương hại của mọi người. Nó biết buồn khi bị bắt nạt, biết chịu đựng khi bị chèn ép nhưng cũng biết vùng lên bảo vệ danh dự: “Chịu đựng mãi thà chết còn hơn” (Cò Bé, tr.140). Và nó cũng biết khóc tủi thân khi bị thày xỉ nhục.

Cái thằng Cò Bé người ngợm vốn dĩ chẳng ra gì, thế rồi, những việc làm, những sở thích khiêm nhường của nó cũng chẳng ra sao, đều lỡ dở, không thành. Nó trồng một cây mai trắng nở hoa rất đẹp, nhưng bị người lớn vô tâm chặt vụn (Cây mai, tr.50). Nó nhanh trí nhảy xuống ao bắt con cá giúp thằng em, nhưng bị thầy giáo đuổi ra khỏi lớp vì quần áo ướt nhèm nhàu nhĩ (Cá sộp, tr.82). Nó trèo lên cây hái giúp quả mít, nhưng vì quả mít quá chín tự rụng xuống gốc, nó bị mắng là đồ ăn hại (Quả mít, tr.48). Nó nuôi một con sáo đen từ bé tí, rồi khi trưởng thành con sáo ấy cũng bỏ nó bay đi (Sáo đen, tr.42). Nó nuôi một con sáo nghệ từ khi còn non bấy, hót rất hay, cũng bị người ta bắn chết (Sáo nghệ, tr.44). Nó chăm bẵm một con cò ruồi non nhặt ở bờ biển bị gãy cánh do bão, nhưng khi lớn khôn chính con cò ấy lại tấn công nó và bỏ trốn (Cò ruồi, tr.46). Nó nuôi một con vịt bầu, lúc nào cũng chơi với con vịt như một người bạn chí thiết, nhưng một ngày khi khách đến nhà. Nhà không có gì đãi khách. Nó đành chấp nhận để mọi người thịt con vịt ấy. Dù “Hôm ấy Cò Bé thương vịt bầu nên không ăn một miếng nào. Sau khi anh Cò To và các bạn đi rồi nước mắt Cò Bé cứ chảy ròng ròng. Nhiều tháng sau Cò Bé vẫn thẫn thờ ngẩn ngơ nhớ vịt bầu” (Vịt bầu, tr.39). Quả là một thằng bé thiệt thòi, tội nghiệp, thật đáng thương. Nhưng hình như có vẻ nó không quá buồn mà chỉ nhẫn nhịn, chấp nhận và chịu đựng.  

Nhân vật Cò Bé là hình ảnh xuyên suốt tác phẩm bởi cái nhìn và cảm xúc của nó có vẻ như là chính tác giả. Vì thế cái nhìn và cảm xúc của Cò Bé rất đặc biệt, khác người, có khi kỳ quặc, quái gở. Ví như, nó nhìn hoa phượng không tươi đẹp mộng mơ như tất cả bọn học trò: “Cây phượng bao năm lúc nào cũng cằn cỗi, ủ rũ, héo hon như sắp chết. Chỉ vào đầu hè nó mới lơ đễnh nở vài chùm hoa đỏ rực như máu. Màu đỏ hoa phượng trông rất ma quái rùng rợn” (Phượng đỏ, tr.86). Nó nhìn cảnh học sinh buổi mít tinh chào mừng ngày Hiến chương Nhà giáo thì bài diễn văn dài lê thê kể con cà con kê trong lúc “lũ học trò nhếch nhác bẩn thỉu nheo nhóc kê dép ngồi dặt dẹo, đứa nào cũng lạnh và đói nên mặt mũi tím tái xám ngoét trông như ma”(Chuối xanh, tr.72). Kết thúc cuộc thì “mấy trăm học sinh đói lả lầm lũi liêu xiêu rời khỏi sân trường như đưa đám ma” (Chuối xanh, tr.72). Thời ấy, và ngay cả bây giờ, nếu cho học sinh tường thuật lại buổi khai trường hay mít tinh kỷ niệm gì đó, chắc chắn các em lại hết lời ca ngợi với lòng đầy sung sướng cho dù phải ngồi dãi nắng nóng bức và bị nghe những bài diễn văn dài lê thê ghê khiếp. Nhưng thằng Cò Bé là đứa nghĩ thật, giờ “nó” giãi bày suy nghĩ bấy giờ trên trang giấy bây giờ. Và chúng ta thấy lạ, thấy thu hút bởi những hình ảnh rất sinh động đó, chứ không phải những câu văn giáo điều thuần về ca ngợi. Cái nhìn đó cũng lô gic. Bởi thân phận người nhìn bị thiệt thòi, miệt thị, luôn buồn bã, đói khát thì sao nhìn cuộc đời tươi sáng được.

Và bây giờ đến chân dung một ông thầy trong cái nhìn và suy nghĩ của Cò Bé. Ông thày tên là Bùi Như Thỏn, dạy lũ trẻ cấp một trường làng trong đó có Cò Bé. Theo truyền thống tôn sư trọng đạo ngàn đời, đã là thày là phải được tôn trọng. Đã viết về người thày bao giờ cũng phải thể hiện sự kính trọng, mến mộ và người thày bao giờ cũng là tấm gương đẹp. Nhưng ở đây ông giáo Thỏn thật là người phi giáo dục. Tác giả viết tới 12 bài về ông với cảm xúc lạ lùng, không giống cảm xúc truyền thống. Đó là một ông giáo mắt lác “Hai mắt lúc nào cũng cãi nhau nên không nhìn thẳng bao giờ” (Lác, tr.69), nhưng thày “cao lớn đẹp trai đỏm dáng, quần là áo lượt, tóc xoăn bồng bềnh nghệ sĩ. Đứng trước học sinh là lên đồng nói không sao dừng được. Thày vừa nói vừa múa may uốn lượn như diễn viên…” (Chuối xanh, tr.73). Giờ kiểm tra “thày săm soi từng đứa. Chả khác gì quạ già ngắm nghĩa lũ gà nhiếp” (Đuổi học, tr.70). Khi giảng bài thày “đi lại tung tăng khắp lớp. Mắt thày đảo điên liên hồi ngó nghiêng khắp lượt…” trước “lũ học trò rách rưới bẩn thỉu nheo nhóc bé tí tẹo. Ai cũng tưởng đại bàng trắng đang dạy dỗ lũ gà nhiếp đen đúa… Nhiều khi hứng chí thày múa may nhảy choi choi trong lớp như hề chèo”(Chiếc ghế, tr.72). Tả một ông thày về hình thức và phong thái như thế thì coi trọng ở đâu? Và tính cách ắt cũng khác thường. Thày giáo gì mà hễ học trò nghịch ngợm là mắng chúng: đồ mất dạy. Hễ chúng có lỗi là thày đuổi: Cút ra khỏi lớp, chứ không khuyên nhủ chúng bao giờ. Hễ chúng hỗn trêu trọc là thày dỗi bỏ dạy… Tuy nhiên hành động và ngôn ngữ ấy không đáng trách bằng thái độ của thày không biết tha thứ, không bao dung lũ học trò ma quỷ. Ví như thày chúa ghét thằng Cò Mắm, cứ có điều sai là thày nghi nó. Ví như thày xỉ vả khinh miệt thằng Cò Bé, coi nó là đứa không bao giờ làm nên trò trống gì. Ví như thày đuổi học Cò Bé khi thấy nó mặc quần áo ướt lướt thướt mà không hỏi han nó vì sao mà bị ướt… Tất cả sự hằn học, tức giận trút vào đầu học trò tuy phi giáo dục nhưng lại có nguyên nhân đáng tha thứ. Ấy là do bị mắt lác nên thày không được đi bộ đội cứu nước mà phải ở lại hậu phương xếp ngang hàng với những người tàn tật không thể đi đánh giặc. Vì thế khi đọc những trang viết về thày Thỏn, ta thấy có gì đáng thương hơn đáng trách. Từ trong sâu thẳm lòng mình, chắc tác giả cũng cảm thông và thương hại một ông thày vừa ghê gớm, hống hách trước đám học trò lại vừa có gì yếu hèn và hồn nhiên như thế. Ví như việc ông đặt tên đệm cho tất cả học trò nam là Như và học trò gái là Diệu, rồi ông giải thích cái sang trọng, hào hùng, sáng ngời của chữ Như và chữ Diệu khiến lũ học trò tin sái cổ chứ bạn đọc thì không nhịn được cười.

Nói chung viết về một ông giáo như thế là hiện thực sinh động. Không khuôn phép, không bị ràng buộc bởi phạm trù đạo đức, văn hóa… cứ tự do tả thực, kể thực một cách lạnh lùng tỉnh bơ nhưng người đọc trào dâng cảm xúc: buồn, thương, tức giận và cả phì cười ra nước mắt. Ấy là cái tài của người viết.  

Như vậy, “Hoa khởi trinh” dùng chữ nghĩa ít, kiệm lời, nhưng cái nhìn khách quan và lời tả sinh động cộng với cảm xúc ẩn kín trong văn khiến tác phẩm rất thu hút bạn đọc. Ngoài ra, nó còn mê dụ người đọc bởi những câu chuyện ly kỳ về thần thánh, ma quỷ, rắn rết… vừa như thật, vừa như huyền ảo, vừa kỳ ảo, vừa huyền bí, không giải thích được khiến trẻ con sợ và người lớn cứ nửa tin nửa ngờ.  

Hoa khởi trinh - loài hoa mang tên lạ là ẩn ý muốn ví tác phẩm Tùy văn này của tác giả cũng như một bông hoa lạ, đẹp, thu hút, quyến rũ bạn đọc. Nếu thày Thỏn còn. Chắc chắn thày sẽ thật vui bởi đứa học trò “Còi cọc loắt choắt như cò bợ” mà thày luôn có cảm giác rằng đời nó sẽ chẳng ra gì, thì này cũng đã lớn khôn và trưởng thành.  

Thanh Xuân, ngày 25/10/2024

N.T.M

ruong_thang_co_gai

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét