LÁ ĐỎ
Gặp em trên cao lộng gió
Rừng lạ ào ào lá đỏ
Em đứng bên đường như quê hương
Vai áo bạc quàng súng trường
Đoàn quân vẫn đi vội vã
Bụi Trường Sơn nhoà trời lửa
Chào em, em gái tiền phương
Hẹn gặp nhau nhé giữa Sài Gòn
Em vẫy cười đôi mắt trong.
Trường Sơn, 12-1974
LỜI BÌNH CỦA ANH NGỌC
Đã hơn một lần nhà thơ Nguyễn Đình Thi cho những cô gái Việt Nam bé nhỏ khoác súng trường. Lần trước, cách thời điểm của bài thơ này ngót chục năm, khi cuộc chiến tranh chống Mỹ mới lan ra miền Bắc, trong bài Chia tay trong đêm Hà Nội, ông đã cho nhân vật trữ tình của mình trước lúc lên đường sóng bước bên người yêu:
Em đi bên anh tóc xoà bay rối
Nhỏ nhắn vai em khoác súng trường
và cái hình ảnh kết thúc như thật như giả, nhưng có sức gợi:
Anh ôm em và ôm cả khẩu súng trường bên vai em.
Lần này, người con gái bé nhỏ của hậu phương ngày nào đã không cam chịu ở lại phía sau, cô đã ra mặt trận. Đã đành rằng trong cuộc chiến tranh vừa qua, ranh giới giữa tiền tuyến và hậu phương rất mơ hồ, và trên khắp đất nước ta ngày ấy, ở đâu cũng có thể trở thành tiền tuyến, nhưng đây là một tiền tuyến thường trực, tiền tuyến của tiền tuyến: Con đường Trường Sơn ác liệt và hào hùng, nơi sản sinh ra bao nhiêu huyền thoại mới mà hình ảnh những người con gái kiên cường như nhân vật của bài thơ này là một trong số đó. Lần này chẳng còn ai tiễn đưa ai. Tác giả - hay nhân vật trữ tình cũng thế - đi trong dòng người đang hành quân vội vã, bất chợt:
Gặp em trên cao lộng gió. . .
Đúng chỉ là một thoáng khắc, một cái ngước nhìn, một pô ảnh chụp vội. Nhưng đó là một thoáng khắc đầy tính biểu tượng, đầy chất thơ. Trước hết, bởi vì nó lạ. Nói như thi sĩ trẻ của thời đó Lưu Quang Vũ: Thơ là sự ngạc nhiên trước cuộc sống, hoặc xa hơn nữa, đời Thanh bên Trung Quốc, Thiều Đại Nghiệp có câu: Giang sơn kiến quán tân thi thiểu - tạm dịch: Sông núi xem nhàm thơ mới ít. Cái gì đã nhàm chán, mòn cũ thì không còn thơ nữa. Đó là quy luật muôn đời của cảm hứng sáng tạo nghệ thuật. Ở đây ngược lại, ấn tượng Trường Sơn đập vào tác giả hoàn toàn mới mẻ, lạ lẫm khác thường: Trên cao, lộng gió, rừng lạ ào ào lá đỏ... trong đó nổi bật lên cái màu lá đỏ, dữ dội và hào hùng, không phải màu lá xanh của bình yên và quen thuộc. Trong một chuyến vào Nam trước đó không lâu, Tố Hữu cũng đã không bỏ qua chi tiết này của Trường Sơn: Bụi bay, bụi đỏ lá rừng (Nước non ngàn dặm). Như vậy, với Tố Hữu, màu đỏ của lá là vì bụi. Ai đã đi qua Trường Sơn những năm tháng ấy hẳn không thể quên được cảnh bụi, không phải thứ bụi lay phay của đồng bằng, bụi Trường Sơn mịt mù trời đất, bụi dày hàng gang, hàng mấy gang, ô-tô có thể pa-ti- nê vì bụi. . . và bụi, ấy là đặc thù của mùa khô, mùa của chiến trận, của những ngày tất bật của con đường. . . Nhưng cũng có thể màu đỏ lá rừng cũng còn vì những lẽ khác: Vì nắng cháy, vì ánh chiều tà, vì đơn giản đó là màu của lá, Trường Sơn bạt ngàn rừng núi thiếu gì cây lạ, cảnh lạ... Chỉ biết đó là một ấn tượng mạnh. Và nhà nghệ sĩ nhạy cảm không thể bỏ qua, ông đã kịp giữ lại nó cho mình và cũng là cho người đọc, người nghe. Để cực tả ấn tượng lạ đó, nhà thơ đã dùng đến những từ sắc, mạnh, với câu thơ siết chặt đến cùng: Bụi Trường Sơn nhoà trời lửa... Vẫn là sự chọn lựa riết róng, sự dồn nén (chứ không phải là nhồi nhét) của từ ngừ vốn là đặc thù của ngòi bút Nguyễn Đình Thi từ buổi đầu làm thơ.
Có thể nói, để chở những thông điệp về nội dung - mạnh mẽ, nhưng rất giản dị, dễ hiểu như lý tưởng chiến đấu của chúng ta ngày ấy - tác giả đã dùng đến những thủ pháp nghệ thuật không đơn giản một chút nào. Những hình ảnh, âm thanh, màu sắc được chọn lọc tinh vi và đặt đúng chỗ đủ sức tạo ấn tượng và lôi cuốn cảm xúc của người đọc.
Và, giữa cảnh hùng tráng mà lạ lẫm ấy của chiến trường, hiện lên hình ảnh người con gái bé bỏng, thân gần, với vai áo bạc như cuộc đời lam lũ của mẹ cha, với trên vai khẩu súng trường cũng đã trở nên quen thuộc, đã được đời thường hóa và nữ tính hoá từ lâu. Trong bối cảnh ấy, gọi tất cả hình ảnh mến thương mà lẫm liệt này là quê hương thì thiết tưởng không còn gì chính xác và gợi cảm hơn. Ờ đây ta thấy sức mạnh của nữ tính thật ghê gớm. Ngỡ như cả khi buộc phải cầm sắt thép trên tay, có mặt giữa một nơi đầy máu lửa, thì người phụ nữ vẫn không đánh mất đi những thuộc tính thiên tạo, những phẩm chất làm nên một hậu phương ấm áp và chở che... Chính họ đã tạo dựng lên những hậu phương ngay giữa lòng tiền tuyến. Một nhà văn Nga đã viết: Chiến tranh không mang gương mặt phụ nữ, nhưng ở đất nước ta, một khi phụ nữ tham gia vào chiến tranh thì họ đã làm thay đổi gương mặt của nó. Và thế, tác giả thốt lên một lời chào mà cũng là một lời hẹn hò đầy tin cậy, hướng tới cái đích lớn của toàn dân tộc, tất nhiên - gặp nhau giữa Sài Gòn - nhưng trong đó vẫn không giấu nổi một sắc thái gì đó riêng tư tha thiết, với cách gọi tên em gái tiền phương hàm chứa biết bao âu yếm.
Nguyễn Đình Thi nhiều tài, nhưng viết ít, nhất là với thơ. ông gợi ta nhớ đến một nhà thơ khác: Chính Hữu. Cả hai ông, về số lượng và chất lượng thơ có những nét khá gần nhau. Tuy nhiên phần khác nhau cũng không nhỏ. Riêng với Nguyễn Đình Thi, ông đã tỏ ra trung thành với tuyên ngôn thơ của mình được tung ra từ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp. Ông là người ý thức rất sớm rằng muốn phục vụ tốt cho cách mạng, cho cuộc sống thì thơ trước hết phải là thơ, nghĩa là thơ chỉ có ích chừng nào nó hay, nó lôi cuốn người đọc không chỉ bằng nội dung mà bằng cả sức mạnh của nghệ thuật, với những tìm tòi, những đổi mới và sáng tạo không ngừng. . . Để đạt đến cái đích chuyển tải được những ý tưởng và cao hơn là những ấn tượng, những cảm xúc cho người đọc, nhà thơ táo bạo này đã sẵn sàng từ bỏ các luật lệ của thơ truyền thống, để chỉ giữ lại những gì cần thiết nhất: Sức hàm chứa của từ ngữ, sức gợi mở của hình tượng, sức lay động của nhạc tính... có lẽ vì thế mà thơ ông gần với âm nhạc, hay ngược lại, chính vì ông còn là một nhạc sĩ nên thơ ông thừa hưởng được những ưu điểm ấy chăng?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét