ĐỘC ĐÁO “VỀ MIỀN HOA BAN ĐỎ”
Đọc “ Về miền hoa ban đỏ” của Lê Thị Bích Hồng”, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2024
Vũ Nho
“Về miền hoa ban đỏ” là tập tiểu luận phê bình mới nhất của PGS.TS. Lê Thị Bích Hồng. Nói độc đáo là bởi phần lớn các nhà nghiên cứu phê bình thường viết chuyên về một hoặc cùng lắm là hai lọai thể. Nhưng cuốn sách này, ngoài việc ra đúng dịp kỉ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu đã là một sự độc đáo. Hơn nữa, đây là tập tiểu luận bên cạnh phê bình các tác phẩm phim ( phim tài liệu, phim truyện, phim hoạt hình) tác giả còn viết về các tác phẩm văn học, viết về nhà viết kịch, nhà quay phim nước ngoài; và viết riêng về hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong văn học, trong phim hoạt hình, trong sân khấu chèo. Đồng thời, viết về hình tượng Bác Hồ trong kịch nói “ Đêm trắng”… Một cây bút nữ phê bình bao quát nhiều lĩnh vực của đởi sống văn học nghệ thuật thật hiếm có.
Lấy nhan đề một bộ phim “Hoa ban đỏ”, rồi thêm hai từ mới vào thành nhan đề cuốn sách, nghà nghiên cứu đã có một nhan đề rất gợi, rất thơ “Về miền Hoa ban đỏ”.
Có thể nói Lê Thị Bích Hồng đã cung cấp cho bạn đọc hình dung một loạt phim tài liệu, phim truyện về đề tài Điện Biên. Bên cạnh đó là những bộ phim tài liệu công phu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người chỉ huy trực tiếp mặt trận.
Các bộ phim về Điện Biên đều được dàn dựng công phu với các nhà đạo diễn tài năng như Bạch Diệp ( Hoa ban đỏ), Đỗ Minh Tuấn ( Kí ức Điện Biên), Thanh Vân (Sống cùng lịch sử), Bùi Tuấn Dũng ( Đường lên Điện Biên),… Nhà nghiên cứu đã công phu thuật lại lịch sử làm mỗi bộ phim, khó khăn, thách thức cùng thuận lợi, và đưa ra những nhận xét đánh giá khái quát cho mỗi phim.
“ Hoa ban đỏ được đánh giá là phim truyện nhựa thành công với cách thể hiện sáng tạo của NSND Bạch Diệp khi tái hiện Lịch sử một cách độc đáo, thuyết phục, hấp dẫn “ vượt lên trên nhiều phim đề tài chiến tranh lịch sử cùng thời” ( Ngọc Ánh)”. ( tr. 80).
“Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn khẳng định phim Ký ức Điện Biên thành công cả về nghệ thuật và về hiệu quả chính trị xã hội. Là kỉ niệm đầu tiên nhìn sự kiện lịch sử từ góc nhìn văn hóa đa chiều với cách tiếp cận đa phương tiện.” ( tr.87)
“Phim ( Sống cùng Lịch sử) thành công ở những đại cảnh, cảnh bom đạn được dàn dựng công phu. Phim xúc động với khán giả ở nhiều trường đoạn: Cảnh bà mẹ người Thái nghĩ về thời thanh xuân của mình khi phải múa cho lính Pháp xem. Cảnh bộ đội kéo pháo và tái hiện hành động anh hùng lấy thân mình chèn pháo.Thế hệ trẻ chứng kiến sự khốc liệt của chiến tranh theo cách của mình” (tr. 98).
“Khán giả mãn nhãn trước khung cảnh những đồi núi xanh ngút ngát, thác nước nên thơ, hoa ban trắng trời với “ Đường lên Tây Bắc xa xôi, nếp nhà sàn thấp thoáng/Đằng xa tiếng hát dân quân, tiếng reo lưng đồi nương… ( Văn An). ( tr. 107).
Tác giả còn phân tích bộ phim tài liệu nước ngoài “ Điện Biên Phủ, cuộc chiến giữa Hổ và Voi” của đạo diễn người Pháp dùng hình ảnh ẩn dụ Hổ ( Việt Nam) và Voi ( thực dân Pháp) để nói lên thắng lợi tất yếu của Việt Nam.
Nhà nghiên cứu Lê Thị Bích Hồng đã khái quát về “Hình Tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong tác phẩm nghệ thuật”. Trong phim điện ảnh, truyền hình; trên sân khấu; trong âm nhạc ( từ trang 14 đến trang 28). Đó là một cố gắng rất đáng ghi nhận. Không những thế, tác giả còn đi sâu vào một chuyên luận : “ Hình tượng Đại tướng Võ nguyên Giáp trong văn học” ( từ trang 29 đến trang 45). Chắc là chưa thật đầy đủ vì tướng Giáp là một nhân vật lịch sử nổi tiếng gắn với chiến thắng Điện Biên, nhưng người viết đã đề cập đến các tác giả văn chương quan trọng như Tố Hữu ( Hoan hô chiến sĩ Điện Biên), Nguyễn Đình Thi (Một quyết định khó khăn nhất, Mùa xuân của chiến sĩ Điện Biên Phủ), Hữu Mai ( Một vài hồi ức về Điện Biên Phủ, Từ nhân dân mà ra, Những năm tháng không thể nào quên, Chiến đấu trong vòng vây, Đường, tới Điện biên Phủ, Điện Biên Phủ - điểm hẹn Lịch sử, và tiểu thuyết “Không phải huyền thoại”), Hồ Phương ( Những cánh rừng lá đỏ) , Anh Ngọc ( Vị tướng già) , Nguyễn Trọng Tạo ( Bất tử), Xuân Đức ( Nhiệm vụ hoàn thành), Y Phương ( Cúng Hồ ở Pác Bó), Nguyệt Tú ( Đại tướng Võ Nguyên Giáp và người vợ liệt sĩ Nguyễn Quang Thái), Lê Thống Nhất ( Hàng triệu người tự cài lấy băng tang)…
Tác giả cũng dành công sức viết về hai bộ phim liên quan đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp là phim “Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp với Cao Bằng” của đạo diễn Đường Minh Giang, và phim “Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Một huyền thoại” của đạo diễn Trịnh Quang Tùng. ( Trang 147 và trang 168)
Tất cả đều góp phần khẳng định “ Một tượng đài thánh Giáp/ Bất tử giữa lòng dân”!
Cũng cần ghi nhân công phu của tác giả khi viết về đạo diễn, nhà quay phim xô viết nổi tiếng Roman Karmen cùng với cộng sự đã quay bộ phim quý giá “ Việt Nam trên đường thắng lợi”. “Sau 8 tháng quay, đoàn làm phim đã quay được gần 40.000 mét phim; ghi lại gần 500 trang trong cuốn bút kí và đạo diễn Roman Karmen đã xuất bản cuốn sách Ánh sáng trong rừng thẳm ghi lại chuyến đến Việt Nam thực hiện phim Việt Nam…” ( tr. 144).
Về phương diện văn chương, tác giả ngoài bài viết khái quát “Hình tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong văn học”, tác giả còn để cập đến tác phẩm “ Giao hưởng Điện Biên” của Hữu Thỉnh, “Chân trời mơ ước” của Đặng Đức Song. Những phân tích kĩ càng, thuyết phục, giúp người đọc hiểu thêm về Điện Biên trong cùng một chủ đề kỉ niệm 70 năm chiến thắng.
Bên cạnh chủ đề tập trung về Điện Biên, người viết còn dành một phần cho Hà Nội với các bài viết công phu : Hà Nội ơi một trái tim hồng. Phim Đào phở và piano – Cộng hưởng một Hà Nội hào hoa và lãng mạn; Chất Hà Nội thấm đẫm qua phim “Đào, phở và piano”; Họa sĩ Vi Ngọc Linh vời vợi một tình yêu Hà Nội; Thai Sắc “Bước qua bậc cửa”. Một tản văn thấm đẫm tình yêu Hà Nội; hai bài phê bình giới thiệu phim về Hà Nội, Phê bình, giới thiệu hội họa của một họa sĩ. Và giới thiệu sáng tác của một nhà thơ, ca sĩ, nhạc sĩ đa năng Thai Sắc.
Nhìn chung như đã nói, “ Về miền hoa ban đỏ” là một tác phẩm độc đáo của một người bao quát nhiều lĩnh vực nghệ thuật điện ảnh, văn chương ( thơ, truyện) , hội họa, sân khấu kịch nói, kịch hát, âm nhạc,… Tác phẩm hướng về kỉ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên. Cùng với 1 1 tác phẩm nghiên cứu phê bình trước đây của cùng một tác giả: Thơ với cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước, Chúng tôi làm thơ ghi lấy cuộc đời mình, Những người tự đục đá kê cao quê hương, Bản sắc văn hóa Tày trong tản văn Y Phương, Thăng hoa cùng hành trình sáng tạo, Hoa chuối đỏ miền rừng Phja Bjoóc, Khi nghe gió thổi qua Phja Bjoóc, Bản tình ca lều nương, Điện ảnh Việt Nam với đề tài chiến tranh Cách mạng, Về miền phong hương đỏ, Thồ tình yêu đến những cuộc chợ phiên, đã làm nên tên tuổi Lê Thị Bích Hồng. Đó là một người viết sung sức trong các cây bút nữ làm nghiên cứu phê bình hiện nay. Tác giả đã đoạt nhiều giải thưởng cao quý!
Chúc mừng người đồng nghiệp PGS.TS. nhà văn LÊ THỊ BÍCH HỒNG với sức viết dồi dào, sung mãn!
Hà Nội, tháng 10 năm 2024
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét