Thứ Ba, 5 tháng 11, 2024

NHÀ VĂN NGUYỄN THỊ LAN VIẾT VỀ VŨ NHO TRÊN VĂN HỌC SÀI GÒN

 

NHÀ VĂN NGUYỄN THỊ LAN VIẾT VỀ VŨ NHO TRÊN VĂN HỌC SÀI GÒN 

Nhà văn, nhà giáo Vũ Nho như tôi biết


Bây giờ, khi đã bước sang “mùa thu” của cuộc đời, tôi nhìn lại “lịch sử” quen biết với người bạn văn chương ấy, phó giáo sư, tiến sĩ, nhà văn, nhà nghiên cứu phê bình văn học, nhà sư phạm Vũ Nho. Đã trên hai mươi năm rồi…

1. Từ “cái thuở ban đầu” ấy… Ngày đó tôi đang là giảng viên dạy bộ môn văn học nước ngoài ở Khoa Xã hội Trường Cao đẳng sư phạm Hải Dương. Trong một buổi ngoại khóa cho sinh viên về phương pháp dạy – học văn, Khoa có mời thầy Vũ Nho, lúc đó đang công tác tại Bộ Giáo dục & Đào tạo về nói chuyện. Ấn tượng của cô – trò lúc ấy là thầy Vũ Nho giảng bài thật hấp dẫn, đầy nhiệt hứng. Có lẽ thầy rất yêu thơ nên hay đưa dẫn chứng về thơ. Cuối buổi, thầy còn đọc nhiều thơ cho cô- trò nghe.

Sau này quen biết nhau, tôi còn được anh tặng sách. Cuốn sách đầu tiên anh gửi tặng là “Trần Đăng Khoa, thần đồng thơ ca”- một công trình nghiên cứu chuyên biệt và tương đối có hệ thống về thơ Trần Đăng Khoa ở tuổi thần đồng, với lời đề tặng ngày 2/6/2001. Từ đó, cứ có sách ra, những cuốn tâm đắc anh đều gửi tặng. Trên tủ sách của tôi có góc trang trọng xếp riêng những cuốn sách của Vũ Nho tặng, trên 20 cuốn.

Nhà văn – nhà giáo Vũ Nho

2. Một hành trình sống phong phú, đẹp đẽ

Về Vũ Nho, ấn tượng đầu tiên của tôi với anh là hành trình sống mà anh đã chọn. Từ quê hương Ninh Bình lên Việt Bắc, Vũ Nho là sinh viên Khoa Ngữ Văn (khóa đầu tiên 1966- 1970) của Trường ĐHSP Việt Bắc. Anh học giỏi, có năng khiếu sáng tác và nghiên cứu văn học. Tốt nghiệp năm 1970, anh được giữ lại trường công tác, rồi được cử sang Liên Xô đào tạo nghiên cứu sinh. Trở về, với học vị Tiến sĩ anh tiếp tục làm cán bộ giảng dạy ở Khoa, sau đó về Bộ Giáo dục & Đào tạo chỉ đạo chuyên môn ở Vụ Giáo dục Trung học, làm chuyên viên ngành giáo dục hàm tới Phó giáo sư năm 1991, rồi chuyển về công tác ở Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đến lúc nghỉ hưu.Vũ Nho còn được kết nạp vào Hội Nhà văn Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam.

3. Một cây bút đa năng và giàu năng lượng

Làm thơ, viết truyện, dịch sách, viết sách cho giáo viên học sinh và sách chuyên khảo, nhưng thành tựu chủ yếu của Vũ Nho là nghiên cứu phê bình. Người đọc có thể thấy nỗ lực của nhà nghiên cứu phê bình Vũ Nho khi đi tìm cái đẹp trong thơ ca qua các tiểu luận, các tập sách chính: Thơ chọn và lời bình (hai tập), Đi giữa miền thơ (ba tập), Trần Đăng Khoa, thần đồng thơ ca, 33 gương mặt thơ nữ, Thơ và dạy học thơ, Bình thơ, Từ Kim Vân Kiều truyện đến Truyện Kiều, Văn hóa dân tộc thời hội nhập…Và gần đây nhất là cuốn Vũ Nho -Trên sóng & trong lòng bè bạn”, tập hợp các bài viết của bạn bè và trả lời phỏng vấn của Vũ Nho trên Báo, Đài phát thanh và Đài truyền hình (448 trang). Anh bộc bạch: “Cuốn sách là một kỷ niệm của đời viết. Cũng là giúp cho những ai từng đọc Vũ Nho thấy được tình cảm của bạn bè đối với những đóng góp nhỏ bé của tôi vào đời sống sinh hoạt văn học và giáo dục nước nhà”. Một kỷ niệm đẹp.

Viết đa dạng các thể loại, nhưng có thể thấy cái “tạng” mà Vũ Nho tự chọn là “đi giữa miền thơ”, đam mê lớn nhất và thường trực nhất của Vũ Nho là đọc thơ, làm thơ, bình thơ.

Vũ Nho thuộc nhiều thơ. Từ ca dao, thơ cổ điển, thơ hiện đại; từ các tác phẩm trong nước đến vài cây bút nước ngoài. Dù đi nói chuyện, thỉnh giảng, trả lời phỏng vấn…Vũ Nho cũng có thể đọc xen vào những câu thơ hợp cảnh, hợp tình mà anh tâm đắc. Anh đọc say sưa với tất cả nhiệt hứng của mình. Và anh đã truyền cảm xúc tới người nghe, người học.

Trong lĩnh vực thơ Vũ Nho viết không nhiều. Thơ không phải là sở trường của anh. Tuy nhiên, thơ anh cũng có những nét đẹp riêng. Vũ Nho đi nhiều. Những vùng đất đi qua, những kỷ niệm thoáng qua nhưng cũng đủ Đẹp và Đắm Say trong anh. Ở anh bao giờ cũng thường trực một tình yêu với con người và cuộc sống, tràn đầy một trữ lượng tình cảm dồi dào, mãnh liệt đặc biệt trong thơ tình.

Xin viện dẫn những câu thơ trong bài Mãi mãi:

Khi ta hát riêng tặng nhau và hòa chung giọng hát

Bài “Ở hai đầu nỗi nhớ” chưa hay như thế bao giờ

Sẽ còn nhắc những cơn gió thơm vị biển

Thổi tóc em bay vào anh quyến luyến

Cả đến trong mơ cũng chưa mơ như thế bao giờ”

Đây là một trong những câu thơ đẹp của Vũ Nho trong tập “Tam ca”. Câu thơ chỉ kể, bút pháp không có gì mới, ngôn ngữ bình dị mộc mạc, nhưng sao cứ ngân nga tha thiết trong lòng người đọc. Phải chăng, bởi tình cảm chân thành, nồng nàn, đắm say trong lòng người viết? Phải chăng, trong câu thơ đó mang cả lòng biết ơn người con gái đã mang đến cho anh những phút giây hạnh phúc mà ngay “cả đến trong mơ (anh) cũng chưa mơ như thế bao giờ”? Thơ Vũ Nho đôn hậu, đa tình như con người Vũ Nho vậy.

Đam mê đọc thơ, làm thơ nhưng có lẽ Vũ Nho đam mê nhất là “bình thơ”. Anh là “một người vốn rành môn phái “Bình thơ” (Chu Văn Sơn). Đối tượng có một sức hút với anh có lẽ là thi phẩm mà đơn vị cơ bản là bài thơ, câu thơ. “Những danh phận thơ khác nhau đều có thể tìm ở đây một niềm tin cậy ấm áp, một sự trân trọng nâng niu, chắt chiu thành thực” (Chu Văn Sơn). Người đọc có thể thấy nỗ lực của nhà phê bình khi đi tìm cái đẹp của thơ qua những bài tiểu luận của Vũ Nho ( các bài Đi tìm vẻ đẹp của thơ, So sánh ở trong thơ, Tứ thơ và phần kết của một bài thơ,…).

Trong cuốn Vũ Nho -Trên sóng & trong lòng bè bạn có thể thấy bạn bè đã thấu hiểu anh khi cho rằng anh đã tiến vào thế giới vi mô của thơ với tất cả sự hào hứng và tâm huyết. Rồi anh công phu với chữ, hết lòng với chữ. Rồi khi bình thơ Vũ Nho vận dụng hết nội công để chiếm lĩnh và anh đã được thơ đền đáp. Anh đã giành được thiện cảm, thiện chí của người đọc. Họ trân trọng những phát hiện thú vị của nhà phê bình.

Thực tế, những bài bình thơ của Vũ Nho khá tinh tế, sâu sắc và thú vị. Anh nắm được cái hay, cái độc đáo, cái mới mẻ, cái hồn vía của mỗi bài thơ. Sức liên tưởng phong phú, kiến thức sâu rộng của một người chịu khó đọc, chịu khó nghĩ, tâm hồn xúc cảm của một nghệ sĩ đã giúp cho người bình thơ chỉ ra nét đặc sắc của mỗi bài thơ. (Cuốn Bình thơ đã được Hội đồng Lí luận Phê bình văn học nghệ thuật Trung ương tặng giải C năm 2016). Điều đó  ghi nhận  đóng góp và sức hấp dẫn của ngòi bút bình thơ Vũ Nho. Có thể nói trong những nhà phê bình văn học hiện nay, Vũ Nho có một phong cách riêng, một giọng điệu riêng.

Là một cây bút đa năng, Vũ Nho còn là một cây bút giàu năng lượng. Anh viết nhanh, viết khỏe, đều đặn “ra” sách. Nhiều cuốn dày 3-4-5 trăm trang. Cho đến nay (2021), anh đã in 114 đầu sách dịch, viết chung và riêng về văn chương, giáo dục. Nhìn lại, tác giả dí dỏm tự bạch: “cũng chẳng làm được gì nhiều, nhưng viết sách theo sở thích và theo yêu cầu, in riêng và in chung cũng hơi bị nhiều”. Con số hơn một trăm đầu sách chất lượng đã cho thấy  một nhà giáo, nhà văn có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và phát triển của nền văn học Việt Nam.

Chính vì vậy, Vũ Nho được bạn bè, đồng nghiệp, học trò, độc giả nể phục. Nhà văn, nhà phê bình Bùi Việt Thắng đã nhận xét; “Ở đây, chúng ta ghi nhận sức đọc, sức nghĩ, sức viết  của Vũ Nho”.”Ông hội tụ phẩm chất “3 trong 1”: nhà giáo, nhà báo, nhà văn”. “Đã quá ngưỡng “thất thập niên” nhưng người ta vẫn thấy ông thường xuyên xuất hiện ở các sự kiện văn học của Thủ đô nói riêng, quốc gia nói chung. Hiện diện không phải với tư cách quan sát (đưa tin) mà là tham dự (bằng các tham luận), ý kiến rất thời sự và bài bản”.

Vũ Nho thực sự là một “lão nông tri điền” trên cánh đồng chữ nghĩa. Kiến thức sâu rộng, hiểu biết sâu sắc, viết chăm chỉ và đều đặn, công phu tâm huyết với nghề, đó là những phẩm chất đáng quý của nhà văn , nhà giáo Vũ Nho. Sự cống hiến của PGS.TS. Nhà văn Vũ Nho với xã hội thật đáng nể phục và trân trọng.

Hải Dương, tháng Giêng năm 2022

NGUYỄN THỊ LAN

anh_cua_trung_nguyen_11

 
 In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét