CHIẾC GIÒ LỤA
HỒ BÁ THƯỢC
Cũng một túi quà Tết truyền thống như mọi năm, nhưng năm nay, túi quà đẹp hơn, chất lượng hơn. Nhìn nét mặt từng người, biết ngay các sĩ quan rất hài lòng, thậm chí còn muốn cảm ơn hậu cần, đã chịu khó chạy gom hàng, từ mấy tháng nay nên mới được như vậy. Đặc biệt, hậu cần cấp trên phân phối thêm cho các trưởng phòng, mỗi người một cân giò lụa, một ngoại lệ xưa nay chưa từng có.
Nhận túi quà Tết xong, mọi người hồ hởi gói ghém chu đáo, chuẩn bị đến ngày là về… quê. Nhưng, thật không ngờ, mãi đến giờ G, cấp trên mới có chỉ thị xuống: Cấm trại 100% quân số, cả đơn vị thường trực sẵn sàng chiến đấu.
- Thôi, thế là hết Tết.
Mọi người nhìn nhau lắc đầu, dù không nói ra, nhưng nỗi thất vọng hiện trên nét mặt, ai cũng thấy rõ.
- Nếu sơ hở mất cảnh giác, địch có thể gây điều bất lợi cho ta, thậm chí địch có thể tấn công ta nhiều mặt trên các chiến trường…
Trưởng phòng nói vậy, là có ý nhắc nhở đến cán bộ cấp dưới của mình. Đừng quá chăm chú vào Tết, mất cảnh giác đối phó với địch. Bản thân ông, ý thức sâu sắc các dịp nghỉ Tết cổ truyền, có thể xảy ra nhiều tình huống phức tạp. Ông chẳng cần nhờ đến cơ quan chính trị tuyên truyền, động viên; Chẳng cần cấp trên ra mệnh lệnh này, chỉ thị kia... Ông, và cán bộ dưới quyền, người tham mưu tác chiến, đương nhiên phải có trách nhiệm về công việc của mình, thậm chí còn phải làm gương, đi đầu…
Nhưng, điều Trưởng phòng trăn trở đến mất ăn, mất ngủ. Đó là túi quà Tết của mọi người. Trước Tết, các sĩ quan không được về, thì ra giêng cấp trên có thể cho phép từng sĩ quan nghỉ bù vài hôm, là giải quyết được vấn đề, mặc dù muộn nhưng vẫn còn hương xuân. Với lại, túi quà đều là hàng khô, có chậm đi mấy ngày, cũng chẳng sao. Trong thâm tâm, ông tự an ủi mình như vậy. Nhưng ông cũng muốn mọi người thông cảm, và hiểu ông hơn. Chỉ có điều, Tết nhất đến nơi rồi, mà quà cáp vẫn chưa tìm đến người nhận, quả là điều khó, khó thật. Nhưng biết làm sao, “quân lệnh như sơn” mà.
Tiêu chuẩn túi quà của ông cũng giống như các sĩ quan khác, nhưng lại hơn mọi người một cân giò lụa. Ở đơn vị, thỉnh thoảng, ông cũng được nếm qua món thực phẩm quí hiếm này, khi cấp trên xuống làm việc với đơn vị. Còn cán bộ cấp dưới, có nằm mơ cũng không thấy, nói gì đến vợ con trưởng phòng sống ở vùng quê nghèo.
Quan trọng hơn cả, đây là món quà của cấp trên tặng, ông muốn dành riêng cho vợ con. Ông muốn ví von một câu, nhưng thấy khập khiểng quá “Một trăm tiền công, không bằng một đồng tiền thưởng”. Ừ, một cân giò không phải là lớn, nhưng đây là quà dành cho vợ con ông, là sự ưu ái, quan tâm của cấp trên. Làm sao lại không biết ơn kia chứ? Nghĩ tới đó, ông thấy xốn xang, rồi hạ quyết tâm gửi bằng được món quà đó về nhà.
Đêm nằm, ông cố nhớ xem gần cơ quan của mình, cách vài ba chục cây số, có ai họ hàng, hoặc chòm xóm với ông không, để gửi gói quà về. Nhưng ông không nhớ ra. Ông biết mình ít giao tiếp, đó là điểm yếu. Nhưng biết làm thế nào? Lấy đâu ra thời gian, trong khi công việc mỗi ngày một nhiều. Ông tự trách mình, rồi thầm rủa, cái thời chết tiệt này, đến chiếc điện thoại liên lạc với nhau cũng không có.
Ông lăn tăn không biết mẹ con nhà nó, chuẩn bị Tết nhất đến đâu rồi? Nhưng ông sực nhớ, vợ lấy đâu ra tiền để mua sắm? Lương cấp tá của ông, hàng tháng dành dụm gửi về cũng vừa đủ cho hai đứa con ăn học. Vợ yếu đau như cơm bữa, không đủ thuốc men. Nhưng rồi, ông cũng thấy yên tâm đôi chút. Trước nạn đói, đã đưa về nhà được hơn một tạ sắn khô thái lát, mua được lúc đi tuyển quân ở Yên Bái.
Lần ấy, sẵn chiếc xe mô tô Xítđờca ba bánh của thông tin, do phòng ông quản lý, cùng với cậu lái xe, đội mưa gió, đi từ trưa thứ bảy, đến nửa đêm mới về được đến nhà. Hết gạo, vợ đi vay hàng xóm, nhưng vác rá về không. Hai thầy trò đành ăn bánh lương khô mang theo. Sáng sớm tỉnh dậy, ngơ ngác nhìn lên mái nhà lợp ngói phi bờ rô xi măng, thấy thủng nhiều lỗ to, nhỏ, cỡ nắm tay. Ông thấy mặt mình đẫm ướt, nhưng không thể phân biệt được, đâu là nước mắt, đâu là sương đêm rơi xuống?
Ông trở mình trên giường: “Hay, ta xin thủ trưởng nghỉ một ngày trước Tết, mang quà về?”. Chợt nghĩ đến thôi, ông đã thấy không thể được. Cán bộ dưới quyền, sẽ nghĩ gì về ông? Tất cả đều nói không đấy thôi? Ông thấy day dứt việc “cấm trại” sĩ quan vào ngày nghỉ Tết, đúng sai ở chỗ nào, lý tình ở đâu?… Nhưng với người lính, phụng sự Tổ quốc là trên hết. Hy sinh một chút quyền lợi cá nhân, để đất nước bình yên, không bị bất ngờ, đó là trách nhiệm người lính cơ mà? Nghĩ đến đó, ông thấy thanh thản đôi chút, nhưng mãi rồi cũng không sao chợp mắt được.
Ông lại nghĩ tới gói quà. Thôi, sau Tết mang về cho mẹ con nó cũng được, dù sao vẫn còn hương vị Tết. Nhưng mọi thứ khác chờ đợi được, còn chiếc giò lụa, món hàng tươi sống, bây giờ tính sao đây?
Hồi chiều, ông xuống bếp ăn, mượn chiếc lồng bàn, đem về phòng ngủ, chụp lên chiếc giò để trên nóc tủ, trông cũng tạm được. Thật ra, chiếc lồng bàn có thể che lấp chiếc giò, nhưng lòng ông thì không gì che chắn nổi. Đang miên man nghĩ ngợi, bỗng nhiên chiếc lồng bàn trên nóc tủ rơi xuống nền nhà. Ông bật dậy, đậy lồng bàn lên.
Ông chưa kịp đặt lưng xuống giường, chiếc lồng bàn lại rơi. Tại sao thế nhỉ? Trời rét, không gió máy gì, sao lồng bàn lại rơi được? Mà nữa, mình đậy chắc chắn lắm cơ mà, người hay ma ám? Ông lại nghĩ tới hồi xưa, mẹ ông làm bánh xong, bà để vào đấy một con dao hay một que nhọn, ngăn ngừa ma quỉ mò đến, làm cho hỏng bánh. Nghĩ tới mẹo đó, ông định đi lấy dao, nhưng quay lại, thấy một chú chuột to đùng, đôi mắt long lanh đang dí mũi vào chiếc giò: “Khịt, khịt” - Hình như nó đang đợi chén rượu, rồi mới nhắm? Nghĩ tới đó, Trưởng phòng thấy buồn cười, nhưng cơn bực bội kéo đến rất nhanh. Ông vung chân đá mạnh vào mặt tủ gỗ. Con chuột giật mình rơi xuống đất, rồi lủi nhanh vào xó nhà.
- Không được, không được rồi. Nếu mình ngủ quên, nó lôi đi mất. Nó to thế kia, và có động lực trộm cắp, khó mấy nó cũng lôi được.
Nghĩ vậy, ông sang tổng đài thông tin, ở gian nhà bên cạnh, kiếm được một đoạn dây điện, rồi đem về treo chiếc giò lên xà nhà. Dường như yên tâm với sáng kiến của mình, ông đi đến công tắc đèn, vừa ngoảnh lại, đã thấy chú chuột lần theo dây điện mò xuống. Sẵn chiếc dép cao su trong chân, ông “phi” lên xà, nhưng không trúng, chiếc dép va vào tường rơi xuống đất. Chú chuột bình tĩnh, leo ngược dây rồi chui vào xó tối ngồi đợi.
Ông đến tủ tài liệu, lôi ra một mảnh bìa cứng. Trong phút chốc, làm xong chiếc chao đèn, treo phía trên chiếc giò. Ông nghĩ, với phát minh này, chú chuột bám vào chao đèn sẽ bị lộn cổ xuống đất, không tan xương, cũng nát mật mà chết! Trước khi kéo chiếc chăn bông lên đắp, ông trìu mến nhìn tác phẩm của mình đung đưa, vẽ một đường cong tuyệt đẹp. Ông đâu có ngờ, một đôi mắt khác cũng đang nhìn về hướng ấy, với một tâm địa xấu xa… Ông tắt đèn đi ngủ.
Dường như, chiếc chăn bông chưa kịp làm ấm người, nghe “rầm” một tiếng, lạnh buốt xương sống. Ông bật đèn sáng choang. Một cảnh tượng kinh hoàng bầy ra trước mắt ông: chú chuột đang ôm chặt chiếc giò, đung đưa như quả lắc, với một cung lớn chưa từng có… Hình như, nó không leo qua chao đèn, mà phi thẳng vào chiếc giò tội nghiệp.
- Không, không thể lui bước trước một kẻ gian ngoan như mi được.
Với một tâm trạng khát khao chiến thắng, ông hất chiếc chăn bông sang một bên, loanh quanh tìm được một đoạn dây dù. Ông buộc một đầu dây lên phía trên chiếc giò một chút. Đầu kia, nằm trên giường, ông có thể kéo chiếc giò đung đưa, như thể kéo võng ru em bé. Chiếc giò không còn là mục tiêu bất động nữa, bây giờ, nó dao động một cung rất lớn mỗi khi ông kéo căng, rồi bất ngờ thả chùng dây. Chú chuột bây giờ lúc lắc, ngoẹo đầu, ngóng theo chiếc giò lúc gần, lúc xa…
Trưởng phòng thấy tâm trạng mình vui hơn một chút. Ông chợt nghĩ, cuộc sống cũng giống như quả lắc, luôn luôn phải chuyển động, nếu dừng là chết. Cuộc đời của mình cũng vậy thôi. Ngày mới hơn hai mươi tuổi, ông tham gia lực lượng an ninh xã, rồi tham gia tổ chức trấn áp bọn phỉ ở Đông Triều, chống bọn phản loạn ở Thuận Ý… Sự kiện Vịnh Bắc Bộ tháng 8 năm 1964 xảy ra, ông vào quân đội, đi khắp vùng hạ Lào rồi về B5, B6. Ông tình cờ được cấp trên điều động về cơ quan chiến lược, vì có nhiều thành tích chiến đấu, hơn là những vết thương còn dính trên người.
Dù một năm, vài ba lần được cấp trên cho tranh thủ về nhà thăm vợ con, ông đã thấy mình, là người gặp nhiều may mắn, và hạnh phúc hơn so với các chiến hữu, đang ngày đêm vùi mình trong chiến trận. Dù không còn cầm súng trực tiếp chiến đấu, nhưng công việc ở một cơ quan chiến lược, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan tác chiến, càng lớn hơn. Ông khao khát được cống hiến nhiều hơn, và cố gắng gạt bỏ những vướng mắc vụn vặt đời thường sang một bên…
Trên xà nhà, chiếc giò vẫn đung đưa như một vật trêu ngươi. Ông thấy tức cười, khi phải tranh đua với một con vật xấu xí, và tham ăn. Nhưng rồi, cuộc tranh đấu ấy, dù không cân sức, nhưng chắc gì, ai đã thắng ai?
Cô y sĩ cơ quan, đi vòng quanh doanh trại, kiểm tra vệ sinh buổi sáng như thường lệ. Đến buồng Trưởng phòng, thấy ông đắp chăn, nhưng đầu vẫn thò ra ngoài, nói với cô giọng yếu ớt:
- Tối qua, suốt đêm đuổi chuột, sáng ngủ quên mất. Rồi ông phàn nàn, không biết cất giấu chiếc giò vào đâu?
Cô y sĩ nhanh nhẩu:
- Thủ trưởng mang xuống tủ lạnh Quân y nhà em mà gửi. Mấy hôm nay giáp Tết, thuốc phòng dịch chưa về.
Ông tung chăn, ngồi dậy làm theo lời cô y sĩ. Ông thấy yên tâm, khi được gửi nhờ tủ lạnh, qua Tết chờ ngày nghỉ bù về quê.
Thật không may cho Trưởng phòng, sau Tết công việc lại nhiều, dồn dập hơn là ông tưởng. Các sĩ quan, được phép lần lượt qua nhà mang túi quà về, nhưng ông thì không. Một thân, một mình ở cái xứ than gio, bụi bẩn, xa lắc, xa lơ. Vì thế, ông tranh thủ làm việc cả ngày, lẫn đêm, để nhanh chóng kết thúc công việc. Nhưng thật tội, cấp trên lại giao thêm nhiệm vụ cho ông, khẩn trương xây dựng đề cương “Diễn tập quân sự trong chiến dịch X”. Thế là kế hoạch nghỉ bù sau Tết, có thể bị kéo dài. Ông không dám báo cáo việc riêng tư của mình. Hơn nữa, lệnh cấp trên là mệnh lệnh tối thượng. Ông luôn thờ phụng, sẵn sàng thực hiện bất cứ trong hoàn cảnh nào. Vì vậy, ông không thể mở miệng, âm thầm chịu đựng.
Tiếp đó, cô y sĩ thông báo thuốc phòng dịch đã về. Chiếc tủ lạnh nhỏ như cái mũi, không còn chỗ cho chiếc giò tội nghiệp, khiến ông lại càng thêm lo lắng. Biết làm sao được, cả cơ quan có mỗi cái tủ lạnh để thuốc phòng dịch quân y.
Có người khuyên ông, đem giò ngâm trong mỡ nước, bảo quản được rất lâu. Không còn cách nào, ông đành xuống nhà bếp, xin gửi nhờ. Ông bóc hết lớp lá gói bên ngoài, rồi lấy đoạn dây buộc cẩn thận, dìm giò xuống tận đáy, đầu dây kia thả nổi lềnh bềnh trên mặt thùng mỡ tựa như dây câu. Cách một ngày, ông lẩn vào kho thực phẩm nhà bếp, túm đầu dây kéo chiếc giò lên kiểm tra. Nhìn bên ngoài có vẻ khả quan lắm.
Nhưng làm xong đề cương diễn tập, đâu phải là kết thúc công việc? Làm xong, phải hội thảo lấy ý kiến các phòng ban, chỉnh sửa, rồi báo cáo lên cấp trên, ngót nghét cả tuần. Rằm tháng Giêng cận kề, việc về quê sau Tết, cứ xa xăm dần.
Một hôm, ăn cơm trưa xong, vào kho thực phẩm thăm khám như mọi lần. Ông ngạc nhiên thấy chiếc giò, chuyển sang màu xanh lạ. Tại sao thế nhỉ? Về lý thuyết chất béo có thể ngăn ngừa được các loại vi khuẩn thâm nhập? Hơn nữa một thùng mỡ lớn như thế kia, làm sao không bảo vệ được chiếc giò cỏn con? Cuối cùng, ông cũng tìm ra được thủ phạm. Đó là nguồn gốc xuất xứ thùng mỡ. Nhìn vỏ thùng bị trầy xước, nhãn mác biến mất. Chứng tỏ lô thùng đã được luân chuyển, quăng quật một quãng đường dài, cùng với thời gian năm tháng lưu trữ. Chắc chắn, đây là đồ viện trợ của nước ngoài. Vỏ thùng bằng gỗ sồi, có thể của Liên Xô, hay Trung Quốc? Nhưng, tại sao thùng mỡ không đi thẳng vào chiến trường, để phục vụ bộ đội, mà ở lại trong kho này? Trưởng phòng à một tiếng: “Chết rồi, đây là thực phẩm đã kém chất lượng. Thỉnh thoảng hậu cần cơ quan phân phối cho các sĩ quan, người một cân, người vài cân tùy theo số lượng và quân hàm, cấp bậc”
Không còn cách nào khác, ông mang chiếc giò về phòng ngủ, kết thúc một chuyến du ngoạn dài ngày, vòng quanh thế giới cơ quan. Ông cẩn thận gọt phần da màu xanh, cắt được mười khoanh, xếp chồng vào ăng gô ngâm với hai lít nước mắm được phân phối trong túi quà.
Sau Tết, tình hình các chiến trường có vẻ căng lên. Không biết các mặt trận họ chuẩn bị ra sao, nhưng ở hậu phương, các cơ quan Bộ, nhộn nhịp hẳn lên. Sự kiện con tàu TK174 của lữ đoàn S.49, thăm dò tuyến vận tải thủy phía nam, bị mất liên lạc khi đi quá giới tuyến, khiến cơ quan tác chiến rối tung lên.
Trưởng phòng được lệnh, vào trong đó để xác minh, nắm tình hình. Không mấy ai để ý đến “số phận” chiếc giò ngâm trong nước mắm rồi sẽ ra sao?
Hà Nội 2017
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét