Thứ Sáu, 14 tháng 12, 2012

Hơn mười năm trước, CHU VĂN SƠN viết về VŨ NHO


Post sort order : Bài viết của bạn bè về Vũ Nho
2/20 POSTS
preview
Hơn mười năm trước, CHU VĂN SƠN viết về VŨ NHO
Jun 24, 2012 3:06 PMPublicPageviews 276 6


TS Chu Văn Sơn

Đi giữa miền thơ * với Vũ Nho

        Chu Văn Sơn

Đường đời muôn nẻo, đường văn muôn lối. Mỗi kẻ viết chọn riêng một lối, làm riêng một hành trình. Hành trình mà Vũ Nho chọn đã đưa anh từ quê Ninh Bình lên Việt Bắc, sang Liên Xô...về Bộ Giáo dục và Đào tạo...theo cái bước đưa đẩy của duyên đời mà xem ra cũng là những bước công phu để đi tới một chuyên viên ngành giáo dục...Nhưng ngẫm cho cùng thì ở đâu, lúc nào anh cũng “đi giữa miền thơ” thôi. Vâng, đọc thơ làm thơ, bình thơ là đam mê lớn nhất và thường trực nhất của Vũ Nho. Nhưng ngay từ những bài đầu tiên đã thấy cái tạng của anh tự chọn lối này.
    Ba phần của cuốn sách – “ Những nẻo đường”, “ Những mảnh vườn” và “Hương sắc” – không chỉ là tập hợp những mảng cơ bản mà anh hằng quan tâm, mà đó cũng là một hành trình. Ấy là càng ngày càng đi sâu mãi vào những chốn sơn cùng thủy tận, những địa chỉ giấu vàng của miền thơ. Trước tiên, nó là hành trình của một tấm lòng. Viết phê bình, người ta hay hướng tới những giá trị lớn, những trường hợp nổi danh. Làm thế, kẻ phê bình dễ bề xoay xở và dễ thơm lây. Âu cũng là lẽ thường. Vũ Nho không theo cái lẽ ấy. Ngòi bút của anh chuyển động theo một lẽ khác. Ở “Đôi lời vào sách”, họ Vũ tỏ bày: “ Bạn đọc có thể thấy không chỉ gồm các nhà thơ thành danh, các tập thơ hay nhất, các bài thơ xuất sắc nhất, mà còn có cả những tác giả chưa nổi danh mấy, những tập thơ hay ở mức vừa vừa, những bài thơ hay của những người viết còn chưa nổi tiếng”. – Kẻ khó tính sẽ cho họ Vũ thế là dễ dãi, dại khờ và…hơi bị đa mang. Đó không hẳn là một thái độ dễ dãi mà là một tấm lòng rộng rãi. Vả chăng, một người tốt bụng cũng nên dễ dãi một chút chứ! Thế nên, mọi danh phận thơ rất khác nhau đều có thể tìm thấy ở đây một niềm tin cậy, ấm áp. Đọc tập sách, dễ thấy tâm huyết của anh chia đều cho tất thảy, không phân biệt đối xử ngôi sao với đốm lửa, tùng bách với cỏ may, ông nghè với ông tú…Đối tượng nào cũng được anh dành cho sự trân trọng nâng niu, chắt chiu thành thực đến thật thà. Ở điểm này, các tập phê bình khác dễ gì đã có được! Và Vũ Nho đã giành được thiện cảm, thiện chí của người đọc trước tiên bằng điều đó.
    Bởi rộng lòng với thơ mà công phu với chữ. Để giải quyết một vẻ thơ, một vệt thơ, hay chỉ đơn giản một từ thơ, anh cũng phải huy động tận cùng bao vốn liếng tích cóp được và vận hết nội công để chiếm lĩnh. Cái cách anh xâu chuỗi vệt ”thơ áo đỏ”, lần theo vỉa “thơ về con mắt” hay khơi các mạch nguồn “ lời ăn tiếng nói trong ca dao tục ngữ”…chẳng phải là vậy ư? Có cảm giác mỗi lần cầm bút là một lần dốc ống, dốc cạn hầu bao. Nhưng nói cho cùng, không thế, làm sao người phê bình có thể được thơ đáp đền. Tôi nghĩ, những gì Vũ Nho lượm hái được khi đi giữa miền thơ căn bản là nhờ vào một tấm lòng và sự hết lòng như thế.
                *
    Đọc bất cứ ai, tôi đều cố hình dung khuôn mặt riêng của người ấy. Nếu chưa có một chân dung đầy đặn, ít ra cũng là những nét kí họa, phác thảo. Chừng nào chưa có được, chừng ấy còn chưa yên. Tôi đang làm việc này, và giờ thì muốn nhấn nhá thêm vào phác thảo kia đôi nét. Nét nào đây? Trọng điểm nào đây làm nên hồn vía của kẻ viết này? Tôi đã đọc cả mấy tập sách của anh và giờ thì hoàn toàn tin rằng : Thơ chọn với lời bình, ấy là Vũ Nho. Nghĩa là anh bước ra sân khấu phê bình thơ với vai chính là một người thưởng thức. Bạn sẽ bảo rằng hẳn là tôi dựa vào ba tập sách có  sẵn tên “ Thơ chọn với lời bình” của anh kế tiếp ra đời mấy năm qua như một liên khúc bình thơ! Không hẳn! Có thể cảm nhận điều đó ngay trong cuốn “ Đi giữa mền thơ” này, một tập đại thành, được xuất bản vào cái tuổi tri thiên mệnh của anh. Ở tuổi này của đời người, những gì có thể làm, hầu như đã rõ nét. Hai thao tác vốn phổ biến ở những đồng nghiệp đã trở thành hai thao tác đắc dụng, chủ công làm thành cái quá trình Vũ Nho : ấy là chọn và bình. Những trào lưu thơ, những số phận thăng trầm của các thể loại thơ, những loại hình tư duy thơ, những thế giới nghệ thuật thơ như một cấu trúc toàn vẹn của một tác giả nào đó…không phải là mối quan tâm của chính anh. Đối tượng có một sức hút lớn đối với nhãn giới của anh có lẽ là những thi phẩm. Mà đơn vị căn bản vẫn là bài thơ và câu thơ. Anh bước vào siêu thị thơ mênh mông và cần mẫn chọn theo cái gu của mình. Anh ít đặt ra và giải quyết những vấn đề, mà thường thả mĩ cảm của mình như một cánh bướm dập dờn bay theo những thi đề, đeo bám và đuổi bắt những làn cảm xúc lan tỏa từ thi phẩm. Anh cặm cụi lượm lặt ý đẹp, lời hay những câu tài, chữ khéo của thơ rồi chất đầy một túi phê bình ( Túi này có lẽ ba gang, nhưng cũng có lúc muốn thành…chín gang!). Anh viết về các vệt thơ, các xê ri thơ, các nhà thơ lẫy lừng danh tiếng cổ kim, hay nhận diện những cây bút như Trần Đăng Khoa, Phạm Công Trứ, Vũ Xuân Hoát, Vũ Quần Phương, Thúy Toàn…những bài anh gọi bằng tiểu luận thì về thực chất cũng là thơ chọn với lời bình! Nói một cách khác, anh đã tiếp cận các hiện tượng có quy mô, có chiều kích khác nhau trên miền thơ bằng cái cách riêng của mình, bằng cái sở trường của người vốn rành môn phái BÌNH CHỌN. Bởi thế, Thơ chọn với lời bình đã trở thành một sân chơi mà Vũ quân yêu thích trên cái hành trình đi giữa miền  thơ của mình. Và đóng góp của anh phần lớn cũng là ở đó. Bước theo anh, ta sẽ được chia sẻ bao vẻ đẹp thơ thú vị từ đặc sản cho tới bình dân.
    Nhưng trong đời sống phê bình của ta, những sân chơi như thế được mở ra đâu có ít! Bởi vậy cái tạng cá nhân phải được nhìn sâu hơn nữa ở lối chơi. Mà mỗi lối chơi đều bị quy định bởi những tố chất. Những tố chất nào làm nên lối chơi của Vũ Nho? Ấy là chất nhà giáo và chất nghệ sĩ – cả hai thường chung sống hòa bình, nhưng cũng có lúc một vị nào đó thích chơi trội. Bạn lại có cái cớ bảo tôi nói dựa – chẳng qua vì Vũ quân xuất thân nghề giáo và cho đến nay vẫn thuộc về giáo dục. Không dễ vậy đâu! Có bao cây bút gốc gác giáo chức nhưng sáng tác của họ không còn mảy may bóng dáng cái gốc kia. Trái lại, khối cây bút không phải đang đứng ở bục giảng, học đường, nhưng nét bút lúc nào cũng quá ư mô phạm, chừng mực, chân chỉ, chân phương đó thôi! Cứ đọc, bạn sẽ thấy, Vũ Nho hành bút bởi hai lực đẩy lớn : niềm mê say đến sẵn sàng sa đà của một nghệ sĩ và sự tĩnh trí, bình ổn, khuôn thước của một ông thầy. Có lúc người nghệ sĩ cao hứng, bay lượn, ngân nga; có lúc vị giáo học lại thừa cơ vân vi, thuyết trình, giảng giải. Đương khi anh giáo muốn đem cho đời cái chữ cho thật ngọn ngành, chu đáo, thì cái gã nghệ sĩ kia lại nhón gót phiêu du. Thế nên ngòi bút của họ Vũ có cái vũ điệu riêng của nó. Ấy là những miên man biến tấu lề lối trường quy xen với những nét quy phạm đang tung tẩy ngẫu hứng. Ấy là sự đan xen giữa cái tượng hình tài hoa với những “ người quê say khúc trăng vàng”, “ Nhà thơ nói tiếng nói người sinh ra hạt gạo”, “ Ngôi nhà năm cửa”… với cách bình giảng, bình chú bài bản thật như đếm, quanh những chữ hắt hiu, những cánh cò trong ca dao, hay quanh một chữ Ta với Ta trong thơ Nguyễn Khuyến…Kiến giải của anh ở những chỗ như vậy không ít tinh tế và hóm hỉnh. Và đó cũng là đôi chân đã và sẽ đưa Vũ Nho đi giữa miền thơ. Mong rằng trên cuộc hành trình chắc chắn còn dài kia, đôi chân ấy sẽ bước đều hơn nữa và nhất là nhịp nhàng hơn nữa. Được thế, thành quả sẽ còn toàn bích hơn nhiều.
    Đọc Thơ chọn với lời bình  và Đi giữa miền thơ cứ thấy cái hứng thú trước xúc cảm, hình ảnh với câu chữ của Vũ quân rất đậm đà, còn hứng thú trước trước tư tưởng  và cấu trúc của thi phẩm còn khí mờ nhạt. Nếu điều này đậm hơn, thì chắc chắn hơi thở hiện đại của tập sách cũng sẽ dồi dào hơn, và sức bám vào thị hiếu tiếp nhận của người đọc thơ hôm nay cũng sẽ sâu bền hơn. Cái hướng lớn của hành trình đia giữa miền thơ của Vũ tiên sinh là tiến vào thế giới vi mô của thơ. Việc chiếm lĩnh những chi tiết là điều có ý nghĩa sống còn của hướng đi này. Trong cái công việc thiên nan vạn nan ấy, bên cạnh quy luật “chi tiết nhỏ” làm nên “ người bình lớn”, còn một hiện tượng rất đáng để dè chừng là “chi tiết con” đè nát “cuộc bình con” nữa. Đi giữa miền thơ chưa có cái về thứ hai này. Nhưng dầu sao cảnh giác vẫn hơn. Các cụ ta bảo thế thì phải.
                        Văn Chỉ, ngày mưa đầu hạ
*) Tập phê bình và tiểu luận, nxb Văn Học, Hà Nội, 1999

Bài đã đăng báo Giáo dục và Thời đại

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét