Thứ Ba, 9 tháng 7, 2013

CHIẾC LÁ CUỐI CÙNG







CHIẾC LÁ CUỐI CÙNG
                   O. Hen- ri
                                  Vũ Nho
         
          Chiếc lá cuối cùng là truyện ngắn của O’ Hen ry. Trước đây được học trọn vẹn, nay chỉ học trích một đoạn. Phần lược bỏ về khối lượng gấp hai lần phần được trích. Chính vì thế mà nhiều chi tiết vô cùng quan trọng để giúp nhìn nhận nhân vật Giônxi, Bơ men, cũng như đánh giá toàn bộ tác phẩm đã bị lược bỏ.
Các em cần đọc lại toàn bộ truyện ngắn này ( trong sách giáo khoa Văn học 8, tập 1, sách chỉnh lí, nhà xuất bản Giáo Dục năm 1995). Và khi đọc, cần ghi lại những chi tiết quan trọng đó để liên hệ khi phân tích đoạn trích còn lại. Chẳng hạn như, người bác sĩ đã mời Xiu ra hành lang và nói riêng với cô rằng : “Bệnh tình của cô ấy có thể nói là mười phần chỉ còn hi vọng được một thôiVà muốn có được một phần đó thì cô ấy phải có ý muốn sống kia”. Nhưng để thuyết phục bạn, Xiu đã nói ngược lại rằng : “ông bác sĩ đã nói với chị là em sẽ chóng bình phục thôi, đúng ra là ông ta nói thế nào nhỉ - khả năng khỏi là mười phần chắc chín; ông ta nói thế!”. Và cuối cùng, sau khi Xiu nhìn thấy chiếc lá cuối cùng không rụng xuống, cô đã thấy rằng “ muốn chết là một tội” và  lại bắt đầu quan tâm đến chuyện vẽ được vịnh Na-plơ. Bác sĩ đã kết luận “ Được năm phần mười rồi” và hôm sau thì : “ Cô ấy khỏi nguy hiểm rồi, chị đã thắng”. Như vậy việc Xiu chiến thắng cái chết và hồi sinh là một sự việc kì diệu trong đó “ chiếc lá cuối cùng” do cụ Bơ men vẽ có một vai trò hết sức quan trọng.
Về cụ Bơ men cũng có chi tiết  đáng quan tâm. Đó là cụ “ là người thất bại trong nghệ thuật. Cụ múa cây bút vẽ đã bốn mươi năm mà vẫn không với tới được gấu áo vị  nữ thần của mình. Cụ luôn luôn có ý định vẽ một bức tranh kiệt tác, nhưng chưa bao giờ bắt đầu cả” và “ Trên giá vẽ ở góc buồng là một tấm vải trống trơn, từ hai mươi lăm năm nay vẫn cứ chờ đợi mãi nét vẽ đầu tiên của bức tranh kiệt tác”. Chi tiết này cho thấy sự ấp ủ và thai nghén của người nghệ sỹ lâu dài và bền bỉ như thế nào. Cụ Bơ men, hai cô họa sĩ trẻ và các nhà văn trẻ đã sáng tác để lát đường đẫn tới lâu đài nghệ thuật. Và không phải lúc nào họ cũng có thể cho ra đời kiệt tác của mình. Những điều đó cho người đọc cảm thông với lao động nghệ thuật và kính trọng người làm nghệ thuật.
          Cần nhấn mạnh sự thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ nhau giữa những người nghệ sĩ. Xiu chăm sóc, lo lắng cho bạn, cô đã khóc ướt mủn cả chiếc khăn giấy Nhật bản, cô đã an ủi, thậm chí nói dối bạn về tình trạng bệnh tình để động viên bạn chống chọi với bệnh tật. Cụ Bơ men thì vô cùng lo lắng đến nỗi cáu bẳn vì ý nghĩ kì quặc của Giôn xi. Cụ đã lẳng lặng vẽ chiếc lá cuối cùng, đem sinh mạng của mình đổi lấy chiếc lá cũng có nghĩa là đổi lấy mạng sống cho cô hoạ sĩ trẻ mắc bệnh hiểm nghèo.
          Có một vấn đề tinh tế mà nhà văn không đề cập trực tiếp. Đó là sau những lần yêu cầu kéo mành, Giôn xi nhìn thấy chiếc lá thường xuân dũng cảm vẫn bám vào cành. Giôn xi nằm nhìn lá hồi lâu. Rồi sau đó cô thay đổi hẳn ý nghĩ muốn chết. Cô nói với Xiu : “ Có một cái gì đó làm cho chiếc lá cuối cùng vẫn còn đấy để em thấy rằng mình đã tệ như thế nào”. Điều gì đã xảy ra trong tâm trí cô hoạ sĩ trẻ? Phải chăng, cô đã chuẩn bị đi theo chiếc lá mong manh, nhưng nó không rụng xuống, bởi vậy lời nguyền của cô đã được hoá giải? Phải chăng, sự dũng cảm của chiếc lá đơn độc trước những trận mưa vùi dập và những cơn gió phũ phàng đã làm cho Giôn xi thấy mình quá yếu đuối? Cô ngượng với chiếc lá và suy nghĩ lại. Phải chăng nhìn chiếc lá già nhưng vẫn bền bỉ, níu kéo sự sống, không chịu lìa cành đã nảy sinh trong cô sự so sánh? Cô trẻ trung, lại có bạn gái là Xiu, lại có cụ Bơ men hết lòng yêu quý, chăm sóc, tại sao có thể dễ dàng buông xuôi, lìa bỏ cuộc sống ?...
          Dù thế nào thì chiếc lá cuối cùng vẫn là vật có ý nghĩa làm thay đổi số phận Giôn xi. Từ chỗ chỉ chăm chăm chờ thần chết đem đi, đến chỗ thấy  mình đã  tệ như thế nào, rồi nhận thấy muốn chết là một tội. Rồi muốn ăn cháo và uống chút sữa, muốn soi gương, hy vọng sẽ vẽ được vịnh Na-plơ một ngày nào đó...Từ chỗ mười phần chỉ được một, đến chỗ“ Được năm phần mười rồi” và hôm sau thì : “ Cô ấy khỏi nguy hiểm rồi, chị đã thắng” là cả một sự đảo ngược ngoạn mục hay có thể nói là Giôn xi đã từ cõi chết trở về.

          Đến đây cần lưu ý về vai trò của chiếc lá cũng như vai trò nghệ thuật trong đời sống.
          Khoa học gần như đã chịu bó tay trước bệnh tình của Giôn xi, nhiều người đã chết vì bệnh viêm phổi. Vị bác sĩ điều trị nói rằng mười phần chỉ được một và cái đó còn phụ thuộc vào cái ý muốn sống của người bệnh, nếu không mọi thứ thuốc men đều trở thành vô dụng.
          Tình cảm bạn bè cũng không giúp gì cho Giôn xi. Xiu đã khóc, đã van nài nhưng Giôn xi vẫn không từ bỏ ý định sẽ chết cùng với chiếc lá cuối cùng. Bởi vậy mà cô  nói : “Em muốn buông trôi hết thẩy và dong buồm xuôi dòng như một trong những chiếc lá mệt mỏi và tội nghiệp kia”, và lạnh lùng, tàn nhẫn ra lệnh kéo mành lên.
          Nghĩa là tình trạng của Giôn xi đã gần như tuyệt vọng, không gì có thể làm cho cô hoạ sĩ trẻ từ bỏ ý nghĩ sẽ buông xuôi, sẽ chết như chiếc lá.
          Nhưng chính chiếc lá của cụ Bơ men vẽ đã làm được điều kì diệu. Nghiã là khi mà không gì có thể cứu giúp con người thì nghệ thuật đã làm được điều mà khoa học y học và tình cảm của con người đều bó tay, bất lực. Chiếc lá đã làm cho cô hoạ sĩ từ tuyệt vọng trở về với hi vọng, từ cõi chết trở về với sự sống. Do đó ý nghĩa rất to lớn của tác phẩm còn ở chỗ ca ngợi sức mạnh kì diệu của nghệ thuật. Chúng ta bỗng nhớ đến tác phẩm nổi tiếng Luyxer nơ của Lep Tôn xtôi.  Lép Tôn xtôi ca ngợi sức mạnh của âm nhạc, sức mạnh kì diệu đã buộc tất cả mọi người “đứng im lặng và bất động trong suốt nửa tiếng đồng hồ”.  Còn ở đây O’Hen ry ca ngơi sức mạnh của hội hoạ. Không phải ngẫu nhiên mà các nhà văn hoá lớn đã khẳng định chỉ có nghệ thuật mới có thể cứu rỗi con người.
          Bởi vậy, nếu khai thác truyện ngắn này mà bỏ qua vấn đề trên thì thật là một điều đáng tiếc.
          Một vấn đề khác cũng khá quan trọng với truyện ngắn này là vấn đề lao động nghệ thuật và kiệt tác. Không phải là một chủ đề lớn, nhưng tác giả đã đề cập đến lao động nghệ thuật âm thầm và khát vọng của người nghệ sĩ.   Các nghệ sĩ trẻ vẽ những tranh minh hoạ, cũng như các nhà văn trẻ viết truyện chỉ là để lát đường đến nghệ thuật. Mà chắc gì đã đến được. Cụ Bơ men bốn chục năm múa cây bút vẽ mà không với tới được gấu áo vị nữ thần của mình. Cụ Bơ men và khao khát vẽ một kiệt tác. Ròng rã hai mươi lăm năm khung vải vẫn chờ đợi nét vẽ của cụ. Nhưng chính trong lúc bất ngờ nhất, không chờ đợi nhất thì cụ đã hoàn thành kiệt tác của mình. Kiệt tác được vẽ bằng tình thương, lòng nhân hậu được vẽ vì mục đích cứu sống con người, không một tính toán thiệt hơn. Và để có nó phải đánh đổi bằng cả sinh mạng của người hoạ sĩ già trong đêm mưa giá rét. Chúng ta có thể hiểu sự khe khắt của lao động nghệ thuật và kính trọng những người hiến thân cho nó./.













4 nhận xét:

  1. Chào bác Vũ Nho. Bác có một bài hay quá. Em đọc rất xúc động. Đúng như thế thật, tên truyện là "Chiếc lá cuối cùng" mà.
    - Nguyễn Xuân Lai-

    Trả lờiXóa
  2. Lấy ảnh con gái rượu của Nhất minh hoạ là phải chi rượu đấy nhé!

    Trả lờiXóa
  3. Hay quá thầy ạ.

    Trả lờiXóa