Thứ Sáu, 12 tháng 7, 2013

CÔ BÉ BÁN DIÊM




                                                                                         AN ĐEC XEN


CÔ BÉ BÁN DIÊM
                   An-đéc-xen
                                      Vũ Nho

 Trước đây, tác phẩm này được học trọn vẹn. Điều đó làm cho bài học nặng, nhưng bù lại giáo viên và học sinh được tìm hiểu, thưởng thức trọn vẹn văn bản. Nay học đoạn trích, người thầy nhất thiết phải đọc cả tác phẩm để hình dung được không khí của toàn truyện. Vì đoạn lược bỏ cũng rất ngắn, hoàn toàn có thể đọc cho cả lớp nghe. Mặt khác, mấy dòng ngắn ngủi tóm tắt không  thể hiện được hết nội dung của đoạn bị lược bỏ. Rét dữ dội, tuyết rơi. Trời đã tối hẳn. Đêm nay là đêm giao thừa. Mấy câu văn ngắn thôi nhưng chứa đựng bao nhiêu thông tin về hoàn cảnh của em bé. Trời đã tối mà em vẫn phải đi bán diêm. Đêm giao thừa mà em vẫn phải làm việc. Cái đêm ấy đâu chỉ có thế. Nó còn  rét dữ dội, tuyết rơi. Thế mà em bé đi bán diêm trong điều kiện đầu trần, chân đi đất. Đi đất trong cảnh rét dữ dội nên “ chân em đỏ ửng lên, rồi tím bầm lại vì rét”. Có thể nói rét dữ dội là cảm giác mạnh mẽ nhất ám ảnh em bé. Bởi thế nên em phải ngồi nép vào góc tường, rồi “Em thu đôi chân vào người, nhưng mỗi lúc em càng thấy rét buốt hơn”.  “Lúc này đôi bàn tay đã cứng đờ ra”. Và chúng ta sẽ không ngạc nhiên, khi ao ước đầu tiên của em bé là ao ước hơ ngón tay, và em bật diêm; mơ ước đầu tiên, ảo giác đầu tiên là ngồi bên lò sưởi.
          Một chi tiết không thể bỏ qua ở đoạn lược bỏ. Đó là chi tiết cậu bé nhặt được chiếc giày thứ hai của em : “Còn chiếc thứ hai,  một thằng bé lượm được, cười sằng sặc, đem tung lên trời. Nó còn nói to với em bé rằng nó sẽ giữ chiếc giầy để làm nôi cho con chó sau này!. Như vậy những người lớn
chẳng ai đoái hoài đến lời chào hàng của em”, họ vô tâm . Và ngay cả cậu bé bằng tuổi của em cũng vô tâm và vô tình đến tàn nhẫn. Cậu ta cười trên sự nghèo khổ và  rét mướt của bạn mình. Chính điều này nhắc nhớ về sự vô tình, vô cảm và lãnh đạm của một thế giới thiếu vắng tình thương của con người với con người. Và chính điều đó đã dẫn đến cái chết thương tâm của em bé đúng vào đêm giao thừa. Em đã chết rét và chết đói. An-đéc-xen đã kể câu chuyện cổ tích đó không chỉ cho các em, mà còn cho người lớn. Với các em, nhà văn nhân từ đã giảm bớt chất bi ai trong cái chết của cô bé bán diêm bằng cách miêu tả em bé chết “có đôi má hồng và đôi môi đang mỉm cười” và nhấn mạnh “những cái kì diệu em đã trông thấy, nhất là cảnh huy hoàng lúc hai bà cháu bay lên để đón lấy những niềm vui đầu năm”. Nhưng em bé đầu trần, đi chân đất “chân em đỏ ửng lên, rồi tím bầm lại vì rét”. “Lúc này đôi bàn tay đã cứng đờ ra”. Em bé đó chết vì đói và chết vì rét trong khi ngồi nép vào góc tường sẽ mãi mãi ám ảnh mọi người.

          Một chi tiết khác cũng rất cần khai thác đến nơi, đến chốn để thấy được điều gửi gắm sâu sắc của nhà văn. Đó là những lần quẹt diêm của em bé để sống trong ảo ảnh và mộng tưởng. Cứ mỗi lần quẹt một que diêm, em bé lại được sống trong thế giới mơ ước, thế giới mộng ảo. Những điều đó lần lượt hiện ra theo nhu cầu bức xúc của em. Không thể khác được, lần đầu tiên , que diêm phải giúp cho em hơ ngón tay của đôi bàn tay đã cứng đờ ra. Cái rét dữ dội phải được giải quyết trước, cho nên que diêm đầu tiên  mới đưa đến ảo giác về chiếc lò sưởi. Sau cái rét là chuyện cái đói. Que diêm thứ hai đưa đến cho em bàn ăn có con ngỗng quay “ngỗng ta nhảy ra khỏi đĩa và mang theo cả dao ăn, phóng sết, cắm trên lưng, tiến về phía em bé”. Sau cái đói rồi mới đến chuyện đồ chơi trên cây thông nô-en. Và sau cùng là ao ước được ở bên cạnh người bà hiền từ, nhân hậu. Chúng ta thấy các lần bật diêm lần lượt giải quyết được các nhu cầu của em bé. Rét ư ? Chỉ cần bật một que diêm là cái rét đã nhường chỗ cho lò sưởi. Đói ư? Chỉ cần bật một que diêm là đã có một bàn ăn. Vui chơi ư ? Chỉ cần một que diêm là đã có cả một cây thông. Nhưng tình cảm thì sao ? Em bật que diêm thứ nhất để gặp lại người bà hiền  hậu. Và sau đó “em quẹt tất cả những que diêm còn lại trong bao”. Rõ ràng em bé cần người bà biết bao. Và em cũng thiếu tình thương biết bao! Một xã hội toàn những người thờ ơ, lãnh đạm; từ những người lớn cho đến chú bé cùng lứa tuổi. Người thân duy nhất của em là ông bố thì em “luôn luôn nghe những lời mắng nhiếc, chửi rủa” và sự hăm doạ đòn roi : “em không thể  nào về nhà nếu không bán được ít bao diêm, hay không ai bố thí cho một đồng xu nào đem về; nhất định là cha em sẽ đánh em”. Người mẹ của em chỉ  được nhắc đến trong đôi giày vải rộng quá để lại cho em. Bởi thế mà em đã dùng cả một bao diêm để níu người bà ở lại. Vấn đề đặt ra là chuyện đói, rét, thiếu đồ chơi thì chỉ cần một que diêm là có thể tạm ổn. Nhưng thiếu tình cảm, muốn  có được tình cảm, em phải bật cả một bao diêm. Bật cho đến khi em không còn đủ sức, em lìa bỏ cõi đời này.
          Qua câu chuyện có màu sắc cổ tích cho trẻ em, An -đéc- xen đã kể một câu chuyện cho người lớn. Lãnh đạm, vô cảm và ích kỉ là thói tật tệ hại của loài người. Nó tồn tại không phải là trừu tượng, chung chung. Nó tồn tại ở ngay người thân thiết ruột thịt (cha em bé), ở những người cùng tuổi với em ( thằng bé lượm được chiếc giày), ở những người lớn quần áo ấm áp bận bịu với những niềm vui đầu nămHọ đã đẩy cô bé bán diêm tội nghiệp đến chỗ chết, đã không hiểu gì về những ước mơ của em khi đánh những que diêm
          An-đéc-xen đã kể không ít chuyện thần tiên, trong đó vẫn còn giữ nguyên những mô típ, những sự kì lạ hoang đường của thể loại với những tấm thảm bay, cái hòm bay, đôi giày hạnh phúc, phép thuật của mụ phù thủy, tiếng cười của Nữ thần băng giá Nhưng nhiều truyện của ông không hề có hơi hướng cổ tích, mà chỉ là “chuyện có thật”, “chuyện con nít” hay “một chuyện đau lòng”. Cô bé bán diêm chính là loại chuyện đau lòng đó.
          Nếu đoạn giữa của truyện khi em bé đánh diêm lên sưởi có phảng phất yếu tố kì diệu của truyện cổ tích, thì mở đầu và kết thúc câu chuyện hoàn toàn là chuyện đời thường. Nhà văn muốn nhấn mạnh yếu tố đời thường này, vì thế đã không kết thúc câu chuyện ở hình ảnh em bé bán diêm  bay lên cùng với người bà, mà bằng hình ảnh em bé chết trong ngày mồng một đầu năm
          Tác giả đã sử dụng biện pháp tương phản rất thành công: tương phản giữa mộng tưởng và thực tại, giữa bóng tối và ánh sáng; giữa rét mướt và ấm áp; giữa no ấm và và đói rét; giữa thân phận nhỏ bé đơn côi của em bé bất hạnh với thế giới con người lãnh đạm, vô cảm. Câu chuyện chỉ   đơn giản là chuyện em bé bán diêm không bán được diêm, không có ai  bố thí nên đã chết rét và chết đói trong đêm giao thừa. Nhưng ước vọng và cái chết của em mãi mãi lay động tình cảm của mọi  người.  Trẻ em bao giờ cũng ước ao được sống ấm no và trong tình cảm thân thiết của mọi người. Hãy  cảnh giác với sự vô tâm, vô cảm, thờ ơ của con người. Điều đó có thể dẫn đến tội ác…./.





















4 nhận xét:

  1. Bài viết thật sâu sắc và xúc động, làm cho người đọc hiểu được ý nghĩa đích thực của câu chuyện cổ tích này. Trên đất nước ta ngày nay, câu chuyện "Cô bé bán diêm" đang hàng ngày nhắc nhỡ chúng ta về sự vô cảm của thầy cô giáo đối với trẻ thơ đến trường, về nhà nước đối với những dân oan đang chờ vất vưởng tại các công viên thủ đô để chờ gửi đơn khiếu nại, về bác sĩ với bệnh nhân,...Thương thay, câu chuyện cách đây hơn 200 năm ở nước Đan Mạch lạnh giá thì nay ngày ngày đang diễn ra trước mắt chúng ta, một "Thiên Đường" của nhân loại. Nhưng có thầy cô giáo nào đứng trên bục giảng dám liên hệ với cuộc sống ở Việt Nam ngày nay không?

    Trả lờiXóa
  2. Bài viết thật sâu sắc và xúc động, làm cho người đọc hiểu được ý nghĩa đích thực của câu chuyện cổ tích này. Trên đất nước ta ngày nay, câu chuyện "Cô bé bán diêm" đang hàng ngày nhắc nhỡ chúng ta về sự vô cảm của thầy cô giáo đối với trẻ thơ đến trường, về nhà nước đối với những dân oan đang chờ vất vưởng tại các công viên thủ đô để chờ gửi đơn khiếu nại, về bác sĩ với bệnh nhân,...Thương thay, câu chuyện cách đây hơn 200 năm ở nước Đan Mạch lạnh giá thì nay ngày ngày đang diễn ra trước mắt chúng ta, một "Thiên Đường" của nhân loại. Nhưng có thầy cô giáo nào đứng trên bục giảng dám liên hệ với cuộc sống ở Việt Nam ngày nay không?

    Trả lờiXóa