Thứ Bảy, 19 tháng 10, 2013

NGƯỜI TRÈM ( tiếp theo và hết)


NGƯỜI TRÈM ( Tiếp theo và hết)
Đường Văn

3. DUYÊN ĐÃI NGOẠI

          Về điểm này, với các làng xã chung quanh và trong huyện, tôi không được tường. Nhưng với làng Trèm – xã Thụy Phương thân yêu của tôi, thì có thể nói 1 cách tự tin, chắc chắn mà không sợ mang tiếng kiêu căng, lộng ngôn, rằng: Truyền thống hiếu khách và cái duyên đãi ngoại của dân làng tôi không chỉ là một truyền thống lâu đời, một cái duyên tốt lành trời ban mà còn trở thành một trong những đặc điểm tính cách rất riêng, đầy hấp dẫn và bí ẩn của dân làng Lý Ông Trọng. Cái duyên trời cho ấy, phải chăng lại cũng bắt nguồn từ Đức Thánh Lý, chàng rể đầu tiên của hoàng đế Trung Hoa. Cô dâu nổi tiếng đầu tiên của làng Trèm, đất Việt chính là công chúa cành vàng lá ngọc Bạch Tĩnh cung người Hán phương Bắc. Từ đó đến nay, đã có biết bao nhiêu cô dâu từ khắp miền trong nước, ngoài nước, vì xuất giá tòng phu, yêu chồng, yêu cả giang san nhà chồng, mà gió đưa về Trèm sinh sống, trở thành con dân làng Trèm, sinh con đẻ cái, làm cho dân số làng Trèm ngày 1 thêm đông đúc, tự nguyện gánh vác và hòan thành mọi công việc tề gia nội trợ của nhà chồng, làm hài lòng không ít bà mẹ chồng, cô em chồng khắt khe, khó tính.
          Lạ một điều mà tôi, và không chỉ tôi, nghiệm thấy song chưa giải thích được cho thông, là: hình như các cô gái nơi khác khi mới về làm dâu lấy trai Trèm làm chồng thì nhan sắc cũng vừa vừa thôi, thậm chí chẳng có gì đáng để ý. Nhưng vài năm sau, khi đã có 1, 2 con, đã thành nái xề, nạ dòng, thì nếu nhìn kỹ, lại thấy đều thêm phần mặn mà, duyên dáng, xinh đẹp. Cái duyên đãi ngoại của làng Trèm cứ ngày mỗi hiện ra duyên dáng hơn, mặn mòi thêm, khéo léo hơn không chỉ từ nụ cười, làn da, mái tóc mà còn từ lời ăn, tiếng nói, nết ăn, nết ở kính trên, nhường dưới, tự mình tạo ra cái tiếng hiếu thảo, khôn ngoan, mộc mạc, đảm đang vén khéo và từ mẫu trong đạo làm con dâu, chị dâu, em dâu, làm vợ, làm mẹ trong mỗi gia đình mà đức thủy chung và trung thực nhân hậu của người phụ nữ làng Trèm truyền thống đã theo thời gian trở thành máu thịt, lặn sâu vào tâm hồn các cô, các chị, các bác, các bà từ thôn Đình, thôn Đồng  đến Đông Sen, Hồng Ngự qua các thôn mới Tân Nhuệ, Tân Phong, Cầu 7…Các cô con dâu nhà cụ B, cụ C, bà V, ông H… chẳng vậy ư? Vợ mấy ông bạn láng giềng của tôi chẳng như vậy ư? Kể cả bà xã nhà tôi, mấy cô em dâu tôi, cũng đều chẳng như vậy ư?...
          Ấy là nói về phụ nữ, dâu Trèm, gái Trèm. Với các chàng trai rể Trèm cũng theo quy luật ấy, cũng được hưởng cái duyên hiếu khách, đãi ngoại ấy. Từ tứ xứ đổ về đây mang theo tình yêu đắm đuối với các cô gái Trèm nết na, xinh xắn; nhiều chàng tự nguyện nhận quê vợ làm quê hương thứ hai của mình, mua đất (hoặc được cha mẹ vợ chia đất), vợ chồng con cái dựng cửa, làm nhà, xây cổng, đắp vườn, đào ao, trồng cây… chẳng bao năm đã trở thành cơ ngơi bề thế, khang trang. Chàng trai ngoại lạ lẫm ngày nào đã dường như hòa mình tuyệt đối với quê vợ mình, trong công việc làm ăn và tham gia các công tác địa phương…Anh trúng chân trưởng thôn, anh nhận nhiệm vụ xã đội trưởng, anh được bầu bí thư chi bộ Đảng, ông được dân cử làm vác lọng, gươm hầu, tổng cờ  rồi tiểu hiệu, đại hiệu, quan viên… trong ban Khánh tiết Lễ hội Đình Trèm (lệ xưa vẫn chỉ dành cho dân gốc làng chính cư ít nhất 3, 4 đời)… 30, 40, hơn nửa thế kỷ đã trôi qua… Dân ba làng không ai còn nhớ đến anh là dân ngụ cư nữa! Anh đã thành người Trèm tự khi nào không biết! Anh đã có thể cảm tác về làng Trèm sâu sắc chẳng kém chi mấy nhà thơ làng vốn dân gốc làng chính hiệu:

Đất Trèm sinh Lý Thánh Ông,
Thế Trèm: hùng vĩ Thăng Long, Nhĩ Hà;
Vị Trèm: Giò lụa tiếng xa,
Thơ Trèm thức tỉnh hồn ta: Hương Trèm!
(Đặng Quốc Việt)
          Dòng sông Hồng cuộn đỏ phù sa, khúc Nhĩ Hà quành vai bò, dọc bờ hữu Hồng từ dốc Ô Tô - Bến Ngự đến gần chùa Hoàng đã là nơi dừng chân neo đậu của bà con vạn chài ngược dòng từ Hưng Yên, Nam Định trên sông đánh cá mưu sinh. Đậu thuyền nghỉ qua đêm, rồi nhiều đêm, rồi tạm cất căn nhà bè nửa trên bờ, nửa dưới thuyền, rồi xin đất, cất hẳn căn nhà tranh nứa, nhà gạch dưới chân đê mé nước. Năm lại năm, số người cư ngụ  chốn đây đông dần. Có những đám cưới được tổ chức ở đó. Có không ít đứa trẻ đã ra đời ở đó. Xóm mới Tân Lập được hình thành bên đê hữu Hồng cũng đã gần thế kỷ rồi. Và mấy năm gần đây, để bảo vệ đê điều, dân xóm đánh cá ngụ cư này đã được cấp đất, di rời vào trong đê, nhập khẩu  thành cư dân thôn Đại  Đồng, cư ngụ trên khắp rẻo đồng trước chùa Hàm Long trong những ngôi nhà 3, 4 tầng mới xây, chẳng khác gì dân gốc Đại Đồng.
          Phía dưới cánh đồng đồng, bên kia Cầu Sông, diễn ra quá trình hình thành thôn Tân Phong cũng vậy. Đó là sự hòa nhập với một số hộ dân xã Thượng Cát, Liên Mạc, công nhân, cán bộ viện Chăn nuôi với dân ấp 2, 3, 4 sở tại. Thôn Tân Nhuệ là sự kết hợp giữa dân gốc làng với dân công nhân, cán bộ nhà máy cơ khí, Bê tông. Thôn Cầu 7 vẫn giữ nguyên tên từ Công ty cầu 7 thuộc Tổng công ty xây dựng cầu Thăng Long gồm hầu hết các gia đình công nhân, cán bộ xây dựng cầu từ những năm 70 thế kỷ trước. Cầu xây xong, chủ nhà tiếp tục đi xây cầu khác. Nhưng gia đình, cha mẹ, vợ con thì ở lại, sinh sống và làm ăn lâu dài trên đất Trèm, với dân Trèm trong tình đoàn kết gắn bó, thuận hòa, yêu thương, đùm bọc.
          Phải chăng đó chính là cái duyên hiếu khách - đãi ngoại của làng Trèm? Duyên ấy bắt nguồn từ thổ ngơi điạ linh, từ thế đất cao mà thoáng, nằm ngay nơi ngã ba sông, trên bến dưới thuyền, một trọng điểm giao thông quan trọng của Thủ đô Hà Nội, hay từ nền móng tinh hoa văn hiến nhân kiệt của một làng cổ truyền thống trải hơn hai ngàn năm sinh thành, phát triển? Có lẽ từ cả hai. Mong rằng, trong tương lai, truyền thống ấy sẽ càng ngày càng thêm đằm thắm, chắc bền và mở mang trong hoàn cảnh kinh tế tri thức toàn cầu hội nhập và hòa nhập hiện đại, văn minh.
          Viết đến đây, bỗng lại nhớ tới hình ảnh và câu chuyện nụ cười đãi khách của bố tôi và những lời Người thường hay khuyên nhủ vợ con:
          - Có mất gì tiếng cười, hẹp chi tiếng cười! Cụ Nguyễn Du chẳng từng dạy: Nghìn vàng mua lấy nụ cười, đó sao?! Trong câu chuyện giao đãi với khách, khi tiếp khách, dù khách lạ hay khách quen, vẫn thường sử dụng tiếng cười như một lợi khí ngoại giao rất hữu hiệu và uyển chuyển. Tiếng cười rất ròn, rất vang như tấm lòng chủ nhà rộng mở; nhưng cũng có khi đó là tiếng cười ẩn chứa sự ngần ngừ, phân vân hoặc lúng túng, cần thêm thời gian nghĩ suy, tính toán nữa rồi mới có thể quyết định. Khi tràng cười vừa chấm dứt thì quyết định dứt khoát cũng đã định. Có khi đó chỉ là tiếng cười xã giao nhè nhẹ, hời hợt nhưng lịch sự để tiễn khách ra cổng. Nhưng cũng có khi chỉ là nụ cười mủm mỉm cùng với cái gật đầu hài lòng là mọi việc đã xong… Muốn gì thì gì, đó vẫn phải là tiếng chân cười bình tĩnh, chân thành, cởi mở, thân thiện và tin tưởng mỗi khi khách đến chơi nhà hoặc mỗi khi mình làm khách ở nơi khác, nhà người khác. Nhưng đó không nên và không thể như tiếng cười đa nghi, nham hiểm của Tào Mạnh Đức trong Tam Quốc.
          Tôi học cả đời vẫn chưa xong tiếng cười đãi khách lắm vẻ của ông; còn hình như bà vợ tôi quê mãi tận dưới Ô Đống Mác, quận Hai Bà Trưng Hà Nội, thì đã học được một phần trong quan hệ khu xử với khách bạn tới thăm. Bà rất tự hào về điều đó.
4.     NGƯỜI TRÈM
KHÔNG THÈM NÓI PHÉT!

             Đây là câu nói vần cửa miệng từng lưu hành rộng rãi ở vùng Trèm – Vẽ quê tôi vào những năm 60 - 70 – 80 – 90 thế kỷ trước. Người sáng tác ra nó là một nhà thơ nghiệp dư quê mùa gốc Trèm chính hiệu: Ông Nguyễn Thiên Tú, thôn Đồng. Câu nói vần buột ra từ miệng ông Tú trong lúc ông đang nhanh tay kéo cắt tóc, giúi đầu người kể đã bao phen! được nhiều người hưởng ứng, đã dần dần thành truyền ngôn khoái khẩu của người dân Trèm, được sử dụng rộng rãi trong nhiều hoàn cảnh, tình huống giao tiếp khác nhau một cách thú vị. Từ ý nghĩa đầu tiên là niềm tự hào về tính trung thực, chân chất, mộc mạc, thật thà, không biết làm gian, nói dối mà chân chỉ hạt bột, thậm chí vụng về, thô mộc trong ứng xử, giao đãi trong, ngoài, một ưu điểm quan trọng về phẩm chất tính cách dân Trèm…Theo thời gian, trong thực tế sử dụng và nhận xét, câu truyền ngôn lại có xu hướng ẩn tàng, lấp lóe, ngày càng hiển lộ rõ nét nghĩa bóng phản nghĩa mới: đó là: Không thèm nói phét! Nhưng khi cần thì lại rất thích nói phét, nói quá, thậm chí nói dối và nói phét, nói quá rất giỏi. Nói như ngôn ngữ chợ búa đường phố bây giờ: chém gió rất nghề! Giỏi và thích tinh vi, tinh tướng uốn ba tấc lưỡi khoe tài, khoe giỏi để lòe, trộ người khác, nhất là người mới đến, mới quen. Dẫn chứng chuyện này rất phổ biến và dễ dàng. Tất nhiên, cái tài ăn nói này của dân Trèm cũng chưa đọ được với dân mấy làng nổi danh cả nước về tài nói khoác. Dân  Trèm cũng chưa có ai sánh được với chú Trạng Lợn hay bác Ba Phi cả đời chuyên nghề nói trạng, nói dóc. Nhưng ba hoa, bốc phét 1 tấc đến trời, nói như sẻ cửa, san nhà mà thực bụng thì lại chặt chẽ, nghiệt ngã như lỗ kim. Tưởng như chuyện gì cũng biết, cái gì cũng hay, đến chỗ coi thường người đối thoại, chỉ cho mình là nhất, là đúng. Không ít cụ, ít ông, bà mượn thêm chén rượu để nói năng càn rỡ, chửi người, chửi đời vung vít, bạt mạng, bất cần; nhưng nếu nhìn duới chân mình thì thối nát, hủ lậu, dốt nát bề bề, thùng rỗng kêu to, khác chi ếch gồi đáy giếng. Người nói traị tên huyện Từ Liêm (gốc cổ từ tên làng Trèm) thành Từ Lừa một cách thích thú, độc địa thì chỉ có cụ B thôn Hồng!  BS vốn là dân ngụ cư, một thợ xây khéo tay nhưng bẩn tính và máu gái, thì ai cũng phải nể. Thích làm thầy thiên hạ, chỉ tay năm ngón nhưng cò kè, bủn xỉn, không có lượng bao dung kẻ dưới nên nhóm thợ do gã chỉ huy tan dần. Còn trơ lại ông chủ không quân. Gã lại đành đi làm thuê cho các chủ khác cũng không đắt. Cuối đời, gã đàn ông lèm bèm ấy cũng lại sa vào rượu chè, gái gú, bỏ mặc vợ con và chết yểu ở cái tuổi ngoài 40 vì K gan! Du di thì lúc nào cũng say, lúc nào cũng mặt vác lên trời, lừ khừ, liêu xiêu vừa đi trong ngõ vừa lảm nhảm những câu gì chỉ riêng hắn hiểu. Gã bán vườn, bán nhà, bán sân. Từng miếng, từng miếng cứ lần lượt biến thành chai lớn chai nhỏ đổ vào họng ừng ực từng chén cay trong suốt. Kệ đời! Trẻ con trong ngõ vừa sợ và thích hắn. Vì hắn say suốt, nói lăng nhăng, lè nhè nhưng tình hiền và quý trẻ con. Thế mới lạ! Mấy gã đàn em Chí Phèo ấy thỉnh thoảng lại thấy thấp thoáng đây đó ở các đường ngõ làng Trèm, tô đậm thêm cái tính hay phét lác của 1 bộ phận dân làng. Chuyện ấy, loại người ấy cũng không phải quá cá biệt so với các làng khác! Điều tôi muốn nói là tính xấu này vẫn có nguy cơ tồn tại lâu dài và phát triển ngày càng sâu rộng trong cư dân, từ trẻ đến già, nếu như không đươc cảnh báo, ngăn chặn, phê phán đúng mức, từ mỗi gia đình đến từng thôn, xã, tạo thành một luồng dư luận xã hội lành mạnh và mạnh mẽ phản ứng lại một cách rộng rãi và thường xuyên.
             Nhưng công bằng mà nói, những anh Chí già, trẻ hay nhuôm nhuôm của làng Trèm từng sống và chết hơn nửa thế kỷ qua, những lão Lu, bố Cu,  thằng Du, những bà Hi, chị Vi, cô (con) Chi…nhìn chung cũng chỉ là những kẻ bất đắc chí tầm tầm, nhỏ bé. Dù say mấy cũng không đủ gan gây tội ác, làm những việc kinh thiên động địa mà chung quy vẫn chỉ là những kẻ dở dở hâm hâm, gàn bát sách, ở, ăn bẩn  thỉu, luộm thuộm kinh người. Họ cũng chưa gây tội lỗi, tác hại gì to lớn cho dân làng, ngoài mấy trò trộm cắp lặt vặt, ăn quỵt, xù nợ chầy cối những món nợ còm. Họ chỉ thích, chỉ giỏi ba hoa, phét lác, tinh vi, tinh tướng hão huyền và tham ăn, lầy là, khó chịu…
             Lại có những ông, và cả những bà, xét về mọi mặt đời sống tinh thần cũng như vật chất, năng lực, khả năng cũng như tiềm lăng, đều chẳng hơn gì người khác; nhưng cứ luôn luôn tự phồng bụng da trắng hếu của đại vương ếch cốm mà ồm ộp, ồm ộp, loạn cả giếng lên, tự cho mình cái gì cũng biết, cũng tường, cũng thấu thị, khải thị! Kinh luân 1 bụng đầy ứ!… Song thực chất cũng chỉ là 1 kiểu thùng rỗng kêu to, kiến thức thì cóc nhảy, lỗ mỗ, chắp vá; lại dẻo miệng, cả tiếng, múa lưỡi chê hết thảy mọi người chẳng biết gì; chỉ vào loại nhái bén, chẫu chuộc hay cua đồng, thâm chí đòng đong, cân cấn…! Có điều là ông (bà) ấy không thích hoặc không đủ bản lĩnh, nội lực ra mặt thẳng thắn công khai luận bàn, tranh luận nghiêm túc với người mà chỉ thích và sành nghề ném đá giấu tay bằng những chiêu khuất tất và ti tiện. Vậy nhưng họ vẫn cứ nhâng nhâng tự cho mình là người duy nhất nắm vững và ban phát chân lý cho cộng đồng, bất kể là ai!… Tôi cho rằng đại vương ếch cốm thật đáng thương và đáng ghét. Vừa ra khỏi lòng giếng đã bị trâu giẫm bẹp, là đáng đời, đáng kiếp! Chết mà không biết vì sao phải chết! Vẫn chết trong niềm tự mãn, tư kiêu đến ngông cuồng vô lối và cực ngu xuẩn! Thời nào và ở đâu chẳng nảy nòi ra những gã ếch cốm các kiểu, các cỡ như 1 loài nấm yêu  nhân sặc sỡ mà độc hại vô cùng. Chao ôi! Ai tai! Tôi quả thực kinh sợ, thực không muốn dây với những cụ ếch cốm, cụ kỳ nhông ấy. Chỉ mất thời giờ và làm cho đầu óc mình thêm bực mình, và ngu đi, xấu đi!!!
              Nhưng hình như trên địạ bàn cư dân quanh vùng, làng nào, thôn nào, thời nào cũng thường nảy ra một vài gã quái nhân như thế!

5.     TÔNG (TRÔNG) HỔNG
NHƯ CỔNG LÀNG TRÈM!

             Câu này là truyền ngôn thực sự; không rõ xuất hiện và lưu truyền từ đâu và bao giờ? Chỉ biết khi tôi lớn lên đã thi thoảng lại được nghe từ những câu chuyện thường nhật trong gia đình, hoặc ngoài đường làng, trên cánh đồng, giữa câu chuyện lan man của bà con dân làng vui tính. Thực ra, câu đó không chỉ nói về những cái cổng các loại của làng từ sau hồi CCRD đã bị dân quân, du kích và những bà con nông dân quá hăng hái, tích cực phá sạch! Từ ấy, đường vào làng, vào xóm cứ trống tềnh trống toàng đến mức một cơn gió chiều, gió sớm, dù nhè nhẹ, hiu hiu cũng đủ thổi một mạch từ chân bờ đê Dốc Đá cho tới tận cổng Chùa và ngược lại, từ ao Sen lên tới dốc Bến Ngự, Ô Tô… Nghĩa đen, đương nhiên là thế. Còn nghĩa bóng mới là chính. Đó là tính tò mò, thích nghe chuyện, hóng chuyện, đón chuyện, đưa chuyện của một số ông bà, cô bác, anh chị em làng ta. Tính tò mò hơi bị phát triển, dễ biến thành sự tọc mạch, thóc mách quá giới hạn không cần thiết và không nên, không những chẳng có ích gì cho cả người nói và người nghe mà còn có khi gây ra sự hiểu lầm, phiền toái, làm phức tạp hóa hoặc hiểu sai vấn đề. Rồi vô hình trung, biến thành lời đồn, dư luận chung chung, dai dẳng mà mù mờ, đầy nghi ngại. Người làng ta bảo thế… Nghe ngoài chợ Vẽ, người ta kháo nhau vậy, … Họ bàn ran cả cánh đồng lên kia kìa!…Thật là tai hại, thậm chí nguy hiểm chết người có khi lại xuất phát từ những câu đồn thổi vu vơ cửa miệng ấy! Từ những chuyện không đâu vào đâu, rơm mớ, đầu đường xó chợ, 1 phần sự thật, 9 phần bịa đặt, cố ý hoặc vô tình tô vẽ, cho mắm muối thêm ly kỳ, cốt hấp dẫn người nghe, có khi vô tình lại thành câu chuyện ác ý, xoi mói, rỉ rả về 1 ai đó, 1 gia đình nào đó ở thôn này, xóm nọ. Nhưng khi tìm hiểu nghiêm túc, cặn kẽ thì hoàn toàn không phải như vậy! Quả nhiên, Trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã tường! Cái thói ốc đi bằng miệng, bô lô ba la cộng với tính tò mò thái quá, thích đóng vai người thông thạo, cái gì cũng biết, chuyện gì trong làng cũng tỏ, đã thành cái vạ miệng, vạ thật đối với một số vụ việc cười ra nước mắt!...
             Phải chăng, đó cũng là một tính xấu, một nhược điểm nho nhỏ trong tính cách  của người Trèm vẫn tồn tại dai dẳng từ xưa đến nay, mà thực tế vẫn chưa có giải pháp nào hữu hiệu để điều trị tận gốc!

***

             Trở lên, mới chỉ là mấy nét phác họa hết sức chủ quan về một vài điểm đặc trưng nổi bật, cả chỗ mạnh, chỗ yếu, cả mặt phải, mặt trái trong truyền thống văn hóa làng Trèm và tính cách của người Trèm, qua cái nhìn và quan niệm của chúng tôi. Chưa biết đúng, sai, thiếu, đủ đến đâu! Kính mong được các thức giả Trèm học, các bậc cao niên và bạn đọc cùng quan tâm trao đổi, bàn bạc, bổ sung thêm cho tường tận và chuẩn xác, cân mực; ngõ hầu đóng góp hữu hiệu vào một trong những nhiệm vụ chính trị trọng đại đang được xúc tiến rộng khắp 7 thôn của làng:
             Thực hiện thành công Đề án xây dựng nông thôn văn hóa mới, xây dựng làng Trèm – xã Thụy Phương trở thành làng – đô thị văn minh và hiện đại trong nửa đầu thế kỷ 21./.


Tháng 7 – 8 – 10 – 2013
Đường Văn


·        Đọc bài: Lý Thánh Ông với truyền thống văn hóa làng Trèm của cụ Nguyễn Văn Mãn, trong  Hương Chèm – Tuyển tập Văn nghệ (2012 – 2013); tr. 321 – 323).
·        Đọc tham khảo sách: Lịch sử cách mạng xã Thụy Phương (1935 – 2012); NXB Hà Nội, 2013.


1 nhận xét:

  1. Một bài tản văn công phu, thú vị. Phải là người yêu quý, tự hào về làng Trèm không kém tí nào so với ông Hai trong truyện Làng của nhà văn Kim Lân mới có thể viết ra những dòng như vậy. Không biết làng TRÈM có theo phong cách thành phố Hà Nội vinh danh công dân danh dự hay không? Nếu có, tôi nghĩ Đường Văn xứng đáng được công nhận là CÔNG DÂN DANH DỰ của làng TRÈM!

    Trả lờiXóa