Thứ Sáu, 6 tháng 3, 2015

TÒM TEM ...THÌ...TÒM!


TÒM TEM… THÌ… TÒM!...
                                                                                    
                                                                             ĐƯỜNG VĂN
Đang khi lửa tắt, cơm sôi,
Lợn kêu, con khóc, chồng đòi tòm tem!?
Bây giờ, lửa đã cháy lên,
Lợn no, con nín, tòm tem… thì… tòm!
                                                                                     (Ca dao)

Người Việt Nam ta, mấy ai không biết bài ca dao vui nổi tiếng này? Vậy nhưng, 2 cặp lục bát dân gian ấy vui, hóm ở chỗ nào?
Tôi nghĩ, trước hết, nó tạo được 2 tình huống nghệ thuật trữ tình – kịch thăng hoa từ thực tế cuộc sống phổ biến của các gia đình nông dân Việt Nam tự ngàn xưa cho tới nay, đã, đang và sẽ còn có thể xảy ra như thế…! Qua đó, nói lên truyền thống và tinh thần vén khéo, đảm đang, tháo vát chăm lo việc nhà, thương chồng, yêu con, chịu thương, chịu khó, lạc quan yêu đời, vui sống của những người vợ, người mẹ, người phụ nữ Việt Nam. Nói lên bằng lời lẽ, hình ảnh dân gian quen thuộc, giản phác, hóm hỉnh và đầy bất ngờ, thú vị theo lối tạo đối xứng các sự việc, chi tiết và nối tiếp theo dòng mạch thời gian sinh hoạt gia đình nông thôn.


Tình tuống thứ nhất: (2 câu đầu).
Điều đáng nói là các sự việc đồng thời xảy ra, đều đòi hỏi cô chủ nhà - nội tướng -  phải xử lý gấp, khẩn trương và dứt điểm mau mắn, không được phép trì hoãn hay rề rà, đủng đỉnh. Nhịp thơ cũng theo đó cắt nhỏ từng đôi 2/2/ như muốn thôi thúc, giục giã cách xử lý kịp thời. Đầu tiên là sự cố cơm đang sôi thì lửa tắt (có thể vì đun củi hoặc đun rơm, rạ, lá khô nên nước sôi mạnh, dào ra làm tắt bếp?!) không gầy, chụm, khêu lại nhanh chóng thì nhất định nồi cơm nấu dở sẽ trương (chương), khê, sống hoặc nhão nhoét; ai ăn được đây?! Còn đang loay hoay chổng mông, chổng tỹ phì phò thổi bếp, cố cho ngọn lửa bùng lên thì nơi đầu hồi, tiếng lợn kêu eng éc, tiếng húc máng lệch kệch, vì đến bữa mà lũ ngốc này chưa được vục mõm vào nồi cám,… càng làm rối ruột người đàn bà trẻ. Hòa với tiếng lợn kêu là tiếng thằng cu (con hĩm) mới già 1 tuổi đang lẫm chẫm từ ngoài hiên đi vào, vừa đi vừa khóc kèo nhèo đòi ti! Có họa 3, 4 tay, 3, 4 chân… may ra mới giải quyết thỏa mãn được 3 sự vụ rắc rối, oái oăm này! Người mẹ trẻ còn đang ra sức, mặt mũi đỏ bừng thổi lửa, vừa dứt hơi, lại à ơi ru dỗ con nín và đành tạm bỏ ngoài tai tiếng kêu réo, giục giã của đàn heo háu đói. Chưa hết! Anh chồng rỗi việc, tí tởn chơi đâu đó chợt mò về. Gã đàn ông ngà ngà hơi men, rực mỡ, lại sán đến ôm choàng lấy, ghé sát cái miệng nồng hơi men vào má lào thào:   
- Này! làm tí chứ! mẹ cu?!
-         Rõ của nợ! đang chết dở đây mà còn dửng mỡ!? Lui ra! Không thấy con nó đang khóc nhè đó sao?
Người vợ đảm búi việc vừa khẽ gắt vừa cố đẩy lùi anh chàng máu dê cà chớn! Từ láy tòm tem cuối câu được dùng thật đắt, thật hóm, diễn tả thật gợi cơn hứng tình bất chợt của anh chồng đương sức, khi nhìn thấy cô vợ đang bấn bíu việc nhà. Lạ sao, càng bấn bíu, bận rộn, cô nàng càng hồng hồng đôi má, mồ hôi lấm tấm trên khuôn mặt đỏ au, càng trở nên hấp dẫn, khêu gợi cái nhu cầu tứ khoái ngọa sơn (dân gian giải thích từ ngọa sơn: nằm ngủ trên núi à ngáy đèo à đéo ngày!)… mới chết người chứ!… Và anh ta lập tức ào đến, đòi vợ chiều, cho được thỏa mãn dục vọng ích kỷ đang sôi réo lên trong lòng!... bất chấp hoàn cảnh rối mù, bận bịu của vợ.
Mâu thuẫn trong tình huống sinh hoạt đời thường này, càng đọc, càng thấy hiện lên dồn dập. Tính hài hước, tính kịch, từ chỗ thấp thoáng, càng lúc càng rõ, đậm. Đến chi tiết chồng đòi tòm tem thì cơ hồ đã lên tới đỉnh điểm cao trào. Người mẹ thương con, người vợ đảm yêu chồng, người đàn bà trẻ một con (Gái một con trông mòn con mắt. (Tục ngữ) sẽ giải bài toán với 4 câu hỏi hóc búa như thế nào đây?! Đúng là dở khóc, dở cười! Tuy nhiên, theo ý tôi, nếu như bài ca dao dừng lại ở 2 câu này thì cũng đã hay lắm, hài lắm, lý thú lắm rồi! Trong thực tế muôn mặt cuộc sống đời thường, có thể người đàn bà ấy sẽ lúng túng, bực bội, bẳn gắt chồng, có thể than trời, trách đất, oán cái vận số của mình:
 - Sao cái số tôi nó lại cực đến thế này…?! Chồng với chả con!
Nhưng ở đây, tác giả dân gian lại cố ý và khéo léo đẩy tiếp sang tình huống thứ hai một cách rất chi gọn gàng, tự nhiên, nhanh chóng.
Trong phút chốc, chị đã tháo gỡ dứt điểm từng nút một: đầu tiên là khêu bùng ngọn lửa khiến nồi cơm lại đang sôi ùng ục, tỏa hơi gạo mới thơm lừng. Rồi mau mắn xách xô cám ra chuồng cho lợn ăn. Chỉ còn nghe tiếng mấy mẹ con nái sề tồm tộp hốc máng cám bèo cái nhừ nhuyễn, nóng hôi hổi. Mấy cái đuôi ngắn ngủn cứ thi nhau ngoáy tít, hả hê, sung sướng. Còn thằng cu Tý lũn tũn sà ngay vào lòng mẹ, quờ tay vạch vú, vừa bú chun chút như chó con rồi dim mắt thiu thiu, tay kia vẫn vân vê đầu tí bên trái làm người mẹ trẻ chốc chốc lại cười nức lên vì buồn. Mọi việc bối rối canh hẹ, giờ đã ổn thỏa. Người vợ mới đánh mắt sang anh chồng vẫn đang ngồi xổm chờ đợi bên cạnh:
              - Xong rồi! Nào bố cu? Có muốn tòm tem một tí thì … tòm… đi!
Tôi hình dung mấy tiếng cuối cùng, chị nói khe khẽ, giọng nhanh và dịu, ánh mắt nhìn chồng kéo đuôi đong đưa, lung liếng. Người vợ nông dân Việt Nam cao quý, rộng lượng, nổi tiếng thương con, chiều chồng là ở đây chứ còn ở đâu! 2 tiếng cuối cùng; thì tòm! mới dân dã, giản dị và đáng yêu làm sao! Tiếng tòm tách ra từ tòm tem vốn mang nghĩa gái trai, đàn ông đàn bà nghịch ngợm, giấu diếm, vụng trộm làm cái chuyện đực - cái giao hoan, giờ thêm nghĩa tượng thanh (động từ đơn): tòm 1 cái, nhanh gọn, như lời vợ thúc giục gã đàn ông cần tranh thủ một nhoáng thôi; vì công việc nhà nông, chơi ít làm nhiều, nhà còn bao nhiêu là việc ngổn ngang ra đấy, có làm gì (tòm) thì làm nhẩu nhẩu lên, con nó lại thức dậy bây giờ thì… hết chuyện!!!
Cái gia đình nhỏ nhỏ làm ruộng này thật hạnh phúc! Một hạnh phúc ríu rít cò con thôi, nhưng lành, khỏe, tươi nhuần trong cuộc sống lao động cần cù và bình yên mà người vợ - người đàn bà nội tướng – chính là người gây dựng và ban phát, đem niềm vui cho chồng con và cho chính bản thân mình.
Mỗi lần đọc lạị bài ca dao vui, độc đáo này, tôi cứ buồn cười một mình và mơ màng: giá như cả hai vợ chồng lão U70 này được trẻ lại ba, bốn chục tuổi để cùng ôn nghèo nhớ khổ, tòm một phát… xem sao?!

Chiều tối mưa rét, 14 – 2 – 2015. 26 tháng chạp Giáp Ngọ. ĐV  




3 nhận xét:

  1. He he he...Quả thật là bài ca dao này đọc thấy kịch tính và rất buồn cười. Buồn cười nhất là cái anh chồng...chẳng giúp vợ GIẢI QUYẾT tình huống. Không giỏi nấu nướng, vụng dỗ con thì...sao không thể cho lợn ăn? Nhưng mà anh ta...lại thêm một yêu cầu đòi được giải quyết NGAY. Cơm không biết nói, nhưng ĐÒI phải tiếp lửa kẻo gạo trương. Lợn ĐÒI ăn, con ĐÒI bú. Anh chổng rửng mỡ ĐÒI giải quyết sinh lí ( tòm tem). Có chê cái anh chồng đoản vị đấy. Nhưng anh ta càng đoảng thì lại càng tôn thêm cái đảm, cái kheo, cái nhanh của người vợ... Chả biết ông ĐV có đủ sức TÒM không mà mơ màng. Thôi thì ít nhất còn "oánh" được võ...mồm, cũng oách rồi!

    Trả lờiXóa
  2. Đọc câu này lâu rồi lại đọc nhiều lần nữa, nay được bác Đường Văn phanh phui dẫn giải ra mới thấy thú vị, Tòm tem là gạ gẫm chuyện tình dục, nhưng nếu thay tòm tem bằng gạ gẫm thì bốn câu này không còn hài hước nữa. Cái tiếng Việt mình thiệt hay. Bốn câu lục bát hài hước, cách phân tích của bác ĐV lại hài hước nữa (nhất là khi bác chú giải từ ngọa sơn) làm người đọc không thể nhịn cười. Bác Vũ Nho động viên ông ĐV nghe thiệt tình mà cũng xót xa lắm."Thôi thì ít nhất còn "oánh" được võ...mồm, cũng oách rồi! "

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bác Bu đã chia sẻ với bài viết của bác Đường Văn và lời còm...chọc ghẹo của tôi!

      Xóa