Thứ Tư, 15 tháng 4, 2015

HIỆN TƯỢNG CA DAO TIẾP BIẾN - ĐỒNG HÓA THƠ, NGHĨ TỪ BÀI MÂY VÀ BÔNG CỦA NGÔ VĂN PHÚ



HIỆN TƯỢNG CA DAO

TIẾP BIẾN - ĐỒNG HÓA THƠ,

NGHĨ TỪ BÀI MÂY VÀ BÔNG CỦA NGÔ VĂN PHÚ

Tặng cô giáo HQ, trường THCS CVA QTH, HN

ĐƯỜNG VĂN

          Hiện tượng văn học lý thú này đã có từ lâu và thi thoảng lại xảy ra trong đời sống văn nghệ cũng như trong dân gian. Nó đem lại bao nhiêu ngạc nhiên, bất ngờ, thú vị cho người đọc (nghe). Chẳng hạn, từ khoảng thế kỷ 19, những câu thơ lục bát mượt mà, đài các, uyên ảo của cụ nghè Vân Đình Dương Khuê (bạn thân cụ Tam Nguyên Nguyễn Khuyến) hay là của cụ Á Nam Trần Tuấn Khải (?!):
Gió đưa cành trúc la đà…
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ.
đã lặng lẽ nhập vào kho tàng ca dao Hà Nội một cách hết sức ngọt ngào. Bài ca dao cổ: Cày đồng đang buổi ban trưa… Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần, theo nhà phê bình thơ trứ danh Hoài Thanh, lại là 1 bản dịch thơ lục bát của một nhà thơ Việt Nam nào đó, chuyển mã ngôn ngữ một bài thơ Đường luật ngũ ngôn của Lý Thương Ẩn (Trung Quốc) từ cách đó cả ngàn năm! Đến những năm 30 – 40, thế kỷ 20, hai câu ca dao giao duyên nổi tiếng tình tứ, ỡm ờ:
Hỡi cô tát nước bên đàng!
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi?!

Hóa ra vốn là 2 câu trong 1 bài thơ khá dài của nhà Thơ Mới quê Bắc Giang: Bàng Bá Lân. Vào khoảng những năm 1945 – 1946 – 1947, hai câu thơ tuyệt bút mà cực kỳ giản dị của nhà thơ Nam Bộ Bảo Định Giang: Tháp Mười đẹp nhứt bông sen/Nước Nam đẹp nhứt có tên Cụ Hồ đã trở thành hai câu ca dao Nam Bộ lưu truyền trong dân gian rộng rãi khắp lục tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, 12 tỉnh lưu vực sông Đồng Nai…, ra miền Trung, miền Bắc, rồi mau chóng trở thành một trong những bài ca dao mới hay nhất, đẹp nhất, ân tình nhất tụng ca đất nước Việt Nam, con người Việt Nam bằng 2 hình ảnh hiện thực - biểu tượng: hoa sen Đồng Tháp MườiChủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại:
Tháp Mười đẹp nhất hoa sen!
Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ!
          Rất nhiều bà mẹ nông dân Việt Nam ở cả 3 miền ru con, ru cháu bằng câu thơ Tố Hữu:
Bầm ra ruộng cấy bầm run,
Chân lội dười bùn, tay cấy mạ non…
Mạ non, bầm cấy mấy đon,
Ruột gan bầm lại thương con mấy lần!
                                                                                           (Bầm ơi! 1947)
          mà cứ ngỡ mình đang ru trẻ bằng ca dao thứ thiệt!...
          Bất kỳ nhà thơ Việt Nam nào, dù tiếng tăm lừng lẫy đến đâu hay chưa kịp xây dựng được thương hiệu cho mình mà may mắn một lần được dân gian để mắt tới thơ mình, rồi nhập nó vào kho tàng ca dao dân gian dân tộc, đem truyền miệng khắp nơi, thì quả là một hạnh phúc vô bờ, suốt đời không dám mơ! Ở nước ta: Nguyễn Du, Tản Đà, Nguyễn Bính, Tố Hữu, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Duy, Đồng Đức Bốn, Phạm Công Trứ… là những nhà thơ được Trời ban cho ít nhiều niềm vinh hạnh vô cùng lớn lao ấy. ..

          Ngô Văn Phú, từ năm 1961, khi vừa tốt nghiệp khoa Văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, với bài thơ lục bát 4 câu Mây và bông, thuộc loại đầu tay, trình làng văn nghệ, lạ kỳ thay, cũng được lọt vào mắt xanh của người đọc – nghệ sỹ dân gian. Chẳng bao lâu sau, cả ngàn, vạn, triệu người đọc Việt Nam, ngay cả ở vùng trung du Vĩnh Phúc (quê hương tác giả) cũng quên luôn họ tên người viết. Người ta cứ đinh ninh rằng đó là 1 bài ca dao Bắc bộ thứ thiệt; mà tác giả của nó, hiển nhiên phải là tập thể nhân dân lao động nghèo khổ, cần cù và thông minh. Bài thơ đã nằm trong (thuộc về) quy luật đồng hóatiếp biến của văn học dân gian (ca dao). Trong 1 thời gian (có thể dài, ngắn khác nhau, một vài tháng hoặc vài năm gì đó…) tập thể nhân dân đã kịp xóa tên tác giả hữu danh có thực khỏi trí nhớ và sự tò mò của người đọc, biến nó trở thành sáng tác của tập thể nhân dân lao động, đem truyền miệng khắp nơi nơi. Trong quá trình giao lưu, truyền bá ấy, một số người đọc (nghe) lại tự ý gia công sửa chữa, thêm thắt 1 vài từ ngữ, hình ảnh theo ý mình thành những dị bản khác nhau (đại đồng tiểu dị). Chẳng hạn:
Trên trời, mây trắng như (tựa) bông,
Ở (bên, phía) dưới, cánh đồng: bông trắng như (tựa) mây.
Ba (có, những, dăm, mấy) cô má đỏ hây hây,*
Đội bông như thể (chẳng khác) đội mây về (vào) làng.
          Mãi về sau này, nhà thơ – nhà văn – nhà báo Ngô Văn Phú mới được biết câu chuyện hi hữu này. Và ông chỉ còn biết rưng rưng cảm động tạ ơn Trời - Phật đã rộng rãi ban cho mình một ân sủng duy nhất, ngoài sức tưởng tượng.

          Nhưng vì sao Mây và bông cũng như một số ít bài thơ có tên tuổi đã dẫn trên (trong số cả triệu bài thơ lục bát trữ tình dân tộc) lại được nhân dân đặc biệt ưu ái và đồng hóa - tiếp biến, làm thủ tục cho nhập tịch làng ca dao dân gian Việt? Theo sự tìm hiểu còn hạn hẹp của kẻ viết bài này, có thể xuất phát từ tổng hợp những nguyên nhân – 4 sự đồng điệu sau:

1.     Đồng điệu cao về đề tài, chủ đề tư tưởng, đặc biệt là tình cảm, cảm xúc, cảm hứng
     Ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên (mây trắng trên trời xanh), kết quả lao động cần cù của con người (cánh đồng bông trắng xóa), vẻ đẹp con người (thiếu nữ): (má đỏ hây hây) trong lao động nông nghiệp: thu hoạch bông (đội bông về làng); qua đó, thể hiện tinh thần lạc quan, yêu đời, yêu người, quý trọng thành quả lao động… Thi vị hóa, nên thơ hóa, lãng mạn hóa vẻ đẹp của thiên nhiên, con người, lao động…
     Đề tài, chủ đề tư tưởng, cảm hứng, bút pháp Ngô Văn Phú ngẫu nhiên trùng hợp lạ lùng với đề tài, chủ đề tư tưởng, cảm hứng, bút pháp của ca dao dân gian cổ truyền: mộc mạc, giản dị, trong sáng.
     Đó là nguyên nhân đầu tiên cốt lõi để bài thơ trữ tình bốn câu nhanh chóng được trao quyền có hộ khẩu bìa đỏ trong làng ca dao trữ tình dân tộc.

2.     Đồng điệu về thể thơ, vần và nhịp:

     Cùng sử dụng thể thơ lục bát dân tộc. Thể thơ phổ biến nhất của ca dao truyền thống, với cách gieo vần bằng, chân, lưng phối hợp, tạo nên nhịp điệu nhịp nhàng, đều đặn, duyên dáng khó quên. Toàn bộ bài thơ là nhịp chẵn:
      - Câu 1:  2/2/2; - Câu 2:  2/2/2/2/; - Câu 3:  2/2/2/;  - Câu 4:  2/2/2/2.
     So với 1 bài ca dao xịn quen thuộc:
Trên trời/ có đám/mây xanh,
Ở giữa/mây trắng/chung quanh/mây vàng.
Ước gì/anh lấy/ được nàng
Để anh/mua gạch/Bát Tràng/ về xây…
     Thấy nhịp điệu cũng tương tự.
     Hoặc gieo vần chân - lưng từ tiếng thứ 6 câu 6 (1) đổi sang tiếng thứ 4 (câu 8 (2); tiếp câu 6 (3) – 8 (4): lại trở về gieo vần như cũ (8(2)/6(3)/6 (4)/):
Trên trời, mây trắng như bông (VBC)/
Ở dưới, cánh đồng (4), VBL), bông trắng như mây.
     Tương tự bài ca dao cổ:
Mồ hôi mà đổ xuống đồng (VBC),
Lúa mục trùng trùng (4), VBL) sáng cả đồi nương.

3.     Đồng điệu về môtip mở đầu:

                   Trên trời, ở dưới (ở giữa):
         -  Trên trời, có đám mây xanh/Ở giữa, mây trắng…/
          - Trên trời, có vẩy tê tê/

4.     Đồng điệu về biện pháp tu từ:

     So sánh (tỷ) là một trong những biện pháp tu từ ngôn ngữ hàng đầu của ca dao dân gian Việt Nam (phú, tỷ, hứng). So sánh trực tiếp, đơn giản, đối ứng:
+ Mây trắng như bông/à Bông trắng như mây (so sánh màu sắc (tính từ trắng) ngang bằng)
+ Đội bông như đội mây (so sánh động tác làm việc (động từ đội); so sánh ngang bằng).
     * Ý nghĩa phái sinh: đội bông - đội mây -  đội trời – con gái đội trời (liên hệ hình tượng thần thoại TQ: Nữ Oa vá trời; thơ Trần Đăng Khoa: Bố em đi cày về/Đội sấm, đội chớp, đội cả trời mưa (Mưa); sức trẻ, sức mạnh của con người phụ nữ lao động mới khi được giải phóng tư tưởng. (Lê Dụ góp thêm)
     Kết quả của 3 so sánh (liên tiếp (câu 1 , 2)  và cách quãng (câu 4) trong bài  thơ – ca dao này đã góp phần tạo nên sự hài hòa màu sắc (hòa sắc), tạo hình tuyệt đẹp trong bức tranh thiên nhiên – cuộc sống con người:
-         Hòa sắc trắng  (trắng bông, trắng mây – trắng làn da các cô gái) - xanh (bầu trời, mái tóc (xanh đen).
-         Hòa sắc trắng (nt) – hồng (má đỏ hây hây)
-         Tạo nên cảm giác tươi sáng, trong trẻo, nhẹ nhàng, đầy sức trẻ và niềm vui trong lao động thời vụ nông nghiệp: thu hoạch bông.
-         Bởi thế, có thể ví Mây và bông như một bức tranh lụa nuột nà, giản phác mà sang trọng, dịu dàng mà tươi tắn, mát mẻ và ấm áp, đầy sức gợi những cảm xúc trong sáng, khỏe khoắn và hào hứng nơi người nghe (đọc, xem)… Bài thơ – ca dao – tranh lụa được vẽ bởi bàn tay họa sỹ - thi sỹ - nghệ sỹ tài hoa, trí - hồn trẻ tráng, thắm thiết tình yêu thiên nhiên, đất nước quê hương; yêu cuộc đời cần lao, nhũn nhặn và con người Việt Nam bình dị.
                                                                
     … Với bấy nhiêu lý do, liệu đã đủ để tạo thành nguồn xung lực nhẹ nhàng đến gần như tự nhiên, tất nhiên, biến bài thơ đầu tay Trời cho của cây bút trẻ Ngô Văn Phú trở thành một trong những bài ca dao Việt Nam, đậm chất ca dao nhất, từ nội dung tư tưởng đến hình thức nghệ thuật? khiến cho nó hội đủ nội lực và tiềm lực để sống mãi trong lòng các thế hệ người đọc (nghe) hôm qua, hôm nay và ngày mai./.*

      * Theo Nguyễn Khôi câu thứ 3 này, NVP mượn từ câu thơ của nhà thơ Bàng Bá Lân, thầy dạy ông hồi năm 1952 – 1953 ở Phúc Yên: Mấy cô má đỏ hây hây/Nghiêng mình kéo nước giếng xây đầu làng (Năm xưa). Không biết NVP đã đọc bài viết này chưa?
* Về sự cảm nhận cái hay, vẻ đẹp độc đáo của bài thơ –-> ca dao Mây và bông: Học sinh có thể trình bày thoải mái, tùy theo cảm nhận, suy nghĩ, liên tưởng và tưởng tượng riêng của mình kết hợp với việc đọc, tham khảo những gọi ý trong bài viết trên.


Chiều 12 – 4 – 2015. ĐV

3 nhận xét:

  1. Bạn Đường Văn, cộng tác viên lâu năm của trang Vũ Nho Ninh Bình. Chúng tôi tôn trọng văn bản của tác giả nên không "can thiệp" vào những nhận định và đánh giá ( Trừ trường hợp bất khả kháng do lỗi vi tính). Bài viết này cũng vậy. Tuy nhiên có điểm cần lưu ý tác giả và bạn đọc: Lí Thương Ẩn, nhà thơ đời Đường Trung Quốc ( 813-818). Ông ta không làm bài thơ nào tựa như nội dung bài ca dao Cày đồng. Người có bài tương tự là Lí Thân ( 740 -846) với bài thơ Cổ phong (nhị thủ) mà người ta cứ cho là ai đó đã dịch thành Cày đồng... ( bài thứ nhất). Nguyên văn chữ hán : Sừ hòa nhật đương ngọ/ Hãn trích hòa hạ thổ/ Thùy niệm ( tri) bàn trung xan/ Lạp lạp giai tân khổ ( Xới lúa giữa ban trưa/Mồ hôi rỏ thấm đất dưới chân lúa/ Nào ai nghĩ bữa ăn trên mâm/ Mỗi hạt cơm là bao niềm cay đắng). Về bài thơ và bài ca dao có 3 khả năng: 1. Bài ca dao ra đời sớm hơn, Lí Thân học mót ca dao Việt Nam. 2. Bài thơ Lí Thân có trước, người Việt phóng tác ( Không gọi là dịch vì một bên là Xới lúa, bên Việt là Cày đồng...). 3. Đó chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên, không ai đọc và dich hoặc học của ai. Bởi vậy ông nào Việt Nam nói chúng ta dịch là thiếu căn cứ và sẵn tinh thần sùng ngoại vô lối. Chúng tôi thấy cần trao đổi lại với tác giả ĐV một chuyện này thôi. Các chuyện khác, bàn sau.

    Trả lờiXóa
  2. Vũ Nho đính chính, chính sác !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bạn đã chia sẻ. Tôi không đính chính. Bởi vì bạn Đường Văn có thể theo một nguồn tư liệu khác. Còn tôi theo cuốn Thơ Đường tập I, nxb Văn Học, HN, 1987.
      Chỉ là trao đổi để không gây hiểu lầm thôi.

      Xóa