Thứ Bảy, 8 tháng 8, 2015

MƯỜI TAY VỚI LỜI BÌNH Vũ Nho





                                     (Ca dao dân tộc Mường)
Bồng bồng con nín con ơi
Dưới sông cá lội, ở trên trời chim bay
Ước gì mẹ có mười tay
Tay kia bắt cá, còn tay này bắn chim
Một tay chuốt chỉ luồn kim
Một tay đi làm ruộng, một tay tìm hái rau
Một tay ôm ấp con đau
Một tay vay gạo, một tay cầu cúng ma
Một tay khung cửi guồng xa
Một tay lo bếp nước, lo cửa nhà nắng mưa
Một tay đi củi muối dưa
Còn tay để van lạy, để bẩm thưa, đỡ đòn
Tay nào để giữ lấy con
Tay nào lau nước mắt, mẹ vẫn còn thiếu tay
Bồng bồng con ngủ cho say
Dưới sông cá vẫn lội, chim vẫn bay trên trời.

Lời bình của Vũ Nho
Trong ca dao, chúng ta đã từng gặp những Mười thương, Mười nhớ, Mười cái trứng... và bây giờ là Mười tay. Những con số mười kia là con số tượng trưng để nói về số nhiều, nói về sự vật cụ thể hay trừu tượng. Mười tay cũng để nói về số nhiều, về sự vật cụ thể. Nhưng mười tay là con số ao ước chứ không phải là con số thật. Bởi vì mỗi con người,  trừ Phật là người siêu phàm có nghìn tay nghìn mắt,  dẫu người đó là người mẹ thì cũng chỉ có hai tay mà thôi.
Đây là bài hát để ru con ngủ. Ru con nhưng cũng là ru mình, cũng là lúc bày tỏ tình cảm, thái độ với bản thân, với cuộc đời, với con và những người xung quanh. Vì sao người mẹ lại ước có những mười tay?

Thứ nhất, là vì mẹ có quá nhiều việc phải làm : làm ruộng, tìm thức ăn, dệt vải, khâu vá, giữ con, vay giật, cầu cúng, van lạy... có quá nhiều nơi phải có mặt, phải quán xuyến :  nhà trên, nhà bếp, ngoài đồng, dưới nước, trên cây, nhà láng giềng, nhà chức sắc...Nghĩa là mẹ phải lo việc trong gia đình : cái ăn, chốn ở, cái mặc; mẹ lo việc xã hội : van lạy, bẩm thưa, đỡ đòn; mẹ lo việc tâm linh: cầu cúng.
Thứ hai, như thế đã là quá nhiều thứ lo, nhưng mẹ còn có quá nhiều thứ để lo cho con, cho riêng con : ôm ấp con đau, ru con ngủ, giữ lấy con, van lạy, bẩm thưa, đỡ đòn cũng chỉ vì con, lau nước mắt vượt qua mọi nỗi nhọc nhằn, tủi cực cũng vì con.
Thứ ba là mẹ rất yêu con, tất cả những tay mẹ muốn có là để dành cho ru con, che chở cho con, nuôi con khôn lớn.
Có ba điều ấy để mẹ ước, mẹ muốn có mười tay. Nhưng tất cả đều chỉ tập trung vào điều thứ ba mà thôi. Mẹ làm việc, làm đủ mọi thứ việc; mẹ lo lắng đủ mọi nỗi lo lắng; nhưng cái đích để mẹ hướng tới là để vì con. Trong lời ru thì mẹ chỉ mong có hai điều: con nín (con đừng khóc) và con ngủ, ngủ say (không giật mình, không choàng dậy).
Ước mười tay là để làm đủ những việc cần phải làm, làm cùng một lúc. Tay này làm việc này thì tay kia làm việc khác. Toàn những việc phải làm ngay để duy trì sự sống cho con và cho cả gia đình. Với tình cảm thương con vô bờ nên mẹ cảm thấy vẫn còn thiếu tay. Ước có mười tay, nhưng thực tế, mẹ đã dùng  tay để làm  18 việc. Đáng chú ý là trong mỗi câu lục một tay làm một việc,  trong mỗi câu bát,  đầu tiên có hai tay làm  hai việc. Rồi có câu bát: Một tay lo bếp nước, lo cửa nhà nắng mưa. Như vậy có một tay làm hai việc. Nhưng đến  câu lục bát cao trào: Một tay đi củi muối dưa/ Còn tay để van lạy, bẩm thưa, đỡ đòn; chúng ta thấy hai tay làm đến 5 việc. Và câu tiếp theo: Tay nào để giữ lấy con/Tay nào lau nước mắt. Mẹ vẫn còn thiếu tay... thì con số 10 đã là không đủ. Mỗi tay mỗi việc thì mẹ phải dùng đến 18 tay mà vẫn còn thấy thiếu...
 Sức mẹ thật dẻo dai, tình mẹ thật sâu nặng, lòng mẹ thật bao dung. Con cái không thể nào trả hết ơn chín chữ cù lao của cha mẹ mình. Chính vì thế mà làm con phải  một lòng thờ mẹ kính cha... Có  bao nhiêu là bài ca dao, bài thơ, bài hát ca ngợi Mẹ mà vẫn còn chưa đủ.
Chợt nhớ đến chú bé thần đồng Trần Đăng Khoa viết về mẹ. Bằng sự nhạy bén trẻ thơ, chú thấy mình làm bao nhiêu việc cũng chưa thể cho là ngoan được khi người mẹ “mười tay” của mình vất vả: “Áo mẹ mưa bạc màu. Đầu mẹ nắng cháy tóc. Mẹ ngày đêm khó nhọc. Con chưa ngoan, chưa ngoan” (Khi mẹ vắng nhà). Phải chăng cái ý “con chưa ngoan” này cũng là thoát thai tự nhiên của ý “mẹ vẫn còn thiếu tay”, như là một phần sự  báo đáp lại  của người con đối với tấm lòng cao cả vô bờ của Mẹ.

         10/2006



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét