Thứ Tư, 5 tháng 8, 2015

NGỘ SỊ PÁO CHÙ ( TAO SẼ BÁO THÙ )



`Nhà văn Nguyễn Trí - kẻ đi gom bão, nhặt bi ai

Tạp chí Văn Mới : Khi "Bãi vàng, đá quý, trầm hương" được đạo diễn người Úc gốc Việt Đỗ Khoa mua bản quyền chuyển thể phim điện ảnh thì "Thiên đường ảo vọng", tác phẩm mới nhất chuẩn bị xuất bản của nhà văn Nguyễn Trí, cũng vừa được mua ý tưởng làm phim truyền hình.


Liên tục viết truyện ngắn, truyện nhiều kỳ gửi các báo và đầu tư sáng tác tiểu thuyết, có lẽ với Nguyễn Trí, thời điểm này là lúc ông viết sung sức nhất, viết như một sự bù đắp suốt những năm tháng lăn lóc với đời, như một cuộc trả nợ với quá khứ và những người đã khuất. Nhà ông nằm bên cánh rừng cao su huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai), mỗi sáng ông đi lang thang trong đó, những câu chuyện được hình thành trong đầu, dòng thác ký ức cuồn cuộn như câu chữ. Cả một cuộc đời lăn lộn sương gió bây giờ trở thành kho tàng hiện thực cuộc sống quý giá, ông cứ thế mà khai quật, mà đào xới. Nhiều người vẫn nói văn Nguyễn Trí chỉ có ưu thế tả thực, chưa nhiều chất văn.
“Gã giang hồ viết văn” ý thức được điều đó, ông hiểu nếu cứ kể tả theo mạch, tham chi tiết thì đến một lúc nào đó độc giả cũng sẽ quen thuộc, sẽ chán. Ông tự tìm cách thay đổi bút pháp, chọn một góc nội tâm và xoáy sâu vào diễn biến tâm lý. Nhiều truyện ngắn được đăng báo gần đây đã chứng tỏ được khả năng thể hiện và lao động nghiêm túc của nhà văn chân đất này
* Tạp chí Văn Mới Trân trọng giới thiệu truyện ngắn NGỘ SỊ PÁO CHÙ của Nguyễn Trí :
     
                                                     NGỘ SỊ PÁO CHÙ
                                                       ( TAO SẼ BÁO THÙ )
  Truyện ngắn của Nguyễn Trí                                                                      

    
       Tiến là bạn của Danh, thân lắm. Nói về gia cảnh nhà Tiến thì ai cũng cám. Cha chết, mẹ lấy chồng khác. Anh chồng nầy không dám ở với anh em nhà Tiến. Ba thằng, mặt mũi bặm trợn, lầm lầm lì lì. Thằng Thanh, anh lớn tham gia trộm cáp điện bị kêu năm năm tù giam. Thằng kế tên Tú lấy vợ được hai đứa con, thằng nầy lười có tiếng, con vợ đi làm công ty lẹo tẹo với tổ trưởng sao đó bị bể ổ. Tú chưa rõ đầu cua tai nheo gì liền xáng bạt tai và đuổi con lăng loàn đi. Con vợ chắc cũng bị thằng kia ngọt nhạt nên bỏ chồng con cuốn gói theo. Ai ngờ thằng tổ trưởng họ Sở, nó quất ngựa dông mất. Con nhỏ ôm gói về má ruột. Ở nhà hai đứa con nhớ mẹ khóc như ri, đổ bịnh cùng một lúc, bà ngoại nghe vậy liền lên bệnh viện thăm cháu. Má vợ rủ rỉ rù rì sao đó Tú đồng ý cho vợ về lại, xem như gương vỡ lại lành, trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa.

      Trở lại chuyện Tiến bị tù. Là vầy… Ông Cưng là cha của Danh. Cha nội nầy trên dưới sáu mươi rồi nhưng hư hao lắm. Tục truyền rằng, thuở trẻ Ba Cưng lẫy lừng lên tuổi khoản quậy quọ và rượu trà gái gú. Hôm đó gã bị bắt về tội nhậu xong phá quán. Ngay trụ sở Ủy ban mới tiếp thu từ chính quyền triều cũ có một cái Conex. Cái hộp sắt nầy trước đó quý ông cảnh sát dùng để nhốt du côn và trốn lính. Ba Cưng bị nhốt vô hộp chung với một mớ hàng buôn lậu bị tịch thu. Nào rượu, nào thuốc lá cùng các thứ linh tinh. Nói chung là các món nhậu đủ mặt. Cưng bị tống vô lúc năm giờ chiều. Sáng hôm sau người nhà lên thăm, du kích đập Cưng dậy nhưng say quá Cưng không mở mắt nổi, đến lúc tỉnh thì can rượu năm lít bị tịch thu vơi hết một phần ba. Tội đè tội, Cưng bị phạt hành chánh kha khá tiền. Nhưng tao đâu có tiền – Cưng kể vậy.
       - Rồi làm sao qua?
       - Con bồ tao nó cho tiền nộp phạt.
       - Ông cũng có số được đàn bà nuôi há?
        - Khà khà… tao đẹp trai mà mậy. Nhưng mà tao không nộp.
       Sau đó Ba Cưng bị lôi cổ đi lao động công ích hết mười ngày vì tội ngoan cố. Cưng kể:
         - Con bồ cho tao mười đồng, tao dấu vô lai áo hai đồng. Lên xã tao xin bớt hai đóng tám nhưng xã buộc phải đúng mười. Về, tao vô quán nhậu uống beng hết tiền trong lai áo. Hôm sau tao lên xin đóng sáu đồng… Năm bữa sạch bách… vậy là ôm gói đi công ích.
     Đó là thành tích bốn chục năm trước, chả hay ho chi nhưng Cưng kể hoài ra vẻ đây chả sợ ai. Vụ thằng Tú cho con vợ về, chả biết nghĩ sao Cưng xách một chai ba xị ghé Tú lai rai đỡ buồn. Tú không nhà nên Tiến tiếp khách. Thoạt tiên Tiến dạ dạ vâng vâng lễ phép lắm. Nói chung là ba của bạn thân ta phải lịch, hơn nữa khách mang rượu mang mồi đến ta phải kính chớ. Kẹt cái rượu vào nó mau huề đồng lắm. Anh anh tôi tôi rồi mày tao liền một khi. Già Cưng ra cái cha chú bày đặt khuyên răn nầy nọ, Tiến điên lắm nhưng nhịn, đến lúc Cưng lôi chuyện cu Tú bị cặm sừng ra bàn. Cưng nói vầy:
          - Cái dòng họ nhà mày ăn cái quần một ống hay sao mà ngu vậy. Thằng cha mày trên bàn thờ che sao cho hết cái nhục cắm sừng? Anh em mày bao nhiêu cái ngu dành hết không chừa cho ai chút nào.
     Cái nầy chẳng qua có rượu Cưng nói bậy và Tiến không bị ma men hành thì đâu nên nổi. Điên quá Tiến xách cái chai phang vô trán Ba Cưng một phát. Người ta xách mé nhà mình vậy mà nhịn là phật chớ đâu phải người. Tuy nhiên, đánh người gây thương tích đến chuyển viện thì anh cũng bị chuyển lên tuyến… huyện. Vô nhà đá ngon lành hơn nhà lá nhiều. Tuy thương tích của Cưng chỉ mười mũi khâu, nhưng Tiến bị án là do tiền sự hơi nhiều. Tiến bị kêu đúng một cuốn lịch và bồi thường cho Ba Cưng hết một mớ cơm thuốc nhưng Tiến có chi ngoài cái tút đạn. Toà xử xong Ba Cưng nói với Tú:
       - Mày phải lo đền cơm thuốc cho tao à
     Tú văng đủ thứ không đáng văng chỗ toà án:
       - Có cái củ thìu biu. Ông chờ nó trả cho, mắc mớ chi đến tui.
     Danh can thiệp:
       - Thôi bỏ đi ba ơi, chuyện nhỏ mà.
       - Nhỏ cái bà nội mẹ mày. Tao bị bạn mày đánh cho mẻ trán mà mày còn theo phe nó hả mậy?
       - Ai biểu ba nhậu với con nít làm chi?
       - Câm họng lại. Mầy là thằng khốn nạn…
    Ba Cưng hăm he tao làm đơn xin thi hành án thử coi trả không cho biết. Tú rằng ê già dịch ông làm như thằng Tiến vị thành niên mà gia đình phải chịu dân sự cho nó. Nó hai mốt rồi chờ đến tết cônggô đi há, có về thằng Tiến cũng không trả đâu. Nó cho ông thêm cái chai nữa thì có.
     Nói vậy chớ ngày tháng vùn vụt trôi. Nháng cái, Tiến về. Về nhưng Ba Cưng bỏ qua chuyện đền bồi. Không phải sợ chi ai, đơn giãn là nhà Cưng đã đánh sập được cái nghèo. Hên quá, toàn bộ đất đai nhà ở nằm trong giải toả trắng làm cao tốc. Cưng được đền bù hơn tỉ bạc, được cấp một lô tái định cư. Cưng cất cái nhà bề thế hết ba trăm mét vuông đất, có cổng có rào. Vợ Cưng xưa nay buôn bán rau củ quả. Nay có vốn liền ra luôn cái đại lý bỏ mối cho các nơi. Nghiệp nầy phải có cái xe mới mau lên. Vậy là Danh ta ôm vô lăng  lên chủ cái xe tải năm tấn.
     Ăn nên làm ra nên Ba Cưng quên mất triệu bạc đền bồi toà phán. Tiền tỷ trong tay thì ba cái lẻ tẻ sá gì. Chỉ có một cái mà nếu quên luôn được thì hay quá, nghiệt ngã thay cái nầy càng có tiền càng lâm luỵ. Đó là con ma tên Men, Cưng chuyển tông từ rượu đế sang bia. Cái tủ đá lúc nào cũng chục lon ken ướp lạnh, hể lon nầy bật nắp thì lon kia thế chân. Kệ đi, làm ra không xài thì chết có mang theo được đâu. Có tiền nên Cưng ra vẻ lắm, sáng sáng mang giày đi bộ vòng quanh khu dân cư, hai con chó cảnh cũng lủn củn chạy theo chủ. Đời vậy là đẹp hết thế.
      Dãy dân cư nơi nhà Cưng ngự trị áng chừng năm mươi lô thổ, nhưng mới mười căn lộ diện với đời nên hơi thưa thớt. Có một căn sống bằng tạp phẩm. Chủ nhân của nó không phải dân bị giải toả mà là dân có tiền, thấy khu dân cư đẹp nên hắn mua ở cho vui. Tay nầy cũng bảnh. Sáng nào cũng thể thao. Lâu lâu còn na thêm máy ảnh. Ba Cưng ghét tay tạp phẩm nầy lắm, hắn không biết sống. Tha phương gặp người cố cựu mà không  chào.  Gặp nhau trên đường gã tho lỏ mắt, mặt lạnh tanh. Cưng nói với vợ:
 - Nhìn cái mặt thằng đó muốn xịt chó cắn.
 - Ông đừng có nhiều chuyện quá ông Cưng à. Thằng Tiến nó nện cho cái chai ông chưa hoảng sao?
  Tưởng vậy là thôi. Ngờ đâu chuyện xẩy ra nó kỳ cục một cái hết biết luôn. Sáng đó Cưng dẫn chó đi dạo. Trên đường, dân xe đạp, chạy bộ xôm tụ lắm. Ưng lên một con cún của Cưng lao theo một xe đạp, cái dòng chó cảnh bố láo táp vô gã xe đạp một phát. Gã xe đạp bị dính đòn liền dừng xe, đúng lúc tạp phẩm đi bộ cũng vừa tới. Ba Cưng biết chó mình cắn người, lý ra đứng lại giải quyết sự cố nhưng đi luôn. Xe đạp hỏi nên tạp phẩm trả lời rằng con chó của cha nội đang đi đó. Xe đạp liền gọi:
- Ê… ông già…. Con chó của ông cắn tui nè…. Đứng lại nói chuyện cái coi.
Ba Cưng quay lại. Lý ra cũng nên xoa dịu kẻ bị chó táp đôi câu ngòn ngọt lấy lòng, ở khu dân cư, nói chung, ai cũng kha khá, đâu ai buộc anh đền bồi chi, đằng này Cưng ta gọn lỏn:
- Không sao, chó tui không dại đâu mà sợ.
 Kiểu nói của Cưng thằng khùng còn bực nói chi tỉnh. Xe đạp gằn giọng:
- Ai biết dại hay không ông?
- Thì ông cứ chích ngừa, bao nhiêu tiền tui lo cho.
       - Ai cần đồng bạc của ông… cà chớn tui đập con chó chết à.
       - Mày ngon đập tao coi.
     Điên gan xe đạp chạy theo con chó, nhưng con quỷ con nầy nhanh như sóc. Thấy vậy tạp phẩm liền lên tiếng:
       - Chó anh cắn người anh nên xin lỗi một tiếng…
    Cưng cướp lời:
       - Mắc mớ gì tới mày? Đồ nhiều chuyện…
      Đến đây thì tạp phẩm rút êm. Mặc kệ đôi bên muốn sao đó thì muốn. Chuyện tưởng qua ai ngờ nó chuyển hướng theo một kiểu xấu xí nhất trần đời.
    Đêm ấy, đang mơ màng trong giấc, bổng nhiên cả nhà Cưng đồng loạt thức giấc vì có mùi lạ mà quen. Quen nhưng chả ai dám vơ vào nhận họ. Cái mùi thối um của chất thải loại một, nhà cửa kiếng kín bưng mà nó len vô đến khứu giác từng thành viên thì tưởng tượng nó gớm ghê đến cỡ nào? Vùng dậy. Điện được bật từ trong ra ngoài. Mẹ cha ơi, thằng khốn kiếp nào phang vô ngay cổng rào một chai thuỷ tinh, dấu tích còn vương lại là miểng văng tứ tán. Có thể hiểu là ôn dịch đã cho một chai đầy phân người và nước tiểu tục goi bom bẩn thân ái tặng nhà Ba Cưng. Chuyến nầy chết chắc.
     Sân nhà Ba Cưng đầy rau củ quả mà chiều trước đó vừa mới đưa từ Đà lạt về nguyên một tải năm tấn. Nào su hào, súp lơ, cà rốt, khoai tây, cà chua, bắp cải… có cả hoa nữa mới chết. Mùi ăm mô ni ắc vương khắp nơi, đâu cũng nghe. Sự cố được cả nhà Ba Cưng giải quyết bằng cách chửi đổng. Có bao nhiêu từ bụi đời tục tỉu không có trong từ điển được lôi ra mà phang cho nhau nghe. Hàng xóm tuy xa, nhưng nhờ khuya vắng nên lộng theo không khí mà tới. Được một lát dân thể dục chạy ngang, vậy là mớ hàng lê ghim nhà Cưng có nước đổ xuống sông, có cho cũng không ai thèm cái đồ dính “kít”. Kẹt cái xứ này không có sông. Mang đi đâu mà đổ hả trời cao?
***
      Cả nhà xúm vô đổ tội lên đầu Ba Cưng. Mấy chục triệu bạc đem quăng thử hỏi ai không tức? Thời buổi kiếm ra đồng bạc chua như chanh… Trời ơi tức quá:
        - Cũng tại ông – bà xã lớn tiếng – bày đặt dục với thao, đêm nào cũng rượu bia thì thao dục làm  gì… Bữa nay đừng hòng có ken với tai gơ cho ông nghe… tai tai tai vô cái mặt ông.
 
Cái nầy phải thông cảm cho bà Cưng. Dân chợ búa tất nhiên điên lên trời còn chửi nói chi chồng. Đằng nầy chồng hư quá mà. Chó cắn người ta mà còn nói giọng giàu, nó quăng cứt vô nhà là phải quá. Bầy con cũng bực bội, nhứt là thằng Danh:
   - Ba sao mà đủ chuyện hết ba ơi. Ông bỏ nhậu cho tui nhờ được không?
    Bà xã còn nhịn chứ con cái mà mè nheo là đâu có cửa với cha. Cưng chửi inh sình trời đất. Chửi lây cả mấy thằng khốn dám chơi ông? Bà mẹ nó thằng nào, thù nầy ông quyết trả? Ai? Thằng bị chó cắn ư? Cũng có thể… nhưng mà… không phải nó đâu. Hôm qua mình đã xin nó cho qua rồi mà. Hay là anh em thằng Tiến Ròm, Thanh Bụi mời tù về? Dám lắm. Dám thằng Tiến trả thù vụ mười hai tháng tù lắm à. Nhưng mà hôm kia thằng Tiến, thằng Thanh với thằng Danh nhậu ngoài quán cầy tơ đây mà. Bạn bè ai chơi dơ vậy? Đúng không? Không phải hai thằng nầy vậy thì ai vô? Ai? Và trong đầu Ba Cưng xuất hiện thằng tạp phẩm lắm mồm nhiều chuyện. Đúng rồi. Hôm qua mình có mắng vô mặt nó. Nó ghét nên chơi trò bẩn. Nó chứ không ai vô… Được rồi… tao sẽ trả thù. Ba Cưng hét lớn bằng tiếng tàu Ngộ Sị Páo Chù… Đang rối bầy con và bà xã tưởng Ba Cưng nổi cơn khùng  nên im thít.
      Được rồi - bên lon ken ướp lạnh - Cưng trầm tư tính kế. Mày chơi tao sao tao chơi lại vậy cho mày biết lễ độ. Oán lên tận đỉnh và dồn dập bởi cái mùi khốn kiếp nó không chịu hoai. Dù đã bơm, đã xịt cả ty tỷ tấn nước cũng chịu sầu. Vậy rồi làm sao mà ăn uống hả thằng khốn? Mày ác vừa thôi… chơi như vầy thì đừng trách tao nghe… Hãy đợi đấy. Tao sẽ cho mày nếm cái chính mày cho tao xơi.
          Kể cũng khá là công phu khi chế tạo bom bẩn. Khu dân cư đời mới kiếm ra cái chất thải loại một ở bụi bờ là không có à. Thiệt đó, Cưng đi cả buổi mà đành phải về và tự mình cho mình cái mình cần. Nói gọn cho nhanh là cho vô tô cả nước lẫn cái, quậy cho đều rồi trút vô chai. Phải gan. Phải can đảm. Phải chó lắm mới mới cho ra một chai ba xị đầy. Và một ngày đâu có đủ, phải hai ngày cơ bạn ạ. Đầy rồi, đủ rồi mới tính đến phương án là quăng bom vào lúc nào. Một hai hay ba giờ sáng. Ba Cưng là dân nhậu, ngủ ít lắm nên biết giờ nào thiên hạ chết trong mơ. Hai giờ, vâng, lúc nầy là lúc giấc say nhất… Nhưng mà khu dân cư điện đường sáng suốt đêm… cha… Cũng hơi ớn à. Đang quăng mà nó bật cửa nhào ra bắt tại trận thì… thì sao hỡi trời?
Ba Cưng lọ mọ thăm dò. Từ nhà Cưng đến tạp phẩm chừng năm trăm mét. Lần thứ nhất tất cả đều yên ắng. Lần thứ hai cũng yên ắng luôn. Lần cuối, thu hết can đảm Cưng xách trái bom vung tay ném mạnh vào cánh cửa sắt rồi quay đầu bỏ chạy. Hồi hộp vì sợ và chạy nước rút nên đến nhà là Cưng hào hển thở. Vừa thở vừa cười, chết mẹ mày nghe thằng khốn, chuyến nầy mày chung với ông một xuồng đi con. Chơi ông thì ông chơi lại. Cưng thú vị khùng khục cười không hay bà xã đang nhìn:
- Ông đi đâu mà sớm vậy.
- Mệt bà quá… thể dục chớ đâu.
- Ông có điên không mà thể dục vào giờ nầy?
      Nhưng bà Cưng hết thắc mắc ngay tức khắc vì ồn ào từ nhà tạp phẩm. Bà xã tạp phẩm đang chu chéo lên và tất nhiên là chả ai ngủ nghê gì được. Vợ chồng Ba Cưng cũng lên coi thử chuyện gì vậy kìa? Lại bom bẩn, thiệt là khốn nạn. Bà Cưng nói:
- Thằng nào ác vầy trời không tru đất cũng diệt nó thôi.
Bà con cô bác cũng kẻ đôi câu người nửa chuyện góp vô mà nguyền rủa thằng ác độc, cả Ba Cưng cũng  góp luôn:
- Mẹ nó… mới nhà tui bây giờ là nhà nầy… thằng nầy tui mà bắt được tui chặt tay.
Tạp phẩm nói với vợ:
- Em yên tâm, qua bên chị Hai đỡ vài hôm để anh lo xong rồi em về.
- Làm sao mà dọn cho sạch đây anh? Bao nhiêu hàng hoá là xem như xong rồi. Đổ bỏ chứ bán buôn chi được nữa hả anh?
- Anh đã nói là yên tâm. Thằng ném trái bom nầy phải đến dọn cho mình, nó phải dọn sạch, làm cho thơm anh mới chịu, bằng không nó chết chuyến nầy.
Nghe lạ. Một khách quan hỏi:
- Bộ anh biết thằng quăng bom hả nhiếp ảnh gia?
- Lúc hai giờ là tui đang ở bên khóm hoa Quỳnh chờ nở để chốp pô ảnh. Thấy thằng khốn đi qua, tôi nghi nên ém mình xem thử nó làm gì. Nó thăm dò hai lần, đến lần thứ ba thì quăng bom. Tôi chộp được ảnh nó rồi. Nó mà không giải quyết là nó chết.
Ba Cưng nghe qua mà lạnh toàn thân.
***
Chao là gian nan, là khốn đốn cho cả nhà Ba Cưng. Nói chi cho hết đoạn trường hỡi trần gian ơi? Nhục nhã hả? Muốn nhục anh cứ tha hồ nhục. Nhưng phải đền bù thiệt hại cho tạp phẩm quán. Chả có cái món gì mà rửa xong mà không còn mùi. Cái mùi mầy nó ám vô óc chớ đâu phải thường mà gió thổi bay. Cứ thế ghi vô sổ mà quy ra tiền. Rồi lau chùi cho sạch… Bà nội mẹ nó cả thiên hạ. Chúng cứ bu vô mà chỉ trỏ mà bàn tán mà hỉ hả cười.
Và Ba Cưng đúng là một ông chồng một người cha vô trách nhiệm, một thằng hèn không hơn không kém. Thứ gì bày ra rồi phủi tay. Cưng giao vụ dọn dẹp và đền bồi cho vợ con, hắn ở nhà lặn sâu trong buồng, cửa kín mít và điện đóm tắt ráo. Bà Cưng phần nhà mình chưa yên thêm nhà người vây hãm, ngày cật lực lau chùi, cái mùi ám ảnh suốt cả đêm. Có ai bình tĩnh được không? Ai dám nói có tui nè cho người đó triệu bạc xài chơi liền. Bà Cưng hết khóc là quay qua chửi. Ba Cưng nín khe. Âm thầm trong bóng tối Cưng  nốc rượu. Thiên hạ chê cười nhục thì chớ, con cái có coi ra chi đâu. Không nhục Cưng đâu có náu mình trong bóng tối. Nhục và đau đớn nữa.
Nhưng mà ai? Thằng nào đã thả bom bẩn vô nhà tao? Thằng tạp phẩm, thàng chó cắn hay anh em thằng Tiến? Thằng nào, ra mặt đi. Dám nhận là tao chơi thằng đó tàn đời liền. Có rượu vô Ba Cưng cứ lẩm bẩm một mình. Bà xã và con cái thôi thì kệ ổng đi bây ơi.
Tất nhiên là cái gì cũng qua. Mùi chi cũng phải bay hết. Mọi sinh hoạt trở lại bình thường. Có một kẻ không thường được, đó là Ba Cưng. Cưng cứ ngồi bên cái bàn đá và chai ba xi đế mà nhảm. Cứ nhảm miệt mài, lâu lâu vỗ bàn hét lên bằng tiếng tàu rằng Ngộ Sị Páo Chù.
Lũ con nít đi ngang nghe la hỏi:
- Ê… ổng la gì vậy ta?
- Tao đách biết, để tao hỏi anh Thanh Bụi coi.
Thanh Bụi cười mà rằng:
- Ngộ sị páo chù là tao sẽ trả thù… thù cái cù loi tao. Khùng mà thù với oán.
             NT
Kính mời Quý vị mua Tạp chí Văn mới số 7 ( 35.000 đ / cuốn ) . Kính mời quý vị Nhà văn, nhà thơ Hội Nhà văn Hà Nội gửi bài cộng tác . Liên hệ qua Email: toasoanvanmoi@gmail.com  Xin chân thành Cảm ơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét