Thứ Năm, 1 tháng 10, 2015

ĐẾN QUAN NƯA của Hồ Thủy Giang với lời bình Vũ Nho




Hồ Thủy Giang

Đường rừng hết nắng lại mưa
Đưa chân ta đến Quan Nưa với mình
Núi nào mà núi chẳng xanh
Mà sao ta lại hẹn mình nơi đây
Rừng nào chẳng thắm ngàn cây
Mà sao ta hẹn nơi này rừng ơi
Đường về bản Trịt xa xôi
Nghe tên thì xấu mà người thì thương
Thương ai một nắng hai sương
Cho nên đôi mắt mới vương nắng ngàn
Thương ai vất vả gian nan
Cho nên suối hoá cung đàn hát ca
Thương ai cơm chát tương cà
Chim về làm tổ mái nhà bớt xiêu
Hai bàn tay giữa đất nghèo
Tay ươm hạt giống, tay gieo hạt đời
Rừng bao cây mọc rừng ơi
Thương rừng nên bạc áo người nắng mưa
Thương nhau biết mấy cho vừa
E ta lại đến Quan Nưa với mình
                                                               1982
Lời bình của Vũ Nho
Nhìn những cô gái tóc cắt ngắn kiểu phương Tây hay uốn một theo kiểu Nhật, áo xoa thêu, quần “gin”, trên má thoa một chút phấn mỏng, môi tô son gió… thường dễ bị hấp dẫn ngay lập tức vì vẻ đẹp rất hiện đại lại được nghệ thuật điểm trang hỗ trợ.
Rồi một hôm cạnh hồ Ba Bể, hay hồ Núi Cốc, mà cũng có thể là ngay giữa Thái Nguyên (hoặc Hà Nội cũng vậy thôi), chúng ta gặp cô gái Tày da trắng hồng. Chiếc áo chàm may khéo làm cho cổ tay cô vốn đã tròn lại càng thêm tròn, thêm trắng. Tấm khăn xanh. Cặp mắt cũng rất xanh. Nếu bạn nhìn cô gái ấy hơn một lần, bạn sẽ ngỡ ngàng. Bạn được biết một vẻ đẹp lạ, đẹp mộc, đẹp không trang điểm.
Bài thơ ĐẾN QUAN NƯA đã gợi cho tôi một sự so sánh như vậy. Thơ lục bát, người viết lại khiêm nhường, thành ra nó như lẫn vào “ca dao hò vè”, nôm na.
Nhưng bài thơ này quả thật có một cái gì đó lấp lánh, rất ấn tượng.
Đường rừng hết nắng lại mưa
Nắng mưa dồn vào con đường, lại là đường rừng nữa! Với cặp từ có tính thống kê “hết…lại…”, giọng điệu này hẳn là sắp kể khổ đây. Người ta chờ đợi sự than thở nào là nắng lửa, nào là mưa dầm, nào là dốc, là trơn, là lắm vắt vân vân. Một trăm thứ khổ. Nhưng câu thơ đã chuyển mạch nhẹ nhõm đến bất ngờ:
Đưa chân ta đến Quan Nưa với mình
Ôi, con đường rừng! Con đường như cũng thấu tình và vì thế mà cảm tình với người đến Quan Nưa. Nó cùng với nắng, với mưa đưa chân cho khách.
Núi nào mà núi chẳng xanh
Rừng nào chẳng thắm ngàn cây
Câu thơ vẽ lên cái chung, cái điệp trùng của rừng núi ngút ngàn. Nhưng trong cái chung hoàn toàn không tách bạch được ấy, có một chấm riêng. Ấy là nơi này, là Quan Nưa. Chính người viết như cũng ngạc nhiên về sự lựa chọn của mình:
Mà sao ta lại hẹn mình nơi đây
Mà sao ta hẹn nơi này rừng ơi
Nói như người xưa thì có lẽ là tại “duyên số” chi đây. Còn theo ngôn ngữ bây giờ thì nơi đây đã thành nơi hẹn hò, thành nơi gắn bó tự khi nào chẳng rõ. Cũng là rừng, cũng là núi, nơi nào chẳng có, đến đâu chẳng gặp. Nhưng núi rừng Quan Nưa rất khác, rất riêng. Quan Nưa có “mình” của ta, có người ta thương, có người ta nhớ, có người ta hẹn, có người chờ ta.
Khổ thơ tiếp theo là khổ thơ THƯƠNG. Chữ “thương” cứ lấp lánh trong từng câu mà không hề trùng lặp. Chỉ thấy thương vời vợi mãi lên. Mỗi cặp lục bát có một phát hiện nét biểu hiện mới của tình thương.
Thương ai một nắng hai sương
Cho nên đôi mắt mới vương nắng ngàn
Mắt ai vương? Chắc là của người hôm nay đến Quan Nưa. Mấy chữ “vương nắng ngàn” rất không xác định, do đó giàu sức gợi. Đến  câu thơ:
Thương ai cơm chát tương cà
Chim về làm tổ mái nhà bớt xiêu
Mới lộ rõ sự phô diễn tài tình của tác giả. Mái nhà xiêu chim về làm tổ. Cái tổ chim bé nhỏ níu cho mái đỡ xiêu. Ấy là cái điều nhìn thấy. Còn bầy chim non trong tổ chim, tiếng hót của đàn chim đã đem lại cho ai một khúc nhạc rừng, một niềm an ủi. Do cái tình ở trong tâm, cái vui ở trong lòng  nên “cơm chát tương cà” cũng là không ngại và mái nhà xiêu  nhìn cũng bớt xiêu. Câu thơ có hình, có tình, có nhạc. Viết được như thế là phải thương nhiều, thương sâu lắm.
Người thương người, suối thương người, chim thương người, người thương đất, thương rừng…
Thương rừng nên bạc áo người nắng mưa
Một tình thương xoắn xuýt, đan kết như trùm lên khắp Quan Nưa, Bản Trịt. Đến đây mới hiểu vì sao chuyện “ đường rừng hết nắng lại mưa” lại không thành chuyện “kể khổ” ở đầu bài thơ. Cái tầm của người đến Quan Nưa vậy mới xứng với cái tầm của người ở Quan Nưa. Và tình cảm nữa cũng vậy.
Hơi tiêng tiếc một chút là câu thơ kết chưa thật đẹp, chưa nói đúng được cái mức “thương nhau biết mấy cho vừa” của hai người.
E ta lại đến Quan Nưa với mình
Chữ “E” này làm duyên và hơi khách sáo, có vẻ quá  rụt rè và không thật. Đã thương đến thế mà còn “e” là nghĩa làm sao?
Tôi nhớ đến câu thơ của Nông Quốc Chấn:
Người say suối, suối say người
Dựng nhà ở mãi đây thôi chẳng về
Và nghĩ rằng bài thơ này cũng phải có một câu kết từa tựa như vậy:
Thương nhau biết mấy cho vừa
Dựng nhà ta ở Quan Nưa với mình

Thái Nguyên, 1986
Hà Nội, 30 tháng Bảy 1987


2 nhận xét:

  1. Thương nhau biết mấy cho vừa
    Dựng nhà ta ở Quan Nưa với mình . Đúng thế đấy ạ. Em cũng thấy tiêng tiếc...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Có thể là tác giả chưa say lắm nên còn "e" thôi! Nhưng mạch tình cảm thì có vẻ không hợp lắm!
      Cám ơn bạn đã ghé trang và chia sẻ!

      Xóa