Thứ Tư, 14 tháng 10, 2015

TRƯƠNG THỊ THƯƠNG HUYỀN VÀ “NGẪU HỨNG THỦY TINH”




TRƯƠNG THỊ THƯƠNG HUYỀN
“NGẪU HỨNG THỦY TINH”

Nguyễn Thị Lan
 
1. Nhà văn Trương Thị Thương Huyền sinh năm 1973, có sách in từ năm 2005. Từ đó đến nay cô đã có hàng chục đầu sách với vài ngàn trang viết, bao gồm các thể loại: truyện ngắn, tiểu thuyết, ký, tản văn, phê bình, thơ… Ra đi từ một làng quê, mặt mạnh của cây bút này là những chuyện về nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Tuy nhiên, ở những đề tài khác, cây bút nữ giàu trữ lượng này cũng có những cái nhìn sắc sảo và những trang viết đạt đến độ sâu nhất định. Về tập truyện ngắn “Mùa cũ” (NXB Thanh Niên, 2006) của Trương Thị Thương Huyền (Giải C, giải thưởng hàng năm của UBTQ Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam, năm 2006), nhà văn Ma Văn Kháng nhận định: “Giản dị, gọn ghẽ, hoạt và sinh động là ưu điểm của hành văn, bên cạnh một ưu trội nữa thuộc về cái nhìn nhân ái, chia sẻ, trân trọng với cuộc sống của tác giả đã tạo nên sức hấp dẫn ngầm của cuốn sách.”
            Chủ yếu viết văn xuôi, nhưng thơ của Trương Thị Thương Huyền cũng để lại dấu ấn nhất định trong lòng độc giả. “Ngẫu hứng thủy tinh” là một bài thơ như vậy.
2. Lời bình:
Ngẫu hứng thủy tinh
Trong veo
                   Như ánh mắt nhìn
Mà sao sắc nhọn
                  Như nghìn mũi dao
Vô tình chạm nhẹ
                 Máu trào
Ngỡ lung linh thế
                 Lẽ nào…
Đớn đau!
            Thi phẩm nhỏ gọn, chỉ gồm hai cặp thơ lục bát với hai mươi tám chữ được chia tách thành chín dòng thơ. Đề tài là “ngẫu hứng” về “thủy tinh”, tức là một cảm hứng ngẫu nhiên, tự nhiên, bột phát, bất chợt khi nghĩ về thủy tinh nhưng những vấn đề bài thơ đặt ra không hề “nhỏ”. Nếu thơ tài hoa là “thơ không gian đa chiều” thì có thể dễ dàng nhận ra bài thơ không chỉ một lớp nghĩa.

            Trước hết là lớp nghĩa “hiển ngôn”.
            Nhân vật trữ tình nói về chuyện “thủy tinh” với những thuộc tính vật lý của nó: trong suốt (“trong veo”), khi ánh sáng khúc xạ vào thì sáng đẹp (“lung linh”), thủy tinh khi vỡ thành các mảnh “sắc” “nhọn” “như nghìn mũi dao”, thủy tinh dễ gây sát thương chỉ “vô tình chạm nhẹ” thôi cũng có thể “máu trào” và làm cho người ta “đau”. Tóm lại, thủy tinh đẹp, hấp dẫn nhưng nguy hiểm.
            Nhưng bài thơ không chỉ nói về “thủy tinh”, hay nói đúng hơn là bài thơ chỉ mượn chuyện “thủy tinh” để nói những chuyện khác. Ngay trên bề mặt ngôn từ của bài thơ, người đọc cũng nhận thấy một cái gì bất ổn, không yên.
            Thủy tinh” “trong veo”, đương nhiên, nhưng “như ánh mắt nhìn” (có thể là một cái nhìn đau đáu, cái nhìn dò hỏi, cái nhìn lấp lánh niềm vui, cái nhìn sâu thẳm nỗi buồn…?) thì “thủy tinh” ở đây đã được “người hóa” rồi.
            Vô tình chạm nhẹ” vào “thủy tinh” “máu trào” thì “đau”, đương nhiên, nhưng “đớn đau” thì không chỉ nói về nỗi đau thể xác mà còn là nỗi đau tinh thần, nỗi đau trong tâm hồn.
            Rồi những thán từ: “ngỡ” “thế” “lẽ nào” nói lên tâm trạng ngạc nhiên, xót xa, nuối tiếc, đau đớn, thất vọng… như nói về một con người chứ không phải nói về một vật vô tri, vô giác.
            Chính vì vậy, bài thơ “mở ra” nhiều gợi nghĩ, liên tưởng biến ảo trong thế giới tâm linh của mỗi người, tùy theo những trải nghiệm, những kinh nghiệm sống… của chủ thể tiếp nhận. “Thủy tinh” ở bài thơ chỉ là một biểu tượng, nó dẫn đến những ngả đường liên tưởng mênh mang.
            Ngỡ lung linh thế/ Lẽ nào…/Đớn đau!
            Phải chăng bài thơ đề cập đến một phạm trù mỹ học: phạm trù cái Đẹp. Cái Đẹp, trong cuộc sống ở một hoàn cảnh cụ thể có sức mạnh to lớn, thậm chí nguy hiểm. Cái Đẹp là hấp dẫn, “lung linh” như ngàn ánh sao, như ngàn tia sáng; nó thánh thiện đến mức “trong veo”, nhưng nó có sức mạnh ghê gớm. Cổ nhân có câu đối:
“Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách
Sắc bất ba đào mị dịch nhân”
(Gió mưa không có then khóa mà lưu được khách
Nhan sắc không phải sóng lớn mà dìm chết người)
            Từ xưa đến nay, sắc đẹp của người đàn bà có thể làm “nghiêng nước, nghiêng thành”, làm “khuynh gia bại sản”, làm “thân bại danh liệt” các đấng mày râu.
            Ca dao Việt Nam có câu dặn người con gái:
“Có rửa thì rửa chân tay
Chớ rửa lông mày, chết cá ao anh”
            “Cá ao anh” còn “chết” khi em rửa mặt huống hồ là “anh”?
            Nhà thơ Nga Alêkxandr Blok trong bài “Em chăm chắm nhìn tôi như thiêu đốt” cũng có ý thơ tương tự:
“Và cuối cùng tôi sẽ là người bị giết
Bởi cái nhìn nơi em – sắc như lưỡi dao găm!”
            Ngỡ lung linh thế/ Lẽ nào…/Đớn đau!
            Đâu phải chỉ cái Đẹp mới như thủy tinh có thể gây sát thương cho con người. Tình yêu cũng như thủy tinh, đẹp nhưng đau khổ. Tình yêu càng lớn đau khổ càng nhiều. Tình yêu và đau khổ song hành với nhau. Tình yêu dù ở tuổi nào muôn kiếp muôn đời vẫn là hạnh phúc và đau khổ, cay đắng và ngọt ngào , thiên đường và địa ngục. Tình yêu với những phép màu của nó làm cho thế gian trở nên tươi đẹp, lung linh, luôn ngời lên thứ ánh sáng kỳ diệu. Tình yêu có khả năng hồi sinh, đem lại tuổi xuân tràn đầy sức sống những phút thăng hoa cho tâm hồn. Kẻ đang yêu mang một cặp kính màu hồng, nhìn đâu cũng thấy “lung linh” đáng yêu. Tình yêu là tuyệt vời hạnh phúc.
            Nhưng tình yêu đâu chỉ là hạnh phúc. Lạ thay, tình yêu vừa là thứ đem lại cho ta niềm vui, nụ cười lại vừa có thể dìm sâu ta tận đáy vực với nỗi buồn chất chứa, khiến ta phải rơi lệ. Tình yêu và đau khổ gắn liền với nhau như anh em sinh đôi. Những điều chờ đợi ta khi bước vào tình yêu cũng bao gồm cả khổ đau, mất mát, tan vỡ, tuyệt vọng. Có thể vì thế mà ai đó đã từng khẳng định: “Tình yêu chỉ sống trong đau khổ, chỉ sống trong hạnh phúc tình yêu sẽ chết non”. Đại thi hào Nga Puskin (1799-1837), trong bài “Gửi xxx” đã viết khi có “em”, “anh” sẽ có tất cả.
“Cả tiên thần, cả nguồn cảm xúc
Cả đời, cả lệ, cả tình yêu”
            Ông hoàng thơ tình Việt Nam, nhà thơ Xuân Diệu (1916-1985) từng chiêm nghiệm: “Yêu là chết ở trong lòng một ít”. Đau khổ thường bắt đầu bởi yêu thương. Con người ta thường “nợ nhau một nụ cười” để rồi “trả nhau bằng nước mắt”.
            Ngỡ lung linh thế/Lẽ nào.../Đớn đau
            Hạnh phúc và khổ đau, cái “cặp” đối lập ấy đâu chỉ trong cái Đẹp, trong Tình yêu mà rộng lớn hơn ở trong Đời của mỗi con người, ở chính cuộc đời này với những niềm vui trần thế và cả những bất hạnh khổ đau. Giáo sư Ngô Bảo Châu đã nói những quan niệm của mình về hạnh phúc: “Cả đắng cay cũng nằm trong hạnh phúc”. Nhưng “bắc cân” lên cái gì nhiều hơn. Có lẽ nhiều người sẽ trả lời: Đời buồn nhiều hơn vui. Phật từng dạy: “Đời là bể khổ”. Còn nhà thơ Xuân Diệu thì khái quát:
“Thế giới ba phần tư nước mắt
Đi như giọt lệ giữa không trung.”
            Chao ôi, cuộc đời là buồn. Nhưng không buồn sao gọi là đời?
            Đời người, hết vinh quang tột đỉnh lại đến đau khổ tột cùng, hết hồi “thái lai” lại chuyển sang “bĩ cực”. Những chuỗi giai đoạn đó kế tiếp nhau trong cuộc đời con người. Cuộc đời là vậy, ngàn năm trước đã thế, ngàn năm sau vẫn vậy, giống như một sự cân bằng trong cuộc sống, có vui sướng, có khổ đau, không gì là hoàn hảo. Như vậy, chúng ta hãy chấp nhận những nỗi đau như chấp nhận một điều hiển nhiên, như thể mặt trời lên mỗi ngày. Thay vì tìm kiếm một con đường bằng phẳng để đến hạnh phúc, ta nên chấp nhận khó khăn và tìm cách vượt qua. Đọc câu thơ của Thương Huyền, tôi miên man suy tưởng như vậy.
            Thương Huyền có lần tâm sự: cô làm bài thơ này khi còn “rất trẻ” và “chưa biết yêu là gì”. Nhưng bài thơ rất “già dặn”, có đủ niềm vui và nỗi buồn của một người từng trải.   “Ngẫu hứng thủy tinh” mang màu sắc triết lý. Vì đó là những nghĩ suy, những triết lý nên biên độ câu thơ mở rộng, dòng thơ vì phải chuyển tải cho tâm trạng nên không trùng khít với lời thơ. “Màu sắc” đó trước hết ở giọng điệu triết lý suy tưởng với những suy nghĩ của nhân vật trữ tình hướng về những vấn đề lớn, khái quát như: cái Đẹp, nỗi Khổ đau… Màu sắc triết lý của bài thơ còn biểu hiện ở sự đối sánh giữa các phạm trù đối lập: Đẹp và Tác hại. Câu thơ được kết cấu trên cơ sở các cặp đối lập.
Trong veo như ánh mắt nhìn – sắc nhọn như nghìn mũi dao
 chạm nhẹ       – máu trào
lung linh        – đớn đau
            Các câu thơ đã đạt được hiệu quả cao nhất do vận dụng được ưu thế của các cặp phạm trù đối lập. Nhờ vận dụng triệt để sự đối lập trong cấu trúc thơ mà nhà thơ đã dẫn người đọc đến những nhận định có chiều sâu trí tuệ.
            Về thơ hay, nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng: “Thơ hay là thơ giản dị, xúc động, ám ảnh”. R.Targor (1861-1941), nhà thơ Ấn Độ, người được giải Nobel về văn học đầu tiên ở châu Á (1924) cũng nói: “Cuộc tập dượt phức tạp nhất chính là cuộc tập dượt đưa tới vẻ giản dị tột cùng của hòa âm”.
            “Ngẫu hứng thủy tinh” là bài thơ kiệm lời hàm súc, giản dị nhưng không kém phần ám ảnh, đó chính là thành công của Trương Thị Thương Huyền ở thi phẩm nhỏ gọn, xinh xắn này.
Hải Dương, đầu Xuân Ất Mùi 2015

4 nhận xét:

  1. Bài thơ hay. Lời bình hay. Trương Thị Thương Huyền ấn tượng

    Trả lờiXóa
  2. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  3. Cám ơn bạn đã ghé trang và chia sẻ!

    Trả lờiXóa
  4. Năm 2009 em vô tình đọc được vài trang của cuốn sách này, nhưng vì đó là sách của bạn, và bị bạn giận nên không được cho đọc tiếp 😭😭😭 vì lúc đó nhà còn nghèo nữa nên không đủ tiền để mua, mặc dù rất thích câu chuyện trong đó. Bẵng đi 1 thời gian dài em quên đi chuyện đó, cho tới vài năm trở lại đây em có đi tìm để mua cuốn này về đọc thì tìm không ra, kể cảcác web và ứng dụng bán sách vẫn không còn, bất lực vào đây cmt không biết có ai đó đọc được không, em hy vọng có ai đọc được và đang sở hữu cuốn sách này thì mọi người hãy bán lại nó cho em nhé, vì đó không chỉ là một cuốn sách, nó còn là một bầu trời tuổi thơ của em trong đấy 😔😔😔 0929495960 hảo ạ!

    Trả lờiXóa