Thứ Ba, 27 tháng 10, 2015

VŨ NHO TRẢ LỜI VTV phỏng vấn




VŨ NHO TRẢ LỜI VTV phỏng vấn
Đọc tham luận của VN cho Hội thảo "Văn học nghệ thuật  với việc xây dựng nhân cách con người Việt Nam", các bạn phóng viên VTV gửi câu hỏi trước rồi đến nhà ghi hình. VN trả lời, nhưng khi nhà đài phát, mải đi chơi cũng chả biết mặt mũi mình thế nào và nói năng ra sao. May mà PV còn gửi cho một tấm hình. Những câu trả lời này là tư liệu và kỉ niệm với nhà đài.

PV- Giai đoạn 2 cuộc kháng chiến, Văn học đã có những đóng góp như thế nào vào việc xây dựng nhân cách con người Việt Nam giai đoạn đó?

Vũ Nho ( VN) - Mỗi thời kì lịch sử, văn học xây dựng những hình tượng chính diện, những nhân vật điển hình của thời đại mình. Những nhân vật từ đời sống chiến đấu gian khổ bước vào trang sách. Rồi từ đó họ lại tỏa sáng, ảnh hưởng đến lí tưởng và phong cách sống của mọi người trong xã hội. Thời chống Pháp, hình mẫu của người chiến sĩ là những người thanh niên nông dân giản dị, những nông dân mặc áo lính dũng cảm chiến đấu. Ta gặp họ trong  bài thơ Nhớ của Hồng Nguyên:
        Lũ chúng tôi
Bọn người tứ xứ
Gặp nhau hồi chưa biết chữ
Quen nhau từ buổi “một hai”
Súng bắn chưa quen
Quân sự mươi bài
Lòng vẫn cười vui kháng chiến
Lột sắt đường tàu, rèn thêm dao kiếm
Áo vải chân không
Đi lùng giặc đánh
Hoặc trong bài thơ Đồng chí của Chính Hữu:
        Áo anh rách vai
        Quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười buốt giá
        Chân không giày
Có một số thanh niên trí thức Hà Nội trong bài Tây Tiến của Quang Dũng:
        Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
        Quân xanh màu lá dữ oai hùm
        Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
        Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
Tôi còn nhớ đã đọc tập “ Truyện các anh hùng, chiến sĩ thi đua” do các nhà văn ghi lại. Những Giáp Văn Khương, Ngô Gia Khảm, Trần Đại Nghĩa, Hòang Hanh… rất ấn tượng. Trong văn xuôi, họ là Đại đội trưởng Còm trong Xung kích của Nguyễn Đình Thi,  là anh hung Núp trong “Đất nước đứng lên” của Nguyên Ngọc; là các gương chiến đấu như  Tô Vĩnh Diện, Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót…


Cuộc kháng chiến chống Mĩ  có vô vàn những tấm  gương tiền tuyến, hậu phương, miền Bắc, miền Nam, đồng bằng, miền núi. Chúng ta có Nguyễn Viết Xuân, Nguyễn Văn Trỗi ( Sống như anh), Kan Lịch, mẹ Suốt ( Tố Hữu), người mẹ Tà ôi ( Nguyễn Khoa Điềm), Mẫn ( Mẫn và tôi), chị Sứ ( Hòn đất), bé Thu ( Chiếc lược ngà),  Cụ Mết, Tnú ( Rừng xà nu)… Các chiến sĩ quân đội trong Vào lửa, Mặt trận trên cao của Nguyễn Đình Thi. Những người lính,  chị em thanh niên xung phong trong thơ của Phạm Tiến Duật, Nguyễn Đức Mậu, Hữu Thỉnh…
        Họ khác nhau về tuổi tác, giới tính, vùng miền, nhưng chung một phẩm chất : Hi sinh tất cả vì độc lập tự do của dân tộc. Tất cả để toàn thắng 30 tháng Tư 1975.



PV- Xu hướng xây dựng hình mẫu nhân vật chính diện; nhân vật phản diện trong văn học từ giai đoạn 1986 đến nay mang những đặc điểm gì? (có thể phân tách từ 1986 đến cuối TK 20 và giai đoạn đầu TK 21 đến nay, đặc điểm từng giai đoạn, nêu một số ví dụ) 

 VN: Chúng ta đều biết là sau khi chiến tranh kết thúc, nước nhà thống nhất, đã có những sự thay đổi mạnh mẽ của đời sống xã hội. Đặc biệt sau khi nước ta thực hiện đường lối đổi mới. Nhận thức của văn nghệ sĩ về nhiệm vụ của văn học nghệ thuật cũng có những thay đổi đáng kể. Trước đây, trong kháng chiến chống Mĩ, xu hướng chủ đạo của văn học là lãng mạn cách mạng, giọng điệu là sử thi. Thơ thiên về hướng ngoại, văn xuôi cũng thiên về ca ngợi những tấm gương anh dũng , bất khuất. Bây giờ không thế. Những người anh hùng trận mạc, giờ đối mặt với những gian khổ, khó khăn đời thường.
        Những người lính vô danh
        Sống hào hùng suốt một  thời đánh giặc
        Giờ đối mặt với cuộc đời thường nhật
        Lí tưởng thì xa cơm áo thì gần
                   Lê Quang Trang – Khoảng cách
Người lính trở về, họ làm công việc bình thường:
        Đi cày và đi biển
        Lên tàu và xuống bến
        Nuôi cá và trồng rau
        Chạy chợ và gác cầu
        Bơm xe và cất vó
                 Phạm Đức – Cái nền
Các nhân vật trung tâm bây giờ không phải là những chiến sĩ, những can bộ gương mẫu, nhưng anh chủ nhiệm hết lòng vì Hợp tác. Có thể nói là nhân vật tích cực, tiêu biểu thưa vắng trên trang viết. Thay vào đó là những con người có quá khứ hào hùng, giờ gục ngã trước sức cám dỗ của đồng tiền. Hoặc những nhân vật cơ hội, ngày càng tha hóa. Các đại gia, các bưởng trưởng, các lãnh đạo cấp tỉnh tha hóa, các cò mồi trung gian chạy án…Họ thành nhân vật trung tâm để xã hội  phê phán.

        Một ví dụ về truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu ( 1983). Đẩu, Phùng không phải là những con người lí tưởng. Họ cũng có những nhận thức giản đơn, hời hợt trước số phận người đàn bà hang chài. Ngay cả người phụ nữ này, sự nhẫn nhịn, cam chịu, nạn nhân của sự bạo hành kèm với những sắc sảo, trải đời, khiến cho ca ông Bao Công và ông Nghệ sĩ cũng vỡ ra những điều mới mẻ. Chị vừa có sự đáng thương, đáng trách nhưng cũng đáng nể, đáng phục.
        Ví dụ khác về nhânvật Bà Hiền trong “ Một người Hà Nội” của Nguyễn Khải ( 1990). Bà là người khôn ngoan, sắc sảo, yêu nước, thương con, nhưng theo một cách riêng. Thậm chí còn tự hào “ Tao có bộ mặt rất tư sản, một cách sống rất tư sản, nhưng lại không bóc lột ai cả thì làm sao mà thành tư sản được”. Dù thế nào, trong con mắt nhà văn, bà Hiền vẫn là “ một hạt bụi vàng “ của Hà Nội.
        Ví dụ khác nữa ở “Mùa lá rụng trong vườn” của Ma Văn Kháng  ( 1985). Nhân vật Đông vốn là anh hung trận mạc, nay trở nên như một người thừa, lạc lõng.
        Tóm lại, không có nhân vật hoàn hảo, tiêu biểu, mà là các nhân vật đời thường với những ưu khuyết,  thường thấy ở mọi người. Đó là những con người thế sự đời tư.
Nhận thức về vai trò nhà thơ  ( nhà văn) cũng thay đổi. Trước đây thì “ Vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến lũy/  Bên những dũng sĩ đuổi xe tăng ngoài đồng và hạ trực thăng rơi” ( Chế Lan Viên). Bây giờ thì nhà thơ là người áp tải, người hát rong, kẻ lãng du, kẻ lang thang, kẻ ham chơi, đôi khi là gã xẩm ngọng, gã khùng, gã khờ… Cái chất “chiến sĩ” giảm đi, chất “đời thường, dân thường” tăng lên.

PV- Sự ảnh hưởng của từng loại hình mẫu nhân vật đến tâm lý bạn đọc, từ đó góp phần xây dựng nhân cách cho bạn đọc.

Chúng ta phải thừa nhận chức năng giáo dục của văn học nghệ thuật vẫn là một chức năng cực kì quan trọng. Dù cho bây giờ chúng ta  phát hiện, công nhận thêm các chức năng giải trí, dự báo, phản biện,… Văn học trong nhà trường đã in sâu vào đầu óc trẻ thơ những con người đẹp, mẫu mực về lí tưởng sống, về lòng nhân ái. Những hình ảnh  người anh hùng, tiến tiến, tích cực có giá trị giáo dục cao.  Trần Quốc Tuấn, Trần Quốc Toản, Quang Trung,…Các chiến sĩ  của cách mạng  nêu những tấm gương yêu nước, dũng cảm, trung thành với sự nghiệp.Nhưng những hình ảnh nhân vật phản diện cũng có tác dụng giáo dục.  Sự hèn nhát của vua Lê Chiêu Thống. Tính chất  bạc tình của Sở Khanh, sự nhu nhược của Thúc Sinh,… hay những Trịnh Hâm, Bùi Kiệm, làm cho người đọc hôm nay  khinh bỉ cái xấu, cái ác…

PV - Hiện nay nhiều nhà văn có cách khắc họa rất mạnh mẽ, sâu sắc về các nhân vật phản diện trong xã hội đương đại, theo ông điều này có lợi cho việc xây dựng nhân cách của bạn đọc VN không?

Như đã nói, cái tốt đẹp, các nhân vật tích cực có giá trị giáo dục cao. Nhưng các nhân vật phản diện, nếu xây dựng thành công, miêu tả sâu sắc cũng có tác dụng giáo dục rất lớn. Nhân cách không phải được hình thành trong ngày một , ngày hai. Việc các nhân vật tích cực ảnh hưởng đến sự phát triển tốt đẹp của nhân  cách con người là hiển nhiên. Nhưng các nhân vật phản diện, mưu mô xảo quyệt, cơ hội, vô cảm, lạnh lung tàn nhẫn,… cũng có tác dụng giáo dục tích cực. Người đọc soi vào đó để lên án, để phê phán, để tránh xa,… Trong nghệ thuật , thành công khắc họa nhân vật chính diện và thành công khắc họa nhân vật phản diện đều được đánh giá cao.

PV - Theo ông hướng đi nào cho văn học đương đại Việt Nam để chúng ta có thêm nhiều tác phẩm sâu sắc góp phần hơn nữa vào việc xây dựng nhân cách con người Việt Nam?

Theo tôi nghĩ, cá nhân nêu lên định hướng có nhẽ không thích hợp. Nhưng dù sao thì vẫn là một ý kiến để tham khảo. Việc phản ánh con người Việt Nam trong thời kì đất nước hội nhập, với biết bao khó khăn, thách thức là rất cần thiết. Nhưng Văn học nghệ thuật luôn có những tìm tòi riêng của mình. Chiến tranh đã kết thúc, nhưng vẫn cần những tác phẩm viết về chiến tranh với độ lùi lịch sử cho phép để khám phá những phẩm chất kì diệu của con người Việt Nam. Để cắt nghĩa vì sao chúng ta có thể “ từ trong máu lửa. Rũ bùn đứng dậy sáng lòa” ( N. Đình Thi). Không những thế, các nhà văn còn “ dĩ cổ vi kim”, viết tiểu thuyết lịch sử để nói với bạn đọc về những gì chúng ta cần rút kinh nghiệm, những gì chúng ta cần học ở cha ông để vững tin, vững bước trong thời đại mới. Chúng ta có một khẩu hiệu rất hay là “xây” phải gắn liền với chống. Tác phẩm ngợi ca cũng phải có cái nhìn phê phán. Ngợi ca một chiều dễ sa vào tô hồng. Phê phán một chiều, dễ sa vào bôi đen. Tùy năng khiếu, tùy sở thích mà mỗi nhà văn có thể chọn cho mình một góc phản ánh hiệu quả nhất, góp phần bồi đắp tâm hồn, xây dựng nhân cách con người Việt Nam.



2 nhận xét:

  1. Vâng, ý kiến cá nhân, nhưng rất đáng để mọi người suy ngẫm.

    Trả lờiXóa