Thứ Sáu, 1 tháng 7, 2016

Lục bát Đồng dao của Trần Lan Vinh



  
 
                                      Vũ Nho chủ trang

  Lục bát Đồng dao của Trần Lan Vinh

                       Vũ Nho

Hơn chục năm về trước Trần Lan Vinh đã cho xuất bản cuốn “ Gọi mưa”, cuốn đồng dao ở nhà xuất bản Thanh Niên. Một cuốn sách rất thú vị dành cho trẻ em thời hiện đại. Với tất cả những hiểu biết về trẻ em và các trò chơi con trẻ, nhà thơ đã tạo được một hướng mới cho mạch vỉa thơ của mình. Làm mới lại thể đồng dao, một kí ức của văn học dân gian.

Nhà nghiên cứu văn học dân gian Trần Gia Linh đã tuyển chọn và giới thiệu các bài đồng dao trong cuốn sách nhỏ “Đồng dao Việt Nam” với  5 chủ đề : đồng dao về thiên nhiên, đất nước; đồng dao gắn với những trò chơi ở lứa tuổi nhỏ; đồng dao mô phỏng các hoạt động sản xuất tập cho các em thành người lao động; đồng dao chứa đựng những tư duy ngộ nghĩnh và trí thông minh của các em; những bài hát ru ( Nhà xuất bản Giáo dục, 2004). Có thể thấy  trong “Lục bát đồng dao” tất cả các chủ đề trên với các mức độ đậm nhạt khác nhau. Tuy nhiên,  việc mô phỏng các hoạt động sản xuất  và tư duy ngộ nghĩnh không được chú trọng nhiều ở trong tập đồng dao này của tác giả. Một trong các lí do chủ yếu là nếu “ Gọi mưa” dành cho trẻ em, thì có vẻ như “ Lục bát đồng dao” không dứt khoát được như vậy.  Không tuyên bố, nhưng hình như như đây là “Đồng dao cho người lớn” như cái cách mà nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đã làm trước đây. Khác chăng là ở tập này Trần Lan Vinh chỉ dùng một thể lục bát, nhưng lại ngắt dòng cứ hai từ một dòng và trình bày  cả bài thành hai cột song song. Cũng là một sự tìm tòi.


    Đọc tập “ Lục bát đồng dao”, người đọc sẽ thấy cũng như  ở tập trước, nội dung của nó thấm đẫm hình ảnh làng quê với các trò chơi con trẻ càng ngày càng thưa vắng dần bởi trẻ con giờ đang chơi các trò chơi điện tử và những đồ chơi vô cùng nhiều mẫu mã, hình thức bán đầy với giá khá rẻ trên thị trường. Chúng tôi ghi nhận những hình thức chơi của trẻ em gắn liền với các bài đồng dao cổ được khai thác, lưu giữ ở đây: Oản tù tì, Tập tầm vông, Chi chi chành chành, Kéo cưa lừa xẻ, Thả đỉa ba ba, Bịt mắt bắt dê, Trốn tìm, Đánh chắt, Đánh chuyền,… Không phải là những bài hát  xưa cũ. Ở đây, là những hình thức mới và nội dung cũng mới. Ví dụ như  “oản tù tì”. Đồng dao cũ chỉ là “ Oản tù tì, ra cái gì? Ra cái – này!”. Kèm theo đó là việc ra nắm đấm ( búa); ra hai ngón tay ( kéo); ra bàn tay xòe ( giấy). Nắm đấm ( búa) thắng hai ngón tay ( kéo); Hai ngón tay  thắng bàn tay xòe ( kéo cắt giấy); Bàn tay xòe thắng nắm đấm (  Giấy bọc búa). Trò chơi chỉ đơn giản vậy. Nhưng hãy xem “Oản tu ti” của Trần Lan Vinh:

              Vại cà đang oản canh cua/ Yêu nhau oản mặn ra chua tại mồm […]

              Tù tì oản nổi niêu cơm/  Tự dưng có khói oản rơm rạ đồng/ Sao không oản chợ cho đông/  Để đây bán mớ trầu không cho làng/ Hội soan oản điệu oản đàng/ Xin trời cho oản anh nàng gặp nhau. Cần phải nói  rằng từ “Oản” này được tác giả dùng rất sáng tạo, rất nhiều nghĩa mà không nghĩa nào có trong từ điển. Chẳng hạn Từ điển tiếng Việt của Viện ngôn ngữ học 1992, chỉ có một từ “oản” ( Xôi hoặc bột bánh khảo được nén chặt vào khuôn, đóng thành khối nhỏ hình nón cụt để cúng – tr 742).

“Thả đỉa ba ba” giờ chỉ còn là một tín hiệu nhắc nhớ  trò chơi để nói về chuyện “ Làng tôi trống hội đang thùng thình xuân”:

    Thả đỉa gieo vía ba ba/ Người dưng đâu biết Xuân già hay non/ Nhà trai chê hến chưa tròn/ Nhà muôi báng lại bồ hòn khó chơi/ Mưa xuân thả giọt chơi vơi/ Làng tôi đi ngược về xuôi đã từng.

                                          ( Thùng thình xuân)

Người đọc sẽ bắt gặp các sản phẩm nông nghiệp bày bán ở chợ quê, các loại quà quê, các cảnh quê, đặc biệt là người quê, tình quê thể hiện hồn quê. Có điều,  quà quê nó không ấn tượng mạnh như trước đây với tư cách như một đặc sản : Bánh gio bảnh tẻ/ Bánh đa bánh dầy/Bún cua nấu bỗng/ Bánh đúc bẻ tay/ Mắm tôm quệt ngược ( Chợ Nủa) Này quả táo dầm/ Này chùm mận hậu/ Xâu bồ quân chín/ Sấu khô tẩm gừng ( Nắng ô  mai)  ( tập Gọi mưa). Các hình ảnh đó  bây giờ chừng như tản mạn hơn. Và cũng không đơn thuần nghiêng về kể, mà nghiêng về cảm nhận chủ quan với những chiêm nghiệm, khái quát. Ví như   sự “kể” các loại rau, loại lá quen trong “Gieo xuân”:

    Kể lá là lá ngải xưa/ Kể rau diếp ốc lộn mưa cầu vồng/ Dọc mùng buôn bán chợ sông/ Cái nóng oi ả đợi mầm đỗ đen/ Tìm rau mà chả biết tên/ Cứ cài răng lược vườn bên lá phèn/ Chợ lạ chơi bán người quen/ Lá sung chén rượu nắm nem khề khà…

Hoặc   về “Hồn quê” :

    …Sao dời vật đổi non xanh/ Công cha nghĩa mẹ sinh thành ra con/ Mắt ai đăm đắm giọt buồn/ Sông ngân nước chảy về nguồn mây trôi/ Bến xưa bên lở bên bồi/ Chốn xưa áo vá mẹ ngồi ngóng con/ Thời gian nước chảy đá mòn/ Chắp tay xin lạy vong hồn quê hương.

 Các cảnh quê điển hình, nhưng thấp thoáng, dàn trải ra nhiều bài chứ không tập trung vào một bài. Chẳng hạn :

  Mõ trâu đủng đỉnh kéo chiều/ Dòng sông đang rước cánh diều trắng mây

                                                         ( Câu thơ gieo quẻ)

     Đóm đồng đang rước ma chơi/ Dế giun đang gảy đầy vơi khúc đời

                                                         ( Chuyện giời ơi)

    Mưa xuân đang gọi điếu cày/ Thuốc lào thả khói quán gầy rạ xiêu

                                                           ( Chợ xuân)

    Con về theo tiếng mõ đưa/ Lộc sen ai chấm  lưa thưa mặt hồ

                                     ( Lộc sen)

 Không chỉ là kể, không chỉ là tả,  mà còn khái quát như là đúc kết kinh nghiệm, như cách tổng kết của tục ngữ về cõi người, về ứng xử:

    Cõi đồng sang sợi mưa bay/ Cõi người đang mải mặn chay kiếp người

                                        ( Câu thơ gieo quẻ)

    Hỏi dòng tìm bến chơi vơi/ Hỏi thanh tao phải tìm người thanh tao

                                        ( Tìm thanh tao)

    Nghe thôi nói cho ít lời/ Bớt cơn cớ sự cho đời nó êm

                                          ( Rấp ranh)

    Lê la vỏ quýt quỵt rươi/ Vén mồm chao chát hết người hóa ta

                                          ( Mở gói)

    Nhà thẳng bĩu môi nhà còng/ Này đây biết tỏng tòng tong ngắn dài

                                 ( Thẳng chê còng)

    Chúng ta đều biết đồng dao là các bài hát của trẻ con do các em tự đặt lời một phần, còn phần lớn là do người lớn - người cũng đã có thời là trẻ con- đặt ra cho các em hát, các em chơi nhằm giúp nhận thức về thiên nhiên, xã hội, thế giới xung quanh, đồng thời giáo dục tình cảm gia đình, bạn bè, xã hội và quê hương, đất nước. Chúng tôi đã đề cập đến tính chất đa diện của bài đồng dao. Nó vừa có chất vè của thể loại vè khi cần kể việc, kể người. Nó lại có chất thơ của thơ ca khi nhìn sự vật bằng con mắt thẩm mĩ thấm đẫm yêu thương. Và nó có chất nhạc của bài ca khi rất chú ý đến nhịp điệu, tiết tấu, đặc biệt là các bài đồng dao gắn liền với các trò chơi như chồng nụ chồng hoa, thả đỉa ba ba, chi chi chành chành,…

Bây giờ các em và cả những người lớn ( có một đứa trẻ con trong mình) có thể đọc thơ trẻ em viết và người lớn viết cho các em, hát các bài hát do các nhạc sĩ chuyên và không chuyên sáng tác dành riêng cho các em. Bởi thế mà nhu cầu “hát đồng dao” ( bài hát tự phát cho trẻ em) không quá lớn. Đồng dao muốn thu hút được sự quan tâm của cả các em và cha mẹ các em thì có hai điểm quan trọng cốt tử. Một là nó phải giàu chất thơ, thực sự là những bài thơ trong sáng, ngộ nghĩnh, gần gũi với các em. Gần gũi về người ( cha mẹ, ông bà, anh chị em, thầy cô giáo, bạn bè,…) về cảnh  (  ngôi nhà, con đường, dòng sông, lớp học, hoạt động vui chơi,…), về các con vật  ( con mèo, con gà, con chó, con vịt, con ngan, con bò, con trâu,…), về các trò chơi cũ và mới ( Oản tù tì, tập tầm vông, chồng nụ, chồng hoa,  thả đỉa ba ba, bịt mắt bắt dê, chơi games,  giải ô chữ, đuổi hình bắt chữ…). Thứ hai là nó phải tương đối ngắn gọn. Bản thân bài đồng dao mới, dù bất cứ thể thơ ba chữ, bốn chữ, năm chữ, tám chữ hay lục bát đều cần ngắn, cô đọng. Sự bắt vần kiểu tự do ngộ nghĩnh của đồng dao cũ cần được khắc phục. Có được hai yếu tố trên thì khả năng thành công là rất cao. Trong lục bát đồng dao, phần lớn các bài đều khá dài.  Nếu dài mà chặt chẽ, tập trung thì vẫn có thể chấp nhận. Nhưng  dài mà lại tản mạn, thiếu tập trung là sự hạn chế. Có thể không khó khăn gì để tìm thấy các ví dụ.  Chẳng hạn bài “ Ru kiếp gió” có thể kết thúc ở trang 165. Bốn câu ở trang 166 sẽ có nhan đề “Ru thân phận”. Chúng tôi  đưa  ví dụ thêm bài “ Nỗi nhớ”. Phải nói rằng đây là bài  giàu chất thơ và khá hoàn chỉnh. Nhưng có thể dễ dàng tách thành hai bài. Bài 1 là “Nỗi nhớ” :

Áo the khăn xếp cau trầu/ Lới lơ câu hát theo nhau má hồng

Ra xuân chân mạ bồng bồng/ Tại em nón trắng đèo bòng thân tôi

Mắt người thả sợi mây trôi/ Mắt tôi nỗi nhớ chơi vơi yếm đào

Đu xanh nhún bổng cành cao/ Chiều nghiêng ta thả nhau vào ước mơ

Bài 2 là “ Yêu thầm”:

Dòng sông dệt những trang thơ/ Sợi thương sợi nhớ giăng tơ nỗi niềm

Chiều nghiêng bởi tại chiều nghiêng/ Tại người thổn thức cái duyên yêu thầm.

Ở các bài khác việc dư câu không ăn nhập vào chủ đề, không ăn nhập vào tên bài và mạch kể,…tao ra ấn tượng nuối tiếc cho người đọc.

Không phải bây giờ Trần Lan Vinh mới làm đồng dao bằng Lục bát. Trong cuốn sách “Đồng dao Việt Nam” của Trần Gia Linh đã dẫn, chúng tôi thống kê có tới 65 bài lục bát trên tổng số 172 bài, tỉ lệ 37,79% (ông Trần Gia Linh đã trích lặp 4 bài, số bài trong tập thành 176).  Cái mới lạ ở đây là lục bát cắt dòng. Về mắt nhìn tạo cảm giác lạ. Về cách đọc nó cũng tạo một ấn tượng mới. Hết cột bên trái qua cột bên phải. Thật là tiếc khi chỉ duy nhất một lần tác giả kết thúc bằng câu sáu ( Bài “Thẳng chê còng” ( trang 141-142). Cái kết bằng câu sáu tạo ra sự hụt hẫng, sự lưng chừng, sự lửng lơ…là một thủ pháp quan trọng của lục bát. Một số chỗ, tác giả cố ý để “lạc vần”. Chẳng hạn như ở các trang 17, 48, 49, 84, 86,  92, 99, 115, 140, 141, 143, 148, 152, 159, 178, 180, 186, 188, 194. Chúng tôi cho rằng đây là thử nghiệm của tác giả. Một số chỗ lạc vần câu trên nhưng để tiếp vần câu dưới là hợp lí ( chẳng hạn trang 48, 49, 84,86…). Nhưng có những chỗ không cần lạc vần vì không  cần thiết ( trang  143,  152)  không tạo hiệu ứng nghệ thuật ( trang 92, 115). Một vài từ ngữ xuất hiện quá nhiều, đôi khi không rõ nghĩa. Chẳng hạn từ “vấn” -  hạt mưa vấn đồng ( trang 11), Chợ nào một vấn gió đưa ( 15), Chợ Viềng năm một vấn thôi ( 16), Về nhà hỏi trẻ là ra vấn đồng ( 77) Hỏ đời được mấy vấn may (91) Những chuyện trăn trở canh khuya vấn đời (98) Bởi con dường đất rạ men vấn đồng ( 108) Ăn trầu phải mặn vấn vôi ( 123) Để đàn niêng niễng cơ cầu vấn trưa ( 130) Gặp ngay vấn hội lùng tùng ( 132) Giêng hai lộc trẩy vấn dài ( 143) Miệng nào mặn vấn cho nhau phải lòng ( 149) Đồng bừa bận vấn cao quần ( 156) Thích nâu xin giải vấn chuyền đất nâu ( 171) Véo von sáo sậu chuyền xưa vấn cầy ( 172) Vi vu tiếng sáo đồng say vấn mùa ( 172) Chi chi chán khóc lại sang vấn cười ( 178) Lười rõ là lười đòi cưới vấn chăm ( 191)…

Dù vậy chúng tôi đánh  vẫn đánh giá cao sự tìn tòi của tác giả “Lục bát đồng dao”. Đây là đồng dao cho mọi lứa tuổi, nhưng nghiêng về cho người lớn. Có rất nhiều câu lục bát là nhưng câu thơ hay, độc đáo mà ta có thể tìm thấy nó lẫn trong các bài dài. Xin dẫn ra một  phần của bài “ Cháu gọi bà” :

Bà tôi rổ bỏng rổ khoai/ Mớ cua mớ ốc mớ trai nổi chìm

Bước về cát vỡ chân chim/ Già nương bóng gậy nắng chìm vạt sương

Đồng chiều bìm bịp kêu thương/ Bà ơi cháu gọi đồng sương dần mờ

Bạn đọc có thể tùy duyên, tùy tâm, tự mình chiêm nghiệm và  cảm nhận

“Lục bát đồng dao”.

                                                Hà Nội, tháng một 2016
In báo Văn Nghệ số 25 tháng 6/2016. Đây là bản đầy đủ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét