Thứ Tư, 6 tháng 7, 2016

UỐNG RƯỢU TẮC KÈ NHỚ CHIẾN TRƯỜNG NAM LÀO (1972)




UỐNG RƯỢU TẮC KÈ NHỚ

CHIẾN TRƯỜNG NAM LÀO (1972)

Đặng Bảo Thạch

Rừng cháy trăng mờ suối cạn khô

Tắc kè lạc giọng gọi sang mùa

Rượu nồng một chén đà lấng khấng

Uống cả vào lòng tiếng gọi xưa.



Lời bình của Nguyễn Thị Lan

1. Thơ tứ tuyệt là thể thơ quen thuộc với người Việt Nam. Thể thơ nhỏ bé này trong những năm gần đây hình như được mọi người chú ý nhiều hơn. Đã xuất hiện những công trình tương đối lớn chuyên dịch thơ tứ tuyệt. Nhiều tập thơ tứ tuyệt của những nhà thơ có tiếng đã được xuất bản. Các cuộc bình thơ tứ tuyệt, thi thơ tứ tuyệt, sáng tác thơ tứ tuyệt đã được một số tờ báo, tạp chí tổ chức.

2. Trong khuôn khổ một bài viết nhỏ, người viết xin giới thiệu bài thơ tứ tuyệt của Đặng Bảo Thạch. Bài thơ được in trong Tuyển tập “Thơ Hải Dương 2000 – 2010” (Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hải Dương – 2011, trang 183).

Bài thơ là một nỗi nhớ.

Về thể loại thi phẩm được viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt.

Hai câu đầu, câu "khai" và câu "thừa":

Rừng cháy trăng mờ suối cạn khô

Tắc kè lạc giọng gọi sang mùa

là hai câu thơ gợi chuyện, gợi về một quãng đời có thật trong cuộc đời nhà thơ: những năm chiến đấu ở chiến trường Nam Lào. Một khung cảnh thiên nhiên trong chiến tranh, thiên nhiên ở chiến trường đã được tạo dựng.


Mười bốn  từ không có một chữ "nhớ" nào mà nỗi nhớ cứ hiện lên mồn một khung cảnh chiến trường xưa với "rừng", "trăng", "suối". Rừng thì cháy ngùn ngụt bốc lên tận trời xanh làm cho vầng nguyệt phải mờ, ngọt lửa bạo tàn khiến cho dòng suối khô kiệt. Cảnh chiến trường khốc liệt như nỗi đau chết lặng của con người. Rồi tiếng tắc kè lảnh lót, da diết trong nỗi nhớ, lay động tâm can nhà thơ. Tắc kè gọi sang mùa. Tắc kè mong mùa mưa đến mang lại sự sinh sôi, mát lành, nguồn sống cho cỏ cây, muôn thú nơi đây. Tắc kè gọi đến "lạc giọng".

Có cái gì xao xuyến, rưng rưng trong ta. Có phải vì cái khát khao cháy bỏng, khát khao đến quên mình của con tắc kè nhỏ bé kia. Như vậy sự sống không bị hủy diệt, sự sống vẫn ấp ủ, sự sống sẽ hồi sinh trong tiếng kêu của con tắc kè đó. Là hai câu thơ gợi chuyện mà tình ý thơ đã lan tỏa ngoài lời.

Trong thơ tứ tuyệt câu ba thường được chú trọng hơn, đó là câu "chuyển" . Hai câu đầu diễn tả cảnh sắc thiên nhiên ở chiến trường, đến câu thứ ba chuyển sang con người:

"Rượu nồng một chén đà lấng khấng"

Rượu "một chén" mà người uống đã có vẻ say ("lấng khấng"). Thực tế một chén nhỏ rượu thuốc làm sao say được. Người uống không say rượu mà say kỉ niệm. Chén rượu tắc kè như một tác nhân mở cánh cửa thời gian, mở cánh cửa lòng anh, đưa anh về quá khứ sống lại với kỉ niệm xưa: những năm tháng gian khổ, hào hùng mà mỗi người lính hồ dễ mấy ai quên.

Bài thơ kết lại bằng câu "hợp":

"Uống cả vào lòng tiếng gọi xưa"

đầy dư vị, dư vang. Giữ nhiệm vụ khép lại bài thơ nhưng câu thơ lại mở ra cả một trời thương nhớ.

Trong thơ Đường, câu kết ("hợp") là câu khó nhất; khó vì phải khép lại một cách tự nhiên, vừa để lại dư vị "như tiễn đưa bên sông quay về", "lời hết mà ý chưa hết". Câu kết này đã đáp ứng được yêu cầu đó. Ở đây, câu "hợp" cho ta thấy tất cả hình ảnh, tâm tư nhà thơ hiện ra rõ; không gian chiến trường - hậu phương bỗng nối liền; thời gian như được mở rộng (xưa - nay).

Cũng cần nói thêm về cái "tứ" của bài thơ. Tứ thơ "uống rượu" thật độc đáo. Xưa nay các thi nhân thường mượn chén rượu để giải sầu hoặc để khêu gợi cảm hứng, với Đặng Bảo Thạch, anh uống rượu để gợi nhớ, để sống với kỉ niệm.

Sự phong phú của tâm hồn người làm thơ tỏa ra từ bên trong của lời, của ý, mang lại cho bài thơ vẻ đẹp trầm tĩnh, kín đáo.

Về sự hàm súc của thơ, có người nói "thơ là một sự dồn nén năng lượng". Bài thơ này là một sự dồn nén năng lượng: cô đúc, gợi cảm, ngôn từ chọn lọc, không một chữ thừa. Chỉ có bốn câu, hai mươi tám chữ mà có cả rừng, trăng, suối, cả tiếng gọi sang mùa của tắc kè, có cả tư thế uống rượu, cả tâm tình của người uống rượu. Bài thơ ngôn từ ít mà lắm kỷ niệm, nhiều bâng khuâng.

Cấu trúc bài thơ gọn nhẹ, ngôn từ gợi nhiều hơn tả. Bố cục của thi phẩm gợi nhớ bố cục của bài Đường thi: hai câu đầu nặng tả cảnh, hai câu sau nặng tả tình. Ở hai câu cuối của bài thơ, cảnh chuyện bị đẩy ra ngoài như những dấu vết xưa, dành cho nỗi lòng nhà thơ ngự trị. Bao trùm bài thơ là cái tình sâu nặng của người chiến sĩ "nhớ chiến trường". Bài thơ hàm chứa tình cảm sâu sắc của một trái tim giàu yêu thương.

"Uống rượu tắc kè nhớ chiến trường Nam Lào (1972)" là một bài thơ tứ tuyệt man mác phong vị Đường thi, có sức ám ảnh người đọc.

                        Hải Dương, đầu Đông năm Tân Mão (2011)





















Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét