Thứ Hai, 7 tháng 8, 2017

NÉT NHỚ CÀ MAU của Trúc Thông với lời bình



       

 NÉT NHỚ CÀ MAU
                      Trúc Thông

Dáng mềm mại áo học trò thật trắng
các em ngồi mấy khoang thuyền dài
sông  cứ chảy bời bời sóng đục
trôi đôi bờ thấp thoáng bông mai

ấm lại những bãi bờ hoang dã
bao xót xa cha mẹ mát lòng
khoang thuyền chật các em ngồi thương quá
quê hương mình ngang dọc những vàm sông

muốn vẫy những sớm chiều qua lại
hãy thưa thôi nước nổi lũ tràn
tất cả nỗi đời xin dịu xuống
khi tóc mềm áo trắng lướt ngang...

         (Trong tập “Một ngọn đèn xanh”-NXB Hội Nhà văn-2000)

  THƯƠNG YÊU SAO-NÉT NHỚ CÀ MAU
                                           Trần Trung

  Cả bài thơ thất ngôn, với ba khổ, nếu xét về dấu câu, Trúc Thông chỉ dùng dấu chấm lửng (...) trong câu thơ cuối cùng của “Nét nhớ Cà Mau”. Ấy thế mà tạo nên độ dư ba, ám ảnh thật lạ !
   Đã có khá nhiều người bình giá về phong cách, về điệu hồn, hình ảnh và câu chữ trong thơ Trúc Thông. Và, cũng đã có những “mẫu số chung” trong nhận biết, đánh giá...: Thơ Trúc Thông kiệm lời, có nhiều khoảng trống của câu chữ, mà gợi cảm, gợi nghĩ-rất ấn tượng.

   Với “Nét nhớ Cà Mau” (Trong tập thơ “Một ngọn đèn xanh-Nhà xb HNV-2000), có lẽ nhà thơ có cách cấu tứ, mà tôi tạm gọi là đồng hiện-đối sánh. Đã có “nét nhớ”,anh tạo ra những hình ảnh, câu chữ sóng đôi mà cùng đồng hiện-Thật thú vị-ngay từ khổ thơ đầu.Ấy là, cái trắng trong tinh khiết, rất học-trò-gái, với “Dáng mềm mại áo học trò thật trắng” mà tương phản, đồng hiện với dòng nước Cà Mau “bời bời sóng đục”; lại tiếp, nhà thơ đem cái nét vẻ “thật trắng” của các trò gái mà đồng hiện, đồng hành với nét điểm xuyết  cùng hình ảnh lặng trôi, thoáng vẻ thơ mộng của thiên nhiên Cà Mau: “Trôi đôi bờ thấp thoáng bông mai”.Thế thôi, nhưng đã gợi ra những nét đẹp và cũng rất đỗi dễ thương của cảnh sắc thiên nhiên và con người vùng sông nước này : thật thanh nhã, trẻ trung cùng cả nét mộc mạc, tươi khỏe...
  Nếu như khổ thơ đầu của Trúc Thông vừa là khổ gợi mở, thì hai khổ tiếp, nhà thơ lại đem Cái-Trực-Cảm rất cụ thể mà khái quát nên thành vẻ đẹp, nét đẹp dễ nhớ của quê hương xứ sở, với những con chữ ấm áp và, ngợp tràn tình thương:
             “ấm lại những bãi bờ hoang dã
               bao xót xa cha mẹ mát lòng
               khoang thuyền chật các em ngồi thương quá
               quê hương mình ngang dọc những vàm sông”
  Ta dường như cảm nhận được, nhà thơ  đang buông thả thật dịu dàng hồn mình, tình mình vào những hình ảnh (tất nhiên có chọn lọc!) vào dòng sông quê với “ngang dọc những vàm sông”; với “những bãi bờ hoang dã”...để rồi dừng lại mà hướng vào “điểm nhìn” xiết bao rung động từ hình ảnh thanh tân. Và,  tự bật lên tiếng lòng, tiếng thơ như không nén nổi cảm xúc “Khoang thuyền chật các em ngồi thương quá”. Câu chữ trong thơ Trúc Thông, dường như đã vượt qua, bỏ qua cái lối dụng công bay bướm, hào hoa...thường tình, mà giản mộc, kết đọng trong cảm suy của riêng mình.  Đọc và thích, và ám ảnh...Trong khổ thơ trên, tôi thích những con chữ sống động và rất đỗi ân tình, sâu lắng của Trúc Thông: “ấm lại”; “mát lòng”; “quê hương mình”; “vàm sông”...Bởi, nó gợi nên bao điều về một miền đất, một miền quê Nam Bộ-Cà Mau-cả Cảnh-Sự-Tình, ba phẩm chất cần có, phải có của thơ ca muôn thủơ.
   Người viết bài này, trong một lần hội thảo thơ ở Nam Định, từng tự tin (mà cũng rất “chủ quan”!): Nhà thơ-Người thơ...là thi nhân, suốt một đời đi tìm Con-Người-Nghệ-Thuật-Của Mình. Thế nên, trở lại với “Nét nhớ Cà Mau” của Trúc thông, tôi muốn nói thêm: Mẹ-Quê hương-Nghĩa tình-Thủy chung, chính là nét chủ đạo và ôm trùm trong thơ Trúc Thông, từ tập thơ in chung cùng Đào Cảng- “Chầm chậm tới mình”(1985) cho đến 4 tập in riêng: “Ma-Ra-Tông”(1993); “Một ngọn đèn xanh”(2000); “Vừa đi vừa ỏ”(2005) (Tôi cứ nhớ mãi khi tặng tôi “Vừa đi vừa ở”, anh cười tủm tỉm, rất hóm-ra chiều tâm đắc!); và, tập cuối “Mắt trong veo”.Tất cả, sau in vào tuyển “Trúc Thông-Thơ” (Nhà xbHNV-2014).Một đời thơ, với tất cả sự nghiêm túc, tâm huyết và kĩ lưỡng (thậm chí đến “khó tính”),Trúc Thông vừa “Chầm chậm tới mình” vừa sải bước “Ma-Ra-Tông”...để tự kiếm ra Con-Người-Nghệ-Thuật của mình, khi hướng tới nguồn cảm xúc, cảm hứng ngỡ như đã quá quen thuộc về :Quê hương, Đất nước và con người.
   Như đã nói: Thủy chung, nghĩa tình, quê hương... tạo nên nét nhất quán trong phong cách nghệ thuật thơ Trúc Thông. Cũng bởi thế, “Nét nhớ Cà Mau” của Anh, khép lại khổ thơ thứ ba và cũng là khổ thơ kết, vẫn kết đọng.Vẫn dư ba Cái-Tình-Quê; không phải chỉ tình với quê Nội Trúc Thông (vùng quê nghèo, đất Bình Lục-Tỉnh Hà Nam)...Mà, tiếp tục lan tỏa trong mọi miền quê hương-Đất nước.Nét ân tình liền khao khát, lại tiếp trở lại  sóng đôi và đồng hiện :
                “muốn vậy những sớm chiều qua lại
                  hãy thưa thôi nước nổi lũ tràn
                  tất cả nỗi đời xin dịu xuống
                  khi tóc mềm áo trắng lướt ngang...”
    Nhà thơ đang trải lòng mình trong “Nét nhớ Cà Mau” hay đang trao gửi tâm tình cùng mọi người,hay nhẹ nhàng ân tình mà lo xa, mà nhắc nhở chính lòng mình của hôm nay hay “những sớm chiều qua lại” vùng đất vừa thanh bình lại cũng vừa dữ dội : “hãy thưa thôi nước nổi lũ tràn”. Nét dư ba, “nét nhớ Cà Mau” kết đọng và ngân nga từ trong những con chữ như một lời nguyện cầu thành tâm, thấm thía:
                  “Tất cả nỗi đời xin dịu xuống
                    khi tóc mềm áo trắng lướt ngang...”

                                       Hà Nội-Tháng 7/2017.

                                      

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét