Thứ Năm, 3 tháng 8, 2017

TỜ LỊCH của Duy Khoát với lời bình




TỜ LỊCH

Duy Khoát


Bóc đi một tờ lịch

Đời ngắn đi một ngày

Lòng bần thần đưa tiễn

Xác thời gian trên tay



LỜI BÌNH CỦA LƯU XUÂN THANH

         ( Nhà nghiên cứu Dịch lý)



Lịch là thời gian chu kỳ, một phát minh tuyệt vời trong đời sống của nhân loại. Từ xưa tới nay không biết bao nhiêu người đã viết về thời gian? Ở Bắc Ninh chắc cũng nhiều; song tôi mới được đọc có ba bài thơ hay về thời gian: “Cáo tật thị chúng”, bài thơ thiền( bài kệ) của Mãn Giác Thiền Sư ( Lý Trường) một tuyệt tác lưu truyền hậu thế. "Màu thời gian”, một bài thơ siêu thực rất khó hiểu của Đoàn Phú Tứ ( Nhóm Xuân Thu nhã tập trước năm1945). Tờ lịch, bài thơ kiệm ngôn từ, nhưng lạ, sâu sắc của nhà thơ Duy Khoát ( hội viên Hội nhà văn Hà Nội), rất thật về hình tượng, song lại chứa đựng ảo bí nhân sinh…

Thật sự bất ngờ khi anh Duy Khoát diễn đạt thời gian vô hình bằng hình tượng không gì cụ thể hơn:

Bóc đi một tờ lịch

Đời ngắn đi một ngày

Tờ lịch ( lịch pháp) , cách biểu hiện cụ thể của chu kỳ thời gian. Người ta nhìn thấy, nắm bắt được,nhưng bên trong bao ảo bí! Vâng còn gì gần gũi dễ hiểu hơn thời gian. Thời gian ở mọi nơi nhưng cũng không tìm thấy ở nơi nào. Nào ai biết thời gian từ đâu tới, thời gian đi về đâu? Mỗi sáng khi  ngồi uống trà nhìn tia nắng chiếu xuống đóa hoa hồng còn đọng hạt sương long lanh đong đưa theo gió. Giọt cà phê nhỏ xuống ly, tí tách tí tách. Bâng khuâng nghe giọng ca trầm ấm thiết tha của Sĩ Phú: Hà Nội ngày tháng cũ, chiếc lá cô đơn trôi trên vỉa hè. Khi hoàng hôn buông xuống ngồi nhâm nhi ly rượu, đắng lòng nghe tiếng kêu khắc khoải của con chim lạc đàn vỗ cánh bay về phương trời vô định. Tất cả trong đó đều có thời gian, niềm vui, nỗi nhớ đều có thời gian. Thời gian ở trong ý thức.
                                                                Nhà thơ Duy Khoát



Khi trẻ chẳng mấy ai quan tâm đến Lịch, mặc cho thời gian trôi ngày rồi lại đêm nào có khác chi.Nhưng đến một ngày cầm sổ lưu bút ghi những dòng chữ từ biệt bạn bè bao năm chung mái trường, lòng ta thấy bồi hồi xao xuyến thốt lên: Thời gian đi nhanh quá, mới đó mà…Khi cha mẹ chọn một ngày đại hỷ yên bề gia thất cho ta, đó là tín hiệu trưởng thành “tam thập nhi lập”. Rồi sau đó ngang dọc trong vòng đời chìm nổi với bao lo toan được mất, thắng thua, hỷ nộ ái ố. Ta phải quan tâm đến tờ lịch để ghi, tìm cách tiếp cận cấp trên sao cho tốt nhất, khi nào cần gặp cấp dưới, khi nào về thăm đấng sinh thành, khi nào và khi nào?! Không ít người kêu lên: Trờ ơi, hãy cho tôi thêm thời gian. Hoặc nếu còn thời gian tôi sẽ làm lại. Nhất là “ dòng đời trôi đã về chiều”! Đằng sau chiều sâu mỗi tờ lịch đã góp phần không nhỏ giải mã cho người ta hiểu rõ nhiều điều thực và xiêu thực trong cõi đời này.

Một thông điệp lạnh lùng tàn khốc của thời gian. Thời gian là một thuộc tính của vận động và phải gắn với vật thể, vật chất. Thời gian chỉ có một chiều duy nhất là từ quá khứ đến hiện tại và tương lai. Do sự vận động không ngừng của thế giới vật chất, chúng luôn luôn biến đổi nên không thể trở về với trạng thái hay vị trí cũ trước đó được. Vì thế người ta nói: Thời gian một đi không trở lại. Thời gian với văn nhân thi sĩ là sống về dĩ vãng, kỷ niệm về tuổi thơ với bao nhớ nhung  tiếc nuối. Nỗi đau thời gian chính là mình. Nó đã trở thành chính mình. Nhờ thế chúng ta được đọc những áng văn thơ bất hủ của bao bậc tài danh.



Chẳng phải ngẫu nhiên mà nhà thơ Duy Khoát có được thông điệp triết lý sâu sắc đến thế. Anh đã trải nghiệm trong cuộc sống từ khi học xong rồi vào đời ( 1962) . Với bao nhọc nhằn gian khó  lên xuống và trả giá trong cuộc sống. Anh chỉ rõ dù muốn cũng không níu kéo được thời gian vật lý.



Lòng bần thần đưa tiễn



Đừng để phải “đưa tiễn” thời gian trôi đi vô ích. Hãy sống hữu ích, sống vui, sống tốt một ngày là lãi một ngày, ta đã kéo dài thời gian tâm lý. Thử hỏi đã mấy ai bóc được ba vạn sáu nghìn tờ lịch!?



Xác thời gian trên tay



Người viết bài này đã uống cạn tách cà phê rồi đứng bật lên, khi đọc câu thơ tài hoa thực mà ảo “Xác thời gian trên tay” . Chỉ một mảnh giấy mỏng manh đang nằm trong tay, nhưng bên trong chứa cái vô thủy vô chung( thường hằng)  được gọi là Thời gian! Tính luôn biến đổi của thế giới muôn vật trong thế giới này, kể cả “ Xác thời gian”?! Tác giả cho ta biết rõ vô thường là tính chất cơ bản của hiện tượng. Bạn biết không, đơn vị nhỏ nhất của thời gian là satna, một ngày một đêm có 6 tỷ 400 triệu satna. Đọc xong bài thơ của Duy Khoát, tôi nghĩ nếu so với vũ trụ càn khôn thì vòng đời con người còn ngắn hơn ngàn vạn triệu triệu lần một tờ lịch mà ta bóc đi mỗi ngày…Một điều chắc chắn: Thời gian là vị Thần y, thần công lý minh triết, vô tư…



                                                          Quy Nhơn, Thu 2014


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét