Thứ Ba, 1 tháng 8, 2017

“NỖI THƯƠNG MÌNH” TRONG “TRUYỆN KIỀU” SO VỚI NGUYÊN VĂN TRONG “KIM VÂN KIỀU”





 “NỖI THƯƠNG MÌNH” TRONG “TRUYỆN KIỀU” SO VỚI NGUYÊN VĂN TRONG “KIM VÂN KIỀU”
                                                 Vũ Nho

Thực ra, nguyên văn trong Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Tử không phải là văn xuôi, mà là một bài ca của Kiều có nhan đề “Khốc hoàng thiên” (Khóc trời xanh) được nàng phổ nhạc vào khúc Hồ cầm, mở đầu của hồi 11
(Nức nở kêu trời, bình khang gửi hận/ Chơi bời quen thói toan đúc nhà vàng).
Nguyên văn như sau:
KHỐC HOÀNG THIÊN
(Khóc trời xanh)
Xót mệnh bạc gặp cơn biến cố
Liều cứu cha mắc hố lửa hồng
Mũi dao toan đã liều cùng
Cam tâm chịu nhục thề không lẽ nào.
Bỗng đâu lại mắc vào gian kế
Miệng dù trăm khôn lẽ biện minh
Xà cao đã bị treo mình
Thịt da bị đánh tan tành máu rơi
Tam tứ thứ chết rồi sống lại
Chẳng thương tình vẫn phải kêu van
Dừng tay lại bắt cam đoan
Làm tiền rước khách nồng nàn mới tha
Thiếp vốn thị con nhà khuê các
Nghề ăn chơi đơn bạc biết đâu
Nghe lời giáo huấn ban đầu
Thực vô liêm sỉ những câu ê chề
Chăn gối bảo học nghề ma mọi
Phấn son tô đêm tối gạ người
Khách chưa ngủ vẫn phải ngồi
Khách đà ngủ kĩ im hơi đợi chờ
Đã sự khách nghi ngờ bẽn lẽn
Lại đề phòng khách lẻn trốn ra
Bông đùa gặp kẻ tham hoa
Cũng nên lăn lóc mặn mà hỏi han
Khách quen thuộc lọ bàn chi nữa
Người lạ xa phải lựa tính tình
Gặp phường lỗ mãng lưu manh
Cũng nên niềm nở tỏ tình mến yêu
Má má chỉ ham nhiều tiền bạc
Xấu tốt đều nhất loạt hoan hô
Hoa tươi bảo chắp cành khô
Mĩ nhân sánh với côn đồ cũng ưng
Gặp thối miệng vổ răng khôn tránh
Lở ghẻ hay tật bệnh chẳng nề
Hễ mà hơi tỏ ý chê
Ra tay đánh mắng tức thì chẳng sai
Sống làm vợ muôn người chưa đủ
Thác đi mồ vô chủ ai hay
Sinh ra phận gái khổ thay
Gái mà kĩ nữ khổ rày gấp trăm
Phận tì thiếp còn nhằm có chủ
Đời ca nhi sinh tử chắc đâu
Khóc trời tả lại mấy câu
Ngâm lên một chữ dạ sầu muôn chung
Nhắn nhủ bạn lầu hồng ai đó
Lò lửa mau thoát chỗ hiểm nghèo
Đợi khi ngoài cửa vắng teo
Gió thu than khóc, hồn tiêu đến ngày.
Bài ca này ai nghe cũng phải động mối thương tâm, mà người nào mục kích thì cũng sa lệ. Thúy Kiều đem phổ nhạc vào khúc Hồ cầm, một khi dạo lên, nghe càng ai oán não nuột. Chẳng những chị em trong hàng viện phải khóc nức nở mà cả đến con heo dữ như mụ Tú Bà cũng không ngăn nổi một vài giọt nước mắt hão.
Lúc ấy, trong vùng có một chàng thư sinh họ Thúc, tên Thủ, tự là Kì Tâm…”. (Truyện Kiều đối chiếu, trang 228-230).
Còn đây là đoạn thơ của Nguyễn Du trong TK. Vì đoạn thơ quá dài nên chúng tôi chỉ đánh dấu câu bắt đầu và câu kết thúc. Bắt đầu từ câu:
Gót đầu vâng dạy mấy lời (số 1217)
Kết thúc ở câu:
 Sao cho sỉ nhục một lần mới thôi (số 1274).
Tổng số câu lục bát là 58 câu. Số trang in tương đương nhau khoảng 2 trang.
Những gì Nguyễn Du đã làm khác?

- Thứ nhất, Nguyễn Du đã dùng nghệ thuật thơ lục bát để diễn tả nội dung của một ca từ tựa như thơ của khúc hát “Khóc trời xanh”. Tuy hai bên đều là thơ, nhưng diễn đạt của Nguyễn Du không phải là dịch thơ sang thơ.
- Thứ hai, toàn bộ nội dung khúc ca “Khóc trời xanh” trong KVK chỉ tóm tắt quá trình Kiều bán mình, bị lừa, bị đánh rồi bị ép tiếp khách; sự hổ thẹn khi học “nghề ma mọi”. Còn lại là nỗi khổ của người làm nghề kĩ nữ ở chốn lầu xanh. Trong khi Nguyễn Du đã lược bỏ hầu hết nội dung này và thay bằng những ý khác. Nhà thơ Việt Nam chỉ giữ lại nội dung đoạn đau đớn, hổ thẹn của một người con nhà tử tế bị ép buộc học nghề kĩ nữ:
Xót mình cửa các buồng khuê
Vỡ lòng học lấy những nghề nghiệp hay
Khéo là mặt dạn, mày dày.
- Thứ ba, bỏ những câu tả nỗi khổ của người làm nghề kĩ nữ, Nguyễn Du đưa vào cảnh ăn chơi nơi chốn lầu xanh với những câu thơ khái quát cao về bản chất công việc:
Biết bao bướm lả ong lơi
Cuộc say đầy tháng, trận cười suốt đêm
Dập dìu lá gió cành chim
Sớm đưa Tống Ngọc, tối tìm Tràng Khanh.
- Thứ tư, Nguyễn Du thêm vào những câu thơ diễn tả nỗi thương mình của chính Thúy Kiều. Những nội dung này không hề có trong KVK:
Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh
Giật mình, mình lại thương mình xót xa
Khi sao phong gấm rủ là
Giờ sao tan tác như hoa giữa đường
Mặt sao dày gió dạn sương
Thân sao bướm chán ong chường bấy thân
(Giáo sư Lê Trí Viễn, một chuyên gia hàng đầu về Văn học trung đại đã bình giảng rất sâu sắc và thấm thía đoạn trích Nỗi thương mình trong sách "Những bài giảng văn ở Đại học").
Thứ năm, Nguyễn Du đã không chú ý đến nội dung bài ca nói nỗi khổ chung của người phải làm nghề kĩ nữ. Nhà thơ nói những nỗi khổ của chính bản thân Kiều, về thái độ đau khổ, cô đơn của chính nàng Kiều cả những lúc "vui gượng", cho đến sự "thờ ơ" vô cảm "Mặc người mưa Sở, mây Tần":
Vui là vui gượng kẻo là
Ai tri âm đó mặn mà với ai
Thờ ơ gió trúc mưa mai
Thứ sáu, Nguyễn Du để cho Kiều nhớ đến người thân của mình trong hoàn cảnh "Ngẩn ngơ trăm mối dùi mài một thân". Đưa những nhớ nhung về người thân của Kiều vào đoạn này là rất hợp. Đây là một sáng tạo hoàn toàn của Nguyễn Du. Ngay cả trật tự nhớ, nhà thơ cũng cho thấy tính chất hợp lí của thứ tự những người được nhớ đến. (Nếu so sánh với những lần nhớ người thân trước đây).
Thứ bảy, thay vì nói chuyện ai nghe khúc "Khóc trời xanh" cũng cảm động, kể cả Tú Bà cũng rớt nước mắt, Nguyễn Du đã dùng các câu thơ lục bát để diễn tả ấn tượng của mình với cuộc đời Kiều và đời người "hồng nhan". Đây cũng là cách nhà thơ thường làm để chuyển đoạn một cách mềm mại và khéo léo:
Lần lần thỏ bạc ác vàng
Xót người trong hội Đoạn Trường đòi cơn
Đã cho lấy chữ hồng nhan
Làm cho cho hại cho tàn cho cân
Đã đầy vào kiếp phong trần
Sao cho sỉ nhục một lần mới thôi
Bảy điều Nguyễn Du làm khác biệt Thanh Tâm Tài Tử. Bảy điều đó là những sáng tạo của Nguyễn Du. Đặc biệt về “nỗi thương mình” và về “nỗi lòng” nhớ người thân. Nỗi nhớ cho thấy một nàng Kiều luôn luôn trọng chữ Tình, chữ Hiếu. Nàng là người tình nặng, nghĩa dày. Đó cũng là một nét làm cho nhân vật Kiều của Nguyễn Du đẹp hơn, sâu sắc hơn, đầy đặn hơn so với nàng Kiều trong KVK.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét