Thứ Bảy, 19 tháng 8, 2017

Thơ Đường chủ đề biên tái ( tiếp)



 

Thơ Đường chủ đề biên tái ( tiếp)

Nguyễn Ngọc Kiên chọn dịch

 

- 柳中庸

 

Phiên âm:

 HÀ KIỀU DƯƠNG TỐNG BIỆT – LIỄU TRUNG DUNG

Hoàng Hà lưu xuất hữu phù kiều,
Phổ quốc cựu nhân thử lộ dao.
Nhược bạng lan can thiên lý vọng,
Bắc phong khu mã vũ tiêu tiêu.

Dịch nghĩa:

TIỄN BIỆT TRÊN CẦU HÀ DƯƠNG – LIỄU TRUNG DUNG

Sông Hoàng Hà khi chảy tới đây phải qua một cầu nổi,
Người dân nước Phổ cũ phải qua lại trên cầu này.
Nếu tựa lan can mà ngắm từ xa,
Thấy gió bấc thổi như thôi thúc ngựa, mưa ào ào.

Dịch thơ:

TIỄN BIỆT TRÊN CẦU HÀ DƯƠNG – LIỄU TRUNG DUNG

Hoàng Hà  cầu nổi chảy qua đây
Dân Phổ cũ qua lại cầu này
Nếu tựa lan can từ xa ngắm
Gió như thúc ngựa với mưa bay

NHÀ THƠ ĐỖ PHỦ (Xem các kì trước)

杜甫


Phiên âm:

TIỀN XUẤT TÁI KÌ 4 – ĐỖ PHỦ

Tống đồ ký hữu trường,
Vận thú diệc hữu thân.
Sinh tử hướng tiền khứ,
Bất lao lại nộ phún.
Lộ phùng tương thức nhân,
Phụ thư dư lục thân:
"Ai tai lưỡng quyết tuyệt,
Bất phục đồng khổ tân!"


Dịch nghĩa:

TRƯỚC KHI RA ẢI (KÌ 4) – ĐỖ PHỦ

Phè phỡn thì đã có các cấp trên,
Đi xa để giữ biên cương thì có thân này.
Sống hay chết đều phải tiến lên phía trước,
Phải dằn lòng không được có ý kiến gì.
Trên đường tiến quân may gặp được người quen biết,
Chỉ viết vội vài hàng về thăm cha mẹ anh em vợ con thôi.
Lòng đau khổ quá không nói được hết,
Trong cảnh khổ mà có ai chung với mình đâu.
 (Năm 752)

 Dịch thơ:

TRƯỚC KHI RA ẢI (KÌ 4) – ĐỖ PHỦ

Phè phỡn có cấp trên
Giữ ải có thân này
Sống chết đều  đi tới
Không ý kiến tỏ bày
Dọc đường người quen gặp
Viết cho người thân hay
Đau khổ không nói hết
Không người để giãi bày. 

 

NHÀ THƠ VƯƠNG XƯƠNG LINH
Vương Xương Linh 王昌齡 (khoảng 698-756) tự Thiếu Bá 少伯, người đất Giang Ninh (tỉnh Giang Tô), năm 727 (đời Ðường Huyền Tông), thi đậu tiến sĩ, được bổ làm chức hiệu thư lang. Sau vì sơ suất về hành vi, bị biếm ra làm chức úy tại Long Tiêu, ở phía Tây sông Tương. Khi trở về quê nhà, gặp lúc loạn lạc, bị Thứ sử Lư Khâu Hiển giết chết vì tư thù.

Vương Xương Linh được người đương thời xưng là Thi thiên tử, có bạn thân là Vương Chi Hoán và Tân Tiệm.

王昌齡

 


Phiên âm:

TÒNG QUÂN HÀNH KÌ 6 – VƯƠNG XƯƠNG LINH

Hồ bình lạc bạc, tử bạc hãn,
Toái Diệp thành tây thu nguyệt đoàn.
Minh sắc tinh trì phong bảo kiếm,
Từ quân nhất dạ thủ Lâu Lan.

Dịch nghĩa:

BÀI CA TÒNG QUÂN KÌ 6 – VƯƠNG XƯƠNG LINH

Bình nước của giặc Hồ rơi rớt, ngựa bạc hãn lông tía vô chủ,
Trăng thu tròn soi trên thành Toái Diệp mới chiếm.
Sắc lệnh hoả tốc vua ban thôi chinh chiến,
Giã từ ông một đêm giữ vững đất Lâu Lan.

Dịch thơ:

BÀI CA TÒNG QUÂN KÌ 6 – VƯƠNG XƯƠNG LINH

Bình Hồ rơi rớt, ngựa hoang mang
Toái Diệp trăng thu rọi ánh vàng
Đình chiến sắc vua truyền hỏa tốc
Giã từ một tối giữ Lâu Lan.


  – VƯƠNG XƯƠNG LINH


Phiên âm:

TÒNG QUÂN HÀNH – VƯƠNG XƯƠNG LINH

Đại tướng quân xuất chiến,
Bạch nhật ám Du quan.
Tam diện hoàng kim giáp,
Thiền Vu phá đảm hoàn.

Dịch nghĩa:

BÀI CA HÀNH QUÂN -  VƯƠNG XƯƠNG LINH

Đại tướng thống lĩnh đại quân mở cửa thành ra giao chiến,
Khói lửa làm mờ ánh mặt trời nơi thành ải Du.
Quân triều đình ba mặt mặc áo giáp tiến công,
Chúa Thiền Vu sợ vỡ mật rút quân chạy về.

Dịch thơ:

BÀI CA HÀNH QUÂN -  VƯƠNG XƯƠNG LINH

Đại tướng mở cửa thành giao chiến
Khói lửa mịt mờ ẩn hiện ải Du
Ba mặt quyết tiến công thù
Sợ vỡ mật chúa Thiền Vu chạy dài.

NHÀ THƠ ĐỖ MỤC
Đỗ Mục 杜牧 (803-853) tự Mục Chi 牧之, hiệu Phàn Xuyên 樊川, người Vạn Niên, quận Kinh Triệu (nay là Trường An, tỉnh Thiểm Tây). Ông nội Đỗ Hựu vừa là một tể tướng giỏi về lý tài, vừa là một sử gia biên soạn sách Thông điển. Anh là Đỗ Sùng, phò mã, làm đến tiết độ sứ, rồi tể tướng. Đỗ Mục có dáng dấp thanh tú, tính thích ca nhạc, ưa phóng tong, còn nhỏ đã nổi tiếng văn tài. Khi mới lên kinh sư, được Thái học bác sĩ Ngô Vũ Lăng đưa thư văn đến cho quan chủ khảo là thị lang Thôi Uyển xem. Thôi rất kinh ngạc về bài A Phòng cung phú. Năm 828, hai mươi sáu tuổi, ông đỗ tiến sĩ, lại đỗ luôn khoa chế sách Hiền lương phương chính, được bổ chức hiệu thư lang ở Sùng văn quán, rồi ra làm đoàn luyện tuần phủ tại Giang Tây, sau đó đến Hoài Nam làm thơ ký cho tiết độ sứ Ngưu Tăng Nhụ, lại đổi về làm giám sát ngự sử tại Lạc Dương. Năm 835, ông đi chơi Hồ Châu, rồi cứ bị đổi làm thứ sử hết nơi này đến nơi khác (Hoàng Châu, Từ Châu, Mục Châu). Năm 849, ông nhờ một người bạn làm tướng quốc xin cho về thái thú Hồ Châu, sau đổi khảo công lang trung tri chế cáo, và cuối cùng làm Trung thư xá nhân. Tác phẩm có Phàn Xuyên thi tập (20 quyển), chú giải Tôn Vũ binh pháp (13 thiên, do Tào Tháo soạn).

Đỗ Mục có lý tưởng khôi phục thịnh thế của nhà Đường nên chú ý nghiên cứu các vấn đề kinh tế, quân sự, viết những bài chính luận bàn về trị loạn, thủ chiến, chú giải cả bộ binh thư Tôn Vũ. Trong sinh hoạt ông phóng tong tự do, không câu nệ tiểu tiết, coi thường lễ giáo. Về văn học, ông có những kiến giải tiến bộ, “lấy ý làm chủ, lấy khí làm phụ, lấy từ ngữ chương cú làm binh vệ” (Đáp Trang Sung thư), làm văn vì sự việc chứ chẳng phải “không ốm mà rên” (vô bệnh thân ngâm). Ông cố gắng đem chủ trương ấy vào trong sáng tác nên có ý nghĩa hiện thực khá mạnh, khả dĩ nối tiếp dư phong Bạch Cư Dị.

Đỗ Mục có nhiều bài thơ ưu thời mẫn thế, nặng lòng lo cho dân cho nước (Cảm hoài, Quận trai độc chước, Hà hoàng, Tảo nhạn,...) hoặc bi phẫn khiển trách bon hôn quân bạo chúa (Quá Ly Sơn tác, Quá Hoa Thanh cung,...), cũng có bài cảm tác về đời người vì bản thân lận đận, bất đắc chí (Cửu nhật Tề sơn đăng cao, Lạc Dương trường cú,...). Một số vần thơ ngắn trữ tình của ông là những bài xuất sắc nhất. Mỗi bài vừa là một bức tranh màu sắc tươi tắn, vừa là một tâm tình nhàn nhã, có khi phảng phất buồn, lãng mạn mà không suy đồi (Sơn hành, Bạc Tần Hoài, Thán hoa, Giang Nam xuân,...). Thơ thất tuyệt của ông rất được ưu thích, ngay vịnh sử cũng không khô khan (Xích Bích hoài cổ, Kim Cốc viên, Đề Ô giang đình,...). Ông có thể dựng nên những cảnh đẹp trong một khuôn khổ ngắn gọn; ý tình hàm súc được diễn đạt qua những lời lẽ điêu luyện. Ông không trội ở ngôn từ hoa mỹ bóng bẩy, cũng không trội ở chỗ cầu kỳ, quái đản mà bằng ngòi bút nhẹ nhàng vẽ nên những cảnh sắc đẹp đẽ, rung động lòng người một cách rất tự nhiên... 

杜牧


Phiên âm:
BIÊN THƯƠNG VĂN HỒ GIÀ KÌ 1 -  ĐỖ MỤC 
Hà xứ xuy già bạc mộ thiên,
Tái viên cao điểu một lang yên.
Du nhân nhất thính đầu kham bạch,
Tô Vũ tằng kinh thập cửu niên.

Dịch nghĩa:

NGHE TIẾNG KÈN HỒ (KÌ 1) – ĐỖ MỤC

Trời gần tối, nơi nào cất lên tiếng kèn Hồ,
Tường thành biên ải chim bay cao che khuất khói phân sói.
Khách đến thăm biên ải nghe tiếng khèn khiến đầu trắng ra,
Thế mà ông Tô Vũ đã từng ở mười chín năm.


Hồ già là nhạc khí thổi hơi của dân tộc thiểu số phương bắc Trung Hoa, tương truyền do Trương Khiên du nhập từ Tây Vực về từ đời Hán. Âm thanh lạnh và bi thương, qua nhiều lần cải tiến, nhất là của Lý Diên Niên, nổi tiếng nhát là "Hồ già thập bát phách" của Thái Văn Cơ (Từ nguyên).

 Dịch thơ:

NGHE TIẾNG KÈN HỒ KÌ 1 – ĐỖ MỤC

Gần tối kèn Hồ vẳng đâu đây
Tường thành biên ải khói, chim bay
Nghe qua khách đến đầu trắng xóa
Tô Vũ từng mười chín năm nay.

- 杜牧


Phiên âm:
BIÊN THƯƠNG VĂN HỒ GIÀ KÌ 2 -  ĐỖ MỤC 
Hải lộ vô trần biên thảo tân,
Vinh khô bất kiến lục dương xuân.
Bạch sa nhật mộ sầu vân khởi,
Độc cảm ly hương vạn lý nhân.

Dịch nghĩa:

NGHE TIẾNG KÈN HỒ KÌ 2 – ĐỖ MỤC

Đường về phía biển không bụi, hai bên cỏ mới mọc
Nhưng tươi hay khô cũng chẳng phải màu xanh của liễu xuân
Mặt trời lặn, cát trắng, mây buồn trôi nổi
Khiến lính xa nhà ôm riêng mình nỗi đau xa quê

Dịch thơ:

NGHE TIẾNG KÈN HỒ KÌ 2 – ĐỖ MỤC

Đường biển không bụi cỏ nhú dần
Chẳng phải tươi khô màu liễu xuân
Trời lặn  cát trắng mây trôi nổi
Lính xa nhà nỗi nhớ quê thân.

- 杜牧


Phiên âm:
BIÊN THƯỢNG VĂN HỒ GIÀ KÌ 3 -  ĐỖ MỤC 
Hồ sồ xuy địch thướng cao đài,
Hàn nhạn kinh phi khứ bất hồi.
Tận nhật xuân phong xuy bất tản,
Chích ưng phân phó khách sầu lai.

Dịch nghĩa:

NGHE TIẾNG KÈN HỒ KÌ 3 – ĐỖ MỤC

Chàng trai trẻ người Hồ, lên lầu canh cao thổi địch
Gặp lạnh, những con nhạn kinh sợ bay đi không ngoảnh đầu lại
Suốt ngày gió xuân thổi không lúc nào ngừng nghỉ
Như chỉ muốn chia nỗi sầu cho những người lính

Dịch thơ:

NGHE TIẾNG KÈN HỒ KÌ 3 – ĐỖ MỤC

Chàng trai Hồ thổi sáo lầu cao
Gặp lạnh, nhạn bay chẳng ngoái đầu
Gió thổi suốt ngày xuân chẳng nghỉ
Như chia cùng lính những nỗi sầu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét