Thứ Sáu, 17 tháng 8, 2018

Bài thơ THÊM MỘT của Trần Hòa Bình với lời bình Vũ Nho



  


THÊM MỘT

 TRẦN HÒA BÌNH

Thêm một chiếc lá rụng
Thế là thành mùa thu
Thêm một tiếng chim gù
Thành ban mai tinh khiết...
Dĩ nhiên là tôi biết
Thêm một -  lắm điều hay
Nhưng mà tôi cũng biết
Thêm một -  phiền toái thay
Thêm một lời dại dột
Tức thì em bỏ đi
Nhưng thêm chút lầm lì
Thế nào em cũng khóc
Thêm một người thứ ba
Chuyện tình đâm dang dở
Cứ thêm một lời hứa
Lại một lần khả nghi !
Nhận thêm một thiếp cưới
Thấy mình lẻ loi hơn
Thêm một đêm trăng tròn
Lại thấy mình đang khuyết...
Dĩ nhiên là tôi biết
Thêm một - lắm điều hay...
1985

Lời bình của Vũ Nho
Người ta thường quan niệm triết học ấy là công việc của trí tuệ, còn thơ là công việc của trái tim. Cũng có những vần thơ mang tính chất triết học, nhưng phần nhiều là triết lý, chứ ít khi đi vào các phạm trù và các quy luật cơ bản, vốn là mảnh đất riêng của môn triết.
Tác giả trẻ Trần Hoà Bình làm thơ, anh không hề nghĩ là mình viết triết, anh cũng không có cả ý định triết lí nữa. Nhưng chính sự không để ý ấy đã làm cho thơ của anh là thơ đích thực và cũng là triết học đích thực chứ không phải "có màu sắc triết học" do người viết cố ý nhuộm vào.
Khổ thơ đầu của "Thêm một" tự nó là một sự cảm nhận rất tinh tế về thiên nhiên, nhưng nếu từ góc độ triết học thì bốn câu thơ ấy là quy luật lượng đổi chất đổi được trình bày hết sức sinh động và cụ thể đến mức có thể cân đong đo đếm được... Mà tuy cân đong đo đếm nhưng lại vẫn cứ mơ hồ, cứ trừu tượng. Và do đó triết đấy mà vẫn đầy chất thơ và trước hết là thơ : 
Thêm một chiếc lá rụng
Thế là thành mùa thu
Thêm một tiếng chim gù
Thành ban mai tinh khiết...

Tưởng không có gì có thể cụ thể hơn nữa : một chiếc lá, một tiếng chim. nhưng cũng không có gì trừu tượng hơn là đại lượng của những chiếc lá rụng, những tiếng chim đã gù, và thời điểm khởi thuỷ của mùa thu, khởi thuỷ của ban mai tinh khiết. Cái đó chưa thể kiểm soát được, nhưng chắc chắn là có thật như cuộc đời, như tự nhiên và xã hội mà triết học đã khái quát thành phạm trù, quy luật.
Như đã nói, tác giả đâu có chú ý đến việc trình bày vấn đề triết học bằng thơ. Anh thấy những "thêm một" lắm điều hay, và bằng thực tế, anh muốn tâm sự : còn có những "thêm một" phiền toái thay ! Đây, những ví dụ về sự phiền toái anh kể ra. Có đến sáu trường hợp ở nhiều lĩnh vực khác nhau : trong tình yêu riêng của hai người, trong tình yêu tay ba, trong ứng xử, trong giao tiếp bạn bè, trong cảm nhận về thời gian... Tất cả các câu thơ - ví dụ đều hết sức sinh động chính xác không ai có thể hoài nghi. Tất nhiên người khó tính có thể chua thêm "và không mới lạ" ! Vâng, quả là không có gì mới lạ, chúng ta đều gặp hay đã biết cả. Nhưng có điều này : chúng ta gặp rồi chúng ta bỏ qua, chúng ta không để ý. Còn nhà thơ gặp, với sự nhạy cảm của thi sĩ và của triết nhân, anh lập tức xếp chúng vào một hệ thống. Và đến bây giờ thì chúng ta đọc và chúng ta giật mình nhận ra Phép Biện Chứng, cái phần quan trọng của triết học được trình bày hết sức tự nhiên và hàm súc : 
Thêm một -  lắm điều hay
Thêm một -  phiền toái thay
Không phải là con người không thông, không vận dụng được phép biện chứng của triết học trong cuộc sống. Nhưng thông lý luận thì dễ, còn đời thường thì người ta cứ phiến diện, cứ cực đoan. Cứ hễ thêm thì bằng bất kỳ giá nào người ta cũng thích thêm cho bằng được. Thêm chức tước, thêm tiền lương, thêm xe máy, thêm tiền thưởng... Nhưng thêm khuyết điểm, thêm tai hoạ, thêm một cuốn sách tồi, thêm một bài thơ dở... và bao nhiêu điều phiền toái nữa thì sao ? Dĩ nhiên chẳng có ai lại muốn thêm và cố ý thêm những điều tai hại nhìn thấy nhỡn tiền. Điều mà tác giả muốn nói với chúng ta là sự tinh tế này : có những điều thêm hoặc là vô hại, hoặc là vui vẻ tốt đẹp nữa (thêm thiếp cưới, thêm trăng tròn) nhưng cái vui ngay, cái lợi trước mắt tự nó lại đã chứa đựng cái mầm của buồn rầu, cái hại của mai sau. Đây chính là chỗ mà người ta hay lầm lẫn, hay phạm sai lầm nhất.
Vốn rất tôn trọng bạn đọc nên Trần Hoà Bình kết thúc bài thơ bằng cách điệp lại một nửa khổ thơ thôi : 
Dĩ nhiên là tôi biết
Thêm một lắm điều hay
Nhưng rõ ràng mạch trình bày tự nó đã mang lời tâm tình nhắn gửi : Hãy cảnh giác với những thêm một "phiền toái thay", nhất là khi nó khoác áo điều hay hoặc nó là điều hay tạm thời trong chốc lát.

 In trong Bình Thơ, nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2015










Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét